Nhanh chóng tạm ứng cho khách hàng
Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, tính đến ngày 22/11/2024, tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng bồi thường cho khách hàng chịu tổn thất của bão Yagi là 471 tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty Bảo hiểm PVI (Bảo hiểm PVI), doanh nghiệp giữ thị phần lớn nhất trong khối bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam, đã tạm ứng bồi thường trên 66 tỷ đồng (đến ngày 27/11/2024). Việc tạm ứng bồi thường cho các khách hàng chịu tổn thất bởi bão lũ vẫn tiếp tục được triển khai trong thời gian tới. Trong các vụ đã tiến hành tạm ứng, số tiền chi trả tạm ứng lớn nhất là 10 tỷ đồng.
Thông tin từ Bảo hiểm PVI cho biết, chỉ hơn 10 ngày từ khi cơn bão số 3 đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc, Tổng công ty đã cấp tốc tạm ứng chi trả cho những khách hàng bị tổn thất tài sản với số tiền 15 tỷ đồng.
“Sau khi nhận được điện thoại thông báo tổn thất từ phía khách hàng, Bảo hiểm PVI lập tức bố trí giám định viên đánh giá và tạm ứng nhanh với số lượng hồ sơ và quy trình nội bộ tối giản nhất để khách hàng có chi phí ban đầu khắc phục tổn thất. Thời gian thanh toán tạm ứng bồi thường nhanh hơn rất nhiều so với quy định trong hợp đồng bảo hiểm đã ký với khách hàng cũng như theo luật định”, Bảo hiểm PVI cho hay.
Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính, ngay sau khi bão tan, Cục đã có công văn gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm, đề nghị chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho người tham gia bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng và luật định. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã bổ sung nhân sự, trực đường dây nóng để sẵn sàng hỗ trợ khách hàng 24/7, nhằm ghi nhận thông báo thiệt hại và tư vấn khách hàng triển khai các thủ tục để được chi trả bồi thường bảo hiểm.
Thực tế, trước khi cơn bão xảy ra, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động liên hệ với khách hàng trong vùng tâm bão để hướng dẫn các biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản để giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Chẳng hạn, tại Bảo hiểm PVI, từ những thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về mức độ tàn phá của bão số 3 (Yagi), doanh nghiệp đã đánh giá về khả năng tổn thất có thể xảy ra đối với các khách hàng của mình tại các địa phương mà bão đổ bộ, chủ động bố trí giám định viên túc trực tại hiện trường, phối hợp với các đơn vị giám định lập kế hoạch triển khai bồi thường cho khách hàng khi bão tan.
![]() |
Nhờ các khoản bồi thường từ bảo hiểm, các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất sau siêu bão Yagi |
Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tái thiết sau bão
Bà Nguyễn Thị Minh Phương, Giám đốc Tài chính Pacific Crystal chia sẻ: “Chúng tôi nhanh chóng nhận được khoản tạm ứng 10 tỷ đồng từ Bảo hiểm PVI. Đây là sự hỗ trợ rất tích cực, giúp chúng tôi có thể thanh toán tiền cho các nhà thầu sửa chữa nhà xưởng và máy móc, góp phần khôi phục hoạt động sản xuất, đảm bảo việc làm cho toàn thể cán bộ, công nhân viên”.
Không chỉ nhận ra ý nghĩa thiết thực của bảo hiểm, nhiều doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại cũng bày tỏ nuối tiếc vì đã không tham gia, hoặc tham gia chưa đầy đủ bảo hiểm cho nhà ở, hàng hóa, nhà xưởng... nên đến khi rủi ro xảy đến chỉ còn cách trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và các mạnh thường quân, làm tăng gánh nặng cho Nhà nước, cho cộng đồng.
