Không thể phủ nhận những thành công đáng kể trong hoạt động thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, sau cơ chế phân cấp trong quản lý đầu tư. Không chỉ các nhà đầu tư được hưởng lợi từ những cải thiện thủ tục hành chính, nâng cấp chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của các địa phương…, hệ thống quản lý nhà nước cũng được đà chuyên nghiệp hoá thông qua hướng liên thông trong thủ tục hành chính từ Trung ương đến địa phương. Số lượng dự án tăng mạnh trong thời gian qua cũng là điểm quan trọng để đánh giá hiệu quả của cơ chế quản lý này.
Tuy vậy, số địa phương vi phạm trong quản lý nhà nước về đầu tư cũng tăng đột biến. Năm 2008, có tới 4.241 dự án vi phạm các quy định về quản lý đầu tư, chủ yếu là không phù hợp với quy hoạch, phê duyệt không đúng thẩm quyền, không thực hiện đầy đủ trình tự thẩm tra, thẩm định dự án, đấu thầu không đúng quy định, bỏ giá thầu không phù hợp, phê duyệt không kịp thời, ký hợp đồng không đúng quy định… Đặc biệt, chậm tiến độ là vấn đề của các dự án đầu tư hiện tại khi có tới 4.064 dự án thuộc diện này. Trong số này, có nhiều dự án tỷ đô sau khi được cấp phép khả năng vẫn dừng lại ở dạng cam kết và tiềm năng. Đó là chưa kể đến hàng loạt dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản đã không đạt được mục tiêu thu hút nguồn vốn từ bên ngoài vào Việt
Cũng phải nhắc lại rằng, vào thời cao điểm của đầu tư nước ngoài, năm 2007 - 2008, khi số lượng dự án tăng đột ngột, nhiều địa phương đã rơi vào tình trạng quá tải. Khi đó, có lúc một số địa phương như TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ đã có đến hàng trăm dự án chờ cấp giấy chứng nhận đầu tư hàng tháng trời. "Sáng kiến" phân cấp tiếp bằng cơ chế uỷ quyền cho giám đốc sở kế hoạch và đầu tư được nhân rộng. Cơ chế phân cấp một lần nữa được chia nhỏ theo hình thức uỷ quyền.
Thực ra, cái khó của cơ chế phân cấp một phần không nhỏ do vướng vào những khoảng trống về quy hoạch. Về nguyên tắc, cơ chế phân cấp sẽ chỉ vận hành tốt và hiệu quả khi công tác quy hoạch được đảm bảo đồng bộ, chất lượng và kịp thời ở từng địa phương, trong các ngành và trên phạm vi cả nước.
Đây cũng lại là cái khó của công tác quy hoạch khi nhìn vào tổng thể, đa phần các địa phương mới tập trung làm quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chưa chú ý tới các loại quy hoạch khác như quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị… Tính cục bộ, khép kín của nhiều quy hoạch thể hiện khá rõ thông qua tình trạng chồng chéo, thừa công suất… trong một số ngành, sản phẩm. Nếu như tính tới tần suất thay đổi, chỉnh sửa quy hoạch cũng như những bất cập giữa quy hoạch và khả năng huy động vốn, với diễn biến thị trường… có thể thấy điểm yếu của cơ chế phân cấp là dễ hiểu.
Theo nhiều chuyên gia phân tích, ngay cả quy hoạch xây dựng các công trình giao thông, vốn đang được đặt nhiều kỳ vọng để giải toả các nút thắt trong môi trường kinh doanh của Việt Nam, cũng bị cho là mang nặng tính giải quyết tình thế. Đặc biệt, việc thiếu cân nhắc giữa nhu cầu phát triển dàn trải với nguồn vốn có hạn đang khiến tình trạng đầu tư các công trình đường bộ kéo dài, gây lãng phí không nhỏ, làm giảm hiệu quả kinh tế. Các dự án lớn về sân bay, cảng biển, cảng sông… cũng được nhìn nhận thiếu hiệu quả ở khía cạnh thiếu gắn kết giữa việc khai thác kết cấu hạ tầng hiện tại với khả năng huy động vốn…
Thậm chí, gần đây đang nổi lên những điểm khác nhau trong việc định hướng quy hoạch phát triển ngành nghề, sản phẩm. Trong nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các chuyên gia đánh động tới thực trạng một số quy hoạch sản phẩm chủ yếu chưa chú ý tới sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, chỉ tập trung xác định hướng đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước. Điều này không chỉ hạn chế hiệu quả đầu tư, nguồn lực đầu tư, mà còn ảnh hưởng mạnh tới sự tăng trưởng của chính các ngành, sản phẩm chủ yếu đó.