Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Bên cạnh thị trường khởi sắc, các công ty chứng khoán cũng có một tuần khá vui khi hầu hết các khuyến nghị mua cổ phiếu đều đúng như dự đoán. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* FPTS khuyến nghị bán cổ phiếu PLC

Chúng tôi ước tính doanh thu năm 2018 của PLC đạt khoảng 6.246 tỷ đồng (tăng 23,8% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 166 tỷ (giảm 3%) tương ứng với mức EPS là 1.848 đồng/cp. Bằng cách sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền, chúng tôi xác định giá mục tiêu của PLC là 13.683 đồng/CP và đưa ra khuyến nghị bán.

Dù được nhận định thiếu tích cực với kết quả kinh doanh dự báo tăng trưởng âm, nhưng cổ phiếu PLC đã tăng khá mạnh trong phiên đầu tuần mới. Tuy nhiên, diễn biến thiếu tích cực trong những phiên còn lại trong tuần đã lấy đi toàn bộ nỗ lực có được. Thống kê với 2 phiên tăng  và 3 phiên giảm mạnh trước đó, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PLC giảm nhẹ 100 đồng/Cp (-0,61%) từ mức 16.300 đồng/Cp xuống 16.200 đồng/Cp.

So với mức giá mục tiêu mà FPTS đưa ra là 13.683 đồng/Cp, giá hiện tại của PLC vẫn còn cao hơn 18,4%. Như vậy, nếu theo nhận định của FPTS thì cổ phiếu PLC vẫn chưa dứt chuỗi ngày giảm giá.

* Theo BSC, cổ phiếu HDB sẽ vận động trở lại ngưỡng 35

Chỉ báo RSI báo hiệu tín hiệu đi ngang trong khi chỉ báo MACD ủng hộ xu hướng hồi phục. Vận đông của 3 đường MA cho thấy cổ phiếu có dấu hiệu ban đầu của xu hướng hồi phục ngắn hạn.

Như vậy, HDB sẽ vận động trở lại ngưỡng kháng cự 35 trong các phiên giao dịch tới. Nếu thanh khoản duy tri ở mức trên trung bình, cổ phiếu sẽ hồi phục trở lại ngưỡng 39.5.

Mặc dù các tín hiệu kỹ thuật khá tích cực nhưng diễn biến cổ phiếu HDB vẫn duy trì trạng thái giằng co nhẹ. Thống kê với 3 phiên tăng nhẹ và 2 phiên giảm vào đầu tuần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HDB tăng nhẹ 200 đồng/Cp (+0,69%) từ mức 29.000 đồng/Cp lên 29.200 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu là 35.x, giá hiện tại của HDB còn thấp hơn 16,57%.

* ACBS khuyến nghị mua cổ phiếu FPT

Kết quả kinh doanh năm 2018 chưa được công bố, tuy nhiên, việc các hoạt động chính tiếp tục tăng trưởng tích cực hứa hẹn một năm 2019 khả quan cho FPT, trong khi cổ phiếu đang giao dịch ở mức P/E chỉ ~10 lần dựa trên dự phóng lợi nhuận của chúng tôi. Duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu FPT.

Dù không bật cao nhưng diễn biến cổ phiếu FPT tuần qua chủ yếu với những phiên tăng điểm. Thống kê với 4 phiên tăng nhẹ và 1 phiên giảm ngày 10/1, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT tăng 1.100 đồng/Cp (+2,68%) từ mức 41.100 đồng/Cp lên 42.200 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho DXG với giá mục tiêu 35.000 đồng/CP

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị mua dành cho DXG với giá mục tiêu 35.000 VND/cổ phiếu. Tại mức giá đóng cửa phiên hôm nay, DXG hiện đang giao dịch tại mức P/E 2019 là 6,9 lần và P/B là 1,3 lần.

Trong tuần qua, DXG tạo chú ý bởi thông tin Bộ Công thương vừa có kết luận xác minh đơn tố cáo trong vụ Công ty cổ phần Kim khí TP HCM (viết tắt HMC, vốn nhà nước chiếm gần 56%) liên quan đến việc bán 9.125 m2 đất công cho Đất Xanh Group. Theo đó, Bộ Công Thương kết luận không có vi phạm nào lớn liên quan đến việc chuyển nhượng quỹ đất.

Tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu DXG tuần qua không được như kỳ vọng của VCSC. Thống kê với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DXG tăng 550 đồng/Cp (+2,42%) từ mức 22.700 đồng/Cp lên 23.250 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu là 35.000 đồng/CP, giá hiện tại của DXG còn thấp hơn 33,57%.

* VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường cho NVL với giá mục tiêu 64.500 đồng/CP

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị phù hợp thị trường cho NVL, với giá mục tiêu 64.500 đồng/CP. Theo giá đóng cửa hôm nay, NVL hiện đang giao dịch với P/E 16 lần và P/B 2,4 lần dự phóng 2019.

Tuần qua, Novaland đã công bố khá nhiều thông tin như miễn nhiệm Giám đốc tài chính, kế hoạch doanh thu năm 2019 đạt 18.000 tỷ đồng…, đã giúp cổ phiếu NVL hồi phục sau 2 phiên giảm sâu đầu tuần. Tuy nhiên, đà tăng khá hạn chế trong 3 phiên cuối tuần chưa đủ để giúp NVL lấy lại thăng bằng. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NVL giảm 3.900 đồng/Cp (-6,17%) từ mức 63.200 đồng/Cp xuống 59.300 đồng/Cp.

* PHS khuyến nghị mua cổ phiếu BMP

Do kết quả kinh doanh năm 2018 kém hơn so với kỳ vọng của chúng tôi, cùng với đó triển vọng trong năm 2019 có phần kém lạc quan hơn, chúng tôi hạ mức giá mục tiêu của BMP xuống còn 75.200 VNĐ/CP sau khi điều chỉnh các chỉ tiêu doanh thu lợi và lợi nhuận trong báo cáo cập nhật này.

Tuy vậy, BMP với nền tảng cơ bản tương đối ổn định với cơ cấu tài chính lành mạnh cùng với suất cổ tức có thể duy trì ở mức khoảng 7.8%/năm so với thị giá hiện tại cùng với việc cổ phiếu này cũng đã có đợt sụt giảm kéo dài sau khi SCIC thoái vốn, chúng tôi nhận thấy BMP đã quay trở lại vùng giá đủ hấp dẫn đối với cổ phiêu này. Do đó chúng tôi cũng đưa ra khuyến nghị mua đối cổ phiếu BMP với upside tiềm năng là 53.1%

Không nằm ngoài nhận định của PHS, sau những phiên giảm trong tuần đầu tiên của năm 2019, cổ phiếu BMP đã có những nhịp hồi trong tuần qua. Thống kê với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BMP tăng 1.750 đồng/Cp (+3,58%) từ mức 48.850 đồng/Cp lên 50.600 đồng/Cp.

* KIS khuyến nghị tăng tỷ trọng với cổ phiếu VJC

Chúng tôi dự báo năm 2019 hoạt động cốt lõi của VJC có thể đạt tổng doanh thu thuần là 47.316 tỷ đồng (tăng 31% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế là 2.363 tỷ đồng (tăng trưởng 11%). Tổng cộng, lợi nhuận sau thuế dự kiến của chúng tôi trong năm 2019 là 6.378 tỷ đồng.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị tăng tỷ trọng với cổ phiếu VJC. Chúng tôi định giá lại cổ phiếu VJC ở mức 162.800 đồng trong 1 năm bằng cách sử dụng tỷ số EV/EBITDAR và PER trung bình của các LCC trong khu vực (EV/EBITDA là 4.2x và PE là 12.9x).

Mặc dù được dự phóng năm 2019 tăng trưởng khả quan nhưng trong tuần qua, cổ phiếu VJC đã chịu thêm sức ép từ cung ngoại khiến cổ phiếu này chưa tăng như mong đợi. Thống kê với 2 phiên tăng, 1 phiên giảm ngày 8/1 và 2 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VJC tăng 2.000 đồng/Cp (+1,74%) từ mức 115.000 đồng/Cp lên 117.000 đồng/Cp.

* Theo BSC, cổ phiếu CTI có khả năng vượt ngưỡng 24.5

Chỉ số RSI và chỉ số MACD đều báo hiệu cổ phiếu đang trong chu kỳ tăng giá ngắn hạn khi RSI và MACD đều có xu hướng tăng. Vận đông 3 đường MA cho thấy cổ phiếu đang trong chu kỳ tích lũy ngắn hạn sau khi tạo lập vùng đáy 24.

Như vậy, CTI có khả năng vượt ngưỡng neckline 24.5 trong các phiên tới và trở về ngưỡng kháng cự 28 nếu thanh khoản tiếp tục duy trì động lực tăng giá.

Mặc dù trong tuần qua, CTI đón nhận thông tin thiếu tích cực về việc bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế nhưng với những tín hiệu kỹ thuật tích cực, diễn biến cổ phiếu này khá khởi sắc. Thống kê với 5 phiên tăng liên tiếp, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CTI tăng 2.650 đồng/Cp (+10,95%) từ mức 24.200 đồng/Cp lên 26.850 đồng/Cp.

* Theo VCSC, giá mục tiêu của cổ phiếu GAS là 88.200 đồng/CP

Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) đã công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2019. Theo đó, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt lần lượt 63,9 nghìn tỷ đồng và 9,5 nghìn tỷ đồng.

Các kế hoạch này đạt lần lượt 80% và 67% dự báo tương ứng của chúng tôi. Như mọi năm, công ty thường đề ra kế hoạch thận trọng. Năm 2018, công ty đã vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 48,4%.

Chúng tôi hiện có giá mục tiêu 88.200 đồng dành cho GAS, với tổng mức sinh lời 9,1%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,7%.

Thông tin giá dầu thô tăng cao cũng phần nào tác động hỗ trợ tích cực tới diễn biến cổ phiếu ngành dầu khí. Trong đó, GAS đã đón nhận 4 phiên đầu tuần tăng liên tiếp và chỉ điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GAS tăng 6.5000 đồng/Cp (+7,69%) từ mức 84.500 đồng/Cp lên 91.000 đồng/Cp.

Tin bài liên quan