Hải Phòng định hướng phát triển đa trung tâm, tạo dư địa để phát triển kinh tế - xã hội ảnh: hồng phong

Hải Phòng định hướng phát triển đa trung tâm, tạo dư địa để phát triển kinh tế - xã hội ảnh: hồng phong

Điểm sáng trong đầu tư hạ tầng đô thị Hải Phòng

0:00 / 0:00
0:00
Xây dựng trung tâm chính trị - hành chính mới, xanh hóa đô thị cổ, tiếp tục cải tạo, chỉnh trang đô thị với sự đầu tư lớn, đồng bộ… sẽ tạo nên những điểm sáng trong “bức tranh” hạ tầng đô thị của Hải Phòng.

Định hình không gian đô thị mới

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa ở Hải Phòng mới đạt 45,58%, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong khi đó, theo điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 mới được phê duyệt, dự báo dân số Hải Phòng đến năm 2030 khoảng 2,8 - 3 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 2 - 2,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 74 - 76%.

Vốn là đô thị cũ từ thời Pháp thuộc, qua nhiều thăng trầm của lịch sử, vùng lõi đô thị của Hải Phòng đã trở nên chật chội, xuống cấp, thiếu không gian cây xanh, công viên. Hạ tầng giao thông khu vực nội thành tại nhiều điểm đã quá tải.

Theo định hình không gian đô thị mới, Hải Phòng sẽ phát triển từ mô hình “đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh” thành mô hình “đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”. Cụ thể, phát triển 3 trung tâm đô thị, gồm: trung tâm đô thị lịch sử và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; trung tâm thương mại, tài chính quốc tế (CBD) ở Hải An và Dương Kinh; đô thị sân bay Tiên Lãng. Đô thị vệ tinh gồm các đô thị trong vùng sinh thái biển, nông nghiệp, nông thôn.

“Định hướng phát triển đa trung tâm này một mặt giúp nội thành cũ có thêm không gian để cải tạo, chỉnh trang. Mặt khác, sẽ đưa cư dân đến một môi trường sống tốt hơn, hạ tầng quy hoạch hoàn chỉnh, đường rộng, hệ thống cấp thoát nước hiện đại, nhanh chóng. Điều này còn tạo dư địa để phát triển về kinh tế và thu hút dân cư cơ học”, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng khẳng định.

Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng đô thị

Hải Phòng sẽ phát triển từ mô hình “đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh” thành mô hình “đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”.

Trong 3 năm liên tiếp (2021 - 2023), nhiệm vụ đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đều được đưa vào chủ đề công tác năm của Thành phố. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, Hải Phòng sẽ đầu tư bổ sung 62 công viên vườn hoa cho khu vực 7 quận với tổng diện tích khoảng 71 ha để xanh hóa đô thị.

Để dần xóa bỏ khoảng 205 chung cư cũ, Hải Phòng đã hoàn thành đầu tư xây dựng 7 tòa chung cư mới trên nền hiện trạng của 31 chung cư cũ và tiếp tục hoàn thiện việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ. Đầu tháng 3/2023, Dự án Nhà ở xã hội thực hiện tại Tổng kho 3 Lạc Viên đã được khởi công xây dựng. Khi hoàn thành, dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân tại các chung cư cũ trên địa bàn quận Ngô Quyền, Hồng Bàng.

“Đây là cách làm riêng của Hải Phòng khi phá đi những chung cư cũ, xây chung cư mới khang trang, mà vẫn còn dư quỹ đất 18 ha để làm hạ tầng giao thông và công viên cây xanh”, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng chia sẻ.

Hải Phòng đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của Thành phố và ổn định đời sống dân sinh. Hàng chục tuyến đường liên tỉnh, liên huyện với 46 cây cầu hiện đại được xây dựng thay thế hàng chục bến phà, đò; 118 tuyến đường nội đô đã được trải nhựa. Các nút giao thông trọng yếu được đầu tư cải tạo mở rộng...

Ngày từ đầu năm nay, Dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính Bắc sông Cấm, Dự án Nút giao thông khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước, Dự án Đường Đỗ Mười kéo dài đã được khởi công. Ngày 6/5, Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn TP. Hải Phòng với thiết kế hiện đại đã được khởi công xây dựng.

Một vấn đề nữa đã được Hải Phòng nhận diện và có giải pháp là thích ứng với biến đổi khí hậu. Thành phố tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện một số tuyến đê sông, đê biển kém ổn định để nâng cao độ an toàn. Cuối năm 2022, dự án đầu tư xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải cũng đã được khởi công.

Đối với khu vực đô thị có nguy cơ ngập lụt cao, Hải Phòng đã tổ chức lập phương án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thoát nước, nhờ đó đã giảm thiểu đáng kể tình trạng ngập lụt tại khu vực nội thành.

Có thể thấy, cùng với sự phát triển mạnh mẽ các mặt đời sống kinh tế - xã hội, Hải Phòng đã có những dự án đầu tư lớn, chỉnh trang và hiện đại hóa đô thị trung tâm, mở rộng không gian đô thị. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2045 - 2050, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Tin bài liên quan