PHS Khuyến nghị bán đối với cổ phiếu HSG
Lũy kế quý II/2018, LNST của HSG tiếp tục sụt giảm và chỉ đạt 420 tỷ đồng (-51%YoY) mặc dù doanh thu vẫn tăng mạnh xấp xỉ 30%. Nguyên nhân chủ yếu vẫn đến từ vấn đề nguyên liệu và chi phí lãi vay cực tới toàn ngành tôn.
Định giá và khuyến nghị: Bằng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền, chúng tôi cho rằng mức giá hợp lý của HSG là 10.700 đồng/cổ phiếu.
Với mức định giá trên, P/E forward của HSG là 4,3x lần – khá phù hợp với tình hình bất ổn của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại.
Do đó, chúng tôi khuyến nghị bán đối với cổ phiếu HSG.
Rủi ro: Rủi ro thị trường tiêu thụ vẫn là rủi ro lớn nhất đối với hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất như HSG.
Biến động giá nguyên vật liệu có tác động tới các doanh nghiệp trong ngành. Rủi ro tới từ cơ cấu tài chính thiếu cân đối gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp.
Các hoạt động giao dịch nội bộ lớn cùng hoạt động thoái vốn liên tục tới từ cổ đông lớn và cổ đông nội bộ cũng là câu hỏi cần được giải đáp liên quan tới tính minh bạch của doanh nghiệp.
Ngoài ra thị trường xuất khẩu đang có tín hiệu gặp khó khăn do các hiệp định thương mại mang tính chất bảo hộ ngày một nhiều có thể gây ảnh hưởng tới hoạt động và định hướng của doanh nghiệp.
Trong tuần qua, cổ phiếu HSG có 2 phiên tăng (4,1%; 2%) và xen giữa là 3 phiên giảm (-2,3%; -4,7%; -2,4%). Thanh khoản khớp lệnh 2 phiên đầu tuần hơn 4 triệu đơn vị/phiên, 3 phiên sau có từ 1,4 đến 1,6 triệu đơn vị.
Chốt tuần, HSG giảm từ 13.100 đồng xuống 12.650 đồng/cổ phiếu, tương đương -3,43%.
PHS Khuyến nghị giữ đối với cổ phiếu AAA
AAA là một trong những doanh nghiệp sản xuất bao bì nilon lớn nhất Đông Nam Á. Hiện tại, AAA đang sở hữu 7 nhà máy sản xuất bao bì với quy mô sản xuất hơn 9000 tấn/tháng, trong khi các doanh nghiệp sản xuất trong nước chỉ sản xuất dao động từ 500 – 1000 tấn/ tháng.
Triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn của AAA vẫn khá rõ ràng khi nhu cầu sử dụng bao bì nhựa thân thiện với môi trường ngày càng gia tăng, đồng thời, quy mô sản xuất tiếp tục được mở rộng khi 2 nhà máy số 6 và 7 mới đi vào hoạt động cùng với kế hoạch đầu tư thêm nhà máy số 8 và 9 cũng là động lực tăng chính cho AAA trong thời gian tới.
Ngoài ra, công ty dự kiến chia cổ tức 15 – 20% bằng tiền trong năm 2018, đây là mức khá hấp dẫn ở vùng giá hiện tại của AAA.
Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, chúng tôi dự báo mức giá hợp lý của cổ phiếu AAA sẽ vào khoảng 22.162 đồng/cổ phiếu, từ đó khuyến nghị GIỮ được đưa ra đối với cổ phiếu này.
Trong tuần này, cổ phiếu AAA có 2 phiên tăng (5,1%; 2,1%), và 3 phiên giảm (-5,5%; -5,6%; -2,3%). Thanh khoản khớp lệnh từ 1,5 đến hơn 2 triệu đơn vị/phiên.
Chốt tuần, AAA giảm từ 20.950 đồng xuống 19.600 đồng/cổ phiếu, tương đương -6,44%.
BSC nhận định: DXG nhiều khả năng sẽ tăng sớm nhất trong chu kỳ tới của thị trường
Điểm nhấn kỹ thuật:
- Xu hướng hiện tại: Tích lũy ngắn hạn
- Chỉ báo xu hướng MACD: trên mức 0
- Chỉ báo RSI: Trung tính
Nhận định: DXG là cổ phiếu mạnh hơn thị trường khi cổ phiếu này đã hồi phục theo mô hình 2 đáy và quay lại vùng đỉnh giá 32.000-34.000 đồng.
