Tuy nhiên, số liệu tổng hợp của Bloomberg cho thấy, hơn 3 tỷ USD đã đổ vào các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu dầu khí và năng lượng trong tháng 12/2014, gấp 4 lần trung bình của cả năm. Ngoài ra, mặc dù Nga, OPEC và Mỹ tiếp tục “cuộc chiến” thị phần dầu thô, nhưng việc OPEC cắt giảm sản lượng 1% trong tháng 12/2014 (khảo sát từ Bloomberg) cho thấy, giá dầu thấp đang tác động mạnh đến các quốc gia trong khối này. Đồng Euro tiếp tục trượt giá so với USD, xuống mức thấp nhất 9 năm, trước những lo ngại Hy Lạp sẽ rời khỏi khối đồng tiền chung và khả năng NHTW châu Âu có những gói mua trái phiếu lớn hơn để đối phó với rủi ro giảm phát trong khu vực.
Trong nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD bình quân liên ngân hàng thêm 1%, lên 21.458 VND/USD kể từ ngày 7/1, sau khi bán ra khoảng 1 tỷ USD trước đó để cân bằng thị trường. Thực tế, đồng USD đã tăng giá so với phần lớn các đồng tiền khác trong 6 tháng qua, khi kinh tế Mỹ đang cho thấy sự tăng tốc và Fed có thể sẽ nâng lãi suất trong quý II/2015.
Mặc dù Việt Nam đã có năm thứ 3 liên tiếp thặng dư thương mại (khoảng 2 tỷ USD trong năm 2014), nhưng khi kinh tế phục hồi mạnh, nhu cầu nhập khẩu phục vụ sản xuất tăng thì cán cân thương mại sẽ gặp áp lực. Tuy nhiên, dòng kiều hối được kỳ vọng duy trì (khoảng 12 tỷ USD trong năm 2014), cộng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể tăng nhờ vào các hiệp định thương mại sẽ giúp cán cân thanh toán thặng dư trong năm 2015. Qua đó, NHNN có thể giữ được cam kết điều hành tỷ giá ổn định, với 1% “tồn kho” năm 2014 cho năm 2015.
Về diễn biến TTCK, nhóm ngân hàng là điểm sáng nhất thị trường trong tuần qua, trong đó BID tăng 14%, MBB tăng 9%, VCB tăng 16%, kéo thị trường hồi phục. Kết thúc phiên giao dịch sôi động hôm thứ Sáu (9/1), VN-Index đạt 569,73 điểm, tăng tổng cộng 24,1 điểm (+4,4%) trong tuần đầu năm mới 2015; HNX-Index tăng 2,67 điểm (+3,2%), đạt 85,65 điểm.
Liên quan đến ngành ngân hàng, các quy định mới của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng và mới đây, Thông tư 36/2014/TT-NHNN được ban hành (có hiệu lực từ ngày 1/2/2015) sẽ giúp hoạt động của ngành ngân hàng, dẫn đầu là các ngân hàng niêm yết, minh bạch và theo chuẩn quốc tế (tiến tới Basel II). Bên cạnh đó, vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay của ngành ngân hàng là nợ xấu thì sau 2 - 3 năm chủ động đẩy mạnh trích lập dự phòng, nợ xấu đã phần nào được giải quyết.
Trên thị trường đang có một số dự báo về hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong ngành này. Theo quan điểm của chúng tôi, từng vụ M&A có ưu điểm và nhược điểm riêng, cần phải đi sâu về bản chất mới có thể đánh giá chính xác. Tuy nhiên, về dài hạn, chúng tôi tin rằng, xu hướng M&A là cần thiết để thanh lọc ngành và ngành ngân hàng sẽ quay lại thời hoàng kim trong 12 - 18 tháng tới.
Các cổ phiếu “họ” dầu khí như GAS, PVD… cũng tăng mạnh khi giá dầu hồi phục nhẹ vào 2 phiên cuối tuần qua. Các cổ phiếu dòng xi măng cũng tăng vọt trong tuần qua như BCC (+15%), BTS (+21%), HT1 (+11%)…, nhờ đồng Euro suy yếu. Báo cáo tài chính quý IV/2014 của không ít DN có thể ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến từ chênh lệch tỷ giá.
Dư nợ margin của các CTCK hiện đang thấp hơn khoảng 25% so với mức đỉnh hồi tháng 9/2014 khi VN-Index đạt mức 644 điểm. Như vậy, khả năng cho vay ngắn hạn của các CTCK hiện khá dồi dào và điều này sẽ hỗ trợ cho sự hồi phục của TTCK.
Điểm đáng lưu ý là NĐT nước ngoài bất ngờ bán ròng trong 3 phiên vừa qua (tổng giá trị gần 100 tỷ đồng) trên cả hai sàn, sau 10 phiên mua ròng liên tiếp trước đó (tổng giá trị hơn 900 tỷ đồng) khi VN-Index lùi sâu về gần 500 điểm. Các cổ phiếu được khối ngoại mua ròng là DLG, ITA, STB, SHB. Trong khi đó, KDC, PVD, DXG, CTG là những cổ phiếu được họ bán ròng nhiều nhất trong tuần qua.
Về mặt kỹ thuật, VN-Index cho thấy dấu hiệu tạo đáy trung hạn (6 tháng) khi vừa vượt ngưỡng kháng cự 550 điểm và quan trọng hơn là vượt đường trung bình 20 ngày. Tuy nhiên, xu hướng giảm ngắn hạn (30 ngày) nhiều khả năng sẽ quay lại khi VN-Index chạm ngưỡng kháng cự mạnh 570 - 580 điểm trong tuần này. Về dài hạn, chúng tôi cho rằng, VN-Index khó có thể xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 500 điểm và chinh phục lại đỉnh 644 điểm trong năm nay nhờ sự ổn định của kinh tế vĩ mô, sự cải thiện của hệ thống ngân hàng, thị trường BĐS và hoạt động sản xuất, tiêu dùng.