Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Trong tuần VN-Index giao dịch với diễn biến giằng co, phân hóa và thanh khoản liên tục sụt giảm, nhưng chốt tuần vẫn tăng lên ngưỡng lịch sử mới 1.174,46 điểm thì nhóm cổ phiếu được các công ty khuyến nghị mua/bán đáng chú ý có sự bay cao của ACV và sáng lấp lánh của PNJ. Trong khi, PVD mất điểm lớn nhất.

BSC khuyến nghị mức giá mua cổ phiếu DHG từ 109.000 đến 112.000 đồng

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Tăng giá trung hạn

- Chỉ báo MACD: tăng, phân kỳ bên trên đường tín hiệu

- Chỉ báo RSI: tăng

- Chỉ báo MFI: tăng

Nhận định: DHG tăng mạnh trong phiên giao dịch hôm nay, thoát khỏi ngưỡng kháng cự của đường xu hướng giảm giá dài hạn, với giá trị thanh khoản cao.

Chỉ báo MACD tăng và phân kỳ bên trên đường tín hiệu, kết hợp với xu hướng tăng của chỉ báo RSI và MFI, củng cố xu hướng tăng giá của cổ phiếu.

Kỳ vọng DHG sẽ thử thách quanh ngưỡng kháng cự này trong ngắn hạn trước khi tiếp tục xu hướng tăng giá.

Khuyến nghị: Mức giá mua: 109.000 – 112.000. Giá mục tiêu: 121.500. Cắt lỗ: mất ngưỡng hỗ trợ 105.000.

Trong tuần qua, cổ phiếu DHG giao dịch khá nhạt nhòa, khi mở đầu tuần mới tăng khá tốt 1,7%, nhưng sau đó 3 phiên liên tiếp lại giảm (-1,3%; -2,7%; -3,8%) trước khi tăng 2,7% trong phiên cuối tuần. Thanh khoản khớp lệnh duy trì trên dưới nửa triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, DHG giảm từ 115.000 đồng xuống 111.000 đồng/cổ phiếu, tương đương – 3,47%.

VSCS khuyến nghị mua cổ phiếu POW với giá mục tiêu 19.900 đồng

POW: Động lực tăng trưởng cho PV Power khi Chính phủ đang xem xét phê duyệt dự án tư Nhơn Trạch 3 và 4

Văn phòng Chính phủ vừa lấy ý kiến các bộ, ngành về việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chuyển giao cho Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư 2 dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4.

Hai dự án này có tổng mức đầu tư ước tính là 1,5 tỷ USD và sẽ tạo tăng trưởng EBITDA 22,7% và 17,5% vào năm 2021 và 2022.

Công ty dự kiến sẽ nhận được giấy phép đầu tư Nhơn Trạch 3&4 trong tháng này hoặc chậm nhất là vào quý II.

POW cũng đang xin chính phủ áp dụng cơ chế đặc biệt do hai nhà máy điện này sử dụng khí LNG nhập khẩu, có giá đầu vào cao hơn so với các nhà máy điện khí khác.

Chúng tôi tin rằng hợp đồng PPA cho hai nhà máy này vẫn theo Thông tư 41, đảm bảo IRR 12%.

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 19.900 đồng/cổ phiếu cho POW, tương ứng với tổng mức sinh lời là 23,6%.

Trong tuần qua, cổ phiếu POW nối dài chuỗi giảm điểm của tuần trước thêm 3 phiên đầu tuần (-1,9%; -1,3%; -0,6%) và bật tăng mạnh trong 2 phiên cuối tuần (3,8%; 2,5%). Thanh khoản khớp lệnh từ 1 đến 1 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần này, POW tăng từ 16.100 lên 16.600 đồng/cổ phiếu, tương đương +3,1%.

VCSC khuyến nghị giá mục cổ phiếu PNJ  là 172.000 đồng

CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố Phó chủ tịch HĐQT, ông Lê Trí Thông, sẽ thay thế bà Cao Thị Ngọc Dung trong vai trò TGĐ của PNJ từ ngày 21/04/2018.

Kế hoạch bổ nhiệm này đã được chuẩn bị từ lúc ông Thông được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch HĐQT trong ĐHCĐ thường niên 2017 của PNJ.

Ông Thông, 39 tuổi, đã từng nắm giữ các chức vụ như Phó TGĐ của Bolton Consulting Group Vietnam, và Phó TGĐ Chiến lược tại Prudential Vietnam. Giai đoạn 2008-2013, ông Thông là Phó TGĐ của Ngân hàng Đông Á, và thực hiện quá trình mở rộng mạng lưới chi nhánh và máy ATM của ngân hàng, vốn là một trong những ngân hàng có hệ thống lớn nhất ở thời điểm đó.

Ông Thông đóng vai trò quan trọng trong chiến lược số hóa của PNJ, vốn được chúng tôi cho rằng sẽ củng cố cho vị thế của công ty trong ngành trang sức vàng đang phát triển nhanh chóng.

Trong buổi gặp gỡ NĐT vừa qua, PNJ cho biết thế hệ lãnh đạo tiếp theo của công ty sẽ bao gồm những nhân tài trẻ tuổi, và ông Thông là minh chứng cho điều này.

Chúng tôi hiện đang khuyến nghị giá mục tiêu 172.000 đồng/cổ phiếu cho PNJ, so với giá đóng cửa phiên hôm nay là 181.000 đồng.

PNJ hiện đang giao dịch với P/E dự phóng 2018 là 23,5 lần và P/E dự phóng 2019 là 18,9 lần.

Trong tuần này, cổ phiếu PNJ là một điểm sáng lớn của thị trường chung, khi cả 5 phiên đều tăng, và mức tăng khá tốt (2,4%; 1,7%; 4,5%; 0,5% và 4%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 200.000 đến hơn 300.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, PNJ tăng từ 181.000 đồng lên 206.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng +13,8%.

BSC khuyến nghị mức giá mua cổ phiếu HT1 từ 14.900 đến 15.300 đồng

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Tăng giá ngắn hạn

- Chỉ báo RSI: tăng

- Thanh khoản: tăng

Nhận định: HT1 đang trong xu hướng tăng giá ngắn hạn. Biến động giá cổ phiếu HT1 đang có xu hướng co hẹp lại và tiếp cận ngưỡng kháng cự trên.

Chỉ báo RSI tăng, kết hợp với xu hướng thanh khoản tăng, kỳ vọng HT1 sẽ vượt ngưỡng kháng cự trên.

Khuyến nghị: Mức giá mua: 14.900-15.300. Giá mục tiêu: 16.500. Cắt lỗ: mất ngưỡng hỗ trợ 14.200 đồng/cổ phiếu.

Trong tuần qua, cổ phiếu HT1 tăng điểm ngày đầu tuần (1,7%) nhưng 3 phiên sau đó đều giảm (-0,7%; -1,3%; 0,2%) và hồi nhẹ trở lại +0,3% trong phiên cuối tuần. Thanh khoản khớp lệnh trồi sụt, khi phiên cao nhất có gần 1 triệu đơn vị, và 2 phiên chưa đến 100.000 đơn vị được khớp.

Chốt tuần này, HT1 giảm từ 15.050 đồng xuống 14.750 đồng/cổ phiếu, tương đương -2%.

KBSV khuyến nghị mua cổ phiếu TCH với giá mục tiêu 24.300 đồng

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị Mua đối với cổ phiếu TCH với mức giá mục tiêu 24.300/cổ phiếu dựa trên cơ sở các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp như sau:

Mảng kinh doanh đầu kéo ổn định nhờ vào vị thế độc quyền phân phối ô tô đầu kéo Mỹ thương hiệu Navistar và hệ thống cửa hàng chăm sóc 3S theo tiêu chuẩn quốc tế.

Mảng kinh doanh bất động sản sẽ khởi sắc từ năm 2018 với việc triển khai kinh doanh trên 8 mảnh đất được đối ứng từ 2 dự án BT. Trong đó 2 dự án Hoàng Huy Riverside và Hoàng Huy Mall dự kiến có doanh thu trong năm 2018.

Quỹ đất sạch tiếp tục được mở rộng thông qua việc tham gia các dự án BT cải tạo chung cư cũ của TP Hải Phòng và các dự án BT khác.