Lâu nay, bảo hiểm được xem như “tấm lá chắn” trước rủi ro cho doanh nghiệp, tổ chức, người dân trước các rủi ro, tổn thất. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, hiện chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào từ khách hàng về việc bồi thường chậm hoặc từ chối bồi thường khi đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo hợp đồng bảo hiểm, nhưng đâu đó, việc công ty bảo hiểm có xuất hiện đúng lúc theo mong muốn của doanh nghiệp, tổ chức, người dân hay không vẫn là chuyện đáng bàn. Bởi thực tế, có không ít trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn trong xác định thiệt hại, nhất là với siêu bão lớn nhất trong 70 năm qua, gây thiệt hại trên diện rộng với số tiền ước tính lên tới 81.500 tỷ đồng. Quy trình để bồi thường bảo hiểm thường có rất nhiều bước, nhất là những vụ tổn thất lớn thường giám định rất lâu. Dẫu vậy, vẫn có những điểm sáng về xử lý bồi thường bảo hiểm sau bão.
“Bảo hiểm PVI đã tiếp nhận 784 vụ tổn thất sau bão Yagi với nhiều vụ tổn thất rất lớn, trong đó có một vụ ghi nhận dự phòng hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và năng lực chuyên môn, chúng tôi đã không gặp khó khăn khi xác định thiệt hại”, đại diện Bảo hiểm PVI chia sẻ.
Điều này có được là bởi Bảo hiểm PVI đã ký kết các hợp đồng nguyên tắc với các công ty giám định độc lập có chất lượng cao nhất tại thị trường Việt Nam; đồng thời, có hợp tác thường xuyên với các công ty quốc tế. Do vậy, trong bất kỳ loại hình tổn thất nào thì Bảo hiểm PVI đều xác định được giá trị thiệt hại một cách nhanh chóng, chính xác, phục vụ cho công tác giải quyết bồi thường nhanh cho khách hàng.
Cơ hội để nhìn lại vai trò của bảo hiểm
Ghi nhận từ các công ty bảo hiểm thì đa số các doanh nghiệp tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại đã xác định được vai trò quan trọng của bảo hiểm trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của bảo hiểm. Việc mua bảo hiểm không đầy đủ, không đọc kỹ hợp đồng trước khi ký… diễn ra phổ biến.
Nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã không mua bảo hiểm toàn diện, phạm vi bảo hiểm không đủ rộng, chỉ mua bảo hiểm cho những rủi ro như cháy nổ nhưng lại bỏ qua các nguy cơ thiên tai như giông bão hay lũ lụt. Bởi vậy, khi những sự cố này xảy ra, doanh nghiệp không thể yêu cầu bồi thường vì những rủi ro này không nằm trong phạm vi bảo hiểm đã ký kết. Nếu tham gia bảo hiểm cho tài sản của mình đầy đủ thì tài sản đó sẽ được bảo vệ trong một số trường hợp theo quy định của hợp đồng đã ký giữa công ty bảo hiểm và khách hàng.
“Khách hàng cần tự đánh giá các rủi ro mà mình thường gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh, để cùng nhà bảo hiểm cung cấp sản phẩm dịch vụ bảo hiểm phù hợp. Trong trường hợp chưa hiểu thấu sản phẩm bảo hiểm, cần yêu cầu công ty bảo hiểm giải thích rõ ràng trước khi lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp”, chuyên gia từ Bảo hiểm PVI khuyến nghị.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc cấp cao Tài chính khu vực miền Bắc, Công ty TNHH Japfa Comfee Việt Nam
Nhờ mua bảo hiểm 100% cho toàn bộ nhà xưởng và được tạm ứng chi trả bồi thường nhanh chóng, Nhà máy sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi Japfa Comfee Việt Nam sớm khắc phục được thiệt hại sau bão Yagi. Nếu không, với những thiệt hại quá lớn do cơn bão gây ra, Nhà máy cần nhiều thời gian tìm nguồn lực tài chính, hoặc phải thu hẹp sản xuất - kinh doanh.
Điều quan trọng nhất khi yêu cầu bảo hiểm chính là lựa chọn đơn vị bảo hiểm và tư vấn chuyên nghiệp, uy tín trên thị trường