Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, tổ chức ngày 17/2/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối (Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV) đã thống nhất dành gói vốn có tổng quy mô 120.000 tỷ đồng cho phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Gói vốn này được nhiều người kỳ vọng sẽ tác động tích cực tới phân khúc nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, nhu cầu ở thực, tạo lối thoát cho các doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn thị trường gặp khó khăn, giống như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng từng được triển khai trong giai đoạn 2012 - 2013.
Theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, khác với mức lãi suất cố định được thông qua tại Đề án tổng thể về phát triển nhà ở xã hội (được Quốc hội phê duyệt), gói vốn này sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay với cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5 - 2%/năm so với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ. Gói 120.000 tỷ đồng thuần túy vẫn dưới hình thức vay thương mại, nhưng được ưu đãi về lãi suất dành cho các khoản đầu tư, mua nhà ở xã hội.
Từ cuối năm ngoái, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà đã tăng thêm từ 2,5 - 3,5%/năm, hiện dao động trong khoảng 13 - 15%/năm tại các ngân hàng. Do vậy, lãi suất của gói vốn 120.000 tỷ đồng tính theo thời điểm hiện tại có thể vào khoảng 11 - 13%/năm.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc G-Homes nhận xét: “So với lãi suất vay mua nhà thời điểm này, gói 120.000 tỷ đồng công bố ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2,0%/năm, tuy nhiên, xét trên bình diện thì chỉ tương đương lãi suất vay thương mại cách đây 1 - 2 năm. Thường thì chỉ đối tượng có thu nhập trung bình trở lên mới chấp nhận mức lãi vay này”.
Do đó, theo ông Nam, ông vẫn quan tâm hơn tới gói tín dụng cho nhà ở xã hội mà Bộ Xây dựng đề xuất. Cụ thể, Bộ Xây dựng đã đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn. Gói vốn này sẽ được đưa vào Nghị quyết sắp tới cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để Quốc hội thông qua. Chi tiết phân bổ gói này chưa được đề cập, nhưng Bộ Xây dựng cho biết sẽ giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2016, khi thị trường khó khăn; trong đó, 55.000 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư vay, 55.000 tỷ đồng cho người dân vay.
“Tại thời điểm đó, con số 30.000 tỷ đồng so với quy mô thị trường là không thấm vào đâu, tuy nhiên, chính sách này đã kích cầu rất nhiều dự án được chuyển đổi từ phân khúc cao cấp sang nhà ở xã hội, từ đó tạo niềm tin chung trên thị trường. Chính sách không tác động trực tiếp về mặt thanh khoản, nhưng đã đem lại những hướng đi mới của thị trường, phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng và nhu cầu thực tế. Cho tới nay, hàng năm vẫn có các gói hỗ trợ lãi suất 5%/năm từ ngân hàng chính sách cho các dự án nhà ở xã hội ở quy mô vừa phải. Tuy nhiên, nếu ở mức cao hơn, tôi nghĩ rằng sẽ hỗ trợ được thị trường tốt hơn”, ông Nam nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Tổng giám đốc BHS Group cho rằng, việc triển khai gói kích cầu nhà ở xã hội từ vốn ngân sách nhà nước sẽ giúp tạo lập quỹ nhà ở, góp phần giải quyết nhu cầu an cư của các đối tượng có thu nhập thấp, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời góp phần kích cầu đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng của các ngành kinh tế còn dư thừa nguồn lực.
“Có ý kiến cho rằng, đối tượng được phân bổ trong gói kích cầu này sẽ chỉ ưu tiên cho nhóm dự án nhà ở xã hội, ít tác động đến toàn bộ thị trường. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, gói kích cầu giống như điểm nổ cực mạnh tạo hiệu ứng cho tất cả yếu tố vĩ mô của nền kinh tế, đặc biệt là đối với doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản khi đang đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức”, ông Tuyển nói.