Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Diễn biến mới trên biển Đông ảnh hưởng không lớn đến TTCK

(ĐTCK) Thông tin về việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan HD981 ra khỏi vị trí hạ đặt cũ trên vùng thềm lục địa Việt Nam về phía đảo Hải Nam đã tác động tích cực đến tâm lý thị trường. Tuy nhiên, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK MayBank KimEng cho rằng, mức độ tác động của thông tin này đến TTCK có thể không lớn như kỳ vọng của NĐT.

Theo ông, những diễn mới trên biển Đông sẽ tác động ra sao đến TTCK?

Rõ ràng, việc Trung Quốc rút giàn khoan là một dấu hiệu tốt được nhiều nhà đầu tư chờ đợi và ảnh hưởng tích cực đến TTCK. Tuy nhiên, mức độ tác động có thể không lớn như kỳ vọng của NĐT vì một số nguyên nhân như sau.

Thứ nhất, thông tin này đã được dự báo từ trước khi siêu bão hình thành ngoài khơi. Thị trường cũng đã phản ứng tích cực suốt mấy ngày trước khi có thông tin chính thức.

Thứ hai, Trung Quốc nói rằng họ rút giàn khoan do bão và việc thăm dò dầu khí đã đạt được, có thể “thực hiện các bước tiếp theo”, điều này cũng làm nhiều NĐT lo ngại vì Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa những giàn khoan khác ra hay không.

Thứ ba, hiện VN- Index đã gần chạm mức 595 điểm, mà theo nhiều chuyên gia, CTCK dự báo là ngưỡng kháng cự rất mạnh, do vậy dù tin tốt cũng sẽ kích hoạt các động thái bán ra. Mức này trong tuần trước cũng đã được thử thách nhưng không vượt qua được càng làm các NĐT e ngại.

Cuối cùng là thông tin về việc NĐT nước ngoài bán ròng liên tiếp mấy ngày nay cũng ảnh hưởng tâm lý các NĐT, nên khi giá lên mạnh có thể kích hoạt trạng thái bán.

Như ông nói thì khối ngoại đang có xu hướng bán ròng trở lại, nếu xu thế bán ròng này diễn ra mạnh thì đà hồi phục có thể sẽ gặp trở ngại?

Việc bán ròng này theo tôi không đáng ngại như giai đoạn tháng 3/2014. Thời điểm đó, hầu như tất cả các NĐT lớn đều bán ra. NĐT nước ngoài bán ròng trên cả HOSE lẫn HNX, tự doanh các CTCK cũng bán ròng, các quỹ, các định chế tài chính cũng bán…

 Trong khi bên mua chủ yếu là các NĐT cá nhân, nhỏ lẻ. Còn hiện nay, theo quan sát của tôi, NĐT nước ngoài chỉ bán ròng trên HOSE, nhưng lực mua bán xen kẽ theo ngày, chứ không bán ròng các ngày liên tục. Trên sàn HNX, khối ngoại vẫn mua, khối tự doanh mua bán xen kẽ, nhưng nhìn chung mua nhiều hơn, các quỹ thậm chí còn thu hút được thêm vốn mới và tiếp tục đổ tiền vào thị trường. Bởi thế, theo tôi, xu hướng bán ròng của khối ngoại chỉ mang tính cơ cấu danh mục đầu tư ngắn hạn và điều này sẽ sớm kết thúc.

Quan sát thị trường có thể thấy dòng tiền không chỉ tập trung tại các mã bluechips mà cũng đã có sự lan tỏa nhất định sang một vài mã midcap và penny. Ông dự báo ra sao về dòng tiền trong thời gian tới?

Đà tăng trưởng của nền kinh tế và các dự báo lạc quan của các tổ chức trong và ngoài nước về triển vọng ngày càng tốt đẹp hơn cho kinh tế Việt Nam sẽ là động lực lớn cho TTCK tăng điểm. Các ngành được hưởng lợi nhiều từ đà tăng trưởng này cũng sẽ thu hút được dòng tiền như nguyên vật liệu, vận tải và năng lượng.

Bên cạnh đó, vấn đề nợ xấu, một trong những nguyên nhân tác động tiêu cực đến nền kinh tế và TTCK những năm qua làm giá cổ phiếu của các ngành như bất động sản, ngân hàng, tài chính, chứng khoán giảm sâu, đang được tập trung giải quyết hứa hẹn sẽ giúp cổ phiếu những ngành này bật lại mạnh hơn mặt bằng chung.

Hiện nay, các quỹ đầu tư liên tục huy động được thêm dòng tiền đầu tư mới, đồng thời hàng loạt quỹ mới (như ETF nội) ra đời cùng với nhiều NĐT tổ chức và cá nhân mới tham gia vào thị trường hứa hẹn dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào TTCK trong thời gian tới.

Hiện dòng tiền vẫn tiếp tục duy trì diện rộng trên TTCK, nhưng tập trung vào các mã cổ phiếu thuộc các ngành bất động sản – xây dựng, tài chính – ngân hàng – chứng khoán, nguyên vật liệu, vận tải, năng lượng; đặc biệt ở các mã chứng khoán giảm giá mạnh giai đoạn cuối tháng 3 – 5 vừa qua do tiềm năng tăng giá sẽ cao hơn và những ngành này được chính sách lẫn các yếu tố vĩ mô hỗ trợ.

Tin bài liên quan