Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu được các công ty chứng khoán khuyến nghị mua bán trong tuần từ 26 đến 30/10 đa phần giảm, trong đó, không ít mã giảm khá sâu như GEX, HT1, NKG, DRC…, trong khi nhích lên có PDR và IMP là đáng kể.

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* BSC: Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu CSM nằm tại mức 20

Các chỉ báo xu hướng hiện của CSM đang ở trong trạng thái tích cực. Chỉ báo RSI vẫn chưa đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong thời gian tới.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của CSM nằm tại xung quanh giá 16.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 20, cắt lỗ nếu ngưỡng 15.75 bị xuyên thủng.

Trong tuần, cổ phiếu CSM giao dịch đột biến trong 3 phiên ngày 27, 28 và 30, lần lượt -3,5%; -5,4% và +2,5%. Giá cổ phiếu biến động giảm trong tuần từ 17.300 đồng xuống 16.350 đồng, tương ứng -5,5%.

Khối lượng khớp lệnh chỉ ở mức trung bình vài chục nghìn đơn vị, riêng phiên đầu tuần và giữa tuần có hơn 270.000 đơn vị.

* BSC: PHR có thể quay lại vùng giá 65-70 trong trung hạn

Cổ phiếu PHR của Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa đang quay trở lại kiểm tra ngưỡng kháng cự 60.0. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều đang ủng hộ nhịp hồi phục ngắn hạn. Đường giá cổ phiếu cũng đang có dấu hiệu cắt trở lại dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn sắp hình thành.

Như vậy, nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế cổ phiếu trong vùng giá 55.0 - 56.0 và cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu tiệm cận ngưỡng 60.0, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ trung hạn 55.0. Nếu cổ phiếu vượt ngưỡng 60 với thanh khoản lớn, PHR có thể quay lại vùng giá 65-70 trong trung hạn.

Trong tuần, cổ phiếu PHR có 3 phiên giảm nhẹ -0,9%; -1,4%; -0,7% và 2 phiên đầu tuần và cuối tuần nhích 1,8% và 0,5%. Giá cổ phiếu theo đó, giảm không đáng kể từ 55.400 đồng xuống 55.100 đồng.

* MBS khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu DRC với giá mục tiêu 23.100 đồng/cổ phiếu

Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu DRC của CTCP Cao su Đà Nẵng với giá mục tiêu 23.100 đồng/CP trên cơ sở (i) (i) nhu cầu sử dụng lốp radial ngày càng tăng trong tương lai, (ii) Nhà máy Radial GĐ1 không còn trích khấu hao từ 2021, và (iii) nhu cầu tiêu thụ xe trong nước tăng trở lại nhờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước.

Chúng tôi xác định giá mục tiêu của cổ phiếu DRC vào khoảng 23.100 đồng/CP dựa trên kết hợp 2 phương pháp so sánh P/E và EV/EBITDA. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 10 lần (theo EPS 2021F khoảng 2.303 đồng).

Trong tuần, cổ phiếu DRC duy nhất một phiên tăng ngày 26/10 khi +0,8%, còn lại là 3 phiên giảm -2,5%; -3,1%; -0,3% cùng một phiên đứng tham chiếu ngày 29/10.

Giá cổ phiếu giảm từ 19.750 đồng xuống 18.750 đồng, tương ứng -5,05%. Thanh khoản khớp lệnh trên dưới 1 triệu đơn vị/phiên.

* PSI khuyến nghị mua GAS với mức giá mục tiêu 86.500 đồng/CP

Trong 9 tháng năm 2020, tổng doanh thu và lãi sau thuế của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS) đạt 45.625 tỷ đồng và 6.246,7 tỷ đồng, lần lượt vượt 7% và 27% so với kế hoạch 9 tháng.

Trong tuần, cổ phiếu GAS ngoài phiên 27/10 đứng tham chiếu, còn lại đều chìm trong sắc đỏ, tuy nhiên, ngoài phiên 26/10 mất 2% thì còn lại chỉ giảm nhẹ.

Giá cổ phiếu giảm từ 73.500 đồng xuống 70.400 đồng, tương ứng -4,2%. Thanh khoản khớp lệnh trung bình trên dưới 700.000 đơn vị/phiên.

* BSC: mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu KDH nằm tại mức 26.75

Cổ phiếu KDH của Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền vẫn đang ở trong xu hướng đi ngang tích lũy tại khu vực 24-25 trong gần 2 tháng nay sau giai đoạn tăng giá trung hạn từ đầu tháng 4.

