Điểm nghẽn trong thu hút FDI vào Kiên Giang

0:00 / 0:00
0:00
Kiên Giang thu hút được nhiều dự án, nhưng đa số là nhà đầu tư nhỏ, địa bàn thu hút đầu tư chưa đồng đều, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực phát triển dịch vụ, du lịch, đô thị.
Điểm nghẽn trong thu hút FDI vào Kiên Giang

Nhiều năm trước, cùng với Long An, Kiên Giang là một trong hai địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, hiện nay, trong khi Long An vẫn duy trì vị trí “quán quân” của vùng, thì Kiên Giang đã bị các tỉnh khác như Bạc Liêu, Trà Vinh vượt qua.

Lũy kế đến cuối tháng 6/2022, Kiên Giang đã thu hút 778 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 578.590 tỷ đồng. Trong đó, 55 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 2.762 triệu USD.

Mặc dù Kiên Giang thu hút được nhiều dự án đầu tư, nhưng đa số là của nhà đầu tư nhỏ, chưa thu hút được nhiều tập đoàn lớn. Ngoài ra, địa bàn thu hút đầu tư chưa đồng đều, các dự án chủ yếu tập trung ở TP. Rạch Giá, Hà Tiên và Phú Quốc, còn các huyện khác chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn, chưa có dự án trọng điểm, tạo động lực lan tỏa.

Hơn nữa, các dự án đầu tư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực phát triển dịch vụ, du lịch, đô thị, chưa phát triển ở các lĩnh vực khác mà tỉnh rất có thế mạnh như: nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, điện năng lượng mặt trời và nhất là nuôi trồng thủy sản trên biển.

UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ ra các nguyên nhân làm cho thu hút đầu tư vào tỉnh còn nhiều khó khăn, dẫn đến kết quả chưa được như kỳ vọng. Theo đó, xuất phát điểm của tỉnh thấp, nằm cách xa các trung tâm kinh tế lớn, hạ tầng yếu kém, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ. Các tuyến đường kết nối, liên kết vùng trên địa bàn tỉnh như Quốc lộ 80, đường hành lang ven biển phía Nam, tuyến đường ven biển… chưa được đầu tư hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu đầu tư, thu hút đầu tư, khai thác các tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, nhất là với các dự án do Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. Phú Quốc, TP. Rạch Giá, việc bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư còn chậm, kéo dài. Một số dự án phải thực hiện điều chỉnh tiến độ nhiều lần, kéo dài thời gian thực hiện dự án, tiến độ triển khai dự án chậm so với thời gian quy định...

Một số dự án đầu tư, theo quy định, không phải do Nhà nước thu hồi đất, mà do nhà đầu tư tự thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn gặp nhiều khó khăn. Một số hộ dân không thống nhất về giá đất thỏa thuận, nên nhà đầu tư không thỏa thuận được, dẫn đến không thể lập hồ sơ đề xuất dự án để trình cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Một số dự án trước đây đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, nhưng chưa thỏa thuận đất với người dân, nên thời gian dự án kéo dài, không hoàn thành đúng tiến độ cam kết tại quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư.

Bên cạnh đó, nhu cầu thực hiện các dự án lấn biển phát triển kinh tế - xã hội của Kiên Giang là rất lớn. Tuy nhiên, pháp luật đầu tư, đất đai chưa có quy định cụ thể và đây là điểm nghẽn làm hạn chế việc thu hút, kêu gọi đầu tư.

Về phía địa phương, thời gian thực hiện quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư, nhất là khâu lấy ý kiến thẩm định, phản hồi ý kiến của một số sở, ngành còn chậm, thiếu nội dung, chất lượng chưa cao, làm ảnh hưởng tiến độ tổng hợp báo cáo thẩm định, trình chấp thuận chủ trương đầu tư.

Công tác giải quyết thủ tục hành chính; phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, nhất là việc thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư sau khi được cấp quyết định chủ trương đầu tư còn chậm, mất nhiều thời gian, qua nhiều khâu, đã hạn chế số lượng dự án khởi công xây dựng mới.

Thêm vào đó, việc lập quy hoạch tỉnh đang được tổ chức thực hiện, các phương án phát triển các ngành, lĩnh vực đang được tích hợp vào quy hoạch tỉnh còn chậm, chưa được kịp thời, làm ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư và thu hút các dự án đầu tư.

Tin bài liên quