Dấu ấn nhóm dẫn đầu
Với bộ tiêu chí đánh giá quản trị công ty năm nay, điểm trung bình tất cả các doanh nghiệp được đánh giá là 58,1/104 điểm; trong đó, mức thấp nhất là 17,4 điểm, cao nhất là 81,4 điểm.
Năm 2019, có 35 doanh nghiệp vươn lên để vào Top đầu trong tháp quản trị tốt, chiếm tỷ lệ 8,4% tổng số doanh nghiệp - là nhóm có điểm quản trị công ty từ 70 trở lên và đến từ ba nhóm vốn hoá lớn, vừa và nhỏ. Ðây cũng là các doanh nghiệp được xét chọn vào vòng chung khảo.
Ðạt được điểm quản trị công ty cao là những doanh nghiệp có nhiều cố gắng, nỗ lực trong cải thiện chất lượng công bố thông tin, cải thiện báo cáo các hoạt động thực thi vai trò, trách nhiệm với các bên liên quan, cải thiện công tác tổ chức Ðại hội đồng cổ đông thông qua thông tin công bố cho cổ đông hoàn chỉnh và đầy đủ.
Tuy nhiên, thách thức hơn là các khía cạnh liên quan đến việc thực thi vai trò và trách nhiệm của hội đồng quản trị trong quản trị công ty.
Ở các khía cạnh này, đã có sự phân hoá rõ nét và nhóm có điểm quản trị công ty cao là nhóm có điểm cao ở khía cạnh vai trò, trách nhiệm của hội đồng quản trị.
Ðiểm qua nhóm 35 doanh nghiệp đi đầu về quản trị công ty cho thấy, các doanh nghiệp này đã xây dựng một hội đồng quản trị có các thành viên độc lập từ 1/3 số thành viên trở lên, tương đương tỷ lệ đạt yêu cầu là 64%, trong khi tỷ lệ này trên toàn thị trường chỉ là 10%. Bên cạnh đó, có 72% doanh nghiệp đã tách bạch 2 chức danh chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc.
Ðể đảm bảo vai trò, trách nhiệm của các thành viên hội đồng quản trị, tránh các mâu thuẫn lợi ích tiềm tàng, các thành viên hội đồng quản trị không ôm đồm nhiều vị trí khác nhau tại doanh nghiệp mình, cũng như tại các doanh nghiệp khác.
Trong nhóm đi đầu, có khoảng 80% doanh nghiệp đạt yêu cầu các thành viên hội đồng quản trị không nắm giữ quá 5 vị trí thành viên hội đồng quản trị tại các doanh nghiệp khác.
Ðể cải thiện công bố thông tin về chức vụ thành viên hội đồng quản trị tại các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp nên công bố rõ thông tin này trong mục nội dung phần tiểu sử của các thành viên hội đồng quản trị và liệt kê mỗi chức vụ tương ứng với một đơn vị, tổ chức (niêm yết, không niêm yết).
Về đa dạng thành phần của hội đồng quản trị, 90% trong số 35 doanh nghiệp đi đầu đạt các tiêu chuẩn đa dạng về kiến thức, kinh nghiệm, lĩnh vực và ngành nghề; trong đó, có đủ các thành viên có kiến thức về pháp luật, tài chính và lĩnh vực kinh doanh của công ty.
Liên quan tới yếu tố đa dạng giới tính, 72% doanh nghiệp đi đầu đã có các thành viên nữ trong hội đồng quản trị.
Các doanh nghiệp đi đầu đã bổ nhiệm và công bố thông tin người phụ trách quản trị công ty trong các tài liệu của công ty, đặc biệt là trong báo cáo thường niên, báo cáo quản trị công ty.
Trách nhiệm của hội đồng quản trị được thể hiện qua nhiều khía cạnh, trong đó giám sát ban điều hành thực thi chiến lược công ty, giám sát hoạt động của ban điều hành trong việc vận hành doanh nghiệp, giám sát quản trị rủi ro, các định hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp được thực hiện tốt thông qua các nội dung mà hội đồng quản trị báo cáo cho cổ đông.
Hội đồng quản trị của các doanh nghiệp đi đầu đã trình bày rõ nét vai trò của mình trong việc soát xét các mục tiêu chiến lược của công ty, thông qua đó xem xét và đánh giá tình hình thực hiện các nội dung chiến lược, sự thích ứng điều chỉnh thực thi chiến lược của ban điều hành trước các biến đổi của thị trường.
Với nội dung hội đồng quản trị báo cáo về công tác đánh giá hiệu quả của ban điều hành, nhóm doanh nghiệp đi đầu ngoài trình bày, kết luận đơn giản, thì còn nêu được quy trình, phương pháp đánh giá, các khía cạnh và tiêu chí đánh giá.
