* PHS khuyến nghị mua cổ phiếu TCB với giá mục tiêu 24.500 đồng/CP
Sử dụng phương pháp chiết khấu lợi nhuận thặng dư (Residual income), chúng tôi cho rằng mức giá hợp lý đối với cổ phiếu TCB là 24.500 VNĐ/CP, qua đó đưa ra khuyến nghị Mua đối với cổ phiếu TCB, upside là 26.9%.
Thị trường vừa đón nhận tuần giao dịch “thảm hại” khi hàng trăm mã mất điểm và chỉ số chung liên tiếp giảm sâu trong các phiên giao dịch, trong đó các nhóm cổ phiếu lớn là tâm điểm bán ra và dòng bank cũng không ngoại trừ.
Liên quan đến TCB, trong tuần này, HĐQT Ngân hàng đã thông qua việc bổ nhiệm ông Phùng Quang Hưng, từng giư nhiều vị trí khác nhau ở nhiều ngân hàng quốc tế, đảm nhận chức danh Phó tổng giám đốc thường trực kiêm Giám đốc Điều hành và Giám đốc Khối tư vấn tài chính và dịch vụ khách hàng (CSA). Thông tin này không đủ sức để giúp cổ phiếu TCB vượt qua cơn bão chung của thị trường. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm sàn và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TCB giảm 3.800 đồng (-17,23%) từ mức giá 22.050 đồng/CP xuống 18.250 đồng/CP.
* Theo BSC, cổ phiếu SHB sẽ tiếp cận trở lại khu vực giá xung quanh 13
Các chỉ báo kỹ thuật vẫn đang ở trong trạng thái tích cực. Chỉ báo động lượng RSI đang ở dưới vùng quá mua cho thấy đà tăng của cổ phiếu có thể được duy trì trong những phiên tới. Các đường EMA đang tạo thành dải hỗ trợ mềm nâng đỡ giá cổ phiếu khá tốt với lực cầu bắt đáy xuất hiện tại vùng giá 10. Theo đánh giá của chúng tôi, SHB tiềm năng sẽ tiếp cận trở lại khu vực giá xung quanh 13.
Cổ phiếu SHB dù có phiên tăng kịch trần ngày 11/3 nhưng cũng không thoát khỏi đà giảm khá sâu bởi tác động của 2 phiên giảm sàn ngày đầu tuần. Như vậy, với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SHB giảm 1.400 đồng (-11,29%) từ mức giá 12.400 đồng/CP xuống 11.000 đồng/CP.
* PHS khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu FPT
Bằng phương pháp tổng giá trị thành phần (SOTP), dựa trên phương pháp định giá DCF và P/E cho các mảng kinh doanh, chúng tôi ước tinh thận trọng giá trị hợp lý của FPT là 52,300 VND/cổ phiếu. Do đó, khuyến nghị giữ đối với cổ phiếu này.
Cổ phiếu FPT cũng đón nhận tuần giao dịch tiêu cực khi có tới 3 phiên giảm sâu, trong đó phiên 9/3 giảm sàn và 2 phiên tăng.Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT giảm 5.850 đồng (-10,83%) từ mức giá 54.000 đồng/CP xuống 48.150 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VEA
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho VEA và PTB với tổng mức sinh lời dự phóng lần lượt là 88,2% và 71,3%, bao gồm lợi suất cổ tức là 15,9% và 1,9%.
Bên cạnh diễn biến tiêu cực từ thị trường chung, đầu tuần qua, VEA còn đón nhận thông tin không mấy tích cực về việc Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu hành lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với ông Vũ Quang Tâm, nguyên Phó tổng giám đốc, hiện là Thành HĐQT Công ty.
Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm liên tiếp, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VEA giảm 9.100 đồng (-23,1%) từ mức giá 39.400 đồng/CP xuống 30.300 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho MWG với giá mục tiêu 212.200 đồng/CP
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành MWG với giá mục tiêu 212.200 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng dự phóng 144,5% bao gồm lợi suất cổ tức 1,7%).
Một trong những thông tin đáng liên quan tới MWG là trong tuần qua, một nhân viên của Điện máy xanh Đà Nẵng đã bị nhiễm Covid-19 sau khi tiếp xúc với 2 du khách nước ngoài dương tính với virus này và cửa hàng đã đóng cửa. Điều này khiến cổ phiếu MWG thêm phần xấu hơn. Thống kê với việc đón nhận 5 phiên giảm liên tiếp, trong đó có tới 3 phiên giảm sàn, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG giảm 24.100 đồng (-23,38%) từ mức giá 103.100 đồng/CP xuống 79.000 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho PNJ với giá mục tiêu 101.000 đồng/CP
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho PNJ với giá mục tiêu 101.000 đồng (tổng mức sinh lời dự phóng 49,9%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,6%).
Trái với khuyến nghị của VCSC, cổ phiếu PNJ đã có tuần giao dịch khá thảm hại. Thống kê với việc đón nhận 5 phiên giảm sâu, trong đó có 3 phiên nằm sàn, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PNJ giảm 19.100 đồng (-23,67%) từ mức giá 80.700 đồng/CP xuống 61.600 đồng/CP.
* BSC khuyến nghị mua đối với KDH với giá mục tiêu 28.900 đồng/CP
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu KDH với giá mục tiêu 28.900 đồng, +25.7% so với mức giá ngày 09/03/2020 là 23,000 đồng dựa trên phương pháp RNAV với mức chiết khấu WACC = 13% cho các dự án.
Cổ phiếu KDH cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường khi đón nhận 4 phiên giảm khá mạnh và chỉ hồi phục 1 phiên duy nhất ngày 10/3. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu KDH giảm 3.400 đồng (-13,88%) từ mức giá 24.500 đồng/CP xuống 21.100 đồng/CP.
* Theo BSC, cổ phiếu HPG sẽ tiếp cận trở lại khu vực 23.5-24
Theo đánh giá của chúng tôi, vùng giá xung quanh 21 là ngưỡng hỗ trợ vững của cổ phiếu, do đó, nếu duy trì được động lực tăng giá, HPG tiềm năng sẽ tiếp cận trở lại khu vực 23.5-24.
Bên cạnh áp lực bán trong nước, HPG còn chịu tác động bởi lực cung ngoại khi liên tiếp bị khối này bán ròng mạnh khiến cổ phiếu HPG cũng có tuần diễn biến không như kỳ vọng. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm, trong đó có 2 phiên giảm sàn và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HPG giảm 3.350 đồng (-14,96%) từ mức giá 22.400 đồng/CP xuống 19.050 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho VHM với giá mục tiêu 111.000 đồng/CP
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho CTCP Vinhomes (VHM) trong khi nâng giá mục tiêu thêm 2% lên 111.000 đồng/CP, chủ yếu do số dư tiền mặt ròng cao hơn tính đến cuối 2019.
Cũng chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19, cổ phiếu lớn nhà Vingroup – VHM đã có tuần giao dịch không mấy tích cực. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm sâu, 2 phiên đứng giá và 1 phiên tăng ngày 10/3, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VHM giảm 8.900 đồng (-11%) từ mức giá 80.900 đồng/CP xuống 72.000 đồng/CP.
* Theo BSC, cổ phiếu MSN sẽ tiếp cận trở lại vùng giá 58-60
Các chỉ báo kỹ thuật đa số đang ở trong trạng thái tích cực. Chỉ báo động lượng RSI đang tăng dần trên giá trị 50 nhưng chưa đi vào vùng quá mua nên dư địa tăng là vẫn còn. Tuy vậy, đường EMA12 vẫn đang nằm dưới EMA26 nên đà tăng có thể chưa được mạnh mẽ. Theo đánh giá của chúng tôi, nếu duy trì được động lực tăng giá, MSN tiềm năng sẽ tiếp cận trở lại vùng giá 58-60.
Sau tuần phục hồi đầu tháng 3, cổ phiếu MSN đã quay lại trạng thái mất điểm và để mất mốc 50.000 đồng/CP. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên tăng nhẹ ngày 10/3 và 1 phiên đứng giá ngày 12/3, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MSN giảm 4.550 đồng (-8,36%) từ mức giá 54.400 đồng/CP xuống 49.850 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu REE với giá mục tiêu 45.800 đồng/CP
Chúng tôi giữ khuyến nghị mua nhưng giảm giá mục tiêu 5,2% còn 45.800 đồng do giảm 11,6%dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020. Dự báo lợi nhuận của chúng tôi trong giai đoạn 2021-2024 nhìn chung không thay đổi.
Trái với khuyến nghị của VCSC, cổ phiếu REE cũng có tuần giảm khá mạnh. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên giảm sâu và 2 phiên tăng nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu REE giảm 3.800 đồng (-11,88%) từ mức giá 32.000 đồng/CP xuống 28.200 đồng/CP.