Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Tuần giao dịch khép lại với với điểm nhấn VN-Index có phiên điều chỉnh sâu 19/4, và phiên phục hồi cuối tuần, tuy nhiên cũng không thể “cứu vớt” chỉ số, khi cả tuần VN-Index mất 3,2% xuống 1.196,86 điểm. Nhưng vẫn có một số mã được các công ty chứng khoán khuyến nghị đã tăng tốt đi ngược thị trường như IEB, VHC, IDI trong khi mất điểm là NKG, NVL, PLX.

BSC khuyến nghị theo dõi diễn biến giá cổ phiếu HDC khi tiếp cận vùng đỉnh kháng cự 18.900 đồng

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Tăng giá trung hạn

- Chỉ báo MACD: Tăng, phân kỳ bên trên đường tín hiệu

- Chỉ báo ADX: Tăng

- Chỉ báo RSI: Tăng, vào vùng quá mua

Nhận định: HDC đang trong xu hướng tăng giá với thanh khoản tăng mạnh. Sau một nhịp tích lũy ngắn hạn, cổ phiếu tiếp tục tăng giá trong phiên giao dịch hôm nay với giá trị thanh khoản tốt, tiếp cận ngưỡng kháng cự 18.900 đồng.

Các chỉ báo xu hướng MACD và ADX tăng cho thấy xu hướng tăng giá cổ phiếu vẫn tốt.

Tuy nhiên chỉ báo RSI đã tăng mạnh vào vùng quá mua, cho thấy khả năng giá cổ phiếu xảy ra rung lắc khi tiếp cận vùng đỉnh cũ ở mức 18.900 đồng.

Khuyến nghị: Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi diễn biến giá cổ phiếu khi tiếp cận vùng đỉnh kháng cự 18.900 đồng.

Nếu HDC vượt được ngưỡng kháng cự này với thanh khoản tốt, giá mục tiêu sẽ là 21.000 đồng. Ngược lại, ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn của HDC là 18.100 đồng/cổ phiếu.

Trong tuần này, cổ phiếu HDC có 3 phiên giảm (-1,9%;-3,3%; -1,1%), 1 phiên đứng tham chiếu và hồi phục (2,3%) trong phiên cuối tuần, thanh khoản khớp lệnh từ hơn 280.000 đến hơn 700.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần này, HDC giảm từ 18.350 đồng xuống 17.600 đồng/cổ phiếu, tương đương -4%.

FPTS khuyến nghị theo dõi cổ phiếu NKG

Năm 2018, NKG đặt mục tiêu doanh thu 17.000 tỷ đồng, (+34,5% yoy) và lợi nhuận trước thuế 750 tỷ đồng (+6,1% yoy). Cổ tức tối đa 50%/vốn điều lệ, phương thức chi trả bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu.

Riêng quý I/2018, NKG ước doanh thu 3.496 tỷ đồng (+46% yoy), và lợi nhuận sau thuế khoảng 100 tỷ đồng (-36% yoy).

EPS trượt 12 tháng (tính tới quý I/2018) đạt 5.005 đồng/cổ phiếu, tương đương P/E trượt 12 tháng là 5,4 lần. Mức P/E trượt 12 tháng trung bình 5 năm giai đoạn 2013-2017 của NKG đạt 4,8 lần.

Với khả năng hoàn thành kế hoạch doanh thu nhưng lại gặp nhiều khó khăn để đạt được kế hoạch lợi nhuận, chúng tôi khuyến nghị theo dõi với cổ phiếu NKG tại thời điểm này.

Trong tuần này, cổ phiếu NKG có 3 phiên giảm (-5,4%; -4,3%; -4,5%), xen lẫn 2 phiên tăng (1,6%; 4,9%). Thanh khoản khớp lệnh trồi sụt, phiên thấp nhất có hơn 270.000 đơn vị, phiên cao nhất có gần 1 triệu đơn vị.

Chốt tuần này, NKG giảm từ 26.650 đồng xuống 24.550 đồng/cổ phiếu, tương đương -7,8%.

VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường cho cổ phiếu KDH

CTCP Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) đã công bố tài liệu ĐHCĐ và kế hoạch cho năm 2018, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng LNST sau lợi ích CĐTS 59% so với 2017 (YoY) đạt 800 tỷ đồng. Kế hoạch này khá phù hợp với dự báo của chúng tôi.

Tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ năm 2018 dự kiến đến từ bắt đầu bàn giao dự án Jamila của KDH, hiện đã được bán hết 100%, và lãi bất thường từ chuyển nhượng một số dự án. Kế hoạch doanh thu chưa được công bố.

