Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền chảy mạnh khiến thị trường có tuần giao dịch khá bùng nổ và ở nhóm cổ phiếu được khuyến nghị, hàng loạt mã đã ghi nhận mức tăng hơn 10% như POW, PVT, GAS, CEO, HSG.

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* PSI và VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu POW, BSC khuyến nghị theo dõi

PSI duy trì quan điểm tích cực đối tiềm năng của POW trong dài hạn với kế hoạch khởi công Dự án Nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3,4 trong quý 4/2021 và xúc tiến đầu tư 02 dự án LNG điện khí ở Quảng Ninh và Dự án kho LNG ở Nam Du, củng cố vị thế số 1 của POW trong lĩnh vực điện khí/LNG​.

Tương tự, VCSC nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua chủ yếu do giá cổ phiếu của Tổng công ty Điện lực Dầu khí (POW) đã giảm khoảng 17% trong 3 tháng qua; chúng tôi cũng tăng giá mục tiêu thêm 5%. Chúng tôi tiếp tục xem POW là cơ hội đầu tư vào quá trình Việt Nam chuyển đổi sang điện LNG. Tuy nhiên vẫn còn có những rủi ro đầu tư đáng chú ý từ kết quả đàm phán hợp đồng mua bán lại (PPA), dù đàm phán đang ở giai đoạn cuối cùng.

Trong khi đó, BSC khuyến nghị theo dõi cho cổ phiếu POW với giá mục tiêu 13.800 đồng/CP cho năm 2021, tương đương với upside 15% so với giá ngày 18/05/2021 dựa trên phương pháp định giá từng phần (SOTP), trong đó EV/EBITDA trung bình của các mảng điện khí, điện than và thủy điện lần lượt là 5.8x, 5.1x và 9.0x.

Dù có nguy cơ bị loại ra khỏi danh mục chỉ số VN30 trong các kỳ rà soát nhưng với quá trình tích lũy khá dài, tuần qua cổ phiếu POW đã đem lại niềm vui cho nhà đầu tư. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng, trong đó phiên 3/6 tăng trần và 1 phiên giảm ngày 2/6, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu POW tăng 1.400 đồng (+11,97%) từ mức giá 11.700 đồng/CP lên 13.100 đồng/CP.

* Theo BSC, chốt lãi khi cổ phiếu KSB tiếp cận ngưỡng 32.5

Chỉ báo MACD cho thấy dấu hiệu tích cực về vận động giá trong khi chỉ báo RSI đang ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đang hướng về dải mây ichimoku cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn sắp hình thành.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 28.9 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng 32.5. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 27.0.

Thông tin phát hành thêm 6,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 10% đã giúp cổ phiếu KSB có những phiên tăng mạnh cả về giá và thanh khoản. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên tăng mạnh và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu KSB tăng 2.500 đồng (+8,93%) từ mức giá 28.000 đồng/CP lên 30.500 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu PNJ với giá mục tiêu 122.000 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua và thay đổi giá mục tiêu của PNJ lên 122.000 đồng/cổ phần (tăng 21% upside, sử dụng phương pháp P/E và triết khấu dòng tiền). Các yếu tố thúc đẩy giá: (1) sức mua giành cho các mặt hàng không thiết yếu như trang sức đã phục hồi tốt hơn so với dự kiến và sẽ còn tăng trưởng trong 2021, (2) ra mắt nhiều dòng sản phẩm mới, chiến dịch marketing và khuyến mãi thúc đẩy doanh số bán hàng, (3) các thương vụ sáp nhập.

Trái với khuyến nghị của MBS, diễn biến cổ phiếu PNJ tuần qua không có nhiều biến động với những phiên tăng giảm nhẹ quanh vùng giá 100.000 đồng/CP. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng, 3 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PNJ giảm nhẹ 400 đồng (-0,4%) từ mức giá 101.000 đồng/CP xuống 100.600 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu DPM với giá mục tiêu 23.300 đồng/CP

Chúng tôi dự báo năm 2021, công ty có thể đạt sản lượng kinh doanh phân bón và hóa chất các loại với 1,27 triệu tấn, tăng 3% so với 2020, doanh thu đạt 9.473 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 977 tỷ, lần lượt bằng 122% và 115% so với 2020. Định giá cổ phiếu ở mức 23.300 đồng/cổ phần, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu DPM.

