Nông dân tỉnh Đắk Nông thu hoạch càphê. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
"Chúng ta cần phải kể câu chuyện thành công của Việt Nam ra thế giới," đó phát biểu của ông Tim Evans, Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn HSBC Việt Nam tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hồi tháng Chín vừa qua.
Không chỉ ông Tim Evans mà rất nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới, các quan chức nước ngoài và truyền thông quốc tế cũng bày tỏ ấn tượng về sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế Việt Nam năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn.
Nhiều ý kiến cho rằng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 có thể xem là “phép màu ở châu Á,” là "điểm sáng tăng trưởng kinh tế" trong số các nước châu Á-Thái Bình Dương, mà kết quả tích cực này đạt được nhờ chính sách điều hành kinh tế hợp lý và hiệu quả của Chính phủ Việt Nam.
Tại cuộc gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong khuôn khổ tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2022 ở Thái Lan, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn là “điểm sáng về tăng trưởng và ổn định” trong khu vực, với nền kinh tế mở, năng động, có sức chống chịu qua đại dịch COVID-19.
Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á của IMF, công bố tháng 10, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay đạt 7%, đứng đầu nhóm 5 nền kinh tế mới nổi trong ASEAN (ASEAN-5).
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ dẫn đầu khu vực Đông Á-Thái Bình Dương với mức tăng trưởng 7,2% trong năm 2022. Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ tám thế giới về đà phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Điểm sáng nhất trong nền kinh tế Việt Nam năm 2022 chính là kiểm soát được tỷ lệ lạm phát tương đối thấp trong bối cảnh các nước trên thế giới chật vật đối phó với lạm phát phi mã và "bão giá."
Bà Era Dabla Norris - Trợ lý Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương, Trưởng đoàn giám sát của IMF về Việt Nam nêu bật việc Việt Nam giữ được lạm phát thấp hơn so với hầu hết các nước trong khu vực.
Chủ tịch điều hành Quỹ đầu tư Dragon Capital (Anh), ông Dominic Scriven nhận định trong khi sự bất ổn trên toàn cầu năm 2022 chủ yếu là do khủng hoảng lương thực và năng lượng, Việt Nam dường như không chịu tác động quá lớn. Việt Nam là một nhà sản xuất lớn và tương đối ổn định, bên cạnh khả năng sản xuất năng lượng tương đối, trong khi lượng nhập khẩu xăng dầu không quá lớn so với quy mô của cả nền kinh tế.
Đề cập các chính sách của Chính phủ Việt Nam giúp đem lại hiệu quả kinh tế, bà Norris, Trưởng đoàn giám sát của IMF, nhấn mạnh sự chuyển hướng chiến lược trong chống dịch COVID-19 và mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế vào tháng 3 năm nay (nhờ chiến dịch tiêm chủng thần tốc) chính là “chìa khóa” để tái kích hoạt động lực của nền kinh tế.
Theo báo cáo của IMF, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh chóng sau khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 và áp dụng chiến lược sống chung với COVID-19, cũng như đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng đại trà. Sự chuyển hướng chiến lược sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã tạo ra tiền đề thuận lợi cho kinh tế Việt Nam từng bước phục hồi và tiếp tục phát triển trong năm 2022.
Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sỹ Andreas Hauskrecht hiện giảng dạy tại Trường Kinh doanh Kelley thuộc Đại học Indiana (Mỹ), nhận định các cơ quan quản lý của Việt Nam đã ứng phó tốt trước những tác động của COVID-19, góp phần kiềm chế lạm phát, và Việt Nam đã làm rất tốt trong việc kiềm chế lạm phát.
May hàng xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN). |
Lý do thứ hai, theo các chuyên gia, là việc áp dụng các chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh, đặc biệt là chính sách tiền tệ linh hoạt.
Báo cáo của IMF ghi nhận Chính phủ Việt Nam thực hiện các chính sách hỗ trợ như lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng mạnh, cho phép các doanh nghiệp nhanh chóng quay trở lại hoạt động sản xuất khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Việc giảm thuế và hỗ trợ cho người lao động trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế-xã hội (PRD) giúp nền kinh tế lấy lại động lực.
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á(ADB) tại Việt Nam Andrew Jeffries nêu rõ nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi rất nhanh chóng, nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu của năm.
Kết quả này được hỗ trợ bởi những cân đối kinh tế vĩ mô vững chắc, chính sách tiền tệ linh hoạt và sự phục hồi ổn định trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, dịch vụ và tiêu dùng trong nước.
Ông Jeffries nhấn mạnh đầu tư ngày càng tăng, lạm phát được kiểm soát và các điều kiện tài chính, tiền tệ phù hợp thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh sự phục hồi kinh tế của năm 2022.
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam khẳng định: “Chính sách tiền tệ thận trọng của Việt Nam và các biện pháp kiểm soát giá cả xăng dầu, điện, thực phẩm, y tế và giáo dục hiệu quả sẽ giữ lạm phát ở mức 3,8% năm 2022 và 4% vào năm 2023.”
Giáo sư David Dapice (chuyên gia kinh tế tại Trung tâm ASH thuộc Trường Chính sách công Kennedy của Đại học Harvard, Mỹ) nêu một lý do khác khiến Việt Nam đang ở vị trí tốt hơn nhiều quốc gia, đó là nhờ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Trong giai đoạn tháng 1-11/2022, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2021.
WB cũng đánh giá đầu tư là một trong 4 động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022.
Cùng chung quan điểm này, chuyên gia về khu vực Đông Nam Á Vincenzo Caporale cho biết Việt Nam được hưởng lợi khi các công ty lớn chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam để tận dụng lợi thế về chi phí thấp, cơ sở hạ tầng phát triển, môi trường kinh doanh thuận lợi và thành công trong việc giảm thiểu tác động kinh tế do COVID-19.
Trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023 được dự báo ảm đạm, ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn.
Áp lực lạm phát dai dẳng, các điều kiện tài chính xấu đi và đà tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc cùng các nền kinh tế lớn khác khiến kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những "cơn gió ngược" mạnh ở cả bên ngoài và bên trong.
Điều chỉnh và phối hợp đồng bộ giữa các chính sách để thích ứng với hoàn cảnh thay đổi sẽ là chìa khóa để kinh tế Việt Nam vượt qua "những cơn gió ngược", tiếp tục là "điểm sáng" về phục hồi kinh tế hậu đại dịch.