Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Bên cạnh thị trường đã có tuần tăng điểm đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều cổ phiếu được ra khuyến nghị giao dịch khá khởi sắc, điển hình mã lớn MSN hay ACV có mức tăng vượt 10%. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* VCSC khuyến nghị mua, PHS khuyến nghị nắm giữ dành cho ACB

VCSC hiện có khuyến nghị mua cho ACB với giá mục tiêu 32.800 đồng, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 32%, dựa theo giá chốt phiên giao dịch hôm nay.

Trong khi đó, PHS sử dụng phương pháp định giá chiết khấu dòng thu nhập thặng dư (Residual Income), chúng tôi xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu ACB là 27.100 đồng/CP và khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu này.

Vừa qua, HĐQT ACB đã thông qua phương án bán cổ phiếu quỹ, phân phối cho công đoàn để làm cổ phiếu thưởng cho nhân viên và số tiền dự kiến thu được là 100 tỷ đồng sẽ được dùng để tăng nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, thông tin này không tác động nhiều tới diễn biến cổ phiếu ACB tuần qua.

Với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá vào đầu tuần 2/3, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACB chỉ tăng nhẹ 100 đồng (+0,4%) từ mức giá 25.200 đồng/CP lên 25.300 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho POW

Chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi của POW sẽ đạt khoảng 3 nghìn tỷ đồng trong năm 2020, cao hơn 10% dự báo hiện tại của chúng tôi. Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho POW, với tổng mức sinh lời dự phóng 66,0%, bao gồm lợi suất 3,0%.

Dù nền kinh tế chung chịu tác động khá mạnh bởi dịch Covid-19 và thị trường chứng khoán cũng không ngoại trừ, nhưng cổ phiếu ngành điện được đánh giá có vị thế phòng thủ bởi thuộc ngành nghề thiết yếu.

Trong đó, cổ phiếu điển hình POW đã đón nhận3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu POW tăng nhẹ 250 đồng (+2,54%) từ mức giá 9.850 đồng/CP lên 10.100 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho GEX với giá mục tiêu 22.600 đồng/CP

Chúng tôi duy trì giá mục tiêu 22.600 đồng/CP, tuy nhiên, chúng tôi nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua khi giá cổ phiếu GEX đã giảm 10% trong 3 tháng qua.

Trái với khuyến nghị của VCSC, phiên hồi phục ngày cuối tuần 6/3 không đủ sức giúp GEX này thoát khỏi đà giảm điểm trong tuần qua. Cụ thể, với việc đón nhận 1 phiên tăng và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GEX giảm 900 đồng (-4,89%) từ mức giá 18.400 đồng/CP xuống 17.500 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho MSN

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho CTCP Tập đoàn Masan (MSN) khi cho rằng công ty có vị thế tốt để tận dụng tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng tại Việt Nam nhờ các mảng kinh doanh tiêu dùng đa dạng.

Trái với phần lớn các cổ phiếu bluechip giao dịch giằng co và mất điểm, cổ phiếu MSN đã có tuần bùng nổ nhờ 2 phiên cuối tuần, sau nhịp giảm khá sâu trong tuần cuối cùng của tháng 2. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên tăng, trong đó phiên cuối tuần 6/3 đã tăng trần và 3 phiên đầu tuần đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MSN tăng 5.400 đồng (+11,02%) từ mức giá 49.000 đồng/CP lên 54.400 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho VRE, ACBS khuyến nghị mua VHM

VCSC khuyến nghị mua dành cho CTCP Vincom Retail (VRE) trong khi điều chình giảm giá mục tiêu 1% còn 41.500 đồng/CP khi chúng tôi giảm 5% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020 và giảm dự phóng số lượng trung tâm thương mại mở mới trong năm 2020 còn 10 từ 17 trung tâm thương mại trước đây.

Bên cạnh đó, ACBS sử dụng phương pháp RNAV, đưa ra giá mục tiêu năm 2020 là 100.113 đồng/cp, thấp hơn 7% so với giá mục tiêu trước đây do điều chỉnh giảm doanh số bán hàng và việc triển khai các dự án Vinhomes Gallery, Vinhomes Landmark Service Apartment, Vinhomes Vũ Yên, Vinhomes Kỳ Hòa, Vinhomes Cổ Loa và Vinhomes Củ Chi tiếp tục bị hoãn, đồng thời duy trì khuyến nghị mua dành cho VHM.

