Điểm sáng của bất động sản nghỉ dưỡng phía Nam

0:00 / 0:00
0:00
Hàng ngàn sản phẩm được bàn giao, dự án mở bán mới xuất hiện, giá sơ cấp bắt đầu tăng và giao dịch phục hồi - đây là những tín hiệu tích cực của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng phía Nam trong thời gian tới.
Điểm sáng của bất động sản nghỉ dưỡng phía Nam

Lượng hàng bàn giao lớn

Trong thời gian còn lại của năm 2024, Tập đoàn Novaland sẽ bàn giao 1.200 căn nhà phố, biệt thự biển của Dự án NovaWorld Phan Thiet tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đối với các dự án nghỉ dưỡng tại Hồ Tràm (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Novaland sẽ bàn giao khoảng 700 căn ở 3 dự án.

Việc bàn giao số lượng lớn sản phẩm này là nỗ lực của Novaland trong thời điểm khó khăn của thị trường. Doanh nghiệp này đang đẩy mạnh xây dựng các dự án để bàn giao sớm các sản phẩm cho khách hàng, đồng thời tính toán phương án kích cầu du lịch nghỉ dưỡng từ các dự án để khách hàng có lợi nhuận đầu tư.

Charm Group cho biết, trong quý IV/2024, sẽ bàn giao lượng lớn sản phẩm nhà phố, biệt thự biển tại Dự án Charm Resort Hồ Tràm và đưa vào hoạt động Dự án Charm Resort Long Hải, với tổng số sản phẩm sẽ bàn giao là hơn 1.000 sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp như DIC, Nam Group… cũng bắt đầu xây dựng và triển khai bán hàng ở các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Một điểm khởi sắc nữa của thị trường là giá giao dịch bắt đầu tăng trở lại. Đơn cử, tại Dự án NovaWorld Phan Thiet, mỗi căn hộ nghỉ dưỡng đã bàn giao có giá chênh lệch từ 1,2 đến 1,6 tỷ đồng so với thời điểm chủ đầu tư bán. Ngoài ra, các dự án tại Hồ Tràm, TP. Vũng Tàu tăng giá từ 20 tới 30% so với năm 2022.

Doanh nghiệp tìm phương án thích ứng

Trước khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng, nhiều doanh nghiệp bắt đầu thay đổi kế hoạch kinh doanh dòng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng. Đơn cử, Tập đoàn Novaland sẽ dành những sản phẩm nhà phố, biệt thự tại Phan Thiết, Hồ Tràm để triển khai bán kỳ nghỉ cho khách hàng. Mỗi khách hàng sẽ sở hữu 30 năm nghỉ dưỡng tại sản phẩm của Novaland với giá 99 triệu đồng.

Các doanh nghiệp khác tìm hướng liên kết với nhau, doanh nghiệp có khu vui chơi giải trí lớn hợp tác với các doanh nghiệp chưa có dòng sản phẩm này để khách hàng có thể liên thông nhau trải nghiệm.

Ông Ngô Văn Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Việt cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản tham gia phân khúc nghỉ dưỡng đang đi đúng hướng, đó là kích cầu thị trường du lịch bằng các chương trình và sản phẩm trải nghiệm. Khi du lịch hồi phục, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ hồi phục theo.

Theo một báo cáo mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng năm 2024 có cơ hội cải thiện khoảng 20% so với năm 2023. Trong đó, loại hình căn hộ biển là điểm nhấn do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho rằng, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn có tiềm năng phát triển trong tương lai, với sự hỗ trợ từ nhu cầu du lịch tăng cao và sự quan tâm của nhà đầu tư. Nhưng để phát triển bền vững, chủ đầu tư phải chú trọng việc quy hoạch và phát triển dự án, nhằm bảo vệ và tôn trọng cảnh quan tự nhiên, đồng thời cung cấp một môi trường thuận lợi cho du lịch và nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, cần nỗ lực thích nghi với xu hướng mới, đem tới trải nghiệm mới, sản phẩm tiếp cận với nhu cầu thực tế của khách hàng. Mặt khác, đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của các loại khách hàng khác nhau, từ biệt thự biển sang trọng đến căn hộ nghỉ dưỡng tiện ích, khi đó thị trường sẽ chính thức hồi phục.

Tin bài liên quan