Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Việc thị trường đột ngột lao dốc mạnh khiến hàng loạt mã lớn bé đua nhau giảm sâu, trong đó không loại trừ những mã được các công ty chứng khoán khuyến nghị mua vào. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* PHS khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu PLP

Với triển vọng tăng trưởng ngành kết hợp chuỗi giá trị công nghiệp khép kín của PLP và dòng sản phẩm hạt nhựa Filler Masterbatch đem lại giá trị gia tăng cao, chúng tôi khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu PLP cho mục tiêu trung và dài hạn. Với P/E mục tiêu một năm 7.2x, chúng tôi ước tính mức giá hợp lý của PLP là 28.591 đồng/cổ phiếu.

Mặc dù kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng khá tốt cùng triền vọng ngành được đánh giá tích cực với dòng sản phẩm hạt nhựa Filler Masterbatch đem lại giá trị gia tăng cao, nhưng diễn biến cổ phiếu PLP không tăng như kỳ vọng của PHS. Với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PLP giảm 1.300 đồng/Cp (-5,02%) từ mức 25.900 đồng/Cp xuống 24.600 đồng/Cp.

* FPTS khuyến nghị theo dõi cổ phiếu DRC

Chúng tôi cho rằng khi giai đoạn 2 của nhà máy Radial toàn thép đi vào hoạt động và đạt công suất  cao kể từ năm 2019 sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Chúng tôi khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu DRC.

Sau những phiên giảm liên tiếp vào cuối tháng 11, cổ phiếu DRC đã hồi phục tích cực trong những phiên đầu tháng 12, thậm chí có phiên 5/12 tăng trần. Tuy nhiên, DRC đã chịu áp lực điều chỉnh trong 2 phiên cuối tuần khiến đà tăng trong cả tuần có phần hãm lại chút ít.

Cụ thể, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DRC tăng 2.050 đồng/Cp (+9,05%) từ mức 22.650 đồng/Cp lên 24.700 đồng/Cp.

* VietinbankSC khuyến nghị tiếp tục nắm giữ cổ phiếu VJC và HSG

Xu hướng của CTCP Hàng không VietJet (mã VJC) vẫn đang trong giai đoạn uptrend, tuy nhiên trong ngắn hạn sẽ có điều chỉnh tuy nhiên chúng tôi nhận thấy điều chỉnh không đáng kể vì vậy nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ VJC trong các phiên tiếp theo.

Các chỉ báo kỹ thuật về xu hướng vẫn cho dấu hiệu tăng mạnh đối với cổ phiếu CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG), cùng với đó các chỉ báo về giao động như MACD, RSI… đều đang cho tín hiệu mua mạnh đối với HSG trong giai đoạn hiện tại, vì vậy nhà đầu tư có thể quan sát và tiếp tục nắm giữ đối với HSG. Tuy nhiên, vùng giá 22.9 nếu bị phá qua nhà đầu tư nên tiến hành cắt lỗ đối với HSG.

Tuần qua, các cổ phiếu lớn đã tạo sức ép chính lên thị trường khiến VN-index liên tiếp đón nhận những phiên giảm sâu, trong đó VJC cũng không ngoại trừ. Với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá vào giữa tuần ngày 6/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VJC giảm 5.600 đồng/Cp (-4,15%) từ mức 134.900 đồng/Cp xuống 129.300 đồng/Cp.

Trong khi đó, dù khởi đầu tuần mới khá tích cực bằng phiên tăng trần nhưng sau đó, HSG cũng không tránh khỏi áp lực bán trên diện rộng và đã quay đầu điều chỉnh, đã lấy đi phần nào thành quả có được. Cụ thể, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HSG tăng 900 đồng/Cp (+3,75%) từ mức 24.000 đồng/Cp lên 24.900 đồng/Cp.

* Theo BVSC, mức giá kỳ vọng của HDC khoảng 19.000-20.000 đồng/CP

Mức giá nhà đầu tư có thể kỳ vọng cho HDC trong 3 tháng tới khoảng 19.000 – 20.000 đồng/cp, tương đương P/B khoảng 1,25x. Điểm quan ngại của chúng tôi là việc tăng vốn từ 450 tỷ lên 900 tỷ sẽ tạo ra áp lực pha loãng cho năm 2018.

Mặc dù được dự báo lợi nhuận trước thuế quý IV khả quan với con số ước đạt 37-42 tỷ đồng, nâng kết quả cả năm lên 95-100 tỷ đồng, vượt 20-25% kế hoạch cả năm, nhưng diễn biến cổ phiếu HDC tuần vừa qua không có nhiều biến động. Với 1 phiên tăng nhẹ vào đầu tuần 4/12, 2 phiên giảm và 2 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HDC giảm 300 đồng/Cp (-1,8%) từ mức 16.700 đồng/Cp xuống 16.400 đồng/Cp.

