Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Trong tuần giao dịch mà VN-Index vượt qua ngưỡng cản lớn 1.130 điểm trong đầu tuần và cuối tuần là hoạt động giao dịch cơ cấu của 2 quỹ ETFs, thì các cổ phiếu được các công ty chứng khoán khuyến nghị mua bán đã không có nhiều biến động tăng/giảm đáng chú ý. Chiến thắng đáng kể chỉ có ASM, DHG, PVT và phần nào đó là STB.

BSC khuyến nghị mua cổ phiếu CTI ở mức 34.000-35.900 đồng

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: tăng giá dài hạn, thoát xu hướng điều chỉnh ngắn hạn

- Chỉ báo MACD: cắt đường tín hiệu từ dưới lên

- Chỉ báo RSI: tăng

- Chỉ báo MFI: tăng

Nhận định: CTI đang trong xu hướng tăng giá dài hạn. Hiện tại, giá cổ phiếu đã thoát khỏi xu hướng điều chỉnh ngắn hạn.

Chỉ báo MACD sau khi tiếp cận mức 0 đã bật tăng trở lại và cẳt đường tín hiệu từ dưới lên, cho thấy tín hiệu mua.Chỉ báo RSI tăng mạnh lại sau đợt giảm mạnh, cho thấy sự phục hồi động lực tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo MFI tăng mạnh, xác nhận đà tăng giá cổ phiếu. CTI sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn.

Khuyến nghị: Mức giá mua: 34.000 -35.900. Giá mục tiêu: 41.700. Cắt lỗ: mất ngưỡng hỗ trợ 32.000 đồng/cổ phiếu.

Trong tuần vừa qua, cổ phiếu CTI có 2 phiên đầu tuần liên tiếp giảm điểm (-0,6% và -2,5%) sau đó là 3 phiên tăng và giảm đan xen (+0,6%; - 1,6% và +2,9%), thanh khoản khá tốt khi có trên dưới 1 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên. Chốt tuần giảm từ mức 35.900 đồng xuống 35.450 đồng, tương đương – 1,25%.

VCSC đưa giá mục tiêu mới của cổ phiếu DPM là 22.200 đồng

Chúng tôi duy trì khuyến nghị phù hợp thị trường trong khi điều chỉnh tăng 8,3% giá mục tiêu cho Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM), tương đương lên 22.200 đồng/cổ phiếu, do lãi suất phi rủi ro thấp hơn và P/E trung bình ngành cao hơn.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận 2018 sẽ giảm 10,3% so với 2017 do khoản lỗ của nhà máy NPK từ chính sách khấu hao nhanh hơn, không đủ bù đắp cho sự phục hồi nhẹ của mảng phân bón.

Nhà máy NPK dự kiến sẽ đi vào hoạt động thương mại trong tháng 4/2018 và sẽ ghi nhận lỗ trong hai năm đầu tiên do hiệu suất hoạt động thấp, trước khi đóng góp 10-15% lợi nhuận từ năm 2020.

Dù DPM có bảng cân đối kế toàn lành mạnh với tỷ lệ đòn bẩy ròng luôn ở mức âm, cổ phiếu hiện tại khá kém hấp dẫn do lợi nhuận giảm trong ngắn hạn và ROE thấp

DPM hiện đang giao dịch khá kém hấp dẫn với P/E 2018 đạt 16,8 lần, chiết khấu 54% so với các công ty nhưng phù hợp với diễn biến trong quá khứ của công ty.

Trong tuần này, DPM có 2 phiên giảm đều là -1,3%, xen lẫn 3 phiên tăng 0,2%; 4% và 0,2%, thanh khoản khớp lệnh cao nhất trong phiên tăng mạnh 4% có hơn 1,3 triệu đơn vị, 3 phiên giảm có trên dưới nửa triệu đơn vị. Chốt tuần tăng từ 22.800 đồng xuống 23.200 đồng/cổ phiếu, tương đương + 1,75%.

VCSC điều chỉnh tăng giá mục tiêu cổ phiếu VJC lên 226.400 đồng

Chúng tôi hạ khuyến nghị dành cho CTCP Hàng không VietJet (VJC) xuống Khả quan từ Mua chủ yếu vì giá cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian qua.