Các đường MA đã ổn định lại và đường MA nhanh đang ở mức giá cao hơn các MA chậm (MA20 > MA50 > MA100 > MA200).
Do cổ phiếu đang vận động quanh vùng đỉnh cũ cùng với tâm lý thị trường đang dần hồi phục sau đợt điều chỉnh mạnh, cổ phiếu này nhiều khả năng sẽ tăng sớm nhất trong chu kỳ tới của thị trường.
Tuy nhiên, trước khi có thể vượt thoát khỏi vùng này, DXG cần tích lũy chặt chẽ hơn trong kênh hẹp và bứt phá với khối lượng lớn trên 10 triệu cổ phiếu khớp lệnh.
Trong tuần này, cổ phiếu DXG có phiên giảm sàn đầu tuần (-6,9%), 4 phiên còn lại có 2 phiên tăng (6,3%; 2,2%) xen giữa 2 phiên giảm (-5,1%; -4,3%).
Thanh khoản khớp lệnh 2 phiên đầu tuần gần 8 triệu đơn vị/phiên, còn lại từ hơn 2,2 đến 4,6 triệu đơn vị/phiên.
Chốt tuần, DXG giảm từ 32.500 đồng xuống 29.850 đồng/cổ phiếu, tương đương -8,15%.
VCSC hạ khuyến nghị dành VIC từ mua xuống khả quan
Chúng tôi hạ khuyến nghị dành cho Tập đoàn Vingroup (VIC) từ MUA xuống KHẢ QUAN, đồng thời điều chỉnh giảm giá mục tiêu 11% để phản ánh cổ phần thấp hơn tại các dự án nhà ở sau đợt chào bán cổ phần lần đầu của Vinhomes (VHM).
Tuy lợi nhuận quý I/2018 đi ngang nhưng chúng tôi cho rằng việc bàn giao các sản phẩm có biên lợi nhuận cao hơn tại các dự án nhà phố như Imperia và Harmonia sẽ hỗ trợ lợi nhuận trong các quý tới, qua đó thúc đẩy LNST sau lợi ích CĐTS 2018 tăng 42% lên 6.000 tỷ đồng.
VinCity, dòng sản phẩm BĐS mới thuộc phân khúc trung cấp dự kiến sẽ được tung ra thị trường trong Quý II và III năm nay củng cố giả định tổng giá trị bán hàng 2018 là 89.000 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2017 và do đó EPS 2018-2020 dự báo đạt tăng trưởng kép hàng năm là 35%.
Yếu tố hỗ trợ: Thí điểm casino dành cho người Việt Nam tại Phú Quốc, qua đó thúc đẩy tỷ lệ lấp đầy tại khách sạn – khu nghỉ dưỡng lớn nhất của VIC (3.000 phòng).
Rủi ro: Tiền sử dụng đất tăng nếu Chính phủ áp dụng chính sách mới.
Trong tuần này, cổ phiếu VIC chỉ có 1 phiên tăng duy nhất ngày 20/6 (1,6%), còn lại 4 phiên đều mất điểm nhẹ (-0,1%; -0,3%; -0,8%; -1%). Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất hơn 2 triệu đơn vị, phiên thấp nhất cuối tuần có hơn 460.000 đơn vị.
Chốt tuần, VIC giảm nhẹ từ 123.500 đồng xuống 122.800 đồng/cổ phiếu, tương đương -0,56%.
VSCS đưa giá mục tiêu cho cổ phiếu BSR là 22.300 đồng
CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) hiện đang xem xét việc huy động vốn đến tháng 4/2019 cho dự án mở rộng và nâng cấp, chi phí khoảng 1,8 tỷ USD, qua đó nâng công suất thêm 30% và tăng cường lượng dầu thô có thể lọc (đây là nguyên liệu đầu vào có chi phí thấp hơn).
Kế hoạch có thể được thực hiện thông qua phát hành riêng lẻ hoặc đấu giá. Số cổ phiếu được phát hành vẫn chưa được ấn định. Ban lãnh đạo cho biết BSR cũng sẽ chuyển niêm yết từ UPCoM sang HOSE trong tháng 04/2019.
BSR tiếp tục dự kiến LNST 6 tháng đầu năm sẽ đạt 3 nghìn tỷ đồng, cao hơn 11% so với dự báo trong tài liệu phát hành trước khi diễn ra ĐHCĐ), hoàn tất 42,2% dự báo LNST cả năm chúng tôi đưa ra.
