Nỗi lo về suy thoái
Thị trường ghi nhận tuần lễ nhiều sự kiện vĩ mô và diễn biến nghiêng về tiêu cực với chính sách tiền tệ ngắn hạn. Ngay sau thông tin về hiện tượng lạm phát tháng 5/2022 tại Mỹ tăng lại mức 8,6%, vượt kỳ vọng 0,3% và qua đó xác lập đỉnh lạm phát mới, thị trường đã đánh mất nhịp hồi và nhanh chóng chuyển về lại xu hướng tiêu cực.
Lo ngại về lạm phát vượt tầm kiểm soát và theo đó là hành động tăng lãi suất điều hành lên mức 1,75%/năm từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), mức tăng cao nhất kể từ năm 1994, khẳng định rõ tình huống khó khăn mà thị trường chung đang gặp phải: đánh đổi giữa kiềm chế lạm phát và nỗi lo về suy thoái. Chỉ số chứng khoán toàn cầu theo đó cũng diễn biến chính xác theo tin tức với những đợt giảm mạnh và xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng.
Nhưng không phải tất cả thị trường đều tiêu cực, cụ thể là với thị trường Trung Quốc. Có thể việc khác biệt trong chính sách giãn cách xã hội đã khiến cho thị trường này có điểm phục hồi trễ hơn so với phần còn lại và trở thành thị trường duy nhất trên thế giới vận động tích cực trong tuần qua. Đây cũng có thể là động lực hỗ trợ cho thị trường Việt Nam khi có mối tương quan rõ nét về thương mại.
Nhìn lại, cả hai chỉ số VN-Index và Shanghai SE Composite đều định hướng tăng trưởng, ngược với S&P 500 đang mất đi động lực này.
VN30 không mất thế lệnh tích lũy
Thực tế, thị trường giao dịch theo một trạng thái tâm lý tiêu cực ngay từ đầu tuần khi bị ảnh hưởng từ nhóm chỉ số chung. Cụ thể, VN30 mất mốc hỗ trợ ngắn hạn 1.300 điểm. Nhưng khác biệt với điều kiện thị trường trong tháng 4/2022, áp lực bán không còn quá nặng nề khi các thế lệnh giao dịch không còn vướng tỷ lệ đòn bẩy cao như trước.
Thời điểm này, thị trường cũng ghi nhận rất nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn nằm trong VN30 giữ được nền hỗ trợ và thậm chí tăng trưởng vượt đỉnh cũ.
Xét về mẫu hình đồ thị nến, biến động giá từ chỉ số VN30 mang tính thăm dò giữa hai phe tại vùng giá thấp nhiều hơn là xác nhận một xu hướng mới. Điều này thể hiện qua việc các phiên mua bán đan xen sau mỗi phiên. Điểm nhấn đến từ phản ứng giá tại vùng 1.250 điểm, khi liên tiếp 2 mẫu nền nến rút chân xuất hiện và hỗ trợ “xây nền” mới cho chỉ số.
Thanh khoản bắt đầu phục hồi trở lại, thị trường kỳ vọng sẽ có những chuyển biến tích cực hơn. Điều này cũng hợp lý khi dòng tiền đứng ngoài bắt đầu thấy thị trường hấp dẫn hơn về mặt định giá.
Bên cạnh đó, các thông tin tiêu cực dường như khó có thể tiêu cực hơn cũng là động lực để nhà đầu tư tham gia ngắn hạn với nhóm cổ phiếu an toàn và mang giá trị nội tại và đa số những lựa chọn này nằm trong VN30.
Khuyến nghị: “Ưu tiên các vị thế Mua thấp”
Thị trường phái sinh kết phiên đáo hạn với điểm khác biệt so với trước đó, với VN30F2206 đáo hạn lệch dương. Trong khi đó, hợp đồng F2207 khởi động phiên giao dịch sau đáo hạn với mức vênh âm đến trên 20 điểm. Rõ ràng, đây là động thái phe Bán chốt lời với hợp đồng cũ và chuyển sang Bán ngay với hợp đồng tương lai tháng 7.2022.
Sự đứt gãy của đồ thị VN30F1M cho thấy rủi ro giao dịch với thị trường phái sinh thời điểm này. Rõ ràng, để thắng lệnh Bán cũng không đơn giản khi giá tạo gap giảm ngay đầu phiên, khiến nhà đầu tư không kịp đặt lệnh, trong khi sau đó có những pha phục hồi về lại điểm khởi đầu.
Nói cách khác, xét về bố cục thị trường, phe Bán có lợi thế nếu nắm dài hạn và mất lợi thế trong từng pha thị trường nhất định. Do vậy, điểm lợi thế của nhà đầu tư chính là tìm những thời điểm giá đảo chiều tại hỗ trợ để tham gia Long ngắn trong phiên. Điều này được ủng hộ khi tín hiệu phân kỳ dương từ động lượng RSI đã được nhắc lại 2 lần trong 2 phiên gần nhất. Đồng thời, mức chênh lệch Basics cũng ủng hộ cho vị thế Mua lên khi mức vênh đang bị kéo giãn đến hơn 12 điểm.
Theo đó, nên canh hành động mua tại nền hỗ trợ 1.220 điểm, hoặc trong trường hợp giá hồi có thể cân nhắc mua tại nền hỗ trợ mới 1.250 điểm. Ngược lại, điều kiện tiêu cực khiến giá thủng hỗ trợ 1.220 điểm sẽ là cơ sở để mở lệnh Bán theo xu hướng.