Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh thị trường giao dịch tiêu cực, nhiều cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị tuần qua tiếp tục lao dốc và giảm trên 10%. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* BVSC khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu VCB

Cổ phiếu VCB đã có sự điều chỉnh khá mạnh theo diễn biến điều chỉnh của thị trường kéo mức định giá P/B trượt về quanh 2,72 lần, tương đương với bình quân lịch sử và nằm ở khu vực thấp nhất từ 2018 tới nay.

Tuy nhiên, chúng tôi quan ngại về chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất tăng cao và biến động trên thị trường bất động sản cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp làm giảm triển vọng của các ngân hàng. BVSC đang xem xét lại dự báo cũng như định giá và sẽ cập nhật trong báo cáo tới.

Trong bối cảnh chung khá tiêu cực, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã có những nhịp hồi và đóng vai trò là một trong những má phanh giúp thị trường bớt giảm sâu hoặc tăng nhẹ. Trong đó, “anh cả” của ngành là VCB không ngoại lệ. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VCB tăng 3.700 đồng (+5,15%) từ mức giá 71.800 đồng/CP lên 75.500 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DGC, giá mục tiêu là 97.500 đồng/CP

Dựa trên định giá FCFF và EV/EBITDA, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DGC. Giá mục tiêu là 97.500 đồng/CP, cao hơn 33.2% so với mức giá đóng cửa ngày 03/11/2022.02:12

Trái với nhận định của KBSV, cổ phiếu DGC đã có tuần giao dịch tồi tệ với những phiên liên tiếp giảm sâu và tạo lập đáy mới của năm. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm, trong đó có 2 phiên giảm sàn và 1 phiên tăng nhẹ duy nhất ngày 8/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DGC giảm 9.600 đồng (-13,52%) từ mức giá 71.000 đồng/CP xuống 61.400 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NT2

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý là 31.200 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 23%. Trong định giá này, chúng tôi nâng lãi suất phi rủi ro tính đến thời điểm hiện tại lên 5% (từ mức 3.5%) để dự tính các động thái sắp tới của lãi suất trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang bị thắt chặt.

Cổ phiếu NT2 đã có tuần biến động mạnh mẽ. Đáng chú ý, trong 2 phiên thị trường lao dốc, NT2 đã không tránh khỏi “bão” và đã chứng kiến những phiên nằm sàn; trái lại nhịp hồi nhẹ ngày cuối tuần 11/11 đã chứng kiến màn trình diễn tích cực của nhóm cổ phiếu điện với điểm sáng là NT2 khi tăng kịch trần. Theo đó, với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NT2 giảm 1.050 đồng (-4,38%) từ mức giá 24.000 đồng/CP xuống 22.950 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu FPT, với giá mục tiêu 104.100 đồng/CP

Dựa trên phương pháp định giá từng phần và Phương pháp so sánh P/E, chúng tôi khuyến nghị mua với giá mục tiêu là 104.100 đồng/cổ phần, upsize 40%.

Mặc dù không ngược dòng thành công nhưng việc giữ giá trong tuần qua của FPT cũng đã khá thành công trong bối cảnh thị trường chung tiếp tục giảm sâu và phá đáy của năm. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT giảm nhẹ 100 đồng (-0,14%) từ mức giá 72.900 đồng/CP xuống 72.800 đồng/CP.

* KIS kỳ vọng giá cước tàu chở dầu sẽ vẫn neo ở mức cao sẽ giúp PVT hưởng lợi

Chúng tôi kỳ vọng giá cước tàu chở dầu sẽ vẫn neo ở mức cao trong quý IV/2022F, và điều này sẽ giúp các công ty vận tải dầu khí như PVT được hưởng lợi. Bên cạnh đó, nhà máy Dung Quất gần đây đã công bố tăng công suất lên 109% sẽ đảm bảo được sản lượng vận chuyển cho PVT trong thị trường nội địa. Nhìn chung, chúng tôi cho rằng tăng trưởng doanh thu theo năm trong quý IV/2022F sẽ ở mức cao, tuy nhiên tăng trưởng doanh thu theo quý là chưa chắc chắn.

Mặc dù thanh khoản của PVT có cải thiện nhưng phiên lao dốc mạnh cùng thị trường ngày 10/11 đã khiến cổ phiếu này tiếp tục có thêm tuần điều chỉnh nhẹ. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVT giảm 300 đồng (-1,76%) từ mức giá 17.000 đồng/CP xuống 16.700 đồng/CP.

* SSI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu SAB

Để phản ánh những lo ngại về lợi nhuận trong tương lai, chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 12 tháng dựa trên phương pháp DCF/PER cho cổ phiếu SAB từ 213.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 204.000 đồng/cổ phiếu (tương đương với tiềm năng tăng giá 12%). Tuy nhiên, chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu.

Những thông tin tích cực như lợi nhuận sau thuế quý III/2022 tăng trưởng tới 196% so với cùng kỳ hay ngày 21/12 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%..., là những động lực giúp SAB trở thành một trong những mã “tránh bão” thành công. Tuần vừa qua, cổ phiếu SAB đã lấy lại đà tăng sau 2 tuần điều chỉnh nhẹ trước đó. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SAB tăng 5.800 đồng (+3,19%) từ mức giá 182.000 đồng/CP lên 187.800 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu BMI, với giá mục tiêu 29.000 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua với giá mục tiêu của BMI lên 29.000 đồng/cổ phiếu. Giá mục tiêu đã phản ánh kỳ vọng về mức tăng trưởng 8% hàng năm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng như sự hưởng lợi từ môi trường lãi suất huy động tăng. Chúng tôi đưa dự phóng BMI trả cổ tức bằng tiền mặt 1.200 đồng/cổ phiếu (tương đương với lợi suất cổ tức là 6,8%) trong năm 2022 và năm 2023.

