Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh phần lớn các cổ phiếu điều chỉnh giảm cùng thị trường chung, một số mã đã ngược dòng thành công nhưng mức tăng đều chưa tới 5%. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* MBS khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu BCM

Chúng tôi khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu BCM với định giá là 82.500 đồng/CP (tiềm năng tăng giá 16%, bao gồm cả tỷ suất cổ tức 1.4%). Luận điểm đầu tư: Triển vọng ngành bất động sản khu công nghiệp khởi sắc khi thu hút FDI sẽ tích cực hơn sau khi Việt Nam tăng cường hợp tác với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc; Dự án Khu công nghiệp Cây Trường đang dần được tháo gỡ pháp lý, sớm đưa vào vận hành trong thời gian tới; Kế hoạch tăng vốn thêm tối thiểu 15.000 tỷ đồng trong năm 2024-2025.

Bất chấp thị trường chung vẫn trong xu hướng giảm, cổ phiếu BCM đã hồi phục sau tuần điều chỉnh đầu tháng 8. Thông tin được đánh giá tiếp tục hỗ trợ cho xu hướng tăng của BCM vẫn là việc Thủ tướng ban hành Quyết định phê duyệt giảm vốn nhà nước tại Becamex IDC từ 95,44% về 65% đến cuối năm 2025. Đây là cơ sở để cổ đông nhà nước bán vốn và giảm sở hữu tại Becamex IDC. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu BCM tăng 2.700 đồng (+3,92%) từ mức 68.800 đồng/CP lên 71.500 đồng/CP.

* MBS và SSI khuyến nghị khả quan, còn BVSC khuyến nghị tích cực cổ phiếu VNM

MBS sử dụng kết hợp 2 phương pháp DCF (WACC: 8.9%) và P/E (18x) để đưa ra giá trị hợp lý cho VNM là 79.800 đồng/CP và khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu này.

Cùng quan điểm, SSI duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu VNM với giá mục tiêu 1 năm là 82.000 đồng/CP (tiềm năng tăng giá là 18%).

Trong khi đó, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM đối với VNM, giá kỳ vọng 85.900 đồng/CP ở thời điểm giữa năm 2025 dựa trên phương pháp định giá DCF và so sánh P/E, cao hơn giá đóng cửa ngày 05/8/2024 là 23,8%.

Cổ phiếu VNM đã có tuần thứ 2 liên tiếp duy trì đà khởi sắc nhờ lực cầu nội và ngoại hỗ trợ tích cực. Trong đó, thông tin hỗ trợ tích cực đến từ kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu thuần quý II/2024 của VNM đạt 16.656 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái và là quý có doanh thu cao nhất; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 2.670 tỷ, tăng trưởng 21% và cũng là mức cao nhất trong 11 quý. Tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu VNM tăng 1.800 đồng (+2,52%) từ mức 71.500 đồng/CP lên 73.300 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu FPT

Bằng phương pháp SoTP, BVSC xác định giá trị hợp lý của cổ phiếu CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) là 147.000 đồng/cp, tương ứng với P/E mục tiêu 22,5 lần trên EPS dự phóng của năm 2025. Do đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị OUTPERFORM đối với FPT.

Mặc dù không nằm ngoài xu hướng giảm của thị trường chung trong phiên đầu tuần 5/8, nhưng cổ phiếu FPT đã nhanh chóng hồi phục và lấy lại đà tăng trong tuần qua. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu FPT tăng 3.700 đồng (+3%) từ mức 123.200 đồng/CP lên 126.900 đồng/CP.

* DSC khuyến nghị mua cổ phiếu MBB, MBS khuyến nghị khả quan cổ phiếu TCB

Kết quả hoạt động kinh doanh quý II của MBB không ảnh hưởng đến kết quả dự phóng của chúng tôi, với (1) Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, (2) Biên lãi thuần NIM đã tạo đáy và (3) Chất lượng tài sản ổn định, chúng tôi duy trì giá mục tiêu năm 2024 của MBB là 27.000 đồng/CP. DSC khuyến nghị, nhà đầu tư có thể giải ngân cổ phiếu tại vùng giá 22.500 - 23.500 đồng/CP.

Bên cạnh đó, MBS khuyến nghị khả quan dành cho TCB dựa trên (i) kết quả kinh doanh rất khả quan của TCB trong 6 tháng đầu năm 2024 khiến chúng tôi cũng nâng dự báo lợi nhuận sau thuế 2024 thêm 3,4% so với dự báo gần nhất (ii) những diễn biến không quá khả quan của toàn ngành đưa mức upside của TCB về vùng hấp dẫn. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng mức định giá P/B 1.2x là hấp dẫn đối với mức tăng trưởng kỳ vọng 20%/năm của TCB.

Sau tuần tích cực đóng vai trò “đỡ” giá cho thị trường với các mã đầu ngành như VCB, BID, TCB… đua nhau khởi sắc, tuần vừa qua, dòng bank đã suy yếu cùng VN-Index. Trong đó, cổ phiếu TCB kém lạc quan khi đón nhận 3 phiên giảm khá mạnh, 1 phiên tăng nhẹ và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu này giảm 2.400 đồng (-10,21%) từ mức 23.500 đồng/CP xuống 21.100 đồng/CP.

Bên cạnh đó, cổ phiếu MBB đã đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu MBB tăng 350 đồng (-1,47%) từ mức 23.800 đồng/CP xuống 23.450 đồng/CP.

* DSC khuyến nghị mua cổ phiếu MSH, VCI khuyến nghị khả quan cổ phiếu STK

DSC dự phóng giá mục tiêu của MSH trong năm nay sẽ đạt mức 52.000 đồng/CP, với mức giá chiết khấu hợp lý là khoảng 46.000 đồng/CP, đồng thời khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu này.

Bên cạnh đó, VCI điều chỉnh giảm 15% giá mục tiêu cho CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) xuống 32.200 đồng/cổ phiếu và khuyến nghị từ mua xuống khả quan. Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi làm giảm 14% trong báo cáo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2024-2028 của tôi cho STK.

Cổ phiếu MSH đã có tuần hồi phục tích cực dù phiên đầu tuần ngày 5/8 không thoát khỏi đà giảm sâu cùng thị trường. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng, trong đó phiên 8/8 tăng kịch trần, và 1 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu MSH tăng 2.900 đồng (+6,44%) từ mức 45.000 đồng/CP lên 47.900 đồng/CP.

Trong khi đó, dù đã có những nhịp bật hồi, nhưng với thông tin kém lạc quan khi bất ngờ báo lỗ kỷ lục trong quý II/2025 tới hơn 55,5 tỷ đồng và đã phải cắt giảm sản xuất, ngưng nhiều máy móc, cổ phiếu STK tiếp tục có thêm tuần điều chỉnh giảm. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu STK giảm 1.200 đồng (-4,62%) từ mức 25.950 đồng/CP xuống 24.750 đồng/CP.

* DSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu TCH

DSC nâng dự phóng kết quả kinh doanh năm 2024, doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 600 tỷ và 62 tỷ đồng, phản ánh việc tiến độ Hoàng Huy New City tốt hơn kỳ vọng. Đồng thời, DSC đánh giá nâng tốc độ mở bán và tiêu thụ của nhóm dự án tại Thủy Nguyên. Từ đó, DSC nâng mức định giá mục tiêu thêm 6% so với báo cáo gần nhất, lên mức 20.700 đồng/CP và nâng lên khuyến nghị lên mua tại vùng giá 17.000 đồng/CP.

Không được như kỳ vọng của DSC, việc đón nhận tin đồn đã khiến cổ phiếu TCH lao dốc và nằm sàn với khối lượng dư bán sàn chất đống trong phiên 8/8 và tổng kết tuần vẫn trong xu hướng điều chỉnh giảm. Cụ thể, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu TCH giảm 850 đồng (-4,87%) từ mức 17.450 đồng/CP xuống 16.600 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu KBC

Với trung bình hai phương pháp NAV và PB, BVSC duy trì khuyến nghị OUTPERFORM với mức giá hợp lý cho 12 tháng tới là 41.503 đồng/CP; tương đương tăng67,7% so với giá đóng cửa ngày 07/8/2024.

