Điện Gia Lai (GEG) đạt 386 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC - HOSE) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022, tiếp tục ghi nhận tăng trưởng ổn định trong hoạt động kinh doanh sản xuất điện.
Điện Gia Lai (GEG) đạt 386 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng

GEG báo doanh thu trong quý III/2022 đạt hơn 521 tỷ đồng, tăng trưởng 67%. Dù giá vốn đội lên gấp hơn 2 lần (gần 303 tỷ đồng), Công ty vẫn lãi gộp gần 219 tỷ đồng, đạt tăng trưởng 21% so với cùng kỳ 2021.

Doanh thu từ hoạt động tài chính trong kỳ tăng đột biến lên gần 175 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ, với hầu hết là khoản lợi nhuận từ việc chuyển nhượng cổ phần (165 tỷ đồng). Chi phí tài chính cũng tăng mạnh lên gần 178 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay chiếm gần 147 tỷ đồng.

GEC hiện đang vận hành và thi công 23 nhà máy năng lượng tái tạo đa dạng loại hình từ thủy điện, điện mặt trời, áp mái và điện gió tại 14 tỉnh, thành phố với tổng công suất 728 MWp đưa doanh thu bán điện trở thành nguồn doanh thu chính của Công ty với tỷ trọng 92% trong doanh thu thuần. Nguồn doanh thu này ghi nhận sự tăng trưởng và đạt 1.472 tỷ đồng; còn lại là doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và xây lắp.

5 nhà máy điện mặt trời và 34 hệ thống áp mái 300 MWp đạt sản lượng 302 triệu kWh, tương đương 668 tỷ đồng doanh thu - chiếm 39% sản lượng và 46% doanh thu bán điện.

Đứng thứ 2 trong đóng góp sản lượng và doanh thu bán điện là 3 nhà máy điện gió 130 MW tại Tiền Giang, Gia Lai và Bến Tre với 239 triệu kWh và 534 tỷ đồng, lần lượt chiếm 31% và 36%.

Nhờ vào tình hình thủy văn thuận lợi nên 12 nhà máy thủy điện - 81 MW tại các khu vực Gia Lai, Lâm Đồng và Huế ghi nhận 229 triệu kWh sản lượng điện tương ứng 271 tỷ đồng doanh thu bán điện, tăng 29% cùng kỳ và chiếm 30% sản lượng - 18% doanh thu bán điện của toàn hệ thống.

Các nhà máy năng lượng tái tạo đã sản xuất 770 triệu kWh sản lượng điện, tăng trưởng so với cùng kỳ, góp phần giảm phát thải CO2 thêm 650.650 tấn so với dự kiến 845.000 tấn CO2 của năm 2022.

Lũy kế từ 2010 đến 9 tháng 2022, GEC đang cung cấp gần 4,8 tỷ kWh cho lưới điện quốc gia, giảm phát thải lên đến 9,3 triệu tấn CO2 - chiếm 23% giảm phát thải cả năm 2021 và cung ứng điện cho hơn 3 triệu hộ gia đình - chiếm 12% số hộ gia đình tại Việt Nam năm 2021.

Doanh thu thuần hợp nhất lũy kế 9 tháng 2022 ghi nhận 1.597 tỷ đồng, tăng trưởng cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp duy trì cao, đạt mức 50%, ghi nhận con số tích cực so với mức 39% của trung bình ngành.

Tỷ lệ chi phí quản lý doanh nghiệp/doanh thu và các chi phí cơ bản khác chiếm khoảng 7%, giảm nhẹ 1% cùng kỳ khi Công ty đã thực hiện tốt việc kiểm soát chi phí trong bối cảnh lãi suất và tỷ giá đang tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Lợi nhuận trước thuế và Lợi nhuận sau thuế 9 tháng 2022 đạt 386 tỷ đồng và 349 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản đạt 16.157 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm, đến từ sự tăng trưởng của tài sản ngắn hạn với tỷ lệ tăng 47%.

Tiền và các khoản tương đương tiền tăng mạnh 160% lên 650 tỷ đồng đảm bảo các chỉ số về thanh toán và Hệ số Khả năng thanh toán lãi vay trong các năm gần đây luôn duy trì ở mức 2 lần - đáp ứng tốt khả năng trả lãi của Công ty.

Tài sản dài hạn dở dang ghi nhận 3.958 tỷ đồng chủ yếu là dự án Điện Gió Tân Phú Đông 1 - 100 MW đang xây dựng và dự kiến đi vào vận hành vào cuối năm 2022.

Tổng nợ vay tính đến cuối tháng 9/2022 ghi nhận 7.781 tỷ đồng nhưng hệ số nợ vay/vốn Chủ sở hữu và nợ vay/tổng tài sản đã cải thiện đáng kể khi lần lượt giảm 16% và 15% so với đầu năm với sự tăng trưởng của tổng tài sản và vốn chủ sở hữu tương ứng.

GEG vừa hoàn thành việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản và công bố thông tin Nghị quyết HĐQT thực hiện các thủ tục để phát hành 64,2 triệu cổ phần ưu đãi tương ứng với 642 tỷ đồng cho Ngân hàng DEUTSCHE INVESTITIONS - UND (DEG) sau hơn 1 năm thực hiện thẩm định và đàm phán.

Cổ phần Ưu đãi cổ tức chỉ được phép chuyển đổi thành cổ phần phổ thông sau 24 tháng với giá chuyển đổi lên đến 32.000 đồng/cổ phiếu và cổ tức ưu đãi cố định 6%/năm.

Đây được xem là mức cổ tức ưu đãi thấp trong bối cảnh chi phí huy động vốn đang tăng mạnh trên thị trường trong thời gian gần đây. DEG đã thực hiện các thương vụ đầu tư khoảng 100 triệu USD tại thị trường Việt Nam, tập trung vào các ngành ngân hàng, tiêu dùng, bất động sản và công nghiệp.

Với hơn 60 năm thương hiệu, hoạt động trên 19 quốc gia với tổng tài sản khoảng 7,1 tỷ EUR vào cuối năm 2021, DEG hoạt động cùng sứ mệnh hỗ trợ phát triển các Doanh nghiệp hoạt động theo chuẩn mực ESG (môi trường, Xã hội và quản trị) đặc biệt là tập trung vào phát triển Ngành Năng lượng tái tạo với các Doanh nghiệp thực hiện các hoạt động quản trị Công ty theo thông lệ tốt và đánh giá E&S (Môi trường Xã hội) theo tiêu chuẩn quốc tế IFC.

Khoản tiền thu được sẽ được dùng vào bổ sung vốn lưu động, đầu tư phát triển các Dự án năng lượng tái tạo theo chiến lược đã đề ra.

Tin bài liên quan