Thưa Bộ trưởng, đâu là lý do khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và Golden Gate Ventures tổ chức Vietnam Venture Summit và kỳ vọng của Bộ trưởng qua diễn đàn là gì?
Việt Nam đang tích cực xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhằm đưa nền kinh tế bứt tốc, phát triển nhanh, thu hẹp khoảng cách với các nước, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nhanh chóng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Chính phủ Việt Nam cũng đã xác định đổi mới sáng tạo chính là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Tổ chức Vietnam Venture Summit là để kết nối các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư mạo hiểm với các start-up, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, kết nối với Chính phủ, nhằm khơi thông, tăng cường nguồn lực cho đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để Việt Nam có thể thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0.
Sau lần tổ chức đầu tiên này, chúng tôi mong muốn Vietnam Venture Summit sẽ trở thành diễn đàn thường niên. Và mục tiêu không phải chỉ để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, mà qua đó sẽ giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, môi trường đầu tư Việt Nam để các quỹ đầu tư có thể đầu tư vào Việt Nam thông qua nhiều hình thức khác nhau, qua mua bán - sáp nhập (M&A), qua các quỹ đầu tư khác, thậm chí là cả qua đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Hơn thế nữa, chúng tôi cũng mong muốn qua những sự kiện như thế này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các tập đoàn lớn cũng sẽ hưởng ứng, trở thành đầu tàu, dẫn dắt, lan tỏa các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng tham gia vào thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Như Bộ trưởng vừa nói, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với việc xây dựng chiến lược này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã là đơn vị tiên phong đề xuất thành lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và bây giờ là Vietnam Venture Summit. Tất cả những động thái này có ý nghĩa như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Với cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có cách tiếp cận theo góc độ kinh tế. Chẳng hạn, xem cuộc cách mạng này có những tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam, khó khăn, thách thức, cơ hội ra sao, làm sao để tận dụng được cơ hội từ cuộc cách mạng này, cũng như coi đó là động lực để tiếp tục cải cách, tái cơ cấunền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Từ góc nhìn đó, chúng tôi nhận thấy rằng, Việt Nam cần quyết liệt tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 với tinh thần “bây giờ hoặc không bao giờ”, đồng thời quyết liệt thực hiện các giải phải cần thiết để Việt Nam có thể “bắt kịp, đi cùng và vượt lên”. Muốn làm được điều đó, phải dựa vào khoa học - công nghệ, vào đổi mới sáng tạo. Đây chính là con đường đúng đắn nhất để Việt Nam có thể thẳng tiến, đi nhanh nhất, bền vững và hiệu quả nhất.
Đó là lý do để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiên phong đề xuất Chính phủ xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0. Và để thực hiện được chiến lược này, chúng ta cần có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Muốn tạo được hệ sinh thái, lại phải dựa trên các yếu tố cốt lõi về thể chế, vốn, hạ tầng và nguồn nhân lực. Đó là lý do vì sao, cần thiết lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, xây dựng Trung tâm NIC và tổ chức các diễn đàn kết nối để có thể thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam…
Tất cả những phần việc mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang làm có tính chất liên kết nhau, tương hỗ nhau, vừa phải có chiến lược với tầm nhìn xa, có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lại vừa phải có nguồn nhân lực chất lượng cao và có nguồn lực tài chínhtốt. Có như vậy, chúng ta mới có thể chủ động, tích cực tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và tận dụng được cơ hội ngàn năm có một này.
Đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam thời gian tới. Trong ảnh: Kỹ sư của Viettel giới thiệu công nghệ hạ tầng thông minh.
Vậy thì liệu bao giờ, các chiến lược, các kế hoạch này mới trở thành hiện thực, thưa Bộ trưởng?
Tổ chức Vietnam Venture Summit là để kết nối các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư mạo hiểm với các start- up, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, kết nối với Chính phủ, nhằm khơi thông, tăng cường nguồn lực cho đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Hiện chúng tôi đã cơ bản hoàn thành Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, đang đưa ra lấy ý kiến các bộ ngành, các chuyên gia. Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã ra mắt từ năm ngoái. Còn NIC, sẽ sớm được Chính phủ thông qua. Sau khi được Chính phủ thông qua, sẽ có một nghị quyết về việc trao các thể chế vượt trội cho Trung tâm và sau đó, chúng tôi sẽ bắt tay vào việc triển khai, nhằm tạo được một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Nếu việc huy động các nguồn lực thuận lợi, thì tham vọng của chúng tôi là cuối năm nay có thể khởi công xây dựng và cuối năm sau sẽ hoàn thành. Còn trước mắt, trong tháng 9 này, chúng tôi sẽ hợp tác với Hà Nội để thành lập một trung tâm đổi mới sáng tạo, xây dựng trên khuôn viên của Trường THPT Amsterdam Hà Nội (cũ). Khi trung tâm này ra mắt, chúng tôi lại có tham vọng là có thể công bố sự hợp tác với Google trong đào tạo nguồn nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, chúng tôi đã cơ bản thống nhất được một số thỏa thuận, sẽ sớm ký MOU với Google.