Chúng tôi điều chỉnh tăng giá mục tiêu 40,6% cho cổ phiếu VJC, tương đương lên mức mới là 226.400 đồng/cổ phiếu, vì (1) giả định giá vé tăng so với 2017; (2) RPK tăng trưởng mạnh; (3) WACC giảm và (4) hệ số định giá so sánh các công ty cùng ngành cao hơn

Chúng tôi dự báo doanh thu và LNST 2018 sẽ tăng lần lượt 32,9% và 13,8%, trong đó LNST cốt lõi dự kiến sẽ tăng 53,9% nhờ VJC tích cực mở thêm nhiều tuyến bay quốc tế một cách hiệu quả.

Trong tuần này, cổ phiếu VJC có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, trong 2 phiên cuối tuần đều giảm (-0,5%; - 0,7%), phiên giảm mạnh nhất vào ngày 13/3 khi mất 1,9%, 2 phiên tăng cũng chỉ tăng nhẹ 0,2% và 0,4%. Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 500.000 đến 1 triệu đơn vị.

Chốt tuần, giảm từ 209.000 đồng xuống 204.000 đồng/cổ phiếu, tương đương – 2,45%,

BSC khuyến nghị mức giá mua cổ phiếu PDR từ 38.000-41.000 đồng

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: tăng giá dài hạn

- Chỉ báo MACD: tăng, phân kỳ bên trên đường tín hiệu

- Chỉ báo RSI: tăng, chưa vào vùng quá mua

- Chỉ báo MFI: tăng Nhận định: PDR đang trong xu hướng tăng giá dài hạn. Chỉ báo MACD có xu hướng tăng và phân kỳ bên trên đường tín hiệu, cho thấy xu hướng tăng giá còn tiếp tục.

Chỉ báo RSI tăng và chưa vào ngưỡng quá mua, thể hiện động lực tăng giá vẫn mạnh. Chỉ báo MFI tăng mạnh, xác nhận đà tăng giá. Cổ phiếu sẽ tiếp tục xu hướng tăng giá dài hạn.

Khuyến nghị: Mức giá mua: 38.000-41.000. Giá mục tiêu 47.000. Cắt lỗ: 35.000 đồng/cổ phiếu.

Tuần này, cổ phiếu PDR chỉ có 1 phiên tăng điểm duy nhất vào đầu tuần +3,8%, sau đó là 4 phiên liên tiếp giảm (-0,2%; -1%; -1,2% và – 1,8%).

Thanh khoản khớp lệnh duy trì trên dưới 1 triệu đơn vị/phiên. Duy nhất phiên đầu tuần có trên 2 triệu đơn vị.  Chốt tuần, giảm nhẹ từ 39.500 đồng xuống 39.300 đồng/cổ phiếu.

FPTS: Duy trì trạng thái mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 77.000 đồng

Theo dự phóng FPTS, doanh thu năm 2018 của HPG có thể đạt 60,900 tỷ đồng (+32% yoy).

 Tăng trưởng chủ yếu đến từ 4 điều:

- Dự án tôn mạ màu công suất 400.000 tấn/năm hoạt động từ Q2/2018.

- Dây chuyền cán tại khu liên hợp Dung Quất sẽ bắt đầu chạy từ giữa năm 2018,

- Dự án chăn nuôi lợn bắt đầu có doanh thu sau gần 2 năm gây đàn, và

- Dự án Mandarin Garden 2 sẽ kết thúc quá trình bàn giao nhà trong năm 2018.

Tỷ suất lợi nhuận gộp dự phóng giảm từ mức 23% năm 2017 xuống còn 21% cho năm 2018 do biến động giá nguyên vật liệu đầu vào, và dây chuyền cán mới sẽ chỉ nhập phôi để cán nên tỷ suất lợi nhuận thấp hơn.

LNST ước tính đạt 9.175 tỷ đồng (+15% YoY), tương đương với EPS năm 2018 vào khoảng 6.034 đồng/cổ phiếu,

Theo đó, chúng tôi cập nhật kết quả định giá và khuyến nghị các nhà đầu tư nên duy trì trạng thái mua đối với cổ phiếu HPG với mức giá mục tiêu 77.000 đồng/cổ phiếu.