Thanh khoản cổ phiếu những ngày giao dịch gần đây đang có chiều hướng giảm dần.

Các chỉ báo kỹ thuật hiện đang ở trong trạng thái tích cực. Hôm nay 27/10, đường EMA12 vừa cắt lên trên EMA26 nên cổ phiếu có thể quay lại đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của KDH nằm tại xung quanh giá 24. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 26.75, cắt lỗ nếu ngưỡng 23.5 bị xuyên thủng.

Trong tuần, cổ phiếu KDH có phiên 30/10 đáng chú ý, khi tăng vọt 4%, còn lại 4 phiên biến động nhẹ, trong đó có 3 phiên giảm và phiên nhích nhẹ 0,8% đầu tuần.

Giá cổ phiếu KDH nhích từ 24.400 đồng lên 25.000 đồng, tương ứng +2,46%, khối lượng giao dịch cao nhất cũng là phiên cuối tuần với 2,44 triệu đơn vị, còn lại dao động từ 0,46 triệu đến 0,93 triệu đơn vị/phiên.

* VCSC: Có khả năng điều chỉnh tăng dự báo cho HPG

Kết quả kinh doanh quý 3/2020 bao gồm doanh thu đạt 24,7 nghìn tỷ đồng (tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 3,8 nghìn tỷ đồng (tăng 115% so với cùng kỳ năm ngoái). Đây là mức lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số hàng quý cao nhất của HPG tính từ khi thành lập công ty.

Khi kết quả kinh doanh quý 3/2020 vượt kỳ vọng của chúng tôi, chúng tôi cho rằng có khả năng điều chỉnh tăng dự báo cho HPG.

Trong tuần, cổ phiếu HPG có 3 phiên giảm và xen giữa 2 phiên tăng, trong đó, đáng kể là phiên 28/10 khi mất 3,2%. Giá cổ phiếu trong tuần giảm từ 30.900 đồng xuống 30.550 đồng, tương ứng -1,13%.

Thanh khoản HPG luôn nằm trong top cao nhất thị trường, dao động từ 19 đến 25 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên.

* VCSC: có khả năng điều chỉnh tăng dự báo cho NKG

CTCP Thép Nam Kim (NKG) báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2020 với doanh thu tăng 10% YoY đạt 3,4 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 83 tỷ đồng so với 6 tỷ đồng trong quý 3/2019 và 59 tỷ đồng trong 6 tháng 2020.

Trong 9 tháng 2020, NKG ghi nhận doanh thu 8,1 nghìn tỷ đồng (giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 141 tỷ đồng (tăng trưởng 52%). Khi các kết quả này là cao hơn dự báo của chúng tôi, chúng tôi cho rằng sẽ có khả năng điều chỉnh tăng dự báo cho NKG.

Trong tuần, cổ phiếu NKG nhích nhẹ 2 phiên đầu tuần +0,1% và +1,5%, trước khi giảm cả 3 phiên sau đó, mất lần lượt -4,1%; -2% và -1,2%. Giá cổ phiếu sụt giảm từ 8.690 đồng xuống 8.200 đồng, tương ứng -5,63%.

* BSC: có thể mở vị thế cổ phiếu PDR trong vùng giá 40.0-42.0

Cổ phiếu PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt nằm trong xu hướng hồi phục sau khi tích lũy ngắn hạn quanh ngưỡng giá 38.0.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều đang ủng hộ nhịp hồi phục ngắn hạn. Đường giá cổ phiếu cũng đã cắt trở lại dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành.

Như vậy, nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế cổ phiếu trong vùng giá 40.0-42.0 và cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu tiệm cận ngưỡng 48.0, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ trung hạn 38.0.

Trong tuần, cổ phiếu PDR sau phiên đầu tuần đứng giá đã có phiên 27/10 bùng nổ, khi tăng kịch trần và khớp lệnh tăng vọt với hơn 3 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong 3 phiên tiếp theo, cổ phiếu PDR nhích 2,8%; 0% và -2,8%. Như vậy, giá cổ phiếu PDR đã tăng từ 38.400 đồng lên 41.000 đồng, tương ứng +6,77%.

* MBS: Khuyến nghị mua GVR với giá mục tiêu 16.280 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu GVR với giá mục tiêu 16.280 đồng/CP trên cơ sở (i) là 1 trong các doanh nghiệp lớn nhất trong ngành cao su tự nhiên, đầu tư khu công nghiệp và chế biến gỗ tại Việt Nam, (ii) chiến lược đẩy mạnh đầu tư mảng khu công nghiệp nhờ lợi thế quỹ đất lớn giúp gia tăng lợi nhuận trong tương lai, và (iii) giá cao su tăng khá trong thời gian gần đây giúp cải thiện kết quả kinh doanh trong cả năm 2020.