Trái với nhận định của MBS, cổ phiếu BMI tiếp tục có tuần lao dốc. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm, trong đó có 2 phiên giảm sàn và 1 phiên tăng duy nhất ngày 8/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BMI giảm 3.900 đồng (-17,81%) từ mức giá 21.900 đồng/CP xuống 18.000 đồng/CP.

* SSI khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu IDC

Cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO - Công ty cổ phần đang giao dịch tại PE 2022 lần lượt là 5,5x và PB là 2,1x. Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua từ báo cáo trước; Giá mục tiêu 1 năm là 59.300 đồng/cp - sau khi tăng tỷ lệ chiết khấu và giảm diện tích thuê từ giai đoạn 2024-2025 nhằm phản ảnh dòng vốn FDI chậm do suy thoái kinh tế.

Bất chấp những thông tin hỗ trợ như doanh nghiệp đã thông qua chủ trương sẽ mua lại IDC làm cổ phiếu quỹ, nhưng diễn biến cổ phiếu này vẫn trong bối cảnh tiêu cực chung của nhóm cổ phiếu bất động sản. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm, trong đó có 2 phiên cuối tuần ngày 10-11/11 giảm sàn và 2 phiên tăng nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu IDC giảm 8.000 đồng (-19,85%) từ mức giá 40.300 đồng/CP xuống 32.300 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu VNM

Tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng một phần nhỏ lên lợi nhuận do VNM vẫn là công ty nhập siêu và VNM có khoản nợ bằng đồng USD khoảng 400 triệu USD vào cuối quý III/2022. Do đó, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu VNM, với giá mục tiêu 83.900 đồng/CP.

Cổ phiếu VNM đã có tuần giằng co và quay đầu điều chỉnh nhẹ sau những tuần hồi nhẹ từ giữa tháng 10. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm, 2 phiên tăng và 1 phiên đứng giá ngày 11/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VNM giảm 1.600 đồng (-2%) từ mức giá 80.000 đồng/CP xuống 78.400 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu TRA

BVSC ước tính mức tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của TRA (giai đoạn 2022-2026) chưa có sự bứt phá mạnh mẽ, và sẽ duy trì ở mức 10%/năm trong trường hợp nhà máy Hưng Yên đạt tiêu chuẩn WHO – GMP. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị NEUTRAL cho cổ phiếu TRA.

Diễn biến cổ phiếu TRA tuần qua khá giằng co với những phiên tăng giảm xen kẽ và với lượng cổ phiếu khá cô đặc, thanh khoản TRA vẫn nhỏ giọt với những phiên chỉ khớp vài nghìn đơn vị. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TRA giảm 1.000 đồng (-1,08%) từ mức giá 93.000 đồng/CP xuống 92.000 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực cổ phiếu QNS, với giá mục tiêu 48.600 đồng/CP

BVSC khuyến nghị OUTPERFORM đối với QNS với giá mục tiêu 48.600 đồng/CP, tương ứng với P/E 10,5x cho năm 2023 và tiềm năng tăng giá 20%. Các điểm nhấn chính: (i) tăng trưởng 2023 vừa phải ở mức 11% trong khi vẫn có suất cổ tức 7,4%; (ii) thuộc ngành nghề thiết yếu ít chịu tác động mạnh bởi yếu tố vĩ mô; và (iii) P/E dự phóng của QNS đã về vùng hấp dẫn trong lịch sử 2 năm trở lại đây – quanh mức 9 lần.

Chuỗi ngày giảm của QNS từ đầu tháng 11 tiếp tục kéo dài trong tuần vừa qua và dù cổ phiếu đã tìm lại sắc xanh trong phiên cuối tuần ngày 11/11 nhưng vẫn chưa thể thoát khỏi trạng thái điều chỉnh. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu QNS giảm 3.700 đồng (-8,87%) từ mức giá 41.700 đồng/CP xuống 38.000 đồng/CP.

* SSI khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu HAH

Chúng tôi hạ khuyến nghị đối với cổ phiếu HAH xuống trung lập, với mức giá mục tiêu 1 năm là 38.500 đồng/cổ phiếu (P/E mục tiêu là 4 lần), tương đương với tiềm năng tăng giá là 23,7%.

Cổ phiếu HAH tiếp tục cắm đầu lao dốc và chứng kiến thêm tuần giao dịch tồi tệ khiến giá cổ phiếu này xác lập vùng đáy mới của năm. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm, trong đó có 3 phiên giảm sàn và 1 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HAH giảm 7.650 đồng (-21,61%) từ mức giá 35.400 đồng/CP xuống 27.750 đồng/CP.

* SSI khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu HPG

Chúng tôi duy trì khuyến nghị phù hợp thị trường đối với cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 12 tháng 15.700 đồng/cổ phiếu, dựa trên P/E không đổi và EV/EBITDA lần lượt là 7,5 và 5,5 lần, với trọng số ngang bằng.

Bên cạnh diễn biến tiêu cực của nhóm cổ phiếu thép nói riêng và thị trường nói chung, cổ phiếu HPG tiếp tục có tuần lao dốc khi liên tiếp đón nhận thêm những thông tin bất lợi như lợi nhuận quý III bất ngờ báo lỗ, tạm dừng 4 lò cao mang tính sống còn với doanh nghiệp do tồn kho nhiều… Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm, trong đó phiên 10/11 giảm sàn và 1 phiên tăng nhẹ duy nhất ngày cuối tuần 11/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HPG giảm 2.350 đồng (-16,04%) từ mức giá 14.650 đồng/CP xuống 12.300 đồng/CP.

Tin bài liên quan