Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phần lớn các cổ phiếu được các công ty chứng khoán khuyến nghị giao dịch trong tuần qua, với không ít các mã thuộc nhóm trụ cột ngân hàng gần như chỉ biến động nhẹ. Điểm sáng và nổi bật nhất có lẽ đến từ PTB, với mức tăng hơn 7,6%.

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* BSC khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu LHG tại ngưỡng 44

Cổ phiếu LHG của CTCP Long Hậu có một phiên tăng điểm tốt với mẫu hình nến Marubozu cùng thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI cho thấy xu hướng tích cực. Đường giá cổ phiếu đã ở trên đường MA20 và M50 và đường MA20 đang ở trên MA50.

Do đó, BSC khuyến nghị nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 38.7, chốt lãi tại ngưỡng 44.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 36.0

Trong tuần qua, cổ phiếu LHG biến động nhẹ với 4/5 phiên chỉ tăng giảm trên dưới 1% và cùng phiên 18/8 giảm 2%, thanh khoản khớp lệnh trung bình trên dưới 0,6 triệu đơn vị.

Như vậy, cổ phiếu này trong tuần giảm nhẹ từ 38.700 đồng xuống 37.900 đồng, tương đương -2,06%.

* KBSV khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu REE, giá mục tiêu là 91.100 đồng

Chúng tôi cũng đánh giá cao triển vọng tích cực của kế hoạch phát triển điện mặt trời của REE nhờ vào trọng tâm phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ trong Quy hoạch điện VIII.

Dựa trên định giá SOTP, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu REE. Giá mục tiêu là 91.100 đồng/CP, cao hơn 13.0% so với giá tại ngày 12/08/2022.

Trong tuần, cổ phiếu REE sau khi tăng khá mạnh 3,7% trong phiên đầu tuần, đã chỉ biến động tăng, giảm nhẹ đan xen trong 4 phiên còn lại.

Giá cổ phiếu tăng nhẹ từ 80.600 đồng lên 81.700 đồng, tương đương +1,36%.

* PHS khuyến nghị mua cổ phiếu VIB với giá mục tiêu 42.800 đồng/CP

Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, chúng tôi xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu VIB là 42.800 đồng/CP, đồng thời khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này.

Rủi ro: (1) Tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp nhất trong ngành, và việc gia tăng mạnh nợ cần chú ý, sẽ tạo sức ép lên lợi nhuận của ngân hàng trong năm 2022; (2) Rủi ro lạm phát cao ảnh hưởng đến cho vay bán lẻ.

Trong tuần, cổ phiếu VIB nhích 1,7% và 0,8% trong hai phiên đầu tuần và điều chỉnh nhẹ trong ba phiên còn lại, giá cổ phiếu giảm không đáng kể từ 25.800 đồng xuống 25.700 đồng, khớp lệnh trung bình trên dưới 2 triệu đơn vị/phiên.

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu DXG với giá mục tiêu 38.300 đồng

So với báo cáo khuyến nghị Mua gần nhất ngày 23/02/2021, giá cổ phiếu DXG đã ghi nhận mức điều chỉnh mạnh tương đồng với thị trường sau khi đạt mục tiêu trước đó của chúng tôi.

BSC đưa ra giá mục tiêu 1 năm là 38.300 đồng/CP (tăng 36,7% so với mức giá đóng cửa ngày 12/08/2022) và duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DXG dựa trên việc thay đổi một số giả định sau: (1) Áp mức chiết khấu 20% do các yếu tố rủi ro từ ngành và thị trường lên RNAV cũng như (2) tăng chi phí vốn WACC lên mức 13% từ mức 11.5% do lãi suất tăng lên và (3) điều chỉnh giá bán một số dự án theo giá thị trường (Gem Riverside, Gem Premium).

Trong tuần qua, cổ phiếu DXG có phiên ngày 17/8 tăng 2,9%, còn lại chỉ ít biến động và giá cổ phiếu tăng từ 28.000 đồng lên 29.000 đồng, tương đương +3,6%, thanh khoản ở mức cao trong hai phiên 17 và 19/8 với hơn 11 triệu đơn vị khớp lệnh.