Không được như kỳ vọng của MBS, cổ phiếu DPM tuần qua vẫn chưa thể chạm được mốc 20.000 đồng/CP. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 4/6, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DPM tăng 900 đồng (+4,74%) từ mức giá 19.000 đồng/CP lên 19.900 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu PVT với giá mục tiêu 22.300 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PVT với giá mục tiêu 22.300 đồng/CP trên cơ sở (i) nhu cầu vận chuyển dầu & sản phẩm dầu hồi phục sau khoảng thời gian chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, (ii) nhu cầu tiêu thụ trong nước cải thiện khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất tăng hiệu suất hoạt động sau hoạt động bảo dưỡng định kỳ năm 2020, và (iii) giá cước vận tải dự báo tăng.

Tuần vừa qua thị trường đã đón đợt sóng mới của dòng dầu khí, đặc biệt trong phiên cuối tuần ngày 4/6 hàng loạt mã trong ngành đã đua nhau tăng trần, trong đó cổ phiếu PVT cũng không ngoại trừ. Cụ thể, với việc đón nhận 5 phiên tăng liên tiếp, trong đó phiên 4/6 tăng trần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVT tăng 2.050 đồng (+11,39%) từ mức giá 18.000 đồng/CP lên 20.050 đồng/CP.

* VCSC và KIS cùng khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu GAS

VCSC khuyến nghị mua với cổ phiếu GAS ở mức thấp điểm hiện tại cho tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn, với giá mục tiêu 92.700 đồng/cp trên cơ sở Kết hợp phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền DCF và so sánh PE, PB.

Bên cạnh đó, dựa trên định giá P/E, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các rủi ro có thể phát sinh, KIS khuyến nghị mua (duy trì) đối với cổ phiếu GAS. Giá mục tiêu là 107.800 đồng/CP, cao hơn 32.3% so với giá tại ngày 28/05/2021.

Là cổ phiếu lớn của ngành dầu khí, GAS cũng có tuần giao dịch đầy hứng khởi khi tăng mạnh cả về giá và thanh khoản. Thống kê với việc đón nhận 5 phiên tăng liên tiếp, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GAS tăng 9.400 đồng (+11,46%) từ mức giá 82.000 đồng/CP lên 91.400 đồng/CP.

* Theo BSC, chốt lãi khi cổ phiếu CEO tiếp cận ngưỡng 12.5

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku báo hiệu nhịp tăng giá trung hạn.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 10.4 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng 12.5. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 9.5.

Bên cạnh nhóm dầu khí, các cổ phiếu trong nhóm bất động sản cũng đang có dấu hiệu khởi sắc, trong đó cổ phiếu CEO là một nhân tố. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên đứng giá ngày 3/6 và 1 phiên giảm ngày 2/6, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CEO tăng 1.300 đồng (+13,68%) từ mức giá 9.500 đồng/CP lên 10.800 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua cho DHC với giá mục tiêu 118.900 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho DHC với giá mục tiêu 118.900 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 16,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,9%, dựa theo giá đóng cửa phiên 1/6.

Những thông tin tích cực trong tài liệu ĐHCĐ thường niên dự kiến sẽ tổ chức ngày 21/6 tới đây như tỷ lệ chia cổ tức năm 2020 dự kiến ở mức 50%, trong đó đã tạm ứng 25% bằng tiền và phần còn lại sẽ được chia bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%, hay kết quả kinh doanh quý I/2021 đã hoàn thành hơn 43% mục tiêu lợi nhuận cả năm, đã giúp cổ phiếu DHC có tuần giao dịch tích cực.

Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá tham chiếu ngày 3/6, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DHC tăng 4.700 đồng (+4,62%) từ mức giá 101.700 đồng/CP lên 106.400 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua cho CTG với giá mục tiêu 54.900 đồng/CP

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua cho CTG với giá mục tiêu 54.900 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự kiến là 4,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 0,9%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt và là tâm điểm giao dịch của thị trường trong tuần qua, trong đó cổ phiếu CTG cũng không loại trừ. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CTG tăng 2.800 đồng (+5,47%) từ mức giá 51.200 đồng/CP lên 54.000 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu DIG

Chúng tôi chủ yếu duy trì giá mục tiêu ở mức 35.000 đồng/CP nhưng điều chỉnh khuyến nghị từ mua còn khả quan vì giá cổ phiếu của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) đã tăng 12% trong 3 tháng qua.

Cũng là một trong những điểm sáng của nhóm bất động sản, tuần qua, DIG còn được hỗ trợ thêm bởi thông tin chốt quyền chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 100:17. Qua đó, diễn biến cổ phiếu DIG đã giữ đà tăng ổn định trong gần suốt cả tuần khi đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm ngày 2/6. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DIG tăng 1.200 đồng (+3,82%) từ mức giá 31.450 đồng/CP lên 32.650 đồng/CP.

* Theo BSC, chốt lãi khi cổ phiếu PC1 tiếp cận ngưỡng 32.5

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku báo hiệu nhịp tăng giá trung hạn.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 27.5 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng 32.5. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 23.5.

Cổ phiếu PC1 tuần qua biến động giằng co nhẹ quanh vùng giá 27.x. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PC1 tăng 650 đồng (+2,47%) từ mức giá 26.300 đồng/CP lên 26.950 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu HSG với giá mục tiêu 50.242 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua với cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen với giá mục tiêu 50.242 đồng/CP bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF, với WACC là 14,65% và tăng trưởng dài hạn là 1%, tương đương P/B kì vọng là 2,1 lần.

Dù sóng thép đã hạ nhiệt nhưng với những thông tin tích cực về kết quả kinh doanh và ngày 15/6 tới đây sẽ chốt quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%, đã tiếp sức cho cổ phiếu HSG tiếp tục phi nước đại. Cụ thể, Hoa Sen ghi nhận doanh thu 7 tháng đầu niên độ tài chính 2020-2021 (từ 1/10/2020 – 30/4/2021) đạt 24.496 tỷ đồng, hoàn thành 74% kế hoạch cả năm và lợi nhuận sau thuế đạt 2.208 tỷ đồng, vượt 47% kế hoạch đã năm, đã tiếp sức cho cổ phiếu HSG tiếp tục phi nước đại.

Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng mạnh và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HSG tăng 4.850 đồng (+11,76%) từ mức giá 41.250 đồng/CP lên 46.100 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho CII với giá mục tiêu 25.500 đồng/CP

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) và giảm giá mục tiêu thêm 1,2% còn 25.500 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng là 32,2%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,9%.

Trái với khuyến nghị của VCSC, những thông tin không mấy tích cực từ việc quỹ Dragon Capital tiếp tục thoái vốn khiến cổ phiếu CII có tuần giao dịch không mấy khả quan. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng, 1 phiên đứng giá và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CII giảm 250 đồng (-1,24%) từ mức giá 20.100 đồng/CP xuống 19.850 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MSN

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua và nâng giá mục tiêu 17% chủ yếu dành cho Tập đoàn Masan (MSN) do (1) tăng dự phóng biên lợi nhuận cho VCM nhờ hợp tác chiến lược mới với Phúc Long, (2) VCSC tăng định giá cho Techcombank (TCB), và (3) giả định tỷ lệ chi phí vốn chủ sở hữu của chúng tôi giảm 0,5 điểm % còn 12,5%.

Nhận định của VCSC thiếu chuẩn xác khi tuần qua cổ phiếu MSN liên tục điều chỉnh nhẹ. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm và 1 phiên tăng ngày 4/6, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MSN giảm 5.200 đồng (-4,62%) từ mức giá 112.500 đồng/CP xuống 107.300 đồng/CP.

Tin bài liên quan