Sức mạnh dòng tiền nội
Trong khi khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 4 tháng liên tiếp thì nhà đầu tư cá nhân trong nước liên tục mua ròng, thúc đẩy thị trường tăng điểm kể từ cuối tháng 4/2023 đến ngày 16/8/2023, trước khi có 2 phiên điều chỉnh cuối tuần qua. Dòng tiền nội cũng giúp giao dịch diễn ra sôi động, thanh khoản trên 3 sàn gần đây đạt trên 20.000 tỷ đồng/phiên, riêng phiên gần nhất cao gấp đôi.
Tỷ trọng giao dịch khối ngoại chiếm khoảng 6,7% trên HOSE ở cả chiều mua và bán, còn khối tự doanh công ty chứng khoán chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ. Vì vậy, động thái bán ròng của hai khối này (phiên cuối tuần qua mua ròng) không tác động nhiều đến diễn biến của thị trường chung.
Thực tế, tự doanh và khối ngoại có động thái mua ròng từ trước, nên khi thị trường tăng điểm là chốt lời, nhất là khi thực hiện kế hoạch phân bổ lại tài sản giữa các quốc gia. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân thường tận dụng sóng tăng để tối ưu hóa cơ hội thu lợi nhuận, sẵn sàng mua đuổi và sử dụng giao dịch ký quỹ (margin).
Dòng tiền chính chảy vào thị trường thời gian qua không đến từ các tài khoản mở mới, mà là từ những nhà đầu tư ở lại với thị trường sau năm 2022 giảm khốc liệt.
Đó là chưa kể có những yếu tố thúc đẩy dòng tiền như khoản tiền gửi tiết kiệm đến kỳ đáo hạn nhưng lãi suất không còn hấp dẫn nên tìm đến kênh chứng khoán.
Đặc biệt, Chính phủ và các bộ, ngành có nhiều hành động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như xử lý các vấn đề trên thị trường trái phiếu và bất động sản, hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hạ lãi suất điều hành, tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản..., giúp các nhà đầu tư cá nhân trong nước có thêm niềm tin và mua ròng cổ phiếu.
“Nhờ dòng tiền của nhà đầu tư trong nước mà thị trường duy trì được đà tăng bền, chỉ số VN-Index đã vượt qua mốc đỉnh ngắn hạn của tháng 1/2023 (gần 1.130 điểm), qua đó hình thành sóng tăng điểm kéo dài, đến phiên 16/8 đạt trên 1.240 điểm”, ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội nói và cho rằng, diễn biến hoán đổi giữa nhà đầu tư nội và ngoại thời gian qua giúp thị trường chứng khoán duy trì đà đi lên tích cực, ít có các phiên điều chỉnh.
Tuy nhiên, do ít có các phiên điều chỉnh nên áp lực chốt lời dồn vào phiên cuối tuần qua, trong bối cảnh một số “đầu kéo” chỉ số như VIC mất động lực khi cổ phiếu của công ty con niêm yết trên thị trường Mỹ giảm giá, khiến VN-Index tuột dốc, xuống dưới 1.180 điểm.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank nhận xét, nhà đầu tư cá nhân thường có tâm lý FOMO (mua đuổi vì sợ bỏ lỡ cơ hội) và dùng margin nhiều nên dễ bị hút theo xu hướng thị trường chung. Còn các nhà đầu tư tổ chức tính toán theo từng giai đoạn nên lợi nhuận đạt kỳ vọng là chốt lời. Xu hướng thị trường trong trung và dài hạn được ông Khánh đánh giá vẫn tốt, dù bị thử thách mạnh trong tuần qua.
4 chủ điểm đầu tư
VN-Index trong 2 phiên cuối tuần qua giảm tổng cộng 5,5%, sau khi đạt mức tăng 23,4% so với cuối năm 2022, một mức tăng khá tốt so với nhiều thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á, khiến định giá thị trường theo P/E tăng từ 10,5 lần lên 14,7 lần. Mức định giá này được đánh giá không còn rẻ trong bối cảnh yếu tố vĩ mô chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp còn không ít khó khăn, thể hiện ở tổng lợi nhuận quý II/2023 của các doanh nghiệp trên cả 3 sàn giảm 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Ngô Thế Hiển cho rằng, sau 2 phiên lao dốc, định giá VN-Index đã ở mức hợp lý hơn, nhưng nhà đầu tư ngắn hạn vẫn cần thận trọng trong các quyết định đầu tư, nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và tập trung quản trị rủi ro. Đối với các nhà đầu tư dài hạn, trước khi quyết định đầu tư cần xem xét kỹ các yếu tố liên quan tới triển vọng kết quả kinh doanh trong thời gian tới, trong tương quan với mức tăng giá cổ phiếu thời gian qua, tập trung vào các cổ phiếu đầu ngành, cổ phiếu đang có diễn biến tích lũy hoặc không bị điều chỉnh sâu.
“Chỉ nên giải ngân trong các phiên điều chỉnh theo chiến lược tích lũy”, ông Hiển nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch FinPeace khuyến nghị, nếu đầu tư vào thời điểm này, nhà đầu tư nên tìm kiếm những cổ phiếu ở gần nền giá hỗ trợ, hoặc những cổ phiếu đã lập đỉnh ngắn hạn nhưng đang củng cố nền giá mới và có thông tin hỗ trợ hoặc triển vọng kinh doanh sáng.
Theo ông Tuấn Anh, có 4 chủ điểm đầu tư đáng chú ý ở thời điểm hiện tại.
Thứ nhất, khi nền kinh tế khó khăn, phần lớn các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh suy giảm, nhưng nhóm chứng khoán lại ghi nhận lợi nhuận khả quan. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của nhóm cổ phiếu chứng khoán cho thấy sự hấp dẫn trong định giá so với mặt bằng chung trên toàn thị trường. Bên cạnh đó, hệ thống giao dịch KRX sắp được HOSE đưa vào vận hành, có thể tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán. Một số mã cổ phiếu đáng quan tâm là SSI, VCI, FTS, BSI.
Thứ hai, với nhóm cổ phiếu đầu tư công, đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đầu tư công phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phát huy vai trò nguồn lực, động lực phát triển. Việc này gián tiếp nhắc nhở các nhà đầu tư nên lựa chọn kỹ lưỡng những mã cổ phiếu hưởng lợi trực tiếp từ câu chuyện này. Chẳng hạn, nhà đầu tư nên ưu tiên nhóm cổ phiếu kỳ vọng hưởng lợi từ gói thầu Sân bay Long Thành như VLB, REE, KSB, FCN, CTD.
Thứ ba là nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu xây dựng. Với sự thúc đẩy của đầu tư công, nhóm cổ phiếu này cũng có triển vọng khả quan, vì không thể xây dựng các công trình “điện, đường, trường, trạm” mà thiếu được nguyên vật liệu xây dựng. Năm 2023, nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách theo kế hoạch được Quốc hội giao là hơn 711.000 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022. Ngoài ra, có thêm khoảng 147.000 tỷ đồng từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tổng cộng, chi tiêu Chính phủ dự kiến sẽ được mở rộng lên hơn 850.000 tỷ đồng dưới hình thức đầu tư công trong năm nay. Đây là điểm sáng hỗ trợ cho nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước.
Riêng ngành thép, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam nhận định, năm 2023 vẫn có nhiều thách thức, nhưng lực kéo từ đầu tư công sẽ mang lại bức tranh khởi sắc hơn cho sản xuất và tiêu thụ sắt thép trong nước. Một số cổ phiếu nguyên vật liệu xây dựng có thể xem xét lựa chọn đưa vào danh mục là HPG, HT1, BCC, KSB.
Thứ tư, với nhóm xuất nhập khẩu, câu chuyện Việt Nam có thể được châu Âu gỡ bỏ thẻ vàng về xuất khẩu thủy sản, cũng như nền kinh tế cần chuẩn bị cho sự phục hồi về nhu cầu tiêu dùng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới cũng đáng quan tâm.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch FinPeace
VN-Index phiên 18/8/2023 giảm 55,49 điểm (-4,5%), xuống 1.177,99 điểm. Đây là phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ ngày 13/5/2022 và khối lượng giao dịch trên HOSE cao kỷ lục, đạt 36.145 tỷ đồng, tính cả 3 sàn là gần 42.000 tỷ đồng.
Ngày từ chân sóng đầu tháng 5, xét về góc độ người chơi trong thị trường cho thấy, dòng tiền chính chảy vào thị trường không đến từ các tài khoản mở mới, mà là từ những nhà đầu tư ở lại với thị trường sau năm 2022 giảm khốc liệt.
Dòng tiền này có khẩu vị rủi ro cao và sẵn sàng sử dụng đòn bẩy. Với đặc điểm dòng tiền như vậy, thị trường tiềm ẩn nguy cơ điều chỉnh sâu sau khi tăng mạnh và thực tế đã diễn ra trong phiên cuối tuần qua.
Từ tháng 10/2022, FinPeace đã nhận định, thị trường sẽ đi theo kênh song song hướng lên và khi chỉ số chạm cạnh trên kênh song song, hành động hợp lý là giảm tỷ trọng cổ phiếu để kiểm soát rủi ro, đồng thời cẩn trọng với những vị thế mua mới.
Mốc tiếp theo chúng ta cần quan sát phản ứng của thị trường là quanh MA50 của VN-Index, cụ thể là quanh 1.170 điểm, trùng với đường trung tâm của kênh song song mà VN-Index đã tuân thủ từ tháng 10/2022 đến nay. Mốc xa hơn là cạnh dưới kênh song song, có thể hợp lưu với MA200 theo thời gian tại 1.120 điểm.
Điều quan trọng ở hiện tại là chúng ta không nên hành động trước thị trường. Thị trường có tín hiệu thì mới hành động. Tâm lý tiêu cực trên thị trường có thể vẫn còn, nên để đi dài được cùng thị trường thì quản trị rủi ro là điều cần thiết.