Sử dụng vốn vay ưu đãi, vốn bảo lãnh không hiệu quả
Kiểm toán Báo cáo tài chính của 201 doanh nghiệp thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, còn 7 tập đoàn, tổng công ty làm ăn chưa có lãi. Đáng chú ý, nhiều DNNN có dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, phải khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, hoặc ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ nước ngoài.
Tính đến 31/12/2016, có 60 dự án vay lại chuyển nợ quá hạn (gốc, lãi, phí) 10.556 tỷ đồng, chiếm 3,3% tổng dư nợ cho vay lại. Điển hình là các dự án của Vinashin, với số nợ 8.180 tỷ đồng. Có 9 dự án được Chính phủ bảo lãnh phải ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ với dư nợ 4.618 tỷ đồng (đã được khoanh nợ), gồm dự án Nhà máy Xi măng Sông Thao, Nhà máy Xi măng Hạ Long, Nhà máy Xi măng Thái Nguyên, Nhà máy Xi măng Đồng Bành, Nhà máy Xi măng Tam Điệp, Nhà máy Thủy điện Xekaman 3, Nhà máy Mía đường Sông Con, Nhà máy Giấy Phương Nam, Nhà máy Giấy Việt Trì.
Việc sử dụng vốn vay nước ngoài không hiệu quả của một số DNNN làm gánh nặng nợ công gia tăng. Dư nợ công đến ngày 31/12/2016 là 2.868.881 tỷ đồng, tăng 5.012 tỷ đồng so với báo cáo của Chính phủ.
Quản lý nợ là một vấn đề nan giải và nhức nhối đối với một số DNNN. Có những DNNN để nợ đội lên hơn 1.000 tỷ đồng. Chẳng hạn, Công ty mẹ Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) có số nợ phải thu quá hạn hơn 1.121 tỷ đồng. Con số này tại công ty con CTCP Vận tải và thương mại VEAM là 264 tỷ đồng, Vinaconex là hơn 541 tỷ đồng, Vinachem là hơn 753 tỷ đồng (chiếm 10,94% tổng số nợ phải thu).
Một số doanh nghiệp lớn trong ngành truyền hình, xây dựng, hàng không, khoáng sản, môi trường như HUD, Idico, Vinanren (Tổng công ty Tài nguyên và môi trường Việt Nam)... cũng gặp khó khăn trong vấn đề này. Chẳng hạn, nợ phải thu quá hạn của Vinanren là hơn 302 tỷ đồng, HUD1 là 105 tỷ đồng, Idico là 90,9 tỷ đồng, SCTV là 107,5 tỷ đồng, Sabeco là 60,3 tỷ đồng...
Kinh doanh bết bát, sa lầy trong thua lỗ
Những tưởng mở rộng đầu tư, kinh doanh sẽ đem về nhiều doanh thu hơn cho các DNNN, song nhiều "ông lớn" lại bị sa lầy bởi chính các công ty con này. Chẳng hạn, Vinachem vướng hơn 753 tỷ đồng nợ phải thu quá hạn và là 1 trong 2 DNNN có nợ phải thu quá hạn cao nhất. Vinachem cũng là đơn vị có nhiều công ty con thua lỗ nghìn tỷ. Trong 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương, cả 4 nhà máy hóa chất đều hết sức khó khăn trong việc vay vốn để sản xuất - kinh doanh, chưa kể các khoản nợ cũ có khả năng mất vốn.
Cụ thể, tính hết năm 2016, lỗ lũy kế của Đạm Ninh Bình là hơn 3.197 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 968, 2 tỷ đồng. CTCP DAP - Vinachem lỗ 461 tỷ đồng, CTCP DAP số 2 lỗ 1.066 tỷ đồng, CTCP Phân đạm và hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) lỗ 1.702 tỷ đồng, CTCP Pin ắc quy Vĩnh Phú lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2013 là hơn 8 tỷ đồng.
Hiện Đạm Ninh Bình đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn vốn lưu động. Doanh nghiệp này từng đề nghị giãn nợ với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), trả lãi suất 3%/năm cho 5 năm đầu từ 2018-2022, từ năm 2022-2028 trả lãi suất 8,55%/năm, hoặc khoanh nợ 5 năm từ 2018 đến hết năm 2022 nhằm giảm khó khăn về dòng tiền và để Công ty có thể tiếp tục ổn định.