Về vai trò giám sát rủi ro, không như các doanh nghiệp thông thường chỉ đề cập các rủi ro kinh doanh, rủi ro tài chính..., nhóm đi đầu đã đưa ra được các nội dung báo cáo nhận diện nhiều loại rủi ro khác nhau từ môi trường bên ngoài đến các yếu tố nguồn lực bên trong của doanh nghiệp.
Các nội dung báo cáo cho thấy các rủi ro này được nhận diện với nhiều biện pháp quản trị rủi ro được trình bày cụ thể.
Liên quan tới báo cáo phát triển bền vững, trong khi chỉ một tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp trên thị trường soạn thảo báo cáo này theo các chuẩn mực quốc tế (39/416 doanh nghiệp được đánh giá), thì tại nhóm dẫn đầu, tỷ lệ này là 53%.
Những điểm cần cải thiện
Vai trò của ban kiểm soát hoặc ủy ban kiểm toán thuộc hội đồng quản trị là rất quan trọng trong việc phát huy vai trò giám sát quản trị rủi ro của hội đồng quản trị.
Nhóm doanh nghiệp đi đầu có các báo cáo của ban kiểm soát hoặc ủy ban kiểm toán trình bày rõ sự phối hợp giữa ba bên là ban kiểm soát - hội đồng quản trị - ban giám đốc.
Ban kiểm soát được hội đồng quản trị cung cấp thông tin, đóng góp ý kiến đề xuất cải thiện những vấn đề hoạt động thuộc phạm vi giám sát của mình.
Ðối với các doanh nghiệp áp dụng mô hình ủy ban kiểm toán, do còn thiếu vắng các quy chế hoạt động riêng nên vai trò, trách nhiệm, cũng như sự phối hợp, tương tác giữa ủy ban kiểm toán với hội đồng quản trị và ban giám đốc chưa được trình bày rõ.
Ðể có được một hội đồng quản trị phát huy năng lực lãnh đạo và giám sát độc lập tốt nhất, một số thông lệ tốt được khuyến nghị thực hiện.
Ðó là cần có thành viên độc lập là chủ tịch hội đồng quản trị; hội đồng quản trị cần thành lập các uỷ ban chuyên trách như ủy ban kiểm toán, ủy ban thù lao, ủy ban bổ nhiệm và người giữ vị trí chủ tịch các ủy ban chuyên trách này nên là các thành viên độc lập.
Ðặc biệt, trưởng ban kiểm soát hay chủ tịch ủy ban kiểm toán thuộc hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập. Các thông lệ tốt này vẫn chưa được áp dụng với tỷ lệ đa số tại các 35 doanh nghiệp đi đầu.
Một khía cạnh mà hầu hết doanh nghiệp nói chung, nhóm doanh nghiệp đi đầu nói riêng, chưa đáp ứng tốt đó là vai trò của ủy ban bổ nhiệm trong việc xây dựng một quy trình chọn lựa thành viên hội đồng quản trị tiềm năng cho công ty.
Doanh nghiệp chưa cho thấy rõ sự nối kết giữa nhu cầu phát triển, các chiến lược trong dài và ngắn hạn của doanh nghiệp với nhu cầu tìm kiếm thành viên hội đồng quản trị mới.
Ðiều này dẫn đến các doanh nghiệp đi đầu chưa nêu được các tiêu chí tuyển chọn thành viên hội đồng quản trị về các khía cạnh độc lập, kiến thức, kinh nghiệm, tuổi tác…, mà chỉ nêu chung chung, thiếu đi những tiêu chí cụ thể, mang tính đặc thù và chưa xuất phát từ nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.
Ðào tạo quản trị công ty trong năm cho các thành viên hội đồng quản trị cũng là một điểm chưa được công bố rõ ràng tại các doanh nghiệp đi đầu.
Nguyên nhân có thể do doanh nghiệp chưa đưa các nội dung quản trị công ty vào các chương trình cập nhật thông tin kiến thức cho thành viên hội đồng quản trị, hoặc chưa giới thiệu các thành viên hội đồng quản trị tham dự các khoá đào tạo thành viên hội đồng quản trị, đào tạo thành viên ban kiểm soát, ủy ban kiểm toán.
Các kiến thức quản trị công ty và các thông lệ quản trị tốt trên thế giới cần được trang bị cho các thành viên hội đồng quản trị của doanh nghiệp, nhằm nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm của hội đồng quản trị đối với cổ đông, doanh nghiệp và các bên liên quan.