Trong tuần này, cổ phiếu TCH có 3 phiên tăng (4,2%; 1%; 2,2%) xen lẫn 2 phiên giảm (-1,4%; -3,6%). Thanh khoản khớp lệnh trên dưới 1 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần này, TCH tăng nhẹ từ 20.250 đồng lên 20.700 đồng/cổ phiếu, tương đương +2,22%.

PHS khuyến nghị quan sát với cổ phiếu PVD

Hiện nay PVD đang được giao dịch ở mức P/B 0.6x. Đây là mức định giá chung của các doanh nghiệp khoan ở trong khu vực do tình hình kinh doanh kém khả quan Với các giả định như: các giàn tự nâng của PVD sẽ có việc làm đồng thời giá cho thuê giàn cũng sẽ cải thiện so với năm 2017.

Cộng với việc các hoạt động dịch vụ bổ trợ sẽ thuận lợi hơn. Chúng tôi cho rằng doanh thu năm 2019 của PVD có thể đạt 4,774 tỷ đồng (+22% YoY).

Tuy vậy mảng cho thuê giàn khoan vẫn sẽ phải kinh doanh dưới giá vốn đồng thời chúng tôi không đưa vào các khoản hoàn nhập từ quỹ khoa học công nghệ do đó hoạt động kinh doanh cốt lõi của PVD trong năm 2018 có thể sẽ phải chịu lỗ khoảng 272 tỷ đồng.

Giá trị sổ sách ( Book value ) của PVD được xác định là 33.702/cổ phiếu.

Với việc Thị trường dầu mỏ đã trở nên khởi sắc hơn cùng với triền vọng trong dài hạn của PVD vẫn còn, chúng tôi duy trì mức P/B của PVD là 0.6x, mức giá hợp lý của PVD là 20.200/cổ phiếu. Khuyến nghị : Quan sát với cổ phiếu PVD.

Trong tuần này, cổ phiếu PVD giao dịch thất bại với 4 phiên giảm liên tiếp, trong đó phiên đầu tuần còn giảm sàn, cụ thể (-7%; -6,5%; -1,5%; -0,5%) và phiên hồi phục cuối tuần +0,5%. Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất 3,2 triệu đơn vị, phiên thấp nhất cuối tuần hơn 600.000 đơn vị.

Chốt tuần, PVD giảm từ 22.300 đồng xuống 19.100 đồng/cổ phiếu, tương đương -14,3%.

BSC khuyến nghị giá mục tiêu cổ phiếu TDC ở mức 10.200 đồng

Điểm nhấn kỹ thuật

- Xu hướng hiện tại: tăng giá dài hạn

- Chỉ báo MACD: tăng, phân kỳ bên trên đường tín hiệu

- Chỉ báo RSI: tăng, chưa vào vùng quá mua

- Chỉ báo OBV: tăng, tạo đỉnh mới

Nhận định: Sau một đợt điều chỉnh mạnh ngắn hạn, giá cổ phiếu TDC quay lại đà tăng và tiếp cận ngưỡng kháng cự 9.400 đồng với thanh khoản tăng. Các chỉ báo kỹ thuật cho thấy khả năng tiếp tục tăng giá cổ phiếu trong thời gian tới.

Khuyến nghị: Nếu giá cổ phiếu chinh phục được ngưỡng kháng cự với thanh khoản tốt, thì TDC sẽ tiếp tục xu hướng tăng giá với giá mục tiêu 10.200 đồng/cổ phiếu.

Trong trường hợp không chinh phục được ngưỡng kháng cự, cổ phiếu sẽ quay trở lại nhịp điều chỉnh với ngưỡng hỗ trợ gần nhất 8.800 đồng/cổ phiếu.

Trong tuần này, cổ phiếu TDC xanh ngắt trong 2 phiên đầu tuần (1,4%; 0,3%), qua đó kéo dài chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp, nhưng 3 phiên còn lại trong tuần đều giảm (-0,9%; -0,3%; -2,4%). Thanh khoản khớp lệnh từ gần 300.000 đến 800.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần này, TDC giảm từ 9.120 đồng xuống 8.950 đồng/cổ phiếu, tương đương -1,86%.