Trong tuần này, cổ phiếu HPG có 2 phiên tăng vào đầu tuần và giữa tuần (0,8% và 0,5%) cùng 3 phiên giảm xen lẫn (-0,8%; -1,9%, và -0,7%).

Thanh khoản khớp lệnh khá cao, từ hơn 2,5 đến 4 triệu đơn vị/phiên. Riêng phiên cuối tuần có hơn 9,6 triệu đơn vị khớp lệnh.

Chốt tuần, giảm từ 61.500 đồng xuống 60.200 đồng/cổ phiếu, tương đương – 2,11%.

BSC khuyến nghị giá mục tiêu cho cổ phiếu STB ở mức 18.000 đồng

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: tăng giá dài hạn

- Chỉ báo MACD: xu hướng hội tụ cắt đường tín hiệu từ dưới lên

- Chỉ báo OBV: tăng

Nhận định: STB đang trong xu hướng tăng giá dài hạn.

Chỉ báo MACD có xu hướng bật tăng trở lại và hội tụ cắt đường tín hiệu từ dưới lên, cho thấy tín hiệu mua.

Chỉ báo OBV đang tăng trở lại và ổn định ở mức cao, xác nhận xu hướng tăng giá.

Khuyến nghị: Mức giá mua: 15.200-16.100. Giá mục tiêu 18.000. Cắt lỗ: 13.700 đồng/cổ phiếu.

Trong tuần qua, cổ phiếu STB chỉ có 1 phiên giảm nhẹ -0,3% và giữa tuần giữa 4 phiên tăng (+3,6%; +0,9%; +0,6%; +0,9%). Thanh khoản khớp lệnh luôn nằm trong top những mã cao nhất HOSE.

Tổng cộng tuần này có hơn 80 triệu cổ phiếu được trao tay. Chốt tuần tăng từ 15.400 đồng lên 16.300 đồng/cổ phiếu, tương đương + 5,84%.

BSC khuyến nghị mức giá mua cổ phiếu ASM từ 10.800 đến 11.300 đồng

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: tăng giá ngắn hạn

- Chỉ báo MACD: tăng, phân kỳ bên trên đường tín hiệu

- Chỉ báo RSI: tăng, chưa vào vùng quá mua

- Chỉ báo MFI: tăng mạnh Nhận định: ASM đang trong xu hướng giảm giá dài hạn từ khoảng đầu 2016 và liên tiếp rơi thủng các ngưỡng hỗ trợ.

Hiện tại, giá cổ phiếu đang trong xu hướng tăng giá ngắn hạn sau khi vượt ngưỡng kháng cự 11.

Chỉ báo MACD mới bắt đầu xu hướng tăng và phân kỳ bên trên đường tín hiệu, cho thấy xu hướng tăng giá sẽ còn tiếp tục.

Chỉ báo RSI tăng mạnh, chưa vào vùng quá mua, củng cố động lực tăng giá của cổ phiếu. Chỉ báo MFI tăng, xác nhận đà tăng của cổ phiếu. Cổ phiếu sẽ tiếp tục đà tăng trong các phiên tới.

Khuyến nghị: Mức giá mua: 10.800-11.300. Giá mục tiêu: 12.700. Cắt lỗ: mất ngưỡng hỗ trợ 10.100 đồng/cổ phiếu.

Trong tuần này, cổ phiếu ASM diễn biến nhìn chung tích cực, khi phiên đầu tuần đứng tham chiếu, sau đó 2 phiên tăng, trong đó 1 phiên tăng trần, rồi hạ nhiệt, trước khi chốt tuần tăng 0,9%.

Thanh khoản khớp lệnh từ 3 đến 5 triệu đơn vị/phiên, duy chỉ có phiên đầu tuần có 1,8 triệu đơn vị. Chốt tuần, tăng từ 10.100 lên 11.300 đồng/cổ phiếu, tương đương + 11,88%.

VCSC khuyến nghị giá mục tiêu của cổ phiếu DHG ở mức 90.600 đồng

DHG: Kế hoạch tăng trưởng LNTT 2018 ở mức 7%, đề xuất trả cổ tức bằng tiền mặt 3.000/cổ phiếu cho năm 2018, tái cơ cấu nhà máy mới từ công ty con thành chi nhánh để nới room khối ngoại.

