Ngày 18/3, số ca nhiễm bệnh và tử vong trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã vượt lên những mốc mới, cho thấy tốc độ lây lan và tác động ngày càng đáng lo ngại của dịch bệnh.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Đại học Johns Hopkins, số ca mắc bệnh COVID-19 trên toàn cầu đã vượt quá mốc 200.000.
Ngày 18/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã thừa nhận rằng giới chức châu Âu ban đầu đã đánh giá sai mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết các quốc gia thành viên sẽ tự quyết những lệnh giới nghiêm và các nước EU sẽ phối hợp rất chặt chẽ với nhau để chống dịch bệnh.
Tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp đã khiến nhiều nước phải đưa ra những quyết định khẩn cấp.
Sau Italy và Tây ban Nha, Pháp cũng đã áp đặt lệnh phong tỏa trong ít nhất 15 ngày. Bỉ yêu cầu các công dân ở nhà tới ít nhất là ngày 5/4. Chính phủ Đức cũng đưa ra yêu cầu tương tụ với các công dân của mình.
Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong ngày 18/3, nước này ghi nhận thêm 4.207 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (số ca nhiễm tăng cao nhất từ trước tới nay), nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 35.713 trường hợp.
Số ca tử vong do COVID-19 tăng lên 2.978 trường hợp (tăng 475 ca), có 4.025 ca hồi phục (tăng 1.084 ca).
Phun thuốc khử trùng phòng lây nhiễm COVID-19 tại Venice, Italy, ngày 11/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN).
Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 14.363 ca nhập viện, 2.257 ca phải điều trị tích cực và 12.090 ca cách ly tại nhà.
Vùng tâm dịch Lombardia trong ngày 18/3 ghi nhận thêm 1.959 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm của vùng này lên 17.713 ca.
Tổng số ca tử vong của vùng là 1.959 trường hợp (tăng 319 trường hợp so với ngày 17/3).
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson ngày 18/3 ra tuyên bố các trường học từ phổ thông cho đến bậc đại học trên cả nước sẽ đóng cửa trường từ ngày 20/3 do tình dịch COVID-19 diễn biến ngày một xấu hơn tại Anh.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) tại cuộc họp báo về dịch COVID-19 ở London, ngày 17/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN).
Phát biểu về quyết định này, Thủ tướng Johnson cho biết chính phủ phải áp dụng biện pháp tăng cường mới khi thấy số người mắc bệnh và tử vong đang gia tăng nhanh.
Việc đóng cửa trường học chưa biết khi nào sẽ mở trở lại, trong khi Thủ tướng Johnson cho biết các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở GCSE ( lớp 11) và kỳ thi tốt nghiệp hệ A level ( lớp 13) tại các vùng England và Wales sẽ không diễn ra vào tháng 5, tháng 6 như kế hoạch.
Vấn đề thi tốt nghiệp tại vùng Scotland và Bắc Ireland sẽ do chính quyền địa phương tại các vùng này quyết định.
Phát biểu tại Hạ Viện Anh, Bộ trưởng Giáo dục Gavin Williamson cho biết bộ này đang làm việc với các hội đồng chấm thi để đảm bảo các học sinh có được các chứng nhận cần thiết.
Quyết định được đưa ra sau khi số người tử vong do COVID-19 tại Anh tính đến chiều ngày 18/3 đã lên tới 104, trong đó tại riêng vùng England có 34 ca từ vong.
Số ca mắc nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Anh tăng thêm 676 ngưởi so với ngày 17/3, nâng tổng số người mắc lên 2626 người.
Chính phủ Anh cho biết họ sẽ tăng số người được kiểm tra xét nghiệm tại vùng England lên gấp đôi với 25.000 ca/ ngày.
Ngày 16/3, Thủ tướng Johnson đã công bố hàng loạt biện pháp mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2 sau khi một số nghiên cứu khoa học đưa ra dự báo nước Anh đang trên đường đi tới " thảm họa dịch."
Tại Pháp, dịch bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 đã gây ra thêm 89 trường hợp tử vong và số bệnh nhân nhiễm virus đã tăng thêm 1.404 người trong 24 giờ qua tại Pháp.
Như vậy, tính đến tối 18/3, Pháp xác nhận 9.134 bệnh nhân nhiễm và 264 ca tử vong từ khi bắt đầu dịch. Trong số 3.626 bệnh nhân phải nhập viện, có 921 người trong tình trạng được chăm sóc đặc biệt.
Trước tình trạng lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2, Hội đồng Bộ trưởng Pháp chiều 18/3 đã xem xét khả năng công bố "tình trạng khẩn cấp về y tế."
Điều này sẽ cho phép Thủ tướng, thông qua các nghị định, thực hiện các biện pháp mạnh mẽ như giới hạn tự do di chuyển, tự do hành động và tự do hội họp, cũng như tiến hành trưng dụng bất kỳ tài sản và dịch vụ cần thiết để chống lại thảm họa y tế.
Bộ trưởng Y tế cũng sẽ ở tuyến đầu trong khuôn khổ này, được phép quyết định những biện pháp chung và riêng khác nhằm đối mặt với khủng hoảng.
Cùng ngày, giới chức quốc phòng Pháp khẳng định rằng quân đội sẽ không được huy động trong việc kiểm soát các biện pháp hạn chế di chuyển, mà đó là trách nhiệm của lực lượng cảnh sát và hiến binh.
