Đa số chứng khoán trên UPCoM có tỷ lệ cổ phiếu “trôi nổi” thấp, nên “nhà tạo lập” dễ đẩy giá tăng cao

Đa số chứng khoán trên UPCoM có tỷ lệ cổ phiếu “trôi nổi” thấp, nên “nhà tạo lập” dễ đẩy giá tăng cao

Điểm trũng UPCoM

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần qua, nhiều nhà đầu tư được môi giới tại không ít công ty chứng khoán và các đội, nhóm giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu trên UPCoM.

Nhiều mã nổi sóng

Giá cổ phiếu BSR của Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn đang ở vùng cao nhất trong vòng hơn 3 năm qua, trên 23.000 đồng/cổ phiếu, vượt giá trúng đấu giá trong đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đầu năm 2018.

Giá tăng gần 30% sau 1 tháng, nhưng không ít công ty chứng khoán vẫn khuyến nghị nhà đầu tư nên canh mua mã BSR với giá mục tiêu là “đầu 3”.

Động lực cho đà khởi sắc của cổ phiếu BSR đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi có hiệu quả của doanh nghiệp. Vượt qua nhiều thách thức trong quý III/2021 khi giãn cách xã hội được áp dụng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, BSR đã duy trì được hoạt động sản xuất - kinh doanh liên tục và đạt kết quả tích cực hơn so với dự phóng của nhiều công ty chứng khoán.

Cụ thể, BSR đạt 17.675 tỷ đồng doanh thu, 484 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 đạt 66.562 tỷ đồng doanh thu, 4.066 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi lợi nhuận cùng kỳ năm 2020 là con số âm.

Trên thị trường, giá dầu Brent đang được giao dịch trên ngưỡng 80 USD/thùng và dự kiến duy trì mức giá bình quân quanh vùng 75 - 80 USD/thùng trong giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022 do nhu cầu sử dụng dầu tăng cao. Đây là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng tốt đối với BSR.

Giá dầu thô ở mức cao sẽ giúp biên lợi nhuận của BSR cải thiện so với cùng kỳ năm trước và kéo theo giá các sản phẩm như dầu DO và xăng tăng giá. Thực tế, chênh lệch giữa giá dầu thô và các sản phẩm xăng dầu (crack margin) của BSR có chuyển biến tích cực trong quý III/2021.

Yếu tố ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Công ty trong kỳ là nhu cầu tiêu thụ xuống mức rất thấp, nhưng đang từng bước được “hóa giải” khi nền kinh tế dần mở cửa trở lại.

Bên cạnh các sản phẩm lọc hóa dầu như xăng dầu, các sản phẩm khác như LPG, hạt nhựa đều có xu hướng tăng giá mạnh trong thời gian qua, nhanh hơn tốc độ tăng của giá dầu thô.

Điều này giúp BSR có thể cải thiện biên lợi nhuận trong thời gian tới, chưa kể Công ty còn hưởng lợi từ hàng tồn kho ước bằng sản lượng sản xuất trong 1 tháng.

Nếu như trước đây, BSR “kêu trời” vì hàng tồn kho cao, thì hiện nay, khi giá dầu lên, nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh trở lại, hàng tồn kho lại trở thành lợi thế, bởi giá thành thấp hơn đáng kể so với mức giá bán.

Dự phóng lợi nhuận quý IV/2021 của BSR có thể đạt gần 2.000 tỷ đồng, nên cổ phiếu từng bước tăng giá và thu hút đầu tư, thanh khoản xấp xỉ 19 triệu đơn vị/phiên, tương đương với thanh khoản của nhiều mã blue-chip trong VN30.

Một số mã có câu chuyện riêng như GHC của Công ty cổ phần Thủy điện Gia Lai được nhiều nhà đầu tư canh mua, dù giá đã tăng khá nóng thời gian qua.

Đây là doanh nghiệp chủ công cả 3 lĩnh vực gồm thủy điện, điện mặt trời và điện gió, đồng thời đang chuẩn bị kế hoạch chuyển cổ phiếu lên niêm yết trên HOSE. Quý IV này, các khu công nghiệp khôi phục sản xuất, GHC có thêm 3 nhà máy điện gió đi vào hoạt động, sẽ đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho Công ty.

Trong khi đó, GHC chi trả cổ tức 35% bằng tiền mặt, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) dự phóng đạt hơn 6.000 đồng trong năm nay, số lượng cổ phiếu khá “cô đặc” khi lãnh đạo doanh nghiệp và cổ đông lớn nắm giữ trên 51%.

Theo đó, một số nhà đầu tư “mơ” về mức giá 5-6x đối với mã GHC (giá đóng cửa cuối tuần qua là 38.000 đồng/cổ phiếu).

Dòng cổ phiếu thủy điện cũng trở thành tâm điểm của nhà đầu tư trong tuần qua. Trên UPCoM có cổ phiếu NED của Công ty cổ phần Đầu tư và Thủy điện Tây Bắc, nổi sóng tăng trần từ phiên đầu tuần. NED quản lý gần 30 MW thủy điện ở Sơn La, đồng thời đang đầu tư 2 khu công nghiệp tại Ninh Bình và Thanh Hóa có quy mô hơn 100 ha. Với giá trị sổ sách 10.600 đồng/cổ phiếu, có kế hoạch chia cổ tức năm 2022 là 20%, NED được “nhà tạo lập” chú ý và hướng dòng tiền vào cổ phiếu này.

Nhiều nhà đầu tư không quá quan tâm đến cổ phiếu trên sàn nào, mà thường nhìn vào dòng tiền và câu chuyện doanh nghiệp trong thời gian tới để mua bán.

Trên sàn HNX, các mã cổ phiếu thủy điện khác như SD9, S99 thu hút được dòng tiền và đều tăng giá trần trong các phiên cuối tuần.

Giờ đây, nhiều nhà đầu tư không quá quan tâm đến cổ phiếu sàn HOSE, HNX hay UPCoM, cũng như nhìn vào điểm số của VN-Index từng phiên, mà thường nhìn vào dòng tiền và câu chuyện doanh nghiệp trong thời gian tới để mua bán cổ phiếu. Bởi vậy, không ít mã trên UPCoM dễ dàng nổi sóng, nhất là khi biên độ dao động giá lớn hơn nhiều 2 sàn niêm yết.

Cổ phiếu vốn hóa nhỏ được quan tâm

Số liệu kinh tế vĩ mô quý III/2021 ghi nhận mức tác động nặng nề của giãn cách xã hội lên tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư kéo dài hơn dự kiến khiến cho triển vọng kinh tế và các doanh nghiệp niêm yết thay đổi.

Chẳng hạn, lãi suất dự kiến duy trì ở mức thấp trong một khoảng thời gian dài hơn để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Nợ xấu của ngành ngân hàng có thể tăng cao hơn dự kiến và ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận của nhóm ngành này.

Ngân hàng Nhà nước dự báo, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay có thể tăng lên 7,1 - 7,7%. Đây là lý do khiến nhà đầu tư ngại đổ tiền vào cổ phiếu ngân hàng và không ít cổ phiếu vốn hóa lớn khác.

Bên cạnh đó, giao dịch của khối nhà đầu tư nước vẫn theo xu hướng chủ đạo là bán ròng, trong khi khối này giải ngân thường ưa thích cổ phiếu lớn, do đó thị trường thiếu đi lực cầu quan trọng.

Diễn biến gần như đi ngang của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 8 và 9/2021 vừa qua dự báo sẽ kéo dài đến hết tháng 10 được cho là phù hợp với bối cảnh vĩ mô. Do thiếu vắng các kênh đầu tư hấp dẫn nên dòng tiền vẫn duy trì trên thị trường chứng khoán và tiếp tục trú ẩn ở nhóm vốn hóa thấp cùng một số ngành dự kiến có kết quả kinh doanh tích cực trong quý III/2021.

Khả năng tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong quý III/2021 do tác động từ giãn cách đã được chiết khấu phần lớn vào diễn biến giá cổ phiếu trong 2 tháng gần đây.

Những con số về kết quả kinh doanh quý III được công bố đến thời điểm này cho thấy, triển vọng lợi nhuận các ngành liên quan đến cầu tiêu dùng nội địa như bán lẻ, bia, ô tô, xe máy, dầu khí và ngân hàng không quá bị ảnh hưởng từ đợt giãn cách, trong khi không ít ngành khác được hưởng lợi từ giá hàng hóa có mức tăng mạnh kể từ đầu năm như sắt thép, đường, phân bón, hóa chất.

Vận tải container và một số ngành liên quan đến xuất khẩu có triển vọng kinh doanh khả quan. Yếu tố này có thể là bệ đỡ cho thị trường chứng khoán trong quý cuối năm vận động tích cực, tiếp tục thu hút nhà đầu tư.

Dù vậy, để thị trường tăng bền vững cần có những động lực lớn và dòng tiền của nhà đầu tư tổ chức cũng như cá nhân mang tính dẫn dắt.

Khi giá nhiều cổ phiếu đã thiết lập mặt bằng ở mức cao và phần lớn những mã có tiềm năng đã vượt đỉnh giá trong nhiều năm gần đây, nhà tạo lập sẽ thấy khó khăn trong việc gia tăng khối lượng cổ phiếu nắm giữ và đẩy giá đi lên.

Họ có xu hướng tìm kiếm các cổ phiếu chưa tăng giá nhiều, doanh nghiệp có câu chuyện để kể, để dẫn dắt dòng tiền chảy vào. Không ít mã trên UPCoM đáp ứng tiêu chí này khi vốn hóa doanh nghiệp nhỏ, lâu nay ít được nhà đầu tư chú ý nên có mức định giá hấp dẫn.

Một đặc điểm quan trọng là tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi trên thị trường thấp, nên nhà tạo lập dễ đẩy giá tăng, trong khi biên độ dao động giá lên tới 15% một phiên hấp dẫn nhiều nhà đầu tư ưa lướt sóng.

Tin bài liên quan