Chúng tôi hiện đưa ra giá mục tiêu 22.300 đồng/cổ phiếu, tổng mức sinh lời 21,7%, lợi suất cổ tức 3,7%.
Trong tuần này, cổ phiếu BSR giảm 2 phiên liên tiếp từ đầu tuần (-2,2%; -1,1%), và cả 3 phiên còn lại đều tăng (2,3%; 0,6%; 2,8%). Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất có 2,4 triệu đơn vị, phiên thấp nhất hơn 700.000 đơn vị.
Chốt tuần, BSR giảm từ 18.800 đồng xuống 18.100 đồng/cổ phiếu, tương đương -3,72%.
VCSC giữ khuyến nghị mua cổ phiếu QNS
Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA cho CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) vì chúng tôi cho rằng cổ phiếu có định giá thấp với P/E 2018 là 9 lần, sau khi giá cổ phiếu giảm 43% trong 12 tháng qua.
Tuy nhiên, chúng tôi nâng tỷ lệ chiết khấu cho định giá tổng của từng phần từ 20% lên 30% do công ty tiếp tục phân bổ vốn thiếu hiệu quả với các khoản đầu tư mới vào mảng đường.
Theo dự phóng của chúng tôi, tỷ lệ sinh lời trên vốn đầu tư (ROIC) của QNS sẽ giảm từ mức đỉnh 36% năm 2015 còn 19% năm 2020. LNST quý I/2018 giảm 15% so với cùng kỳ (YoY) chủ yếu do các mảng khác ngoài sữa đậu nành.
Trong khi đó, doanh số sữa đậu nành của QNS cũng kém (-11% YoY), nhưng lợi nhuận được hỗ trợ từ biên LN gộp cải thiện.
Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng sẽ tăng tốc trong các quý tới khi lượng tiêu thụ sữa của Việt Nam phục hồi, trong khi sản lượng đường sẽ tăng trở lại khi các đại lý gia tăng mua hàng.
Yếu tố hỗ trợ:
(1) Triển khai sản phẩm mới trong quý 3/2018 để mở rộng danh mục sữa đậu nành.
(2) Khả năng trì hoãn cam kết AFTA có thể hỗ trợ giá đường trong nước.
Trong tuần này, cổ phiếu QNS cả 5 phiên đều mất điểm (-0,3%; -1,5%; -0,5%; -0,5%; -1,6%). Thanh khoản khớp lệnh trung bình từ 100.000 đến 180.000 đơn vị/phiên.
Chốt tuần, QNS giảm từ 39.000 đồng xuống 37.600 đồng/cổ phiếu, tương đương -5,89%.
ACBS thay đổi khuyến nghị thành giữ đối với cổ phiếu MSN
BCTC quý I/2018 chưa kiểm toán của MSN cho thấy doanh thu đạt 8.273,9 tỷ đồng (- 3,1% n/n) và LNST đạt 1.022,4 tỷ đồng (+290% n/n), chủ yếu nhờ
(i) Sự hồi phục của Masan Consumer với kết quả tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ
(ii) TCB tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với LNST gần gấp đôi so với cùng kỳ dẫn đến lợi nhuận từ bên liên kết của MSN tăng 59%.
MSN ghi nhận mức tăng 59% n/n ở lợi nhuận từ các công ty liên kết, đạt 517 tỷ, chiếm 44% LNST của MSN. Phần lớn LN này là đến từ Techcombank.
TCB tiếp tục tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong quý I/2018, ghi nhận doanh thu đạt 4.660 tỷ đồng (+26,8% n/n) và LNST đạt 2.049 tỷ đồng (+93% n/n).
Năm nay chúng tôi tin rằng TCB có thể đạt kết quả tốt với mức tăng trưởng hai chữ số.
Tuy vậy, việc lăp lại mức tăng trưởng LNST 104% như năm ngoái là khó có thể xảy ra. Cho cả năm 2018, chúng tôi nhận định rằng MSN sẽ đạt được kết quả 2018 đã đề ra.
Tuy vậy, tại giá thị trường hiện tại, MSN đang giao dịch ở mức P/E dự phóng 24,7 mà theo chúng tôi là không hấp dẫn.
Do đó, chúng tôi thay đổi khuyến nghị thành GIỮ. Sử dụng phương pháp định giá tổng tài sản ròng, giá mục tiêu của chúng tôi là 88.377 đồng/cổ phiếu.