Ban lãnh đạo đề xuất kế hoạch chia cổ tức tiền mặt cho năm tài chính 2017 là 500 đồng/cổ phiếu (lợi suất 1,3%) và cổ phiếu thưởng 5%, khác với các năm trước khi KDH thường chia cổ tức toàn bộ bằng tiền mặt.

Trong khi đó, ban lãnh đạo cũng đề xuất tỷ lệ cổ tức 10% năm 2018, có thể bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu. Ban lãnh đạo cũng đề xuất kế hoạch ESOP 2018 cho CB-CNV công ty.

Lượng cổ phiếu phát hành sẽ là 6,8 triệu cổ phiếu (1,75% cổ phiếu lưu hành) với giá phát hành 15.000 đồng/CP (thấp hơn 64% so với thị giá hiện tại). Thời gian hạn chế giao dịch sẽ là 1 năm.

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG cho KDH với giá mục tiêu 38.200 đồng.

Theo giá đóng cửa 12/4, KDH hiện đang giao dịch với P/E và P/B dự phóng 2018 lần lượt là 21,6 lần và 2,0 lần.

Trong tuần này, cổ phiếu KDH có 2 phiên liên tiếp từ đầu tuần đứng tham chiếu, và 3 phiên sau đó đồng loạt giảm (-1,%; -0,7%; -1%). Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất có hơn 850.000 đơn vị, phiên thấp nhất có hơn 154.000 đơn vị.

Chốt tuần này, KDH giảm từ 42.000 đồng xuống 40.900 đồng/cổ phiếu, tương đương -2,6%.

VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu CII với giá mục tiêu 42.000 đồng

Chúng tôi nâng khuyến nghị dành cho CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) lên MUA và điều chỉnh tăng giá mục tiêu 6,3% lên 42.000/cổ phiếu, tổng mức sinh lời 29,4%.

Lý do chính khiến chúng tôi điều chỉnh giá mục tiêu là việc điều chỉnh mô hình chiết khấu dòng tiền lãi suất phi rủi ro giảm.

Chúng tôi dự báo doanh thu 2018 sẽ tăng mạnh 86,9% lên 3.800 tỷ đồng nhờ dự án nhà ở thấp tầng tại Thủ Thiêm Lakeview 1 sẽ chiếm 22,1% doanh thu (đã bán 100%) và ghi nhận doanh thu từ dự án BT Thủ Thiêm.

Chúng tôi dự báo LNST sau lợi ích CĐTS 2018 sẽ đạt 1.100 tỷ đồng, giảm 25,4% so với năm 2017. Chúng tôi xin lưu ý rằng CII ghi nhận lãi tài chính nhờ hợp nhất LGC và CEE năm 2017, dẫn đến mức cơ sở cao cho năm 2017.

Chúng tôi không còn dự báo công ty sẽ huy động vốn chủ sở hữu. Yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu: Giá BĐS tại Thủ Thiêm tăng Yếu tố bất lợi: Dự án bị đình trệ, pha loãng và/hoặc hoãn trả cổ tức để có vốn XDCB.

Trong tuần này, cổ phiếu CII có 2 phiên đầu tuần đứng tham chiếu, sau đó hồi nhẹ (2,3%), trước khi quay đầu giảm (-3,5%) và lại một lần nữa đứng tham chiếu trong phiên cuối tuần. Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 280.000 đến 1,2 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, cổ phiếu CII giảm nhẹ từ 32.400 đồng xuống 32.000 đồng/cổ phiếu.

BSC khuyến nghị theo dõi diễn biến cổ phiếu EIB, giá mục tiêu 19.500 đồng

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Chỉ báo MACD: Tăng, phân kỳ bên trên đường tín hiệu

- Chỉ báo RSI: Tăng

Nhận định: Giá cổ phiếu EIB đang biến động với biên độ lớn 13.700-16.600 trong trung hạn. Hiện tại, ở ngắn hạn, EIB đang trong mô hình “Inverse Head and Shoulders” với Inverse Head ở mức 13.700 đồng.

Trong 2 phiên giao dịch gần đây, giá trị thanh khoản của cổ phiếu tăng mạnh và đóng cửa phiên giao dịch hôm nay giá cổ phiếu tăng vượt nhẹ đường “Neckline” của mô hình giá.

