Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) năm 2023: Doanh nghiệp tiếp tục kêu vướng

0:00 / 0:00
0:00
Những nội dung vướng mắc mà các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gửi tới Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) năm 2023 trải khá rộng. Đáng nói là, lý do không nhất quán trong thực thi vẫn còn khá nhiều.
Nhiều kiến nghị liên quan đến chính sách visa để thúc đẩy phát triển du lịch đã được gửi tới VBF. Trong ảnh: Khách quốc tế thực hiện thủ tục tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Thy Giang

Nhiều kiến nghị liên quan đến chính sách visa để thúc đẩy phát triển du lịch đã được gửi tới VBF. Trong ảnh: Khách quốc tế thực hiện thủ tục tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Thy Giang

Doanh nghiệp du lịch sốt ruột

“Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền mở rộng chính sách miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng như có lộ trình rõ ràng và thủ tục công khai, minh bạch để thực thi chính sách này”.

Đây là một trong những khuyến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) gửi tới VBF 2023, trực tiếp là gửi tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cùng với đó, EuroCham cũng khuyến nghị cấp visa miễn thị thực với thời hạn 14 ngày và có thể tăng lên tối đa 21 ngày, hoặc cấp visa tại sân bay với phí định trước không quá 20 USD/người đối với Australia và New Zealand.

Lý giải cho khuyến nghị này, EuroCham cho rằng, Australia, New Zealand cũng như các quốc gia thuộc EU là thị trường tiềm năng, có sức chi lớn (100 - 150 USD/ngày), đối với du lịch Việt Nam.

Đáng nói là, sau Covid-19, hành vi của du khách đã thay đổi, họ đi du lịch với tần suất ít hơn, nhưng dành nhiều thời gian hơn tại mỗi điểm đến. Do đó, thời gian miễn thị thực thông thường không đủ để phục hồi ngành du lịch.

“Chúng tôi khuyến nghị Việt Nam kéo dài thời hạn miễn thị thực lên 30 ngày để bắt kịp xu hướng mới trong du lịch, từ đó nâng cao khả năng thu hút khách đến Việt Nam, nhằm tối đa hóa lợi nhuận có thể đạt được từ du khách quốc tế”, EuroCham bày tỏ quan điểm.

Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (AusCham) cũng đồng quan điểm khi đề nghị miễn thị thực cho người mang hộ chiếu Australia giống như 25 quốc gia đã được miễn thị thực cho du lịch ngắn hạn khi xuất/nhập cảnh và quá cảnh Việt Nam.

“Nhu cầu hồi sinh ngành du lịch, kích hoạt lại lĩnh vực khách sạn là cần thiết để thu hút chi tiêu của khách du lịch, kích thích ngành du lịch đang kiệt quệ”, AusCham nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp nhóm ngành khách sạn, du lịch cũng khuyến nghị quan tâm tới thị trường khách du lịch Trung Quốc và Ukraine, hai thị trường vốn có lượng khách khổng lồ, nhưng Việt Nam chưa có chính sách tương xứng để thu hút du khách từ các thị trường này.

Đặc biệt, EuroCham kiến nghị Chính phủ thành lập Hội đồng Du lịch Việt Nam - chịu trách nhiệm chính về hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam. Hội đồng sẽ đảm bảo rằng, du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, thông qua việc xây dựng quan hệ hợp tác, cập nhật chính sách du lịch và hỗ trợ các bên liên quan tại nước ngoài.

Nhiều quy định làm khó doanh nghiệp

Gửi ý kiến tới Bộ Xây dựng và Bộ Công thương trước thềm VBF 2023, EuroCham đề cập tình trạng thủ tục khác nhau, không nhất quán trong cách giải thích của các địa phương về thủ tục cấp phép xây dựng cho dự án điện mặt trời áp mái (RTS). Thậm chí, có cơ quan chức năng từ chối tiếp nhận hồ sơ do chưa hiểu hết các yêu cầu, tiêu chí kỹ thuật.

Việc thiếu hướng dẫn rõ ràng về cấp phép xây dựng cho các dự án điện mặt trời áp mái được cho là lý do chính. Theo EuroCham, để giải quyết, Bộ Xây dựng và Bộ Công thương cần phối hợp để ban hành quy trình, hướng dẫn cụ thể trên toàn quốc về cấp phép xây dựng cho các dự án điện mặt trời áp mái (RTS) dưới 1 MW và trên 1 MW.

Trong số các ý kiến, kiến nghị mà các hiệp hội doanh nghiệp gửi tới VBF 2023, những vướng mắc liên quan đến quy trình, thủ tục, sự khác biệt trong thực thi của các địa phương như với trường hợp của các dự án RTS khá lớn.

Cũng liên quan đến dự án RTS, các doanh nghiệp cho biết, việc có được giấy phép phòng cháy, chữa cháy (PCCC) mất rất nhiều thời gian, dù Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) đã có công văn hướng dẫn thẩm định, phê duyệt thiết kế PCCC hệ thống điện mặt trời mái nhà từ tháng 9/2020. Tuy nhiên, cơ quan PCCC địa phương hướng dẫn thủ tục không nhất quán, theo cách hiểu của họ, khiến quá trình thẩm định kéo dài.

Việc thay đổi quy định về PCCC cũng làm khó các doanh nghiệp khi mở rộng nhà máy đang hoạt động. Trong kiến nghị gửi tới Bộ Công an và Bộ Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) cho biết, đang có phát sinh khi giấy phép PCCC và giấy phép hoàn công đã được cấp khi xây dựng nhà máy ban đầu mâu thuẫn với quy định hiện hành.

“Khi mở rộng nhà máy, doanh nghiệp bị buộc phải thực hiện quy định hiện hành đối với cả nhà máy đã xây dựng trước đây và vẫn đang trong quá trình vận hành. Khi áp dụng quy định, có nhiều trường hợp áp dụng cách diễn giải tùy tiện của cơ quan PCCC địa phương, dẫn đến có trường hợp mất hơn 50 ngày mới được cấp phép...”, KorCham nêu vướng mắc.

Trong danh sách khuyến nghị gửi tới VBF 2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, hướng tới việc tạo lập và kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về cơ sở dữ liệu doanh nghiệp; tiếp tục cải cách quy định về điều kiện kinh doanh... VCCI cho biết, theo phản ánh từ doanh nghiệp, thì sự phiền hà vẫn còn trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, giao thông, PCCC, môi trường, kho bạc và lao động...

Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BritCham) thêm một lần nữa khuyến nghị tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành và ban hành quy trình xin giấy phép rõ ràng, bao gồm khung thời gian thực hiện cụ thể, thông tin về đường dây khiếu nại.

“Thủ tục xin giấy phép thành lập, vận hành các cơ sở giáo dục còn kéo dài, phức tạp. Các đơn vị quản lý chưa hành động phối hợp, ảnh hưởng đến sự phát triển và độ mở của lĩnh vực này với doanh nghiệp quốc tế”, BritCham nhận định.

VBF năm 2023

Diễn ra vào ngày 19/3/2023, tại Hà Nội.

Theo lịch trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn.

Đồng chủ trì: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Giám đốc khu vực IFC và Chủ tịch VBF.

Chủ đề: Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh.

VBF 2023 gồm 2 phiên: Phiên 1: Đồng hành cùng Chính phủ trong giai đoạn phát triển kinh tế xanh; Phiên 2: Vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Năm 2023 cũng là năm kỷ niệm 25 năm thành lập VBF.

Tin bài liên quan