* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu PNJ
BSC dự báo lợi nhuận sau thuế của PNJ đạt 659.6 tỷ đồng vào năm 2017 (tăng 46,4% so với năm trước), tương đương EPS là 5.114 đồng/cp (Sau khi trừ quỹ khen thưởng phúc lợi là 10%).
Chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu PNJ với giá mục tiêu cho năm 2018 là 117.200 đồng/cp, upside 21,1% (so với mức giá 96.700 đồng/cp ngày 21/6/2017), chúng tôi sử dụng phương pháp P/E và phương pháp FCFF để định giá cổ phiếu PNJ. Tỷ lệ lần lượt là 50% cho FCFF và 50% cho P/E.
Nhận định của BSC khá chuẩn xác, tuần qua là tuần giao dịch khởi sắc nhất của PNJ trong 1 tháng trở lại đây. Không chỉ thanh khoản cải thiện, giá cổ phiếu PNJ cũng tăng trưởng khá tốt khi ghi nhận 4 phiên tăng và chỉ 1 phiên điều chỉnh nhẹ vào đầu tuần (19/6). Tính chung tuần qua, giá cổ phiếu PNJ tăng 5.500 đồng/Cp (+5,7%) từ mức 96.500 đồng/Cp lên 102.000 đồng/Cp.
* SHS khuyến nghị mua mạnh cổ phiếu QCG
Chúng tôi đặt kỳ vọng vào khả năng thành công của thương vụ chuyển nhượng 100% dự án KDC Phước Kiển trong 2017. Ngoài việc giúp cho QCG ghi nhận khoản đột biến lớn về lợi nhuận, thương vụ trên còn giúp doanh nghiệp cải thiện mạnh mẽ về tiềm lực tài chính. Cơ cấu tài chính cân bằng sẽ nền tảng thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Vì vậy, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua mạnh đối với cổ phiếu QCG với giá mục tiêu là 31.872 đồng/cp (upside 27.49%) trong thời gian 06 tháng.
Với đánh giá thương vụ trên sẽ giúp QCG ghi nhận khoản đột biến về lợi nhuận và cải thiện mạnh mẽ về tiềm lực tài chính, cổ phiếu này đã tăng mạnh trong tuần qua. Cụ thể, với 4 phiên tăng mạnh, trong đó có 3 phiên đầu tuần tăng trần và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu QCG tăng 5.900 đồng/Cp (+20,14%) từ mức 23.400 đồng/Cp lên 29.300 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu 31.872 đồng/CP, giá hiện tại của QCG còn thấp hơn 8,78%.
* BVSC khuyến nghị tích cực cổ phiếu IMP
Về dài hạn, động lực tăng trưởng chính đến từ các nhà máy EU-GMP. Rủi ro lớn nhất đối với IMP là sự thay đổi chính sách đấu thầu theo hướng bất lợi. Ngược lại những đồn đoán về đối tác chiến lược hay tăng room nước ngoài có thể là chất xúc tác giúp giá cổ phiếu tăng cao như trường hợp DHG hay DMC.
Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu IMP dựa trên giá mục tiêu 75.400 đồng, tăng 20,6% so với giá đóng cửa ngày 16/6/2017 là 62.500 đồng.
Mặc dù chào tuần mới không mấy thuận lợi khi đứng giá và giảm nhẹ trong 2 phiên đầu tuần nhưng lực cầu hấp thụ khá tốt đã giúp IMP khởi sắc trong 3 phiên cuối tuần. Tính chung tuần qua, giá cổ phiếu IMP tăng 3.900 đồng/Cp (+6,24%) từ mức 62.500 đồng/Cp lên 66.400 đồng/Cp.
* KIS khuyến nghị tận dụng nhịp rung lắc để mua vào TCM
Nhìn chung, mặc dù các chỉ báo kỹ thuật chưa cho nhiều tín hiệu tích cực nhưng cây nến ngày hôm nay trên đồ thị TCM đã phát ra tín hiệu tích cực xác nhận tín hiệu đảo chiều.
Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp rung lắc trong phiên để mở vị thế mua mới với mức giá mục tiêu là 36-37 trong khi ngưỡng cắt lỗ là dưới 28.5.
Ngay sau nhịp rung lắc vào giữa tuần, cổ phiếu TCM đã được mua vào mạnh và hồi phục tích cực cùng giao dịch sôi động với khối lượng khớp một vài triệu đơn vị. Tổng cộng, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm nhẹ ngày 21/6, tuần qua TCM đã tăng 2.920 đồng/CP (+9,87%) từ mức 29.580 đồng/Cp lên 32.500 đồng/Cp.
* VCSC khuyến nghị tích lũy cổ phiếu C32
P/E trượt 12 tháng khá thấp chỉ ở mức 6,6 lần, rất hấp dẫn so với các công ty cùng ngành trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng dài hạn của C32. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu C32.