Nhóm cổ phiếu nhà Vingroup sau tuần mất điểm cuối tháng 2 đã lấy lại thăng bằng dù vẫn chưa thấy tín hiệu khởi sắc trong tuần đầu tiên của tháng 3.

Trong đó, cổ phiếu VRE đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 4/3, tính chung cả tuần, cổ phiếu VRE không có biến động và đứng nguyên tại mức giá 28.500 đồng/CP.

Còn cổ phiếu VHM đón nhận 2 phiên tăng nhẹ, 2 phiên đứng giá và 1 phiên giảm vào cuối tuần 6/3. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VHM giảm nhẹ 400 đồng (-0,4%) từ mức giá 105.400 đồng/CP xuống 105.000 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 144.000 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới di động với giá mục tiêu 12 tháng 144.000 đồng/cổ phiếu trên cơ sở (i) ngành bán lẻ duy trì tăng trưởng khả quan, (ii) nâng cao hiệu quả hoạt động của chuỗi Điện Máy Xanh và thế giới di động nhờ đẩy mạnh kinh doanh thêm mặt hàng đồng hồ, và (iii) tiếp tục mở rộng mô hình chuẩn tại các cửa hàng chuỗi Bách Hóa Xanh và nhân rộng hệ thống trên toàn quốc.

Trái với khuyến nghị của MBS, cổ phiếu MWG đã có tuần giao dịch không mấy khả quan. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm và duy nhất 1 phiên đứng giá ngày đầu tuần 2/3, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG giảm 3.400 đồng (-3,19%) từ mức giá 106.500 đồng/CP xuống 103.100 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho AST với giá mục tiêu 68.900 đồng/CP

Chúng tôi giảm 13% giá mục tiêu dành cho CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST) còn 68.900 đồng/CP. Tuy nhiên, chúng tôi nâng khuyến nghị lên khả quan từ mức phù hợp thị trường khi giá cổ phiếu đã giảm 23% trong vòng 3 tháng qua.

Sau chuỗi ngày lao dốc mạnh trong nửa cuối tháng 2, cổ phiếu AST đã biến động khá mạnh với những phiên tăng giảm trong biên độ rộng trong tuần đầu của tháng. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu AST tăng 1.000 đồng (+1,69%) từ mức giá 59.000 đồng/CP lên 60.000 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị kém khả quan dành cho BID với giá mục tiêu 37.700 đồng/CP

Chúng tôi nâng giá mục tiêu dành cho Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BID) lên 37.700 đồng/CP và nâng P/B mục tiêu từ 1,67 lần trong báo cáo cập nhật gần nhất lên 1,96 lần cùng với tăng trung bình 5,3% dự báo lợi nhuận giai đoạn 2020-2024. Chúng tôi giữ khuyến nghị kém khả quan dành cho BID.

Trái với nhận định của VCSC, mặc dù diễn biến khá rung lắc nhưng sau tuần giảm sâu trong cuối tháng 2, cổ phiếu BID đã có những nhịp hồi tích cực. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BID tăng 1.350 đồng (+2,97%) từ mức giá 45.500 đồng/CP lên 46.850 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho TCM với giá mục tiêu 20.000 đồng/CP

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan cho CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), nhưng giảm giá mục tiêu 10% còn 20.000 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng đạt 18%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,6%.

Mặc dù đại dịch Covid-19 sẽ không tác động trực tiếp đến nhu cầu các sản phẩm may mặc do Việt Nam không xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do thị trường cung cấp vải nguyên liệu lớn nhất là Trung Quốc có nhiều nhà máy dệt bị đóng cửa. Đây cũng là một trong những thông tin khiến cổ phiếu ngành dệt may thiếu sức bật.

Mặc dù có sự hồi phục sau tuần giảm khá sâu cuối tháng 2 nhưng cổ phiếu TCM chi nhích nhẹ. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 5/3, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TCM tăng nhẹ 200 đồng (+1,12%) từ mức giá 17.800 đồng/CP lên 18.000 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG

Chúng tôi sử dụng phương pháp định giá NAV để định giá cổ phiếu NLG. Giá trị hợp lý cho NLG đạt 35,560 đồng/cổ phiếu, cao hơn 44% so với mức giá giao dịch chốt ngày 26/02. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG.