Đạm Hà Bắc cũng gặp khó khăn với các khoản vay phục vụ dự án cải tạo và mở rộng nhà máy. Trong các dự án có vay vốn của VDB, Bộ Công thương cho biết, Đạm Hà Bắc và CTCP DAP 2 bị xếp vào nhóm nợ xấu có khả năng mất vốn. CTCP DAP 1 cũng nằm trong nhóm nợ cần chú ý.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với VEAM. Tại Công ty TNHH MTV Máy kéo và máy nông nghiệp lỗ hơn 82 tỷ đồng, CTCP Cơ khí Trần Hưng Đạo lỗ 73,5 tỷ đồng. Thậm chí, công ty con CTCP Vận tải và thương mại VEAM còn âm vốn chủ sở hữu 220 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp ngành xây dựng đang đứng trên bờ giải thể. Đơn cử, Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn, CTCP Gạch ngói Sài Gòn và CTCP Kim Thạch đang làm thủ tục giải thể. Trong khi đó, CTCP Xây dựng đầu tư phát triển Bạch Đằng 15 thuộc Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng âm vốn chủ sở hữu 2,79 tỷ đồng.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra sự thất bại của hàng loạt DNNN khi “phình to” cơ cấu danh mục kinh doanh. Đối với Vinacafe, có 20/32 công ty con lỗ lũy kế hơn 399 tỷ đồng, 4/6 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ. Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn có 2/4 công ty con lỗ lũy kế 256,5 tỷ đồng. Saigontourist có 7/10 công ty con lỗ lũy kế 106,3 tỷ đồng; 11/32 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế 204,27 tỷ đồng, 6/14 công ty (đầu tư dài hạn khác) lỗ lũy kế 4.305,37 tỷ đồng.
Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) cũng có 18 công ty con, công ty liên kết bị thua lỗ. Trong đó, có 7/20 công ty con, 11/29 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế đến 31/8/2016 là 1,46 triệu USD và 184,41 tỷ đồng.
Nhiều vướng mắc, bất cập đang tồn tại ở một số DNNN kinh doanh thua lỗ cũng được chỉ ra. Đó là tình trạng có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính phải giám sát tài chính đặc biệt, chưa được góp đủ vốn điều lệ.
Người đại diện vốn nhà nước tại một số công ty cổ phần chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong phân phối lợi nhuận, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước đối với cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước.
Một số DNNN còn chậm thoái vốn ra khỏi lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, góp vốn sở hữu chéo lẫn nhau không phù hợp với quy định, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của một số tập đoàn, tổng công ty không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao…
Để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, DNNN, báo cáo của Chính phủ về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016 đã nêu rõ, cần xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020 theo hướng xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 phù hợp chiến lược phát triển ngành, nhu cầu của thị trường, khả năng cân đối và giải pháp về vốn đầu tư, năng lực, trình độ quản lý.
Cùng với đó là rà soát xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không có hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường. Đồng thời, tăng cường giám sát chặt chẽ việc vay nợ và sử dụng vốn vay, nhất là vay nợ nước ngoài.
Kỳ vọng ủy ban quản lý vốn nhà nước sẽ tạo ra sân chơi công bằng
Đại biểu Lê Công Nhường (Đoàn đại biểu Bình Định)
DNNN khi cổ phần hóa đều mong muốn có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, để quản trị, điều hành doanh nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên, DNNN khi cổ phần hóa, cần phải định giá tài sản, đưa ra đấu giá để không chỉ tránh làm thất thoát tài sản của Nhà nước, mà còn đạt hiệu quả cao trong thoái vốn nhà nước như câu chuyện thành công của Vinamilk, Sabeco. Để định giá cho sát, cần có hội đồng thẩm định giá và khi quyết định thời điểm áp giá phù hợp.
Để sử dụng vốn nhà nước hiệu quả, cần có hệ thống pháp lý phù hợp và chặt chẽ hơn
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn đại biểu Quảng Bình)
Về việc định giá đất khi doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa, tình trạng thất thoát, lãng phí vốn nhà nước vẫn xảy ra, điển hình như vụ việc tại Xưởng phim Việt Nam. Để khắc phục, thứ nhất, các cơ quan chức năng phải vào cuộc và làm hết trách nhiệm của mình, tránh trường hợp bị mua chuộc, bôi trơn; thứ hai, các cơ quan tiến hành cổ phần hóa phải công khai minh bạch, lấy ý kiến phản ánh khách quan, cần nâng cao vai trò của các cơ quan đánh giá, khảo sát, kiểm tra việc cổ phần hóa...