Các chỉ báo kỹ thuật ngắn hạn tích cực cho thấy khả năng giá cổ phiếu tiếp tục tăng trong ngắn hạn. Kỳ vọng cổ phiếu sẽ quay lại kiểm tra đỉnh cũ.

Khuyến nghị: Khuyến nghị nhà đầu tư theo dõi diễn biến cổ phiếu đến khi xu hướng hình thành rõ ràng hơn. Ngưỡng kháng cự ngắn hạn của EIB là 16.600.

Nếu giá cổ phiếu vượt mức 16.600 thành công với thanh khoản tốt, giá mục tiêu sẽ là 19.500 đồng/cổ phiếu.

Trong tuần này, cổ phiếu EIB có 3 phiên liên tiếp tăng từ đầu tuần (1,7%; 4,6%; 4,1%), và điều chỉnh trong phiên tiếp theo (-3,3%) trước khi hồi phục (1,9%) trong phiên cuối tuần. Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 640.000 đến hơn 2,3 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần này, EIB tăng từ 14.850 đồng lên 16.200 đồng/cổ phiếu, tương đương +9%.

MBS khuyến nghị khả quan cổ phiếu NVL với giá mục tiêu 85.000 đồng

Chúng tôi cho rằng NVL tiếp tục giữ vững được đà tăng trưởng trong năm 2018 với doanh thu dự kiến đạt 19.774 tỷ đồng và LNST đạt 2.670 tỷ đồng tăng lần lượt 70% và 29% so với năm 2017, EPS forward đạt 3.122 đồng/cp, dựa trên cơ sở trong năm Công ty dự kiến tiếp tục bàn giao 11 dự án mới và một số dự án cũ có thể kể đến như Lakeview City, Lucky Dragon Residence, The Tresor Residence, Lucky Palace, Golf Park Residence, Golden Mansion, Rivergate Residence, Orchard Garden...

Chúng tôi khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va, với giá mục tiêu 85.000 đồng/cổ phiếu, tăng 14,09% so với mức giá 74.500 đồng ngày 13/04/2018.

Trong tuần này, cổ phiếu NVL giao dịch thiếu tích cực khi 3 phiên từ đầu liên tiếp giảm (-2,1%; -2,7%; -1,6%), sau đó đứng tham chiếu trong cả 2 phiên còn lại. Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 1,8 triệu đến 3,7 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, cổ phiếu NVL giảm từ 74.500 đồng xuống 69.800 đồng/cổ phiếu, tương đương -6,3%.

Đáng chú ý trong phiên sáng 20/4,  khối ngoại đã mua ròng 52 triệu cổ phiếu NVL, phần lớn thực hiện qua phương thức thỏa thuận tại giá sàn 65.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị khoảng 3.600 tỷ đồng.

BSC khuyến nghị giá mục tiêu cổ phiếu VHC ở mức 88.000 đồng

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Tăng giá dài hạn

- Chỉ báo MACD: Bám sát đường tín hiệu

- Chỉ báo RSI: Đi ngang

Nhận định: Trước khi hình thành xu hướng tăng giá hiện tại, cổ phiếu VHC đã trải qua một giai đoạn biến động mạnh ở vùng giá 43.000 – 60.000 từ khoảng đầu tháng 7/2016 tới khoảng cuối tháng 3/2018.

Sau khi vượt ngưỡng kháng cự 60.000, VHC đã chính thức bắt đầu xu hướng tăng hiện tại.

Đóng cửa phiên 17/4, VHC đã tăng vượt đỉnh cũ 74.000 với giá trị thanh khoản cao. Mô hình nến tuần kết hợp với các tín hiệu tích cực từ chỉ báo kỹ thuật MACD, RSI tuần củng cố xu hướng tăng giá dài hạn của VHC.

Tuy nhiên, các chỉ báo MACD và RSI ngày cho thấy khả năng cổ phiếu sẽ rung lắc nhẹ trong ngắn hạn. Kỳ vọng cổ phiếu VCH sẽ tiếp tục xu hướng tăng giá dài hạn

Khuyến nghị: Giá mua: 73.000-75.000. Giá mục tiêu: 88.000. Cut loss: mất ngưỡng hỗ trợ 67.000 đồng/cổ phiếu.

Trong tuần này, cổ phiếu VHC có phiên đầu tuần giảm điểm (-1,9%), sau đó 3 phiên còn lại đều tăng, trong đó có 1 phiên tăng trần (7%; 0,3%; 3,5%) và đứng tham chiếu phiên cuối tuần.

Thanh khoản phiên thấp nhất là phiên giảm với 171.000 đơn vị, phiên cao nhất tăng trần có gần 1 triệu đơn vị.

Chốt tuần này, cổ phiếu VHC tăng từ 72.000 đồng lên 77.800 đồng/cổ phiếu, tương đương +8,05%.

KBSV khuyến nghị mua cổ phiếu REE với giá mục tiêu 46.700 đồng

REE cho biết sẽ thoái vốn hết cổ phần đầu tư vào ngành than. Hiện giá trị đầu tư còn lại của 2 công ty Than Núi Béo và Than Đèo Nai lần lượt là 48 tỷ đồng và 37 tỷ đồng.

Dựa vào các giả định phía trên chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của REE trong năm 2018 đạt 5.679 tỷ đồng (+13,7% yoy) và 1.707 tỷ đồng (+12,2% yoy). Hiện REE đang giao dịch với mức PE 2017 và PE forward 2018 là 8,6x và 6,97x.

Chúng tôi dùng phương pháp PE để xác định giá trị hợp lý của REE là 46.700 đồng/cổ phiếu, cao hơn 21,2% giá giao dịch hiện tại, tương ứng mức PE là 8,5x.

Chúng tôi khuyến nghị MUA với REE với mức giá mục tiêu trong năm 2018 là 46.700 đồng/cổ phiếu.

Trong tuần này, cổ phiếu REE có 3 phiên giảm (-1,7%; -0,3%; -2,1%) xen lẫn 2 phiên tăng (1,6%; 1,1%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 300.000 đến 1,2 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, cổ phiếu REE giảm từ 38.150 đồng xuống 37.600 đồng/cổ phiếu, tương đương -1,44%.

BSC khuyến nghị giá mua cổ phiếu IDI với giá mục tiêu 16.000 đồng

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Tăng giá ngắn hạn

- Chỉ báo MACD: phân kỳ, mới cắt bên trên đường tín hiệu

- Chỉ báo RSI: Tăng

Nhận định: Sau khi không chinh phục được ngưỡng kháng cự 16.15, giá cổ phiếu IDI đã điều chỉnh trong ngắn hạn xuống mức 12.800, sau đó chuyển sang xu hướng tích lũy ngắn hạn trong biên độ 13.600-14.500.

Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, IDI tăng mạnh vượt ngưỡng 14.500 với giá trị thanh khoản cao.

Các tín hiệu kỹ thuật cho thấy khả năng tăng giá ngắn hạn của cổ phiếu. Kỳ vọng IDI sẽ quay lại kiểm tra đỉnh cũ.

Khuyến nghị: Giá mua 14.300 - 14.600. Giá mục tiêu: 16.000. Cut loss: mất ngưỡng hỗ trợ 13.900 đồng/cổ phiếu

Trong tuần này, cổ phiếu IDI có 2 phiên liên tiếp đầu tuần đứng tham chiếu, sau đó bật mạnh 4,9% trong phiên tiếp theo trước khi giảm -2%, và hồi mạnh 4,5% trong phiên cuối tuần.

Thanh khoản khớp lệnh phiên thấp nhất hơn 2,3 triệu đơn vị, phiên cao nhất có gần 8,2 triệu đơn vị, là một trong những mã cổ phiếu có thanh khoản cao nhất HOSE.

Chốt tuần, IDI tăng từ 14.200 đồng lên 15.250 đồng, tương đương +7,4%.

FPTS nhận định tích cực đối với cổ phiếu CVT

Lợi nhuận sau thuế của CVT năm 2017 đạt 174 tỷ đồng, vượt 2,4% so với kế hoạch và tăng 15% so với cùng kì. Sự tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đến từ:

- Công ty tiếp tục đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm trung và cao cấp mới có biên lợi nhuận cao từ 25 – 30% và ít bị ảnh hưởng bởi giảm giá do cạnh tranh so với các sản phẩm đã có mặt lâu trên thị trường

- Công tác quản lí chi phí được thực hiện tốt trong năm 2017.

Chúng tôi đưa ra nhận định TÍCH CỰC với cổ phiếu CVT với những luận điểm đầu tư:

- Năng lực sản xuất mở rộng.

- Sản phẩm mới biên lợi nhuận cao.

Các yếu tố cần theo dõi gồm biến động giá nguyên vật liệu: đất sét, tràng thạch, than & khí và cạnh tranh gay gắt do công suất ngành tăng mạnh.

Trong tuần này, cổ phiếu CVT có 2 phiên giảm đầu tuần (-0,8%; -0,6%) cùng 2 phiên tăng đều +0,6% và 1 phiên đứng tham chiếu giữa tuần. Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 200.000 đến 350.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, VCT giảm nhẹ từ 49.600 đồng xuống 49.500 đồng.

VCSC khuyến nghị giá mục tiêu của cổ phiếu DQC ở mức 30.000 đồng

Trong tài liệu ĐHCĐ 2018, CTCP Bóng đèn Điện Quang (DQC) xin ý kiến cổ đông về việc mua lại đến 6,9 triệu cổ phiếu, tương đương 20% lượng cổ phiếu phát hành và 22% lượng cổ phiếu lưu hành.

Nếu giao dịch này thành công, DQC sẽ nâng tổng số cổ phiếu quỹ từ 3,1 triệu hiện nay (hay 9% lượng cổ phiếu phát hành) lên 10 triệu cổ phiếu (hay 29% lượng cổ phiếu phát hành).

Theo giá thị trường hiện nay, giá trị tối đa dành cho đợt mua lại này là 233 tỷ đồng, trong khi số dư tiền mặt ròng của DQC tính đến cuối năm 2017 là 464 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm thực hiện vẫn chưa được ban lãnh đạo công bố.

Chúng tôi hiện đưa ra giá mục tiêu 30.000/cổ phiếu dành cho DQC, tổng mức sinh lời - 7,1%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,1%.

Trong tuần này, cổ phiếu DQC giảm 3 phiên liên tiếp từ đầu tuần (-0,9%; -2%; -1,5%) sau đó phục hồi tăng 1,5% trong phiên tiếp theo, trước khi lại quay đầu giảm -2,1% trong phiên cuối tuần. Thanh khoản khớp lệnh chỉ vài chục nghìn đơn vị/phiên.

Chốt tuần, DQC giảm từ 34.800 đồng xuống 33.100 đồng/cổ phiếu, tương đương -4,88%.

VCSC khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu PC1 với giá mục tiêu 38.600 đồng

CTCP Xây lắp Điện 1 (PC1) đã công bố tài liệu ĐHCĐ thường niên, trong đó doanh thu và LNST 2018 kỳ vọng sẽ tăng 79% và 94% đạt lần lượt 5.600 tỷ đồng và 458 tỷ đồng.

Kế hoạch lợi nhuận của công ty là phù hợp với dự báo 2018 của chúng tôi là 473 tỷ đồng.

PC1 đề xuất chia cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 100:15 cho năm 2017 và đề xuất chia cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 100:20 cho năm 2018.

Ngoài ra, công ty cũng công bố một số dự án mới với vốn XDCB tối thiểu 53 triệu USD cho nhà máy thủy điện Điện Biên (70MW), nhà máy thủy điện Sông Nhiệm (6MW) và 1 dự án BĐS tại Hà Nội, ước tính có doanh thu 50-100 triệu USD. Các dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020.

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị KHẢ QUAN cho PC1 với giá mục tiêu 38.600 đồng/CP trong khi cổ phiếu hiện đang giao dịch với P/E 8,3 lần theo EPS pha loãng hoàn toàn năm 2018.

Trong tuần này, PC1 đứng tham chiếu phiên đầu tuần và tăng trong 2 phiên sau đó (3,5%; 4%) và giảm -2,4% phiên tiếp theo và phiên cuối tuần tăng trở lại 1,2%. Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 140.000 đến hơn 630.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, cổ phiếu PC1 tăng từ 31.400 đồng lên 33.400 đồng/cổ phiếu, tương đương +6,3%.

FPTS khuyến nghị theo dõi cổ phiếu VNM

Vinamilk hiện đang được giao dịch quanh mức P/E trailing 29x, cao hơn 25% so với P/E trailing bình quân của các doanh nghiệp so sánh cùng ngành trên thế giới (khoảng 22x-23x).

Chúng tôi cho rằng VNM xứng đáng với P/E cao hơn mức bình quân nhờ vào triển vọng tăng trưởng bền vững, tình hình tài chính lành mạnh, ROE cao, tỷ lệ chi trả cổ tức cao và khá ổn định.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhà đầu tư cần lưu ý một số rủi ro như (1) rủi ro biến động giá nguyên liệu, (2) rủi ro cạnh tranh ngành sữa trong nước, (3) rủi ro bất ổn ở thị trường xuất khẩu, (4) rủi ro tỷ giá.

Chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI đối với mã cổ phiếu VNM ở thời điểm hiện tại.

Trong tuần này, cổ phiếu VNM chỉ có 1 phiên tăng duy nhất (1,6%), 1 phiên đứng tham chiếu và 3 phiên giảm (-2,9%; -2,9%; -0,8%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 650.000 đến 1,2 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần này, VNM giảm từ 195.700 đồng xuống 186.000 đồng/cổ phiếu, tương đương – 4,95%.

VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho PLX với giá mục tiêu 70.900

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) vừa công bố tài liệu ĐHCĐ và kế hoạch năm 2018. Công ty dự kiến doanh thu và lợi nhuận trước thuế sẽ tăng lần lượt 2,8% và 4,5% đạt 158 nghìn tỷ đồng và 5 nghìn tỷ đồng.

Kế hoạch tăng trưởng doanh thu khiêm tốn có thể đến từ giả định giá xăng đi ngang và sản lượng bán ra tăng 2%, trong khi lợi nhuận dự kiến tăng 4,5% nhờ biên lợi nhuận tăng với sản lượng xăng E5 và RON95 bán ra cao hơn.

Kế hoạch này thấp hơn so với dự báo của chúng tôi chủ yếu vì công ty dự kiến sản lượng bán ra chỉ tăng 2%, thấp hơn nhiều so với giả định của chúng tôi là 5%.

Chúng tôi sẽ tham dự ĐHCĐ của PLX ngày 27/04 và tìm hiểu thêm chi tiết về kế hoạch này.

Ngoài ra, chúng tôi dự kiến sẽ điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận 2018 của công ty trong báo cáo cập nhật tới. Ban lãnh đạo đề xuất trả cổ tức bằng tiền mặt 3.000/cổ phiếu (lợi suất cổ tức 4,7%) cho năm 2017, phù hợp với dự báo của chúng tôi.

Trong khi đó, công ty dự kiến sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu 1.200/cổ phiếu cho năm 2018 (lợi suất cổ tức 1,6%). Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cổ tức bằng tiền mặt năm 2018 có thể sẽ cao hơn trong bối cảnh tiềm lực tài chính lớn của công ty.

Chúng tôi hiện đưa có khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dành cho PLX với giá mục tiêu 70.900/cổ phiếu (tổng mức sinh lời 0,2%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,7%).

Trong tuần qua, cổ phiếu PLX chỉ có 2 phiên tăng đầu tuần và cuối tuần (0,3%; 3,9%) và 3 phiên giảm, trong đó có 1 phiên giảm sàn (-3,5%; -3%; -7%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 550.000 đến 1,2 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, cổ phiếu PLX giảm từ 76.500 đồng xuống 69.400 đồng/cổ phiếu, tương đương -9,28%.

 VCSC giảm giá mục tiêu cổ phiếu CTD xuống 166.000 đồng

Chúng tôi giữ khuyến nghị KHẢ QUAN dành cho CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) nhưng điều chỉnh giảm giá mục tiêu xuống 166.000/cổ phiếu vì doanh thu tăng trưởng chậm lại trong khi biên lợi nhuận giảm, ảnh hưởng đến triển vọng trung hạn của công ty.

Chúng tôi dự báo doanh thu 2018 tăng 10% nhờ giả định giá trị hợp đồng ký mới 2018 vào khoảng 23.000 tỷ đồng bên cạnh giá trị backlog hiện đã đạt 22.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tăng trưởng doanh thu từ năm 2019 trở đi sẽ chậm lại.

Biên lợi nhuận gộp của CTD giảm xuống mức thấp kỷ lục 6,4% trong Quý IV/2017.

Áp lực từ các khách hàng lớn khiến biên lợi nhuận giảm cùng với giá vật liệu xây dựng tăng khiến chúng tôi dự báo LNST 2018 sẽ giảm 5% xuống 1.600 tỷ đồng.

Lãi suất phi rủi ro và định giá các công ty cùng ngành giảm cũng khiến chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu. P/E mục tiêu của chúng tôi cũng được điều chỉnh giảm từ 11,1 lần xuống 7,8 lần.

Trong tuần này, cổ phiếu CTD có 3 phiên giảm (-2%; -3,4%; -5,3%) cùng 2 phiên tăng, trong đó có phiên tăng trần ngày cuối tuần (0,8%; 6,9%). Thanh khoản khớp lệnh từ 160.000 đến hơn 550.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, cổ phiếu CTD giảm từ 153.000 đồng xuống 147.800 đồng/cổ phiếu, tương đương -3,4%.

Tin bài liên quan