Song song với những đánh giá về triển vọng tích cực bởi việc sở hữu quỹ đất lớn đắc địa tại nhiều thành phố lớn và tập trung phát triển những dự án nhà ở vừa túi tiền, đã giúp cổ phiếu NLG có một tuần giao dịch khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên đứng giá ngày 4/3 và 1 phiên giảm nhẹ ngày cuối tuần 6/3, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NLG tăng 1.200 đồng (+4,8%) từ mức giá 25.000 đồng/CP lên 26.200 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu VNM với giá mục tiêu 127.300 đồng/CP

BSC khuyến nghị mua cổ phiếu VNM với giá mục tiêu là 127.300 đồng/CP thấp hơn giá mục tiêu 142.100 đồng/CP trong báo cáo trước "Mở rộng thị trường Trung Quốc" - 27/09/2019.

Cũng là một trong những ông lớn không hỗ trợ nhiều cho thị trường tuần qua, cổ phiếu VNM chỉ giữ được nhịp tăng nhẹ trong phiên 3/3 nhưng sau đó đã để mất thành quả trong 3 phiên cuối tuần bởi nhịp điều chỉnh. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VNM giảm nhẹ 300 đồng (-0,3%) từ mức giá 104.500 đồng/CP xuống 104.200 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho ACV

VCSC nâng khuyến nghị cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) từ khả quan lên mua dù giảm giá mục tiêu 12% còn 76.700 đồng khi giá cổ phiếu của công ty này đã giảm 40% trong 3 tháng qua do tâm lý thị trường không tốt trong bối cảnh bùng phát dịch virus corona.

Trong khi đó, theo BSC, chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều ủng hộ nhịp tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đang tiếp cận dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đang hình thành. Nếu vượt được ngưỡng kháng cự 60 với mức thanh khoản lớn, cổ phiếu có thể trở về kiểm tra ngưỡng đỉnh cũ tại mức giá 75.

Mặc dù là một trong những ngành chịu tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng với triển vọng tương lai khá tích cực, cổ phiếu ACV đã có tuần giao dịch bùng bổ. Với việc đón nhận 5 phiên tăng liên tiếp, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACV tăng 9.900 đồng (+19,3%) từ mức giá 51.300 đồng/CP lên 61.200 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho DPM

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua trong khi giảm giá mục tiêu 2% khi điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận giai đoạn 2021-2024 trung bình ~5%, chủ yếu đến từ chi phí khí đầu vào cao hơn sau khi cước phí vận chuyển khí dự phóng tăng. Tuy nhiên, chúng tôi giữ nguyên dự báo lợi nhuận năm 2020.

Cổ phiếu DPM đã tuần giao dịch sôi động và lấy lại đà hồi phục dù biên độ tăng có thu hẹp bởi những phiên cuối tuần chịu áp lực chốt lời. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DPM tăng 600 đồng (+5,06%) từ mức giá 11.850 đồng/CP lên 12.450 đồng/CP.

* VCSC, MBS và ACBS cùng khuyến nghị mua dành cho FPT

VCSC giữ khuyến nghị mua cổ phiếu FPT trong khi giảm giá mục tiêu 4% khi điều chỉnh dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2020-2022 giảm 6-7% do hạ dự phóng cho mảng công nghệ thông tin trong nước (doanh thu quý IV/2019 thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi), xuất khẩu phần mềm/XKPM (chi phí thưởng nhân viên cao hơn) và công ty liên kết FPT Retail.

Bên cạnh đó, theo MBS, mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 15,4 lần (theo EPS dự phóng 2020F khoảng 4.623 đồng), tương đương với các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm ở Trung Quốc và Ấn Độ. Đồng thời, duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 71.000 đồng/CP.

Cùng quan điểm trên, ACBS duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu FPT dựa trên kỳ vọng đà tăng trưởng mới tiếp tục trong những năm tới nhờ triển vọng tích cực của các mảng kinh doanh chính hiện tại.

Mặc dù được đánh giá và phân tích khá tích cực nhưng diễn biến cổ phiếu FPT tuần qua không được như kỳ vọng của các công ty chứng khoán. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT giảm 1.100 đồng (-2%) từ mức giá 55.100 đồng/CP xuống 54.000 đồng/CP.

Tin bài liên quan