Điểm nóng hàng tồn đọng tại cảng Tân Cảng Cát Lái đã bắt đầu hạ nhiệt

0:00 / 0:00
0:00
Bắt đầu từ ngày 3/8, lượng hàng tồn đọng tại cảng Tân Cảng Cát Lái đã bắt đầu giảm nhờ nỗ lực của đơn vị chủ cảng và sự hỗ trợ kịp thời của các bộ, ngành liên quan.
Quang cảnh cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Quang cảnh cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Đây là thông tin đáng chú ý trong báo cáo nhanh về kết quả xử lý những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc giải phóng hàng tại cảng Tân Cảng Cát Lái được Cục Hàng hải Việt Nam gửi Bộ GTVT vào tối qua.

Theo đó, nhờ việc thực hiện quyết liệt các giải pháp trong những ngày qua, lượng hàng tồn tại cảng Tân Cảng Cát Lái đã bắt đầu giảm.

Cụ thể, ngày 3/8, lượng container tồn toàn cảng là 108.786 Teus chiếm 87,7 %; ngày 4/8, lượng hàng tồn toàn cảng còn 106.760 Teus chiếm 85,1 % (giảm được khoảng 2,6 % tính từ 6 giờ ngày 3/8 đến 6 giờ ngày 4/8).

Bên cạnh đó, từ thời điểm thứ 2, 3, 4 của tuần trước, lượt tàu vào và rời cảng Cát Lái là 57 tàu trong khi cùng thời điểm của tuần này là 41 tàu, giảm 28,07%; tương tự hàng nhập cũng đã giảm 6.370 Teus so với cùng thời điểm giảm 32,67%.

Được biết, ngay từ ngày 1/8, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đã thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại Tp.HCM để trực tiếp chỉ đạo, điều hành các giải pháp đảm bảo duy trì hoạt động của các cảng Cát Lái và các bến cảng khác tại khu vực. Đồng thời, Cục Hàng hải Việt Nam cũng cung cấp đường dây nóng để tiếp nhận 24/24 các thông tin của các doanh nghiệp đang có hàng tồn bãi tại bến cảng Cát Lái để hỗ trợ các doanh nghiệp rút hàng được nhanh chóng thuận tiện.

Để giảm lượng hàng tồn đọng, Cục Hàng hải Việt Nam đã thống nhất với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn tổ chức triển khai thực hiện tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính.

Theo đó, đối với nhóm giải pháp tăng năng lực giải phóng hàng ra khỏi cảng, từ ngày 2-4/8, Sở chỉ huy tiền phương đã phối hợp với Tổng ty Tân cảng Sài Gòn đã tiến hành rà soát được gần 200 doanh nghiệp có lượng hàng nhập tồn tại bến cảng Cát Lái số lượng nhiều, từ đó nắm bắt được kế hoạch sản xuất của từng doanh nghiệp, cũng như dự kiến kế hoạch rút hàng, khó khăn vướng mắc trong việc rút hàng.

Qua trao đổi với các doanh nghiệp, Cục Hàng hải Việt Nam nhận thấy một trong những nguyên nhân làm gia tăng lượng hàng tồn là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trong khu vực phải thu hẹp sản xuấthoặc ngừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp chưa thể quay lại sản xuất ngay cả khi đáp ứng được quy định chống dịch.

Do vậy, Cục Hàng hải Việt Nam đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố là HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và Long An xem xét chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương hướng dẫn, hỗ trợ tạo điều kiện để các doanh nghiệp đóng trên địa bàn có thểnhận hàng, giảm áp lực cho cảng Cát Lái.

Đối với nhóm giải pháp thứ hai là tăng năng lực khai thác của bãi cảng, Cục Hàng hải Việt Nam đã cho phép Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chủ động điều chỉnh chất xếp container giữa các khu vực bãi container hàng nhập, container hàng xuất, container rỗng cho phù hợp để tăng khả năng tiếp nhận cho container hàng nhập; nâng tối đa khả năng xếp dỡ container trên bãi; điều chuyển bớt các container rỗng ra ngoài phạm vi cảng; điều chỉnh thời gian tiếp nhận container hàng xuất phù hợp.