* Theo BSC, DXG thiết lập xu hướng tăng trong ngắn và trung hạn

Sau đợt giảm giá mạnh vào cuối tháng 10, DXG đã có những phiên hồi phục đáng kể giúp DXG thoát khỏi trend giảm và thiết lập xu hướng tăng trong ngắn và trung hạn. DXG vẫn đang được hỗ trợ khá tốt về mặt FA khi chúng tôi dự báo  kết quả kinh doanh năm 2017 và 2018 vẫn duy trì mức tăng trưởng khả quan.

Dù được đánh giá là một năm ổn định của thị trường bất động sản và nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng có kết quả kinh doanh khả quan như DXG ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III đạt 398 tỷ đồng, tăng 47 lần so với cùng kỳ năm trước; nhưng diễn biến cổ phiếu này trong tuần qua không mấy tích cực do chịu sức ép bán ra sau những phiên khởi sắc cuối tháng 11.

Cụ thể, chỉ tăng duy nhất phiên đầu tuần ngày 4/12 và có tới 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DXG giảm nhẹ 300 đồng/Cp (-1,48%) từ mức 20.250 đồng/Cp xuống mức 19.950 đồng/Cp.

* KIS khuyến nghị giải ngân VGC khi giá quay về vùng 26-26.5

Chúng tôi cho rằng những diễn biến của VGC trong ngắn hạn là kém khả quan hơn khi các chỉ báo về sức mạnh giá và dòng tiền đang gặp thử thách tại các mức kháng cự. Do đó, áp lực bán có thể sẽ lớn hơn trong thời gian tới và những rung lắc có thể sẽ xuất hiện. Khi đó, nhà đầu tư có thể canh giải ngân VGC khi giá quay trở lại kiểm chứng vùng 26-26.5 với mức giá mục tiêu cho thời gian đầu tư 3 tháng là 32, tương đương với tỷ suất lợi nhuận 23%. Cắt lỗ khi giá rớt xuống mức giá 24.

Tương tự DXG, một thành viên khác trong nhóm xây dựng là VGC cũng đã đón nhận những phiên giảm khá sâu trong tuần đầu tháng 12 sau khi tăng mạnh trong những phiên cuối tháng 11. Thống kê với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VGC giảm 1.900 đồng/Cp (-7,04%) từ mức 27.000 đồng/Cp xuống 25.100 đồng/Cp.

* FPTS khuyến nghị tích cực cổ phiếu PDN

Với những lợi thế cạnh tranh sẵn có về vị trí địa lý, lợi thế về quỹ đất và kinh nghiệp phát triển tại địa phương lâu năm, cùng với bối cảnh triển vọng khả quan, chúng tôi khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu PDN.

Trái với khuyến nghị của FPTS, cổ phiếu PDN tuần qua tiếp tục giao dịch nhỏ giọt với những phiên giảm điểm. Cụ thể với 1 phiên tăng, 2 phiên giảm và 2 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PDN giảm 2.000 đồng/Cp (-2,06%) từ mức 97.000 đồng/Cp xuống 95.000 đồng/Cp.

* BSC khuyến nghị mở vị thế đối với NVL

NVL đã giảm giá rất mạnh vào giữa tháng 8 và giữ nguyên trạng thái tích lũy ở đáy cho đến hiện tại. Các chỉ báo đều đã hồi phục lại chuẩn bị cho một lượt hồi phục mới. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mở vị thế với NVL tại giá nhỏ hơn 63, chốt lãi tại giá 75 và cắt lỗ tại 58.

Mặc dù được nhận định là các chỉ báo đều đã hồi phục lại chuẩn bị cho một đợt tăng giá nhưng diễn biến cổ phiếu NVL tuần qua vẫn khá lình xình với những phiên tăng giảm nhẹ. Cụ thể, với 3 phiên giảm đầu tuần và 2 phiên tăng sau đó, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NVL giảm nhẹ 600 đồng/Cp (-0,97%) từ mức 62.300 đồng/Cp xuống 62.300 đồng/Cp.

* BSC khuyến nghị cân nhắc mua vào PTB với giá mục tiêu 150

Chúng tôi khuyến nghị nếu thanh khoản gia tăng, nhà đầu tư có thể cân nhắc điểm mua từ 130-135 với giá mục tiêu 150 và cắt lỗ tại vùng giá 125. 

Cũng như nhiều mã trên,, cổ phiếu PTB cũng đã đón nhận một tuần giao dịch không mấy tích cực và không được như kỳ vọng của BSC.

Thống kê tuần qua, PTB đã đón nhận duy nhất 1 phiên tăng vào đầu tuần, 3 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tính chung, giá cổ phiếu PTB nhích nhẹ 500 đồng/Cp (+0,38%) từ mức 132.000 đồng/Cp lên 132.500 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu 150.000 đồng/CP, giá hiện tại của cổ phiếu PTB còn thấp hơn 13,2%.

Tin bài liên quan