Trong tuần này, cổ phiếu MSN giảm 2 phiên liên tiếp từ đầu tuần (-1,2%; -4,8%), sau đó phục hồi nhẹ trong phiên kế tiếp (1,2%), trước khi giao dịch giằng co và đứng tham chiếu trong cả 2 phiên còn lại.
Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 600.000 đến 1,5 triệu đơn vị/phiên.
Chốt tuần, MSN giảm từ 85.000 đồng xuống 81.000 đồng/cổ phiếu, tương đương -4,7%.
MBS khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu MWG
Kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm 2018 khả quan với tăng trưởng 43% doanh thu thuần và 44% lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ, đạt tương ứng 29.699 tỷ đồng và 1.044 tỷ đồng.
Cửa hàng Bách Hoá Xanh mới mở trong tháng 4 đã ghi nhận doanh thu hơn 1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng.
Dự kiến MWG phát hành thêm tối đa 180 triệu cổ phiếu trong năm 2018, bao gồm cổ tức bằng cổ phiếu tối đa 170 triệu cổ phiếu và 9,7 triệu cổ phiếu ESOP.
Chúng tôi khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 140.000 đồng/cổ phiếu. Doanh thu và lãi ròng ước đạt 86.884 tỷ đồng và 2.624 tỷ đồng.
Trong tuần này, cổ phiếu MWG có 2 phiên tăng (0,7%; 2,5%) cùng 3 phiên giảm (-4,7%; -2,5%; -1,6%). Thanh khoản khớp lệnh đạt từ hơn 400.000 đến 1,9 triệu đơn vị/phiên.
Chốt tuần, MWG giảm từ 123.800 đồng xuống 116.900 đồng/cổ phiếu, tương đương -5,57%.
BSC: cân nhắc mua vào theo xu hướng khi VCB vượt 60.000 đồng
Điểm nhấn kỹ thuật:
- Xu hướng hiện tại: Giảm điểm trung hạn.
- Chỉ báo xu hướng MACD: nằm trên đường tín hiệu và tiến sát về 0.
- Chỉ báo RSI: Trung tính.
- Khối lượng giao dịch: tăng 2.1 lần so thanh khoản bình quân 20 phiên.
Nhận định: VCB là một trong số ít những cổ phiếu trong VN30 còn duy trên SMA200. Cổ phiếu có phản ứng giá tốt sau khi chạm SMA200 và bật tăng trở lại, vượt trên SMA20 với thanh khoản cải thiện mạnh.
Dù vậy VCB cũng đã giảm dưới vùng tích lũy đỉnh hồi phục từ 57.500-60.000 đồng và Parbolic Sar đã đảo chiều trong ngắn hạn. Do vậy VCB tiếp tục theo dõi các phiên tiếp theo.
Cân nhắc mua vào theo xu hướng khi VCB vượt 60.000 đồng, mua tích lũy khi VCB không giảm dưới 54.000 đồng với khối lượng giao dịch trên mức bình quân 20 phiên ở mức 3,1 triệu cổ phiếu.
Trong tuần này, cổ phiếu VCB có 2 phiên tăng (2,8%; 3%), 2 phiên giảm (-4,2%; -1,9%), và 1 phiên đứng tham chiếu. Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất hơn 5,1 triệu đơn vị, phiên thấp nhất hơn 1,63 triệu đơn vị.
Chốt tuần, VCB giảm nhẹ từ 59.000 đồng xuống 58.700 đồng/cổ phiếu, tương đương -0,5%.
VCSC giữ khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MBB
Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA dành cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) và điều chỉnh tăng giá mục tiêu thêm 3%, tổng mức sinh lời 45%.
Chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm khả quan đối với việc tăng NIM vì (1) tỷ trọng tín dụng bán lẻ gia tăng có thể tiếp tục tăng lợi suất.
(2) CASA mạnh góp phần giúp ổn định chi phí huy động vốn.
Ban lãnh đạo nhấn mạnh các nỗ lực để tăng các nguồn thu nhập phí với tỷ lệ thu nhập phí ròng tăng 35,5% trong quý I/2018 so với cùng kỳ năm ngoái.
Chúng tôi dự báo thu nhập phí ròng 2018 sẽ tăng 48% nhờ dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng số và các sản phẩm thẻ cải thiện.