* Agriseco khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu BID, giá mục tiêu 46.000 đồng

Kế hoạch tăng trưởng ấn tượng 2022 và việc sẽ phát hành riêng lẻ 9% trong năm nay và 2023 sẽ là các catalyst hấp dẫn để đầu tư cổ phiếu này. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu BID, hướng tới giá mục tiêu là 46.000 đồng/CP.

Trong tuần, cổ phiếu BID chỉ có phiên đầu tuần tăng mạnh 4,6% và sau đó là bốn phiên giảm nhẹ trên dưới 1%/phiên. Giá cổ phiếu theo đó nhích nhẹ từ 39.200 đồng lên 39.350 đồng, tương đương +0,4%.

* SSI Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu KDH với giá mục tiêu 47.000 đồng

Chúng tôi hạ khuyến nghị cổ phiếu KDH của Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền từ mua xuống khả quan với giá mục tiêu 1 năm điều chỉnh xuống 47.000 đồng/CP (tiềm năng tăng giá là 19%).

Mức giá này được điều chỉnh giảm 26% so với giá mục tiêu 1 năm trong báo cáo gần nhất, do chúng tôi thay đổi phương pháp định giá.

Trong tuần, cổ phiếu KDH giao dịch khá ảm đạm, khi có tới hai phiên đứng tham chiếu và các phiên còn lại chỉ biến động trong biên độ thấp. Giá cổ phiếu giảm nhẹ từ 38.800 đồng xuống 38.700 đồng.

* KBSV khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 28.500 đồng

Chúng tôi điều chỉnh dự phóng doanh thu năm 2022 của HPG đạt 154.174 tỷ đồng (tăng 3% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế đạt 20.623 tỷ đồng (giảm 40%). Với kỳ vọng giá nguyên vật liệu đầu vào giảm và việc đẩy mạnh đầu tư công từ Chính phủ, chúng tôi khuyến nghị mua với giá mục tiêu 28.500 đồng/CP, upside 19,11%.

Trong tuần, cổ phiếu HPG đứng tham chiếu phiên đầu tuần, sau đó nhích 2,3% trước khi giảm nhẹ trong ba phiên còn lại, giá cổ phiếu giảm nhẹ từ 23.950 đồng xuống 23.750 đồng, tương đương -0,83%. Thanh khoản luôn nằm trong top những mã cao nhất HOSE, với phiên cao nhất khớp lệnh tới hơn 65,4 triệu đơn vị, cao nhất trong hơn 5 tháng.

* KBSV Khuyến nghị mua cổ phiếu MBB với giá mục tiêu 37.300 đồng

Sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và Chiết khấu lợi nhuận thặng dư, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu cho năm 2022 của cổ phiếu MBB là 37.300 đồng/CP, cao hơn 36,4% so với giá tại ngày 15/08/2022, đồng thời khuyến nghị mua cổ phiếu này.

Trong tuần, cổ phiếu MBB cũng như nhiều cổ phiếu ngân hàng khác, chỉ biến động nhẹ, tăng giảm đan xen với biên độ trên dưới 1%. Giá cổ phiếu tăng từ 27.050 đồng lên 27.600 đồng, tương đương +2,03%.

* SSI khuyến nghị khả quan cổ phiếu MSB với giá mục tiêu 23.000 đồng

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu MSB của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi giảm giá mục tiêu 1 năm xuống 23.000 đồng/cổ phiếu (từ 28.400 đồng).

Nguyên nhân đến từ các yếu tố sau: (1) loại trừ khoản thu nhập từ việc thoái vốn FCCOM ra khỏi dự báo của chúng tôi, (2) giảm P/B mục tiêu xuống 1,3 lần (từ 1,5 lần), để phản ánh dư nợ tương đối cao của ngân hàng đối với các chủ đầu tư bất động sản.

Cổ phiếu MSB duy trì sắc xanh trong hai phiên đầu tuần, nhưng sau đó đã chỉ có được giá tham chiếu trong hai phiên tiếp theo, trước khi điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần.