CTCP Dược Hậu Giang (DHG) công bố tài liệu ĐHCĐ, theo đó BLĐ kế hoạch doanh thu và LNTT 2018 lần lượt là 4 nghìn tỷ (-1% so với 2017) và 768 tỷ (+7% so với 2017).

Chúng tôi giữ quan điểm thận trọng đối với tương lai tăng trưởng của DHG trong bối cảnh cạnh tranh càng gay gắt và sản phẩm của công ty chưa có nhiều sự khác biệt.

HĐQT đề xuất trả cổ tức bằng tiền mặt 3.000VND/cổ phiếu cho năm 2018, tương đương năm 2017 (lợi suất cổ tức 3,1%).

Về cổ tức năm 2017, công ty đã trả tổng cộng 2.500/cổ phiếu trong tháng 10/2017 và tháng 01/2018; 500 đồng còn lại sẽ được trả sau ĐHCĐ sắp tới, diễn ra ngày 28/03.

Đáng chú ý, công ty dự kiến sẽ xin ý kiến cổ đông về việc chuyển các nhà máy mới từ công ty con thành chi nhánh hạch toán phụ thuộc, tạo điều kiện nới room khối ngoại.

Lưu ý rằng trước đây, sản phẩm của các công ty con của DHG được bán cho công ty mẹ, sau đó mới bán ra thị trường bên ngoài. Theo cơ quan nhà nước thì đây được xem là phân phối bên thứ ba.

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị phù hợp thị trường với giá mục tiêu 90.600/cổ phiếu, tổng mức sinh lời -4,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,1%.

Trong tuần qua, cổ phiếu DHG tăng 2,9% trong phiên đầu tuần, trước khi hụt hơi đứng tham chiếu và giảm 0,2% trong 2 phiên tiếp theo, và bật mạnh trở lại 2 phiên cuối tuần (+2,5% và +3%).

Thanh khoản khớp lệnh 3 phiên cuối tuần cao nhất với hơn 350.000 đơn vị. Chốt tuần, tăng từ 95.900 đồng lên 104.000 đồng/cổ phiếu, tương dương + 8,44%.

VCSC khuyến nghị mua dành cho FPT với giá mục tiêu 70.400/cổ phiếu

CTCP FPT (FPT) công bố kế hoạch cho năm 2018 với doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế dự kiến lần lượt đạt 21,9 nghìn tỷ đồng và 3,5 nghìn tỷ đồng.

Hai công ty này hiện được xem là công ty liên kết theo phương pháp vốn chủ sở hữu. Ban lãnh đạo cho biết nếu FTG và FRT vẫn được hợp nhất thì lợi nhuận trước thuế mục tiêu năm 2018 sẽ tăng 18%.

Dự báo 2018 của chúng tôi cao hơn một chút so với mục tiêu của ban lãnh đạo với doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 22.900 tỷ đồng và 3.600 nghìn tỷ đồng.

HĐQT cũng đề xuất trả cổ tức bằng tiền mặt 2.500/cổ phiếu (lợi suất cổ tức 4,2%) cho năm 2017, cao hơn so với mức cổ tức bằng tiền mặt thông thường (2.000/cổ phiếu), dự kiến sẽ được trả trong Quý II/2018.

Đồng thời, công ty cũng thực hiện phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20:3 (20 cổ phiếu sẽ được nhận 3 cổ phiếu mới).

Cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2018 được đề xuất là 2.000/cổ phiếu trên cơ sở số lượng cổ phiếu sau khi trả cổ phiếu thưởng, lợi suất 3,8%.

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị mua dành cho FPT với giá mục tiêu 70.400/cổ phiếu, tổng mức sinh lời 20,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,8%.

Trong tuần này, cổ phiếu FPT chỉ có một phiên tăng duy nhất vào giữa tuần (+1,25%), còn lại 4 phiên giảm (-0,3%; -2,1%; -0,3%; -0,8%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 1,1 triệu đến 2 triệu đơn vị/phiên, riêng phiên 13/3 có hơn 4,1 triệu cổ phiếu được trao tay.