Với triển vọng khả quan nhờ ROA cải thiện, MBB giao dịch tại mức PBR 2018 là 1,6 lần, khá hấp dẫn so với trung vị các ngân hàng Việt Nam ở mức 1,8 lần.
Trong tuần này, cổ phiếu MBB có 2 phiên tăng (1,5%; 3%), và 3 phiên giảm (-4,8%; -1,8%; -2,9%). Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất hơn 8 triệu đơn vị, phiên thấp nhất hơn 2,5 triệu đơn vị.
Chốt tuần, MBB giảm từ 29.400 đồng xuống 27.900 đồng/cổ phiếu, tương đương -5,1%.
BSC khuyến nghị theo dõi PDR trong khoảng giá tích lũy hiện tại
Điểm nhấn kỹ thuật:
- Xu hướng hiện tại: Tích lũy và đang bị nén bởi SMA100 và SMA200.
- Chỉ báo xu hướng MACD: trên đường tín hiệu và nhỏ hơn 0.
- Chỉ báo RSI: Cải thiện.
- Khối lượng giao dịch: Tăng 2,5 lần so thanh khoản bình quân 20 phiên.
Nhận định: Rung lắc mạnh trong phiên 19/6 cùng với thị trường, PDR vẫn có 9 phiên tích lũy đi ngang nằm trọn trong cây nến tăng điểm chỉ hướng hồi phục ngày 6/6.
Phiên giao dịch hôm nay đáng chú ý khi lực cầu hấp thụ tốt lực bán ở vùng thấp và kéo giá tăng với thanh khoản tăng đột biến.
Dù vậy, chỉ số vẫn đang bị nén bởi 2 đường xu hướng SMA 100 và SMA200. Quá trình tích lũy có thể kéo dài khi chỉ số chưa thể vượt cản từ 32.000-32.500 đồng.
Theo dõi PDR trong khoảng giá tích lũy hiện tại, mở vị thế mua thăm dò khi chỉ số vượt 32.000-32.500 đồng với thanh khoản tốt cho giá mục tiêu 36.000 đồng trong ngắn hạn.
Trong tuần này, cổ phiếu PDR có 2 phiên tăng (3,2%; 1%), và 3 phiên giảm (-0,5%; -2,4%; -3,1%). Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất gần 2,5 triệu đơn vị, phiên thấp nhất cón hơn 630.000 đơn vị.
Chốt tuần, PDR giảm từ 31.900 đồng xuống 31.300 đồng, tương đương -1,88%.
KIS khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu CTD
- Đơn vị dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực xây dựng. Tháng 3/2018, cất nóc Landmark 81, toà nhà cao nhất Việt Nam, là một cột mốc chứng minh khả năng và kinh nghiệm CTD.
- Cơ cấu tài chính lành mạnh. Tiền mặt dồi dào. EPS cao. Cổ tức đều đặn.
- Hệ thống công ty vệ tinh hỗ trợ tốt, chuỗi giá trị khép kín. CTD đang xem xét để trình cổ đông kế hoạch sáp nhập các công ty thành viên vào CTD. Khi đó, các nguồn lực được tập trung, doanh thu có thể đạt 3 tỷ USD vào năm 2020.
- Đẩy mạnh mảng D&B và ứng dụng BIM - Building Information Model vào thiết kế, cải thiện biên lợi nhuận. Đầu tư phát triển mảng bất động sản, tối đa hóa lợi nhuận.
- Năm 2017, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 27.153 tỷ (+31% YoY) và 1.653 tỷ (+16% YoY).
- Năm 2018, có sự chững lại trong kế hoạch kinh doanh, đặt mục tiêu chỉ 28.000 tỷ (+3,1% YoY) doanh thu và 1,500 tỷ (-9.2% YoY) lợi nhuận sau thuế.
Chúng tôi duy trì quan điểm lạc quan với cổ phiếu CTD nhờ vị thế dẫn đầu trong ngành và định giá đang rẻ so với lịch sử.
Chúng tôi định giá CTD ở mức 182.000 đồng/cổ phiếu cuối 2018. Tổng mức lợi nhuận kỳ vọng đạt 24% so với giá thị trường là 151.000 đồng. Khuyến nghị TĂNG TỶ TRỌNG.
Trong tuần này, cổ phiếu CTD chỉ có 1 phiên tăng ngày 20/6 (4,7%), còn lại 4 phiên đều giảm (-6,2%; -0,8%; -1,2%; -0,1%). Thanh khoản khớp lệnh phiên cuối tuần thấp nhất, chỉ hơn 44.000 đơn vị, phiên cao nhất cũng chỉ hơn 360.000 đơn vị.