Giá cổ phiếu MSB trong tuần theo đó tăng từ 18.800 đồng lên 19.250 đồng, tương đương +2,39%.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho VEA, HAX và DRC

Chúng tôi duy trì khuyến nghị Outperform cho cả VEA (Upside: 24%), HAX (Upside: 24%) và DRC (Upside: 21%), với định giá rẻ và triển vọng vững chắc.

Tuần qua, cổ phiếu VEA với hai phiên tăng và ba phiên giảm, giá cổ phiếu giảm nhẹ từ 45.500 đồng xuống 45.100 đồng, tương đương -0,88%.

Cổ phiếu DRC với hai phiên tăng, hai phiên giảm và một phiên đứng tham chiếu, biên độ dao động phần lớn ở mức thấp, giá cổ phiếu nhích từ 29.400 đồng lên 29.800 đồng, tương đương +1,36%.

Cổ phiếu HAX sau phiên đầu tuần nhích nhẹ đã điều chỉnh liên tiếp ba phiên -2,4%; -2%, -1,81%, trước khi hồi phục 3% trong phiên cuối tuần. Giá cổ phiếu giảm từ 22.750 đồng xuống 22.350 đồng, tương đương -1,75%.

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu NLG với giá mục tiêu 53.500 đồng

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu NLG tuy nhiên điều chỉnh giảm giá mục tiêu xuống 53.500 đồng/CP (tăng 25% so với mức giá đóng cửa ngày 26/08/2022) dựa trên việc thay đổi một số giả định bao gồm theo phương pháp RNAV dựa trên giả định (1) Điều chỉnh mức WACC dự án = 12%, (2) Áp dụng mức chiết khấu 10% cho rủi ro chung của ngành và thị trường và (3) Điều chỉnh tăng giá bán một số dự án (Izumi City, Akari City).

Trong tuần, cổ phiếu sau phiên đầu tuần tăng, giảm nhẹ, đã biến động khá mạnh trong ba phiên còn lại, với mức tăng 2,34% và giảm 2,51% và 3,28% sau đó. Kết tuần, cổ phiếu NLG giảm từ 42.400 đồng xuống 41.300 đồng, tương đương -2,59%.

* SSI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu CTG

Chúng tôi lặp lại khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, mặc dù điều chỉnh giảm giá mục tiêu xuống 35.300 đồng/cổ phiếu (từ 39.700 đồng/cổ phiếu) do chúng tôi giảm P/B mục tiêu xuống 1,6 lần (từ 1,8 lần) để phản ánh môi trường lãi suất tăng.

Trong tuần, cổ phiếu CTG chỉ duy nhất có một phiên tăng đầu tuần 15/8 với mức tăng 2,61%, sau đó giảm trong cả 4 phiên còn lại. Kết tuần, CTG giảm từ 28.650 đồng xuống 28.250 đồng, tương đương -1,4%.

* BSC khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu PTB tại ngưỡng 77.000

Cổ phiếu PTB của CTCP Phú Tài có một phiên giao dịch điều chỉnh nhẹ sau phiên tăng điểm tốt với cây nến Marubozu của ngày hôm trước, thanh khoản cổ phiếu duy trì vượt ngưỡng trung bình 20 phiên.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI cho thấy xu hướng tích cực. Đường giá cổ phiếu đã ở trên đường MA20 và M50 và đường MA20 đang ở dưới MA50 và đang có xu hướng cắt lên trên đường MA50.

Do đó, nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 67.8, chốt lãi tại ngưỡng 77.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 64.0.

Trong tuần, cổ phiếu PTB có hai phiên đầu tuần nhích nhẹ và đột ngột bùng nổ tăng kịch trần trong phiên giữa tuần và chỉ giảm nhẹ 0,44% sau đó trước khi dừng chân ở tham chiếu trong ngày cuối tuần.

Giá cổ phiếu theo đó tăng từ 63.000 đồng lên 67.800 đồng, tương đương +7,61%.

Tin bài liên quan