Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu BMP
Chúng tôi nâng giá mục tiêu dựa trên DCF cho BMP của CTCP Nhựa Bình Minh thêm 12,1% lên 80.895 đồng/cp (từ 72.159 đồng/CP trước đó), tương ứng với upside 29%. Giá mục tiêu tăng là do: (1) điều chỉnh tăng dự báo kết quả kinh doanh; và (2) sử dụng mức ERP ít thận trọng hơn là 10% (so với 11% trước đây).
Ở giá mục tiêu mới, chúng tôi đang định giá BMP ở mức P/E hợp lý cho 2023 là 10,0x. Duy trì khuyến nghị Outperform.
Bên cạnh sóng nhóm cổ phiếu thoái vốn trong năm 2023, BMP còn có những thông tin tích cực như Công ty muốn đem gần hết lợi nhuận năm 2022 để chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 84%, cùng kết quả kinh doanh quý I ghi nhận mức lãi cao nhất lịch sử hoạt động và nắm giữ hơn 2.000 tỷ đồng tiền gửi, đã giúp cổ phiếu này có tuần tăng tốc mạnh mẽ cả về giá và thanh khoản trong bối cảnh thị trường chung giằng co và giảm điểm.
Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm nhẹ và 3 phiên tăng, trong đó phiên giữa tuần ngày 19/4 tăng kịch trần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BMP tăng 11.600 đồng (+18,59%) từ mức giá 62.400 đồng/CP lên 74.000 đồng/CP. Đồng thời, khối lượng giao dịch trung bình tuần qua đạt gần nửa triệu đơn vị, gấp hơn 10 lần so với mức trung bình của tuần trước đó.
* BVSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu ACB
Chúng tôi cho rằng ACB sẽ đạt được kế hoạch đặt ra tại ĐHCĐ năm 2023 và duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu ACB, với giá mục tiêu 1 năm là 30.900 đồng/cổ phiếu.
Trái với nhận định của BVSC, trong bối cảnh nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn giao dịch ảm đạm, cổ phiếu ACB tiếp tục có tuần kém khả quan. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACB giảm nhẹ 700 đồng (-2,81%) từ mức giá 24.950 đồng/CP xuống 24.250 đồng/CP.
* MBS và PHS cùng khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MWG
MBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu của MWG của CTCP Đầu tư Thế giới di động là 44.200 đồng/cổ phiếu (+11% tăng giá, sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền).
Bên cạnh đó, sử dụng phương pháp DCF và P/S, PHS ước tính giá trị hợp lý là 49.300 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 20%. Định giá của chúng tôi đã phản ánh con số ước tính dựa trên kịch bản cơ sở trong giai đoạn 5 năm tiếp theo và chưa tính đến kết quả của các chuỗi AVA.
Không được như kỳ vọng của PHS, cổ phiếu MWG nhanh chóng quay đầu điều chỉnh sau tuần ngược dòng thị trường tăng nhẹ trước đó. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG giảm nhẹ 700 đồng (-1,75%) từ mức giá 40.000 đồng/CP xuống 39.300 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu VTP
Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 1,5% xuống 33.400 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị khả quan khi chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử sẽ giúp mảng dịch vụ chuyển phát của Tổng CTCP Bưu chính Viettel (VTP - UPCoM) đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) doanh thu là 17% trong giai đoạn 2023-2025. Trong khi đó, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng trưởng chậm hơn với CAGR là 14% do cạnh tranh ngày càng gay gắt trong cùng giai đoạn.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2023 khả quan với lợi nhuận vượt 20% kế hoạch, cổ phiếu VTP đã có tuần tăng khá mạnh. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VTP tăng 1.800 đồng (+6,1%) từ mức giá 29.500 đồng/CP lên 31.300 đồng/CP.
* MBS khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu KDH
Chúng tôi khuyến nghị giữ với mã cổ phiếu KDH với giá mục tiêu sau 1 năm đạt 30.300 đồng/cổ phiếu (+7%).
Sau tuần ngược dòng thị trường chung và nhóm cổ phiếu động sản nói riêng, cổ phiếu KDH đã rung lắc và điều chỉnh nhẹ trong tuần qua do áp lực bán chốt lời gia tăng, đáng kể là thanh khoản sụt giảm mạnh khi không có phiên nào khớp 1 triệu đơn vị. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm và chỉ 1 phiên tăng duy nhất ngày đầu tuần 17/4, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu KDH giảm nhẹ 200 đồng (-0,7%) từ mức giá 28.600 đồng/CP xuống 28.400 đồng/CP.
* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu QNS
Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền và so sánh tương đối P/E, chúng tôi nâng mức giá mục tiêu 1 năm cho cổ phiếu QNS lên 52.400 đồng/CP, khuyến nghị mua với tiềm năng tăng giá 22%.
Dù không bốc đầu tăng vọt nhưng cổ phiếu QNS đi lên khá vững kể từ đầu tháng 4 và trong tuần qua cũng giữ được phong độ. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu QNS tăng 1.100 đồng (+2,66%) từ mức giá 41.400 đồng/CP lên 42.500 đồng/CP.
* AGR khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu DBC
DBC đang có P/B 0,7 lần, gần như thấp nhất trong nhiều năm qua, phản ánh những khó khăn gặp phải. Với triển vọng ngành chăn nuôi và DBC có thể tốt dần lên trong năm 2023, chúng tôi đánh giá DBC xứng đáng với mức định giá cao hơn. Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu DBC với giá mục tiêu 16.500 đồng/CP.
Phiên giao dịch bốc đầu ngày đầu tuần của nhóm cổ phiếu chăn nuôi nói chung và DBC nói riêng đã giúp mã này có thêm tuần khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, trong đó phiên 17/4 tăng kịch trần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DBC tăng 1.050 đồng (+7,14%) từ mức giá 14.700 đồng/CP lên 15.750 đồng/CP.
* PHS khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu BSR
Sử dụng phương pháp DCF và P/E, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý là 16,200 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị nắm giữ với mức giảm giá tiềm năng là 1.3%. Định giá này đã tính đến kế hoạch nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất gần nhất và đợt bảo dưỡng tổng thể lần 5 dự kiến tiến hành trong năm 2024F.
Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BSR tăng 1.800 đồng (+6,1%) từ mức giá 29.500 đồng/CP lên 31.300 đồng/CP.
* MBS khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu GAS
Chúng tôi khuyến nghị giữ cổ phiếu GAS với các điểm nhấn chính: 1) Doanh nghiệp số 1 ngành khí Việt Nam với quy mô tiếp tục mở rộng; 2) Kết quả kinh doanh năm 2022 khả quan nhờ sản lượng khí hồi phục và đặc biệt giá dầu tăng mạnh: 3) Tiềm lực tài chính mạnh là cơ sở đảm bảo thực hiện tốt các dự án đầu tư trong tương lai; 4) Chính sách cổ tức bằng tiền hấp dẫn với tỷ lệ từ 30-35%/năm.
Cùng xu hướng giảm của giá dầu kéo dài từ giữa năm ngoái, nhóm dầu khí đã lâu cũng không có sóng ngành thực sự ấn tượng và trong tuần qua cũng vậy. Trong đó, cổ phiếu GAS gần như lặng sóng trong khoảng nửa năm qua. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm và chỉ 1 phiên tăng nhẹ ngày 20/4, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GAS giảm 2.700 đồng (-2,75%) từ mức giá 98.100 đồng/CP xuống 95.400 đồng/CP.
* BSC khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu GMD
Chúng tôi khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu GMD với giá mục tiêu 57.000 đồng, (+8% so với giá đóng cửa ngày 20/04/2023) cho năm 2023 dựa trên hai phương pháp PE mục tiêu (17x). Chúng tôi đưa ra khuyến nghị theo dõi do cho rằng tăng trưởng sản lượng âm trong năm 2023.
So với báo cáo trước đó, BSC nâng giá mục tiêu từ 53.500 đồng/CP lên mức 56.500 đồng/CP chủ yếu đến từ việc BSC đưa vào lợi nhuận bất thường từ bán cảng Nam Hải Đình Vũ vào định giá.
Mặc dù ước tính sẽ ghi nhận hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế từ thoái vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ, nhưng dư địa tăng trưởng của Gemadept tại Hải Phòng sau thương vụ này sẽ không còn nhiều do các cảng cơ bản đã được lấp đầy. Diễn biến cổ phiếu GMD tuần qua quay đầu rung lắc và điều chỉnh nhẹ. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm, 2 phiên tăng và 1 phiên đứng giá tham chiếu vào cuối tuần ngày 21/4, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GMD giảm nhẹ 900 đồng (-1,67%) từ mức giá 53.800 đồng/CP xuống 52.900 đồng/CP.