Đại sứ Nguyễn Trung Thành - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tham gia với tư cách là chủ tọa Diễn đàn.
Không chỉ có các công ty ở trong nước mà cả những công ty Việt Nam tại Nga và Ba Lan cũng đã tới tham gia Diễn đàn này.
Phái đoàn Việt Nam đã phối hợp cùng với Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) để tổ chức Diễn đàn này nhằm tạo mạng lưới cùng hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các công ty Thụy Sĩ cũng như các tổ chức khác.
Diễn đàn tập trung vào các lĩnh vực chính có nhiều tiềm năng, có sức hút và lôi kéo được sự quan tâm trong khía cạnh phát triển kinh doanh giữa các công ty Việt Nam và Thụy Sĩ.
Ông Paul Wessendorp, Trưởng khu vực Xúc tiến Đầu tư UNCTAD, đồng chủ tọa Diễn đàn, đã đánh giá cao những bước tiến đáng khâm phục trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam.
Quyết định cho phép các công ty tư nhân mở cửa nền kinh tế cho đầu tư nước ngoài, cùng một loạt cải cách cơ cấu khác đã thúc đẩy phát triển công nghiệp, đa dạng hóa nền kinh tế, mang lại sự thịnh vượng cũng như hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Điều đó thể hiện qua việc Việt Nam là một trong những nước tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gần đây.
Việt Nam hiện đang là một những những nước đi đầu ở châu Á, cung cấp các thông tin chi tiết và minh bạch về các thủ tục đầu tư cho các doanh nghiệp trên khắp thế giới.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cũng đã giới thiệu những cải thiện về môi trường đầu tư và sự hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp làm ăn tại Việt Nam. Phó Tổng giám đốc Vụ hợp tác quốc tế - Bộ Tài chính Trần Văn Sơn cũng đã trình bày các cơ hội đầu tư và thương mại ở Việt Nam đáp ứng các nhu cầu của nhiều doanh nghiệp Thụy Sĩ.
Ông Vincent Subilia, Phó Giám đốc phụ trách các vấn đề trọng tài quốc tế của Phòng Thương mại, Công nghiệp và Dịch vụ Geneva (CCIG), cũng giới thiệu các cơ hợp đầu tư và kinh doanh ở Thụy Sĩ cho các doanh nhân Việt Nam có mặt tại Diễn đàn.
Các chuyên gia UNCTAD lần lượt đưa ra những phân tích, đánh giá khách quan về thị trường Việt Nam.
Ông Frank Grozel, điều phối chương trình thuận lợi hóa kinh doanh, đã đưa ra một số nhận xét và thuận lợi hóa thương mại điện tử và môi trường kinh doanh của Việt Nam. Do có đặc thù xuyên biên giới rất cao nên sự phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam cần có mối liên hệ chặt chẽ với các nước khác.
Các tổ chức và doanh nghiệp nên áp dụng các chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử chung của quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch quốc tế thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại.
Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva được thành lập từ năm 1984 và đây là lần đầu tiên tổ chức thành công diễn đàn kinh doanh cho các doanh nghiệp ở Geneva.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Phái đoàn là cung cấp và tạo cầu nối xúc tiến đầu tư thương mại cho các công ty Việt Nam và Thụy Sĩ.
Trong những năm gần đây, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Thụy Sĩ được duy trì ở mức 663 triệu USD.
Trong 10 tháng đầu năm 2015, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Sĩ đạt giá trị 184 triệu USD, còn tổng kim ngạch nhập khẩu từ Thụy Sĩ là 340 triệu USD.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Thụy Sĩ đứng thứ 18 trong 101 quốc gia với 102 dự án đạt tổng giá trị hơn 2 tỷ USD tính đến cuối năm 2014.
Một số công ty Thụy Sĩ được biết đến ở Việt Nam từ rất sớm như Công ty xi măng Holcim, Tập đoàn thực phẩm Nestle, hãng Bảo hiểm Generalli Insurance, Tập đoàn ABB chuyên cung cấp các sản phẩm kỹ thuật điện và tự động hóa trong lĩnh vực công nghiệp, Tập đoàn Nông nghiệp và Hóa chất Syngenta...
Hơn thế nữa, nhiều trường đại học Thụy Sĩ với danh tiếng đào tạo trong các ngành du lịch, tài chính cũng đã thu hút nhiều sinh viên Việt Nam. Các chương trình hợp tác trao đổi sinh viên giữa Việt Nam và Thụy Sĩ ngày càng phát triển trong thời gian gần đây.