Diễn đàn kinh tế mùa Thu: cải cách mới chỉ đạt được hình thức?

Diễn đàn kinh tế mùa Thu: cải cách mới chỉ đạt được hình thức?

(ĐTCK) Cũng giống như các diễn đàn kinh tế đã được tổ chức gần đây, tiếng nói cảnh báo và phản biện từ các chuyên gia liên tục được đưa ra. Trong sáng nay, nổi bật là câu chuyện tái cơ cấu doanh nghiệp và rộng hơn là tái cơ cấu kinh tế.

Thoái vốn ngoài ngành: khoe số là chính 

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương đã hắc tới hàng loạt con số và tên tuổi đang được cho là tích cực.

Nào là Tập đoàn Than - Khhoáng sản Việt Nam trong 7 tháng đã thoái được 1.405 tỷ đồng; Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước đã thoái được 475 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã thoái 357 tỷ đồng; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam thoái được151 tỷ đồng; Rồi Tổng công ty Lương thực miền Bắc cũng đã thoái được 120 tỷ đồng...

Tuy nhiên, ông Cung vẫn chưa hài lòng: “Thoái vốn đầu tư ngoài ngành chậm so với mục tiêu kế hoạch. Tính đến hết tháng 7/2014 thoái được 7.139 tỷ, chỉ bằng 28,8% tổng vốn đầu tư cần phải thoái, là 21.797 tỷ đồng. Riêng 7 tháng đầu năm 2014 thoái được 2.975 tỷ đồng, nghĩa là gần đây con số mới tăng”

Đáng nói hơn, theo ông Cung, không chỉ kết quả của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn rất hạn chế mà còn dường như chưa đúng hướng. “Nếu không đúng hướng, dù có nỗ lực, quyết liệt đến bao nhiêu thì kết quả sẽ không như mong đợi, thậm chí có thể làm cho tình hình càng trở nên xấu hơn”, ông Cung thẳng thắn.

Lâu nay, ông Cung là người giữ quan điểm kiên quyết trong yêu cầu đổi luật chơi, áp đặt đầy đủ ngân sách cứng và quản lý theo thông lệ thị trường đối với khu vực này.

Theo mục tiêu này, cổ phần hóa, thoái vốn là cách “kéo” DNNN ra khỏi thể chế phi thị trường sang thể chế thị trường; qua đó, thay đổi hệ thống khuyến khích và động lực thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực theo thị trường.

“Các trường hợp cổ phần hóa chưa thực sự làm thay đổi “thể chế” đối với doanh nghiệp do áp lực, động lực và đòn bẩy khuyến khích mới (theo thị trường) chưa xuất hiện để vừa ép buộc, vừa thúc đẩy thay đổi cách thức phân bố nguồn lực, cách thức sử dụng nguồn lực”, ông Cung nói.

Hệ quả là cách thức phân bố và sử dụng nguồn lực trong khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa thay đổi. Doanh nghiệp nhà nước chưa thể cải thiện về năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.

“Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cần được đặt đúng vào "đường ray” để chạy đúng hướng và đến đích”, ông Cung đặt kỳ vọng.

Tái cơ cấu kinh tế ì ạch 

Về vấn đề này, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, cảnh báo: “Tuy đạt được những kết quả bước đầu, nhưng đến nay tái cơ cấu nền kinh tế vẫn ì ạch. Nếu không có các giải pháp trúng và đủ mạnh, thì tình trạng này vẫn tiếp diễn…” .

Tình trạng ì ạch đang diễn ra trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, không chỉ là cảnh báo của ông Tuyển, mà nhiều chuyên gia khác cũng có ý kiến tương tự, khi chia sẻ quan điểm tại Diễn đàn kinh tế mùa thu 2014 với chủ đề: “Tái cơ cấu nền kinh tế: Kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản”, do Ủy ban kinh tế Quốc hội tổ chức, khai mạc sáng nay (27/9) trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế mùa Thu 2014.

Sở dĩ có tình trạng trên, theo ông Tuyển là do chương trình tái cơ cấu nền kinh tế chưa được mô tả cụ thể, cũng chưa có chuẩn đo để đánh giá hiệu quả đạt được. Nếu những bất cập này không được khắc phục, thì tái cơ cấu nền kinh tế vẫn ì ạch trong thời gian tới.

“Một số đề án tái cơ cấu mang tính chất ‘chữa cháy’, chủ yếu bao gồm các biện pháp và mệnh lệnh hành chính, chưa chú ý thích đáng đến vai trò thị trường...”, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói.

Để khắc phục tình trạng trên, các chuyên gia đề nghị cần áp dụng các giải pháp thị trường vào tái cơ cấu nền kinh tế. Gắn liền với đó là sự áp đặt quyết liệt từ trên xuống, chứ không thể chờ chuyển động từ dưới lên.

“Cần hình thành một Ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế…”, Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh đề xuất, đồng thời phân tích, trong bối cảnh tồn tại các rào cản về lợi ích cục bộ và thông tin chia cắt, Chính phủ nên hình thành một Ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế. Ủy ban này sẽ phối hợp với các cơ quan chính phủ khác triển khai và giám sát các chương trình tái cơ cấu.

Tin bài liên quan