VCSC khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu SCS

CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) vừa công bố mục tiêu cho năm 2018 và kế hoạch cho giai đoạn 2018-2020.

Theo đó công ty ước tính từ nay đến năm 2020, lượng hàng hóa quốc tế sẽ tăng 15%-20%/năm và trong nước tăng 10%- 12%/năm.

Doanh thu 2018 dự kiến sẽ tăng 16,8% so với năm 2017 lên 694 tỷ đồng nhờ lượng hàng hóa quốc tế tăng 13,4%. Mục tiêu doanh thu trên phù hợp với dự báo hiện nay của chúng tôi là 687 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế theo kế hoạch 2018 dự kiến tăng 21,1% so với năm 2017 lên 466 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 4% so với dự báo hiện nay của chúng tôi. Tuy nhiên, SCS thường vượt mục tiêu đề ra.

Ban lãnh đạo cho biết, SCS đã trình hồ sơ xin niêm yết lên sàn HOSE và dự kiến sẽ chính thức lên HOSE vào tháng 05/2018.

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị Khả Quan dành cho SCS với giá mục tiêu 1 năm là 188.400 đồng/cổ phiếu, tổng mức sinh lời 16,9%, đã bao gồm lợi suất cổ tức 3,3%.

Trong tuần này, cổ phiếu SCS có chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp từ đầu tuần (2,3%; 7,7%; 0,9%; 0,1%), và bị chốt lời trong phiên cuối tuần, giảm 0,4%. Thanh khoản khớp lệnh thực sự không đáng kể, khi phiên cao nhất chỉ có hơn 50.000 đơn vị, phiên thấp nhất vỏn vẹn hơn 2.700 đơn vị.

Chốt tuần này, SCS tăng từ 162.800 đồng lên 176.000 đồng/cổ phiếu, tương đương +8,1%.

VCSC giữ nguyên giá mục tiêu cổ phiếu PC1 ở mức 38.600 đồng

Chúng tôi giữ nguyên giá mục tiêu dành cho CTCP Xây lắp điện 1 (PC1) tại mức 38.600/cổ phiếu, khuyến nghị tương ứng là Mua với tổng mức sinh lời 20,6% trong khi giá cổ phiếu đã giảm 7,5% kể từ khi chúng tôi công bố báo cáo trước đến nay.

Công ty đã công bố KQLN 2017 thất vọng (giảm 22,5% so với năm 2016) do mảng xây lắp đường dây truyền và sản xuất cột điện bị ảnh hưởng từ tiến độ giải ngân chậm của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia.

Chúng tôi dự báo LNST 2018 tăng 99,4% nhờ (1) PC1 dự kiến sẽ bàn giao dự án Mỹ Đình Plaza 2 và ghi nhận doanh thu từ dự án này; (2) Mảng hoạt động xây lắp đường truyền và sản xuất cột điện dự kiến sẽ được hưởng lợi từ đường truyền quốc gia 500kV thứ ba và tăng trưởng mạnh từ mức cơ sở thấp năm 2017 và (3) Hai nhà máy thủy điện mới đi vào hoạt động năm 2017.

PC1 giao dịch tại mức P/E 8,1 lần theo EPS 2018 và công ty đang xem xét khả năng trả cổ tức bằng tiền mặt.

Trong tuần này, PC1 đứng tham chiếu phiên đầu tuần, đó tăng 2 phiên liên tiếp (1,7%; 0,5%) rồi điều chỉnh (-0,3%) trong phiên kế tiếp, trước khi tăng nhẹ 0,9% trong phiên cuối tuần. Thanh khoản khớp lệnh dao động từ 18.000 đến hơn 120.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần này, PC1 tăng từ 32.000 đồng lên 32.900 đồng/cổ phiếu, tương đương +2,8%.

BSC khuyến nghị gia tăng tỷ trọng cổ phiếu VCS

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: tăng giá dài hạn

- Chỉ báo MACD: cắt lên đường tìn hiệu cho tín hiệu mua

- Chỉ báo OBV: tăng, tiếp cận ngưỡng đỉnh cũ.