Chốt tuần, CTD giảm từ 161.200 đồng xuống 155.000 đồng/cổ phiếu, tương đương -3,84%.
KIS hạ mức khuyến nghị đối với cổ phiếu GMD xuống trung lập
GMD là một trong số ít công ty logistics Việt nam có thể cung cấp chuỗi dịch vụ logistics tích hợp với cơ sở vật chất của GMD và các liên doanh với các đối tác nước ngoài (cảng biển, cảng cạn, kho bãi, đội tàu xe, …) trải khắp Việt Nam.
- Ngành vận tải biển vẫn đang hồi phục với xu hướng container hóa và gia tăng cỡ tàu. Điều này tạo điều kiện cho cảng container của GMD.
- Gemalink, dự án đầy tham vọng của GMD, sẽ được tái khởi động trong quý III/2018 và hoàn tất vào cuối 2019. Công suất giai đoạn 1 (1,2 triệu TEU/năm) có thể được lấp đầy trong 3 năm nhờ vào hỗ trợ từ hãng tàu CMA-CGM cũng như liên minh của hãng này.
- Cảng Nam Đinh Vũ đã hoạt động từ tháng 5/2017 và dự kiến sẽ đạt 200k TEU trong 2018 và lấp đầy công suất vào 2019. Giai đoạn 2 của NDV cũng sẽ được đầu tư từ quý III/2018.
- Hải Phòng hiện là một cửa ngõ hàng hóa biển của Việt Nam khi đóng góp đến 18% tổng sản lượng hàng hóa qua cảng của Việt Nam và có mức tăng trưởng 17% trong 2017.
- Trong 4 tháng đầu 2018, sản lượng container qua các cảng của GMD ở Hải Phòng ước tính đạt 4,6 triệu tấn (+8%n/n) và có thị phần 14%.
- Trong quý I/2018, GMD đã ghi nhận khoảng lãi tài chính 1.356 tỷ từ chuyển nhượng 49% và 51% vốn góp tại hai công ty logistics GSH và GLH cho CJ.
Kỳ vọng tích cực về tình hình kinh doanh của GMD từ 2019 vẫn không đổi, nhưng chúng tôi có một số điều chính về giá trị các khoản thoái vốn dự kiến và về mô hình định giá tương ứng với những thay đổi gần đây trong mảng logistics của GMD.
Chúng tôi định giá lại cổ phiếu GMD ở mức 31.800 đồng/cổ phiếu vào cuối 2019, mức sinh lợi bình quân năm kỳ vọng đạt 9,2%.
Do đó, chúng tôi hạ mức khuyến nghị đối với cổ phiếu GMD xuống TRUNG LẬP.
Trong tuần này, cổ phiếu GMD chỉ có 2 phiên tăng (1,9%; 1,4%), còn lại 3 phiên giảm (-4,3%; -3,7%; -2,3%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 140.000 đến gần 700.000 đơn vị/phiên.
Chốt tuần, GMD giảm từ 28.100 đồng xuống 26.150 đồng/cổ phiếu, tương đương -6,94%.
PHS Khuyến nghị giữ đới với cổ phiếu DHG
Trong quý I/2018, DHG vẫn chưa cho thấy sự phục hồi trở lại khi doanh thu công ty chỉ tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ (đạt 908 tỷ đồng), trong khi giá vốn tăng cao gần 9% do giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào có sự gia tăng khiến biên lợi nhuận gộp tiếp tục suy giảm.
Khuyến nghị: Mặc dù tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của DHG vẫn khá tích cực tuy nhiên DHG vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nên nhiều khả năng tình hình kinh doanh của công ty vẫn sẽ chững lại trong năm 2018 – 2019.
Dựa trên phương pháp DCF và P/E, chúng tôi dự báo vùng giá hợp lý cho DHG sẽ vào khoảng 106.113 đồng/cổ phiếu với P/E dự phóng trong năm 2018 sẽ khoảng 21x. Từ đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị GIỮ cho cổ phiếu này.
Trong tuàn này, cổ phiếu DHG có 2 phiên tăng (1,5%; 4,6%), và 3 phiên giảm (-1,8%; -2,9%; -1,5%). Thanh khoản khớp lệnh từ 100.000 đến hơn 300.000 đơn vị/phiên.
Chốt tuần này, DHG giảm nhẹ từ 104.900 đồng xuống 104.600 đồng/cổ phiếu, tương đương -0,28%.
VCSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu POW
Kết quả sơ bộ 6 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng tốt. Tổng CT Điện lực Dầu khí (POW) cho biết tốc độ tăng trưởng doanh thu và LNST trước CĐTS trong 6 tháng đầu năm 2018 lần lượt đạt 17,3% và 19,0% YoY so với cùng kì năm trước.
Chúng tôi cho rằng tăng trưởng doanh thu chủ yếu nhờ vào tăng trưởng sản lượng 6% và giá khí tăng do giá dầu phục hồi mạnh trong nửa đầu năm 2018.
Nhà máy Nhơn Trạch 1 phục hồi mạnh mẽ sau khi hoàn thành đại tu trong năm 2017 và nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng hoạt động ổn định do không còn bất cứ vấn đề kĩ thuật nào.
Kết quả sơ bộ này phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Chúng tôi ước tính lợi nhuận hợp nhất cốt lõi của 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1.235 tỷ đồng, tăng trưởng 33.8% so với cùng kỳ và đạt gần 50% dự phóng cả năm của chúng tôi.
Chúng tôi cũng kỳ vọng kết quả khả quan trong 6 tháng còn lại của năm 2018 nhờ vào chi phí bảo dưỡng trùng tu thấp hơn từ nhà máy nhiệt điện Vũng Áng.
POW bất ngờ công bố trả cổ tức tiền mặt 300 đồng/CP (lợi suất cổ tức 2,3%) trong năm 2018 so với kế hoạch trước đó sẽ chỉ có cổ tức cổ phiếu trong giai đoạn 2018-2020.
Ban lãnh đạo đặt mục tiêu hoàn thành việc chuyển sàn niêm yết lên HOSE trong nửa cuối 2018 – quý 1/2019. POW sẽ xin ý kiến cổ đông chuyển sàn HOSE trong đại hội cổ đông sắp tới vào ngày 26/6.
Sau đó, công ty sẽ lập tức tiến hành các thủ tục để chuyển niêm yết từ UpCom sang HOSE. Với giá trị vốn hóa lớn và thanh khoản cao như hiện tại, POW kỳ vọng sẽ lọt vào VN30 sau 6 tháng niêm yết trên sàn HOSE.
Ban lãnh đạo cam kết dự án Nhơn Trạch 3 và 4 sẽ tạo ra giá trị lợi ích cho cổ đông. POW xin cơ chế để được hưởng sản lượng hợp đồng cao và chuyển hoàn toàn chi phí khí LNG cho người mua.
Công ty đặt kế hoạch hoàn thành báo cáo tiền khả thi (Pre-FS) trong tháng 7/2018, chốt báo cáo khả thi (FS) trong tháng 10/2019 và sẽ tiến hành khởi công xây dựng dự án trong Q3/2019.
Nhờ đó, nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4 được kỳ vọng sẽ lần lượt đi vào hoạt động từ năm 2022 và 2023. POW sẽ tài trợ cho hai dự án này với 300 triệu USD từ nguồn vốn chủ sở hữu, 300 triệu sẽ được vay từ các ngân hàng trong nước và 600 triệu USD vay từ các tổ chức tín dụng quốc tế.
POW đang thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo các yêu cầu về môi trường cho nhà máy nhiệt điện Vũng Áng. Trong ngắn hạn, tro xỉ từ nhà máy Vũng Áng sẽ được dùng cho một dự án giao thông công cộng thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Trong dài hạn, POW đang đàm phán để bán tro xỉ cho công ty sản xuất gạch không nung làm nguyên liệu đầu vào.
Ngoài ra, POW cũng kỳ vọng sẽ nhận được giấy phép nhận chìm để phục vụ nạo vét bùn lắng tại cầu cảng vận chuyển than, nhờ đó duy trì hoạt động ổn định trong dài hạn cho nhà máy.
Nhà đầu tư chiến lược rất quan tâm đến POW nhưng diễn biến thoái vốn sẽ được thực hiện trên sàn giao dịch chứng khoán.
28,8% cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược theo phương án cổ phần hóa phê duyệt trước đây sẽ được chào bán trên sàn giao dịch chứng khoán sau khi Chính phủ chấp thuận mức giá khởi điểm mới.
Hiện chúng tôi đang có khuyến nghị MUA với tổng mức sinh lợi 55% cho POW, trong khi cổ phiếu đang giao dịch ở mức hấp dẫn với P/E cốt lõi 2018 là 11 lần và EV/EBITDA là 6 lần.
Trong tuần này, cổ phiếu POW có 2 phiên tăng (1,6%; 0,8%), 2 phiên giảm (-0,7%; -5,1%), và 1 phiên đứng tham chiếu. Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất hơn 2,1 triệu đơn vị, phiên thấp nhất hơn 940.000 đơn vị.
Chốt tuần, POW giảm từ 13.800 đồng xuống 13.000 đồng/cổ phiếu, tương đương -5,78%.
VCSC điều chỉnh tăng giá mục tiêu đối với BVH
Chúng tôi điều chỉnh tăng giá mục tiêu của Tập đoàn Bảo Việt (BVH) từ 88.250 đồng lên 92.050 đồng, tương ứng với khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG và tổng mức sinh lời 8,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,2%.
Lợi nhuận ròng quý 1/2018 tăng 13% YoY dù thực hiện phương thức dự phòng thận trọng, phản ánh trong tăng trưởng chi phí dự phòng toán học 87,4% YoY.
Chúng tôi dự báo phí bảo hiểm thuần sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2017-2021 đạt 24,1%, trong khi duy trì giả định tỷ lệ kết hợp ở mức 96% năm 2018 so với 98% năm 2017, dẫn dắt bởi khâu quản lý bồi thường hiệu quả và tăng trưởng cao trong mảng bảo hiểm nhân thọ.
Trong tuần này, cổ phiếu BVH có 3 phiên tăng (0,6%; 1,2%; 4,9%), và xen giữa là 2 phiên giảm (-4,7%; -2,4%). Thanh khoản khớp lệnh từ trên dưới 100.000 đến hơn 360.000 đơn vị/phiên.
Chốt tuần, BVH giảm từ 85.500 đồng xuống 85.000 đồng/cổ phiếu, tương đương -0,58%.
FPTS khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu RAL
Năm 2018, Rạng Đông đặt mục tiêu doanh thu bằng năm 2017, lợi nhuận trước thuế là 206 tỷ (-24% yoy).
Năm 2018 là năm chuyển dịch cơ cấu sản phẩm của Rạng Đông nên ban lãnh đạo đặt kế hoạch khá thận trọng. Tháng 7/2018, Rạng Đông sẽ dừng việc sản xuất bóng đèn truyền thống chỉ tập trung vào sản xuất sản phẩm LED.
Chúng tôi đưa ra đánh giá THEO DÕI đối với cổ phiếu CTCP Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông với những yếu tố sau:
- Tiềm năng của thị trường LED trong nước còn khá lớn. Năm 2017, quy mô của thị trường LED đạt 420 triệu USD (+20,6% yoy), dự đoán đến năm 2022, thị trường có thể vượt 830 triệu USD với tốc độ tăng trưởng CAGR 15,6% trong giai đoạn 2016 – 2022. Với doanh thu LED nội địa năm 2017 là 1.179 tỷ đồng, Rạng Đông chiếm khoảng 12,28% thị phần.
- Cạnh tranh gay gắt trong dòng sản phẩm LED. Hiện tại, có hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực LED, các doanh nghiệp lắp ráp có quy mô nhỏ lẻ chiếm 60 – 70% thị phần. Cạnh tranh cao trong ngành có thể làm chi phí bán hàng của doanh nghiệp tiếp tục tăng.
- Giao dịch với bên liên quan chiếm 39% doanh thu. CTCP Gia Lộc Phát có giá trị giao dịch chiếm hơn 1/3 tổng doanh thu và là khách hàng lớn của Rạng Đông. Trong khi đó, ông Lê Đình Hưng là chủ tịch HĐQT của Gia Lộc Phát đồng thời là thành viên HĐQT của RAL.
Trong tuần này, cổ phiếu RAL có 2 phiên tăng (0,1%; 1,1%) và 3 phiên giảm (-1,1%; -2,2%; -0,3%). Thanh khoản khớp lệnh khá thấp, có phiên chỉ hơn 1.100 đơn vị, phiên cao nhất có hơn 5.400 đơn vị.
Chốt tuần, RAL giảm từ 104.600 đồng xuống 102.000 đồng/cổ phiếu, tương đương -2,48%.