Đại hội đồng cổ đông là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của một công ty cổ phần

Đại hội đồng cổ đông là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của một công ty cổ phần

Điểm nóng pháp lý mùa đại hội

(ĐTCK) Trong mối quan hệ với doanh nghiệp, những cổ đông nhỏ, những ông chủ “thấp cổ bé họng” nhiều khi gặp ấm ức mà không biết phải làm sao.

Bài 3: Con kiến có kiện được củ khoai?

Khi cổ đông nhận thấy việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông và việc ra quyết định tại đại hội không đúng luật và ảnh hưởng tới quyền lợi của họ, luật pháp dành cho cổ đông cơ chế để khởi kiện, nhưng liệu việc khởi kiện có dễ? 

Đại hội đồng cổ đông là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của một công ty cổ phần. Luật Doanh nghiệp đã trao cho Đại hội đồng cổ đông thẩm quyết quyết định nhiều việc quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như chỉ tiêu kinh doanh, cổ tức, mua bán tài sản có ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp…

Trình tự, thủ tục triệu tập họp, thể thức tiến hành cuộc họp và thông qua các quyết định của Đại hội đồng cổ đông cũng được Luật Doanh nghiệp quy định chi tiết để bảo vệ quyền lợi cổ đông nói chung.

Thực tế, không phải mọi quyết định của Đại hội đồng cổ đông đều đúng theo quy định của pháp luật và nhiều trường hợp có thể gây thiệt hại nhất định cho công ty và các cổ đông, nhất là cổ đông thiểu số. Vì thế, quyền yêu cầu hủy quyết định của Đại hội đồng cổ đông trong một số trường hợp nhất định là nội dung quan trọng.

Theo Điều 107 Luật Doanh nghiệp 2005 thì trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông, cổ đông, thành viên HĐQT, Giám đốc, Ban Kiểm soát có quyền yêu cầu Toà án hoặc Trọng tài xem xét, huỷ bỏ quyết định của Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp: (1) trình tự và thủ tục triệu tập họp không thực hiện đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty; (2) trình tự, thủ tục ra quyết định và nội dung quyết định vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty.

Như vậy, pháp luật đã tạo điều kiện cho các cổ đông, không giới hạn số cổ phần sở hữu và thời gian sở hữu, khởi kiện yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết, nếu việc triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông hoặc ra quyết định không đúng pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế, cho đến nay, vẫn còn nhiều điểm không rõ ràng trong giải quyết yêu cầu hủy Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông. Ở giai đoạn xem xét thụ lý đơn, nhiều tòa án chấp nhận thụ lý đơn dù chỉ một cổ đông đệ đơn khởi kiện, với số lượng cổ phần bất kể là bao nhiêu. Nhưng cũng có tòa án đòi hỏi cổ đông phải tập hợp đủ số lượng 1% vốn điều lệ trong doanh nghiệp thì mới thụ lý đơn.

Vì sao có tỷ lệ này? Nó xuất phát từ Nghị định 102/2010 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, quy định: cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền yêu cầu Ban kiểm soát khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, Giám đốc (Tổng giám đốc), khi các chức danh này không thực hiện đúng các quyền và nhiệm vụ được giao; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời quyết định của HĐQT; thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao trái với quy định của pháp luật, Điều lệ công ty hoặc Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông…

Như vậy, tỷ lệ 1% chỉ áp dụng với trường hợp khởi kiện cá nhân, Giám đốc hoặc thành viên HĐQT trong việc thực hiện chức trách. Dù vậy, vẫn có tòa án cố tình hiểu rằng, tỷ lệ 1% này áp dụng với cả việc khởi kiện đề nghị hủy bỏ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông. TAND tỉnh Thái Nguyên đã từng từ chối thụ lý đơn kiện của một số cổ đông vì lý do này. Sau đó, nhóm cổ đông này lập tức có đơn kháng cáo cho rằng, việc áp dụng tỷ lệ 1% là không đúng với quy định của Luật doanh nghiệp. Tuy nhiên, đơn kháng cáo của cổ đông trên vẫn không được trả lời rõ ràng.

Một cổ đông cho biết, yêu cầu tập hợp đủ 1% là việc không dễ với cổ đông, không phải bởi không tìm thấy các cổ đông cùng “chí hướng”, mà vì không có danh sách cổ đông để liên lạc. Luật Doanh nghiệp quy định rõ, cổ đông có quyền được sao chụp một số loại tài liệu của doanh nghiệp, trong đó có danh sách cổ đông. Nhưng không ít trường hợp cổ đông khi đề nghị công ty cung cấp bản sao danh sách thì được từ chối khéo bằng những lý do như là lãnh đạo đi vắng hay máy phô tô hỏng (!?).

Hơn nữa, ngay cả khi có được phán quyết có hiệu lực của tòa án, chấp nhận đề nghị hủy bỏ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thì cơ chế xử lý “hậu hủy bỏ” vẫn chưa có. Về lý thuyết, nếu Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bị hủy bỏ, doanh nghiệp phải triệu tập lại Đại hội đồng cổ đông. Ở đây có một số vấn đề phát sinh, ví dụ như thời điểm chốt danh sách cổ đông, bởi danh sách cổ đông có thể thay đổi trong thời gian giải quyết vụ kiện.   

Hơn nữa, theo quy định trong thời gian Tòa án xem xét giải quyết đơn kiện, Nghị quyết vẫn có hiệu lực pháp luật. Như vậy, những quyết định, giao dịch, hợp đồng phát sinh từ một HĐQT được bầu bởi một Nghị quyết vô hiệu liệu có vô hiệu?

Như đã nói ở trên, pháp luật cũng dành cho cổ đông quyền khởi kiện đối với trách nhiệm cá nhân Giám đốc, thành viên HĐQT khi các chức danh này thực hiện không đúng, không đầy đủ, không kịp thời các quyền và nhiệm vụ được giao… Nhưng thực tế triển khai cho thấy, quy định trên chỉ tồn tại trên giấy bởi cổ đông trước hết phải đề nghị Ban kiểm soát khởi kiện, khi Ban kiểm soát không khởi kiện theo yêu cầu thì cổ đông mới được quyền trực tiếp khởi kiện.

Tin bài liên quan