Chốt tuần, cổ phiếu FPT giảm từ 61.600 đồng xuống 60.100 đồng/cổ phiếu, tương đương – 2,43%.

BSC khuyến nghị giá mua cổ phiếu PVT ở mức 19.300-20.150 đồng

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: tăng giá dài hạn

- Chỉ báo MACD: tăng, phân kỳ với đường tín hiệu

- Chỉ báo RSI: tăng, vượt ngưỡng kháng cự

- Chỉ báo MFI: tăng

Nhận định: PVT đang trong xu hướng tăng giá dài hạn. Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, giá tăng mạnh hình thành mô hình “Belt-hold lines” và chạm ngưỡng kháng cự 20.200 đồng/cổ phiếu,

Chỉ báo MACD có xu hướng tăng mạnh và phân kỳ bên trên đường tín hiệu, cho thấy xu hướng tăng giá sẽ còn tiếp tục.

Chỉ báo RSI tăng mạnh vượt ngưỡng kháng cự và chưa vào vùng quá mua, thể hiện động lực tăng giá mạnh của cổ phiếu. Chỉ báo MFI tăng mạnh, xác nhận xu hướng tăng giá.

PVT sẽ tiếp tục xu hướng tăng giá trong thời gian tới.

Khuyến nghị: Mức giá mua: 19.300-20.150. Giá mục tiêu: 23.000. Cắt lỗ: mất ngưỡng hỗ trợ 17.500 đồng/cổ phiếu.

Trong tuần này, cổ phiếu PVT đáng chú ý là vào ngày 15/3 khi tăng trần và khớp lệnh cũng cao hơn nhiều những phiên trước với hơn 2 triệu đơn vị. Các phiên còn lại có 2 phiên giảm đầu tuần và cuối tuần (-0,8%; -2%) cùng 1 phiên đứng tham chiếu và 1 phiên tăng 1,3%.

Chốt tuần, PVT tăng từ 18.800 đồng lên 19.750 đồng/cổ phiếu, tương đương + 5,05%.

VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường đối với cổ phiếu MSN

Chúng tôi phát hành báo cáo cập nhật cho CTCP Tập đoàn Masan (MSN - HOSE) với khuyến nghị: Phù hợp thị trường.

LNST sau lợi ích cổ đồn thiểu số thường xuyên giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY) do động thái giảm hàng tồn kho tại nhà phân phối trong mảng F&B (thực phẩm và đồ uống) và doanh số thức ăn chăn nuôi giảm.

LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo tăng 11% nhờ lãi từ bán trái phiếu chuyển đổi Techcombank.

Chúng tôi dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2018 tăng mạnh 74% trên cơ sở thường xuyên và 22% trên cơ sở báo cáo, được dẫn dắt bởi tăng trưởng mạnh ở mảng F&B, giá kim loại cao hơn và lợi nhuận được chia từ công ty liên kết gia tăng.

Chúng tôi có thể sẽ nâng khuyến nghị cho MSN trong tương lai nếu các yếu tố tiềm năng sau xảy ra:

- Tăng trưởng nhanh hơn kỳ vọng trong mảng F&B;

- Các sự kiện doanh nghiệp tại Masan Resources (MSR) để củng cố giá trị vốn hóa hiện tại của công ty là 998 triệu USD, cao hơn 76% so với định giá hiện tại của chúng tôi.

- Giá trị được ấn định của Techcombank (TCB) trong kế hoạch huy động vốn và niêm yết của ngân hàng này, được công bố tại ĐHCĐ thường niên vừa qua.

Trong tuần này, cổ phiếu MSN chỉ có duy nhất 1 phiên tăng đầu tuần (+1,2%) sau đó là phiên liên tiếp giảm (-0,2%), 3 phiên còn lại đều mất 1,1%.

Thanh khoản khớp lệnh từ gần 200.000 đến hơn 456.000 đơn vị/phiên. Riêng phiên cuối tuần có hơn 3,68 triệu đơn vị.

Chốt tuần này, MSN giảm từ 94.100 đồng xuống 92.000 đồng/cổ phiếu, tương đương – 2,23%.

Tin bài liên quan