Mặc dù Kinh Bắc báo lãi ròng lên tới hơn 237 tỷ đồng trong quý II/2024 trong khi quý trước đó lỗ gần 77 tỷ đồng, nhưng diễn biến cổ phiếu KBC vẫn chưa thoát khỏi xu hướng điều chỉnh giảm trong tuần qua. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu KBC giảm 750 đồng (-2,89%) từ mức 25.950 đồng/CP xuống 25.200 đồng/CP.

* DSC khuyến nghị mua và SSI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu HPG

DSC hạ định giá HPG từ 38.700 đồng/CP xuống 32.000 đồng/CP và khuyến nghị điểm mua HPG tại vùng giá 26.000-27.000 đồng/CP.

Bên cạnh đó, SSI duy trì giá mục tiêu ở mức 31.400 đồng/cổ phiếu (sau khi điều chỉnh 10% cổ tức bằng cổ phiếu) và hạ khuyến nghị đối với cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát từ mua xuống khả quan sau đợt tăng giá gần đây.

Trái với khuyến nghị của các công ty chứng khoán, cổ phiếu HPG tuần qua đã hòa vào xu hướng giảm chung của nhóm ngành thép. Cụ thể, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu HPG giảm 1.200 đồng (-4,4%) từ mức 27.250 đồng/CP xuống 26.050 đồng/CP.

* DSC khuyến nghị mua cổ phiếu DCM, MBS khuyến nghị khả quan với cổ phiếu DGC

DSC nâng định giá DCM từ 43.000 đồng/CP lên 44.000 đồng/CP do nhận thấy (1) Mặc dù khó bứt phá mạnh mẽ, kịch bản xấu nhất giá bán sẽ chỉ đi ngang chứ khó giảm sâu và (2) Hoạt động tăng thị phần phân NPK của công ty đang diễn ra tốt hơn dự kiến và có thể bù trừ cho rủi ro sức tiêu thụ biến động của mảng Ure. Theo đó, DSC khuyến nghị nhà đầu tư mở mua tại vùng giá 35.500- 36.500 đồng/CP, tương đương mức P/B 1,6x-1,7x lần.

MBS kỳ vọng lợi nhuận ròng của DGC sẽ cải thiện 13%/23% so với cùng kỳ trong năm 2024/2025 nhờ nhu cầu phục hồi từ ngành công nghiệp bán dẫn . Do đó, duy trì khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu DGC với giá mục tiêu thấp hơn 128.100 đồng/CP.

Cũng như thị trường chung, cổ phiếu DCM đã có những phiên giao dịch hồi phục tích cực nhưng không “đủ sức” để giúp mã này thoát khỏi trạng thái điều chỉnh giảm trước đà lao dốc mạnh trong ngày đầu tuần 5/8. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu DCM giảm 550 đồng (-1,5%) từ mức 36.850 đồng/CP xuống 36.300 đồng/CP.

Tương tự DCM, cổ phiếu cùng nhóm phân bón – hóa chất là DGC cũng điều chỉnh giảm nhẹ trong tuần qua. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu DGC giảm 600 đồng (-0,56%) từ mức 107.100 đồng/CP xuống 106.500 đồng/CP.

* DSC khuyến nghị mua cổ phiếu SHS với giá mục tiêu 19.500 đồng/CP

Ước tính, năm 2024, doanh thu hoạt động của SHS đạt 1.987 tỷ đồng (tăng 36%), lợi nhuận sau thuế đạt 906 tỷ đồng (tăng 62% so với năm ngoái). Do đó, DSC đưa ra khuyến nghị mua với giá mục tiêu cho cổ phiếu SHS là 19.500 đồng/CP.

Bên cạnh kết quả lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2024 khá ấn tượng khi gấp tới gần 4 lần so với cùng cùng và hoàn thành 85% mục tiêu cả năm, cổ phiếu SHS đã có những nhịp hồi tích cực sau những phiên giảm mạnh cuối tháng 7, đầu tháng 8, tuy nhiên tổng kết tuần vừa qua, cổ phiếu này vẫn chưa thể thoát khỏi trạng thái điều chỉnh. Cụ thể, với 2 phiên tăng, 2 phiên đứng giá và 1 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu SHS giảm nhẹ 100 đồng (-0,65%) từ mức 15.400 đồng/CP xuống 15.300 đồng/CP.

Tin bài liên quan