Triển khai giải pháp này, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã thông báo đến khách hàng/hãng tàu hạn chế hoặc không tiếp nhận hàng từ các cơ sở cảng Cái Mép, Hiệp Phước về cảng Cát Lái; thuyết phục khách hàng điều chỉnh “cảng đích” (nơi nhận hàng trực tiếp) về cảng TCIT/TCTTvà cảng Tân cảng Hiệp Phước đôi với container của các tàu cập cảng TCIT/ TCTT.

Chủ cảng đã lên kế hoạch và thực hiện chuyển container hàng nhập tồn lâu ngày (trên 90 ngày) đi cảng Tân cảng Hiệp Phước để lấy thêm chỗ chứa container hàng nhập tại cảng Cát Lái; đồng thời nghiên cứu và sớm ban hành chính sách giảm giá để khuyến khích chủhàng đến nhận hàng sớm tại cảng Cát Lái và cảng Tân cảng Hiệp Phước.-

Đối với nhóm giải pháp thứ ba là giảm lượng hàng nhập về cảng, Cục Hàng hải Việt Nam đã yêu cầu chủ cảng tạm thời ngưng chuyển container hàng nhập từ các cảng khu vực Cái Mép, cảng Tân Cảng Hiệp Phước về cảng Cát Lái (chủ hàng nhận trực tiếp ở khu vực Cái Mép hoặc cảng Tân cảng Hiệp Phước, các ICD, các cảng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nơi gần nhà máy, doanh nghiệp của mình), trừ các trường hợp đặc biệt.

Trước đó, ngay khi nhận được báo cáo của Tổng công ty Tân Cảng, ngày 2/8, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý khó khăn, giải phóng hàng ở cảng Cát Lái trước nguy cơ có thể phải tạm ngưng tiếp nhận tàu.

Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị cũng đã khẩn trương triển khai các giải pháp thuộc thẩm quyền để hỗ trợ doanh nghiệp như: cùng chủ hàng tháo gỡ để sớm nhận hàng, tăng năng lực khai thác của bãi cảng, giảm lượng hàng nhập về cảng...

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan và các đơn vị liên quan) có cơ chế cho phép Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vận chuyển container hàng nhập khẩu, trong đó có container tồn đọng trên 90 ngày về lưu giữ, thông quan, giao cho khách hàng và thanh lý hàng tồn đọng tại các cơ sở, gồm: Tân Cảng Hiệp Phước, các ICD: Tân Cảng Nhơn Trạch, Tân Cảng Long Bình (Đồng Nai), ICD Tân Cảng Sóng Thần (Bình Dương).

Trước mắt, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho phép doanh nghiệp nộp bản chứng thư scan bằng điện tử trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 và bổ sung bản gốc sau để hạn chế người đến cảng làm thủ tục; ban hành cơ chế riêng trong việc làm thủ tục thông quan và vận chuyển hàng hóa nhập khẩu từ các cảng biển, cửa khẩu về lưu giữ tại các địa điểm thông quan trung gian.

Đối với khó khăn về nguồn lao động tại cảng Cát Lái, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND Tp.HCM và tỉnh Đồng Nai ưu tiên cho lực lượng lao động trong dây chuyền sản xuất cảng; cho phép số lao động cần kíp trong dây chuyền sản xuất cảng (nếu không lưu trú ở khu vực dân cư đang bị phong tỏa) được cấp phép lưu thông đến cảng làm việc. Trường hợp lao động đang cư trú tại huyện Nhơn Trạch, cho phép lưu thông qua phà Cát Lái để vào cảng làm việc nếu có giấy xác nhận làm việc tại cảng và giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính còn hiệu lực.

Đồng thời, Tp.HCM lập điểm xét nghiệm nhanh và cấp giấy 24/7 tại địa điểm do Tân Cảng Sài Gòn đề xuất để phục vụ đối tượng lái xe có giấy chứng nhận hết hạn hoặc sắp hết hạn ra, vào cảng Tân Cảng Cát Lái được thuận tiện, nhanh chóng.

Tin bài liên quan