Trong tuần, cổ phiếu GVR giảm 3 phiên đầu tuần, mất -0,3%; -1,4%; -5%, và phục hồi trong 2 phiên còn lại, nhích 2,2% và 3,3%. Giá cổ phiếu giảm từ 14.350 đồng xuống 14.150 đồng, tương ứng -1,4%.

Thanh khoản tương đối sôi động, khớp lệnh trung bình từ 2,4 triệu đến hơn 5,3 triệu đơn vị/phiên.

* VCSC: Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DHC

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC), đến từ khả năng tận dụng tăng trưởng dài hạn của ngành giấy bao bì tại Việt Nam nhờ năng lực đã được chứng minh và mở rộng công suất.

Trong tuần, cổ phiếu DHC có 3 phiên đầu giảm -1,2%; -1,5%; -3,2% và tăng nhẹ trong 2 phiên còn lại +0,3%; +0,5%. Giá cổ phiếu giảm từ 48.800 đồng xuống 46.400 đồng, tương ứng -4,92%.

* VCSC: khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu HT1

Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị cho CTCP Xi măng VICEM Hà Tiên 1 (HT1) từ mua thành khả quan khi giá cổ phiếu đã tăng 18% trong 3 tháng qua.

Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu thêm 4% còn 16.300 đồng/CP, chủ yếu do mức điểu chỉnh giảm trung bình 4% trong dự báo lợi nhuận giai đoạn 2021-2024 của chúng tôi cũng như giả định cho nhu cầu vốn lưu động cao hơn khi chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng sản lượng bán khiêm tốn trong bối cảnh năng lực hợp nhất thị phần hạn chế của HT1.

Trong tuần, cổ phiếu HT1 giảm khá mạnh trong 3 phiên đầu, lần lượt -2,5%; -3,2% và -2%, trước khi nhích nhẹ trong 2 phiên còn lại +1,4% và +0,7%. Giá cổ phiếu giảm từ 16.000 đồng xuống 15.100 đồng, tương ứng -5,63%.

* BSC: Cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu IMP tiệm cận ngưỡng 58.0

Cổ phiếu IMP của Công ty cổ phần Dược phẩm IMEXPHARM vừa tạo phiên bứt phá sau khi tích lũy ngắn hạn tại ngưỡng giá 46.0.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều đang ủng hộ nhịp hồi phục ngắn hạn. Đường giá cổ phiếu cũng đã cắt trở lại dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành.

Như vậy, nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế cổ phiếu quanh ngưỡng giá 48.0 và cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu tiệm cận ngưỡng 58.0, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ trung hạn 46.0.

Trong tuần, cổ phiếu IMP lình xình trong 3 phiên đầu, nhưng bất ngờ bứt mạnh +5,8% trong phiên ngày 29, trước khi tăng thêm 0,2% trong phiên còn lại. Giá cổ phiếu tăng từ 46.600 đồng lên 49.100 đồng, tương ứng +5,36%.

* VCSC: Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho GEX với giá mục tiêu 22.200 đồng/CP

Trong 9 tháng 2020, doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt lần lượt 7,1 nghìn tỷ đồng (giảm 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái) và 503 tỷ đồng (giảm 3,6%), khi diễn biến kém tích cực của mảng vật liệu xây dựng đã lấn át biên lợi nhuận gộp tăng của mảng bất động sản.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế 9 tháng 2020 là cao hơn kỳ vọng của chúng tôi, hoàn thành lần lượt 80% và 85% dự báo cả năm của chúng tôi.

Chúng tôi hiên có khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho GEX với giá mục tiêu 22.200 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 17,2%, bao gồm lợi suất cổ tức 0,0%.

Trong tuần, cổ phiếu GEX duy nhất có phiên ngày 29/10 tăng 1,8%, còn lại đều giảm, và giảm khá mạnh, -3,5%; -2,4%; -5%; -1,8%. Giá cổ phiếu giảm từ 21.250 đồng xuống 19.000 đồng, tương ứng -10,6%.

Thanh khoản cổ phiếu GEX luôn nằm trong top cao nhất HOSE, với 7 triệu đến hơn 12 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên.

Tin bài liên quan