Tuy nhiên, quân đội đóng góp vào nỗ lực quốc gia chống lại dịch bệnh, thông qua các hoạt động hỗ trợ y tế như vận chuyển bệnh nhân bằng trực thăng quân sự.
Theo thông báo của Bộ Nhà ở Pháp, trung tâm cách ly đầu tiên dành cho người vô gia cư bị bệnh sẽ mở cửa tại Paris vào ngày 20/3.
Paris sẽ có 2 trung tâm với tổng số 150 giường, để đón tiếp những người vô gia cư nhiễm virus SARS-CoV-2, song tình trạng chưa đến mức phải nhập viện.
Tại Đức, trong thông điệp được phát trực tiếp toàn quốc lần đầu tiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mô tả cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra là thách thức lớn nhất đối với nước Đức kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2, nhấn mạnh tình hình là rất nghiêm trọng, kêu gọi mọi người cùng nghiêm túc trong bối cảnh hiện nay.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Thủ tướng Merkel kêu gọi toàn thể dân chúng tuyệt đối tuân thủ các quy định và những hạn chế mà chính quyền liên bang và các bang đưa ra, nhấn mạnh rằng cần phải giảm thiểu tất cả những gì có thể gây nguy hiểm cho mọi người ở Đức.
Bà nêu rõ cần phải tôn trọng việc duy trì khoảng cách lẫn nhau và việc đóng lại cuộc sống công cộng thường nhật là "vấn đề sống còn."
Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh những quy định áp đặt cho mọi hành động hiện nay là nhằm làm chậm sự lây lan của virus, có thể kéo dài nhiều tháng và giúp giành lợi thế về mặt thời gian nhằm ứng phó với dịch bệnh.
Theo bà, tất cả sẽ phụ thuộc vào việc mọi người tuân thủ và thực hiện các hạn chế mà không có ngoại lệ với bất cứ trường hợp nào.
Thủ tướng Đức Merkel. (Nguồn: Reuters).
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Merkel cũng đảm bảo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhấn mạnh rằng Chính phủ Đức sẽ nỗ lực hết sức để bù đắp cho những tác động về kinh tế do dịch gây ra, trong đó có việc phải đảm bảo việc làm cho người lao động.
Bà nói nêu rõ Chính phủ Đức có thể và sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để giúp các doanh nghiệp và người lao động" vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.
Nhà lãnh đạo Đức cũng trấn an những lo ngại của dân chúng về vấn đề nguồn cung lương thực, kêu gọi người dân chỉ mua lương thực ở mức vừa đủ, không tích trữ lương thực một cách "vô nghĩa" đồng thời khẳng định nhà nước sẽ luôn đảm bảo các nguồn cung cấp thực phẩm cho dân chúng.
Thủ tướng Merkel cũng nói rằng trong khi các nhà nghiên cứu đang làm việc với áp lực rất cao để phát triển thuốc và vaccine chống SARS-CoV-2 thì việc làm chậm sự lây lan của virus là cách duy nhất hiện nay để ứng phó với dịch hiện.
Bà khẳng định nước Đức có hệ thống y tế tuyệt vời, có thể nói là một trong những hệ thống y tế tốt nhất thế giới, song các bệnh viện cũng sẽ hoàn toàn quá tải nếu phải tiếp nhận quá nhiều bệnh nhân trong cùng một thời gian quá ngắn.
Không giống như những bài phát biểu thường niên dịp Năm mới, đây là bài phát biểu trực tiếp đầu tiên của bà Merkel đến toàn thể dân chúng Đức kể từ khi bà nắm quyền thủ tướng năm 2005, với mục đích là trấn an người dân và kêu gọi mọi người cùng nghiêm túc chung tay chống dịch.
Tính đến 19 giờ ngày 18/3 (giờ địa phương) trên toàn nước Đức đã ghi nhận 12.327 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 và 28 ca tử vong do virus này.
Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Liên bang Nga cho biết trong ngày 18/3 nước này đã ghi nhận thêm 33 trường hợp mới nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đưa số bệnh nhân mắc bệnh này lên mức 147 người.
Trong 33 trường hợp mới, 31 trường hợp được ghi nhận ở thủ đô Moskva và 1 trường hợp ở mỗi tỉnh Tomsk và Novosibirsk.
Tất cả các trường hợp mới nhiễm SARS-CoV-2 đều từ nước ngoài trở về, hầu hết các bệnh nhân trở về từ các nước châu Âu. Ban chỉ đạo thông báo: “25 bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện ở Kommynarka. 4 người khác nhập Bệnh viện truyền nhiễm số 2, trong đó có 1 trẻ em. Một trẻ khác khác đang điều trị tại Bệnh viện mang tên Bashlyaeva.”
Tất cả những người tiếp xúc với bệnh nhân đã được xác định, kể cả các lái xe taxi chở họ từ sân bay về nhà, tất cả đều đã được cách ly.
33 trường hợp mới là số lượng kỷ lục các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Nga trong một ngày. Kỷ lục trước đó vào ngày 16/3, khi có 30 trường hợp lây nhiễm mới được ghi nhận.
Bộ Y tế Nga cho biết tại nước này tính đến thời điểm hiện nay có tổng cộng 17.904 người đang được giám sát y tế.
Sau khi điều trị, 5 người được xuất viện về nhà và cho đến nay, tổng cộng Nga đã xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ho 122.854 người.