Ngoài việc xây dựng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, việc kết nối, thu hút được nhân tài về Việt Nam, cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của đổi mới sáng tạo, của cách mạng công nghiệp 4.0 là rất quan trọng. Hiện nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu cũng quan tâm vấn đề này ở Việt Nam.
Bộ trưởng vừa nói đến việc hợp tác với Google. Cách đây chưa lâu, có thông tin rằng, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) sẽ hỗ trợ Việt Nam 30 triệu USD để xây dựng NIC. Sau khi đề án về việc thành lập NIC chính thức được đệ trình Chính phủ, Bộ trưởng đã có các chuyến công du nước ngoài tới Singapore, tới Đức để kết nối đầu tư. Kết quả ra sao, thưa Bộ trưởng?
Chúng tôi đang cùng với đơn vị tư vấn BCG nỗ lực kết nối với các doanh nghiệp công nghệ, các quỹ đầu tư, các nhà quản lý, các trường đại học, viện nghiên cứu… Mặc dù cho đến nay chưa có các thỏa thuận chính thức được ký kết, nhưng đã có rất nhiều cam kết hỗ trợ từ các tập đoàn lớn như Qualcomm, Siemens, Google…
Một điều tôi có thể khẳng định, là cộng đồng quốc tế, các nhà đầu tư rất quan tâm đến thị trường đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Họ mong muốn được đặt trụ sở tại Việt Nam, để có thể kết nối với các trung tâm đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, kết nối với lực lượng start-up đang tăng lên nhanh chóng ở Việt Nam, kết nối với các nguồn lực đổi mới sáng tạo dồi dào của Việt Nam…
Đi đến đâu, tôi cũng nhận được sự quan tâm đó. Đặc biệt, ở Singapore, Chính phủ hai nước đã đưa vấn đề hợp tác về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo vào nội dung kết nối hai nền kinh tế. Như vậy có nghĩa, sau này các hoạt động hợp tác đổi mới sáng tạo giữa hai bên sẽ là sự hợp tác chính thức giữa hai Chính phủ. Vấn đề hiện nay là chúng ta sẽ thực thi các cam kết này như thế nào. Tôi tin mọi việc sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn sau khi có quyết định chính thức của Chính phủ về việc xây dựng NIC.
Ngoài các cam kết hỗ trợ cho NIC, thì như tôi vừa nói, kêu gọi, thu hút các nguồn lực để thành lập Quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo Việt Nam cũng rất quan trọng. Các quỹ đầu tư hiện cũng rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và bằng chứng là sẽ có hơn 100 quỹ tới tham dự Vietnam Venture Summit.
Đây là lần đầu tiên có một sự kiện quy tụ được hơn 100 quỹ đầu tư lớn trên thế giới, ở cùng một thời điểm, ở cùng một địa điểm, mà địa điểm đó lại là ở Việt Nam. Điều đó chứng tỏ mối quan tâm của các quỹ đầu tư đối với thị trường đổi mới sáng tạo Việt Nam. Chúng tôi hy vọng, tại sự kiện ngày hôm nay, sẽ có những cam kết của các quỹ đầu tư quốc tế về việc thành lập một quỹ đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Như vậy có nghĩa, Bộ trưởng đặt rất nhiều hy vọng vào việc thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư, trong đó có quỹ đầu tư mạo hiểm?
Chính phủ Việt Nam coi đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong thời gian tới. Chính vì vậy, Chính phủ đang nỗ lực xây dựng và thực hiện các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, làm sao tạo thuận lợi tối đa cho các start-up phát triển. Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách thể chế để các dòng vốn đầu tư từ các quỹ mạo hiểm có thể tìm đến các start-up một cách thuận lợi nhất. Đây sẽ là một trong những trọng tâm thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới.
Thu hút đầu tư vào lĩnh vực này sẽ góp phần hiện thực hóa chiến lược nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như hiện thực hóa chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.