Tuần qua, C32 có 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá vào cuối tuần ngày 23/6. Tính chung tuần qua, giá cổ phiếu C32 tăng 2.160 đồng/Cp (+5,05%) từ mức 42.740 đồng/Cp lên 44.900 đồng/Cp.
* MBS khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu THI
Với việc chính thức là thành viên của tập đoàn Gelex cùng với triển vọng sáng sủa của ngành sản xuất MBA phân phối, chúng tôi đánh giá KHẢ QUAN đối với hoạt động kinh doanh của Thibidi trong những năm tiếp theo. Mặt khác, những bước đi tiếp theo của Thibidi cũng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ định hướng của GEX trong tương lai, đây là điều các nhà đầu tư nên cân nhắc trước khi quyết định đầu tư vào doanh nghiệp này.
Mặc dù có những phiên chào sàn khá ấn tượng trong tuần trước nhưng áp lực bán mạnh đã khiến THI quay đầu giảm sâu trong tuần qua. Cụ thể, THI chỉ có 1 phiên tăng nhẹ đầu tuần ngày 19/6 và 4 phiên giảm, trong đó phiên cuối tuần giảm sàn. Tính chung tuần qua, giá cổ phiếu THI giảm 6.600 đồng/Cp (-12,38%) từ mức 53.300 đồng/Cp xuống 46.700 đồng/Cp.
* BVSC khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu DHA
Giá cổ phiếu DHA đã sụt giảm tương đối kể từ lần cập nhật trước của chúng tôi và đang ở vùng giá hấp dẫn hơn, cùng với những tín hiệu tích cực từ hoạt động kinh doanh chính, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu DHA với mức giá hợp lý là 40.670 đồng/cp, cao hơn 33,3% so với giá thị trường.
Khuyến nghị của BVSC có xác suất đúng khá cao khi diễn biến cổ phiếu DHA đã khởi sắc trong tuần qua. Cụ thể, với 4 phiên tăng và chỉ 1 phiên điều chỉnh nhẹ vào cuối tuần 23/6, tính chung tuần qua, giá cổ phiếu DHA tăng 3.300 đồng/Cp (+10,65%) từ mức 31.000 đồng/Cp lên 34.400 đồng/Cp.
* KIS khuyến nghị xem xét mở vị thế mua CVT khi giá về dưới 45
Trong giai đoạn tháng 3/2017, chúng tôi đã ra báo cáo CVT với mục tiêu 52-53, tuy nhiên do diễn biến giá không ủng hộ nên lệnh cắt lỗ đã được đặt ra khi CVT giảm trở lại. Tuy nhiên hiện tại, khi vượt qua vùng đỉnh cũ 45, khả năng CVT sẽ hướng về mục tiêu 52-53.
Nhà đầu tư có thể xem xét mở lại vị thế mua CVT khi giá dưới 45 với mục tiêu 52-53 và giá cắt lỗ là 40, tỉ suất sinh lời kì vọng 20,8%.
Diễn biến cổ phiếu CVT tuần qua khá tích cực với 3 phiên tăng khá tốt và 2 phiên giảm. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CVT tăng 2.500 đồng/Cp (+5,84%) từ mức 42.800 đồng/Cp lên 45.300 đồng/Cp.
* BVSC khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu DIG
BVSC khuyến nghị OUTPERFORM cổ phiếu DIG với thời gian nắm giữ trong 6 tháng. Chúng tôi có lưu ý là giá cổ phiếu DIG tăng mạnh gần 70% tính từ đầu năm, do đó, các nhà đầu tư thích sự an toàn có thể kiên nhẫn chờ giá điều chỉnh về vùng 11.500 - 12.500 để tích lũy nhằm gia tăng lợi nhuận kỳ vọng và hạn chế phần nào rủi ro.
Cũng như tuần trước đó, diễn biến tăng mạnh của DIG từ đầu năm khiến cổ phiếu này giao dịch khá thận trọng với những phiên tăng giảm khá cân bằng trong tuần qua. Cụ thể, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DIG chỉ tăng 50 đồng/Cp (+0,35%) từ mức 14.200 đồng/Cp lên 14.250 đồng/Cp.
* MBS khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu GTN
Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu GTN với mức định giá trên cơ sở thận trọng 19.100 đồng/cp, với tiềm năng tăng giá 14,71% so với 16.650 đồng/cp ngày 15/6.
Với tình hình tài chính lành mạnh và hợp nhất được dòng tiền lớn đảm bảo cho các hoạt động M&A trong tương lai, diễn biến cổ phiếu GTN khá tích cực trong tuần qua. Với 1 phiên giảm nhẹ ngày 20/6, 1 phiên đứng giá ngày 21/6 và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GTN tăng 700 đồng/Cp (+4,29%) từ mức 16.300 đồng/Cp lên 17.000 đồng/Cp.