Nhận định: VCS sau khi điều chỉnh mạnh xuống mức 190.000 đồng vào giữa tháng 2, VCS đã có hồi phục mạnh để trở lại xu hướng tăng và chính thức vượt đỉnh với khối lượng lớn.

Chỉ báo MACD, OBV đều đưa ra tín hiệu đà tăng sẽ tiếp tục.

Khuyến nghị: Nhà đầu tư có thể gia tăng tỉ trọng VCS trong phiên tiếp theo nếu giá tiếp tục xu hướng tăng và khối lượng dự kiến nằm trên trung bình 10 ngày.

Nếu giá hoặc khối lượng không đạt điều kiện, nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi các phiên tiếp theo để xác nhận rõ rang xu hướng tăng điểm trong thời gian sắp tới.

Trong tuần này, VCS đã liên tục tăng 4 phiên liên tiếp từ đầu tuần (6%; 0,7%; 4%; 1,9%) và giảm nhẹ 0,4% trong phiên cuối tuần. Thanh khoản khớp lệnh dao động từ trên dưới 100.000 đến hơn 400.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần này, VCS tăng từ 232.000 đồng lên 261.500 đồng/cổ phiếu, tương đương +12,7%.

MBS khuyến nghị mua cổ phiếu CVT với giá mục tiêu 66.500 đồng

CVT có mức tỷ suất lợi nhuận thuộc loại cao nhất so với các doanh nghiệp niêm yết trong ngành, mức biên lợi nhuận gộp năm 2017 đạt 24,3% (so với 23,6% năm 2016), biên lợi nhuận ròng đạt 14,8% (so với 13,6% năm 2016), ROE đạt 32,6%.

Dự báo năm 2018 tăng trưởng 22,4%.

Với định giá 66.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn 42% so với thị giá hiện tại, chúng tôi khuyến nghị Mua với cổ phiếu CVT.

Tuy nhiên cần lưu ý các tác động của việc gia tăng cạnh tranh trong ngành gạch ốp lát trong thời gian tới, cũng như việc mức doanh thu và lợi nhuận ròng biến động theo quý khá nhiều thường tăng mạnh vào 2 quý cuối năm, đặc biệt là quý 4, trong khi quý 1 thường thấp).

Do vậy, nhà đầu tư có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu ở mức giá hợp lý.

Trong tuần này, CVT giảm nhẹ phiên đầu tuần (-1,3%0 sau đó tăng 3 phiên liên tiếp, trong đó có 1 phiên tăng kịch trần (ngày 29/3), cụ thể (0,9%; 2,8%; 6,9%) và phiên điều chỉnh cuối tuần (-0,4%).

Thanh khoản khớp lệnh phiên tăng trần cao nhất với gần 1,4 triệu đơn vị. Các phiên khác có từ hơn 160.000 đến hơn 400.000 đơn vị.

Chốt tuần này, CVT tăng từ 46.900 đồng lên 51.100 đồng/cổ phiếu, tương đương +8,95%.

BVSC khuyến nghị triển vọng đối với cổ phiếu DAG

BVSC cho rằng triển vọng DAG năm 2018 sẽ duy trì tích cực khi nhu cầu xây dựng và quảng cáo tăng cao.

Chiến lược kinh doanh “Thâm nhập thị trường trước, sản xuất sau” sẽ giúp DAG dễ dàng thích nghi với môi trường kinh doanh và thị hiếu thay đổi của người tiêu dùng.

Về cơ bản, BVSC đánh giá cao nền tảng kinh doanh, thương hiệu và sản phẩm của DAG.

Tuy nhiên, công ty cần giải quyết tình hình công nợ bị chiếm dụng và tồn đọng thì hiệu quả kinh doanh sẽ cải thiện hơn. Cổ phiếu DAG đang giao dịch tại P/E trailing là 7 lần, P/B là 0,74 lần và suất cổ tức là 5,8%.

Với chỉ số định giá tương đối hấp dẫn, chúng tôi khuyến nghị triển vọng đối với cổ phiếu DAG tại vùng giá hiện tại cho mục tiêu đầu tư trung hạn.

Trong tuần này, DAG giao dịch thất bại, khi không có bất cứ phiên nào tăng, trong đó phiên đầu tuần và cuối tuần đứng tham chiếu, 3 phiên còn lại giảm (1-,6%; -1,2%; -1,4%). Thanh khoản khớp lệnh từ trên 50.000 đến hơn 160.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, DAG giảm từ 8.760 đồng xuống 8.400 đồng/cổ phiếu, tương đương -4,1%.

BSC khuyến nghị mua cổ phiếu ACV ở mức 96.000 – 100.000 đồng

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: tăng giá ngắn hạn

- Chỉ báo MACD: tăng, phân kỳ bên trên đường tín hiệu

- Chỉ báo RSI: tăng

Nhận định: Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, giá cổ phiếu ACV đã đóng cửa trên đường MA 20, thoát khỏi ngưỡng kháng cự của đường xu hướng giảm giá trung hạn, và vượt ngưỡng kháng cự Fibonaccy 98.800 đồng

Hiện tại, giá cổ phiếu ACV đang trong mô hình W “2 đáy“, và đang thử thách ngưỡng kháng cự 102.000 đồng. Các chỉ báo kỹ thuật tích cực cho thấy khả năng giá cổ phiếu sẽ vượt ngưỡng kháng cự này.

Khuyến nghị: Mức giá mua: 96.000-100.000. Giá mục tiêu 110.000. Cắt lỗ: mất ngưỡng hỗ trợ 91.000 đồng/cổ phiếu.

Trong tuần này, cổ phiếu ACV giao dịch khá tốt với cả 5 phiên đều tăng điểm (2,1%; 7,2%; 1,5%; 4,1%; 5,8%). Thanh khoản khớp lệnh có 3 phiên trên 200.000 đơn vị, 2 phiên còn lại từ 50.000 đến 90.000 đơn vị.

Chốt tuần, ACV tăng từ 89.600 đồng lên 106.100 đồng/cổ phiếu, tương đương +18,4%.

PHS khuyến nghị mua cổ phiếu VHC

Chúng tôi dự báo biên lợi nhuận trong năm nay của VHC sẽ phục hồi ở mức tương đương năm 2016 là 15%.

Doanh thu dự kiến đạt 9.109 tỷ đồng (+12%yoy) với giả định giá cá tra nguyên liệu tiếp tục giữ mức tương đương trong năm 2017, vào khoảng 26.000 – 30.000 đồng/kg; Ước tính lợi nhuận sau thuế đạt 648 tỷ đồng (+9%yoy).

Bằng cách tính trung bình có trọng số giữa hai phương pháp FCFF và P/E, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu VHC sẽ vào khoảng 75.798 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA cho cổ phiếu này.

Trong tuần này, cổ phiếu VHC giao dịch khá hiệu quả, với cả 5 phiên tăng (3,1%; 0,3%; 2%; 4,3%; 3,6%). Thanh khoản khớp lệnh trên dưới nửa triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, VHC tăng từ 61.400 đồng lên 70.000 đồng/cổ phiếu, tương đương +14%.

MBS khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu REE

Ước tính 2018, REE đạt LNST 1,685 tỷ đồng (+22% cùng kỳ) sau khi tăng trưởng mạnh vào năm 2017 ở mức 1,377 tỷ đồng (+26% cùng kỳ).

Giai đoạn 2018 – 2023, chúng tôi dự phóng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế bình quân đạt 5%/năm, tương ứng 1,847 tỷ đồng vào năm 2023 dựa trên nguồn doanh thu và lợi nhuận ổn định của mảng M&E, khả năng tăng trưởng của hoạt động cho thuê văn phòng và danh mục đầu tư ngành điện, nước.

Khuyến nghị: Giá trị hợp lý của cổ phiếu REE được xác định ở mức 44,600 đồng/cổ phiếu dựa trên phương pháp định giá từng phần.

Trong tuần này, cổ phiếu REE đứng tham chiếu phiên đầu tuần, sau đó bật tăng trong 2 phiên (0,8%; 1,6%) trước khi bị đẩy ngược trở lại trong 2 phiên cuối tuần (-2,1%; -0,3%). Thanh khoản khớp lệnh trên dưới 600.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, cổ phiếu REE không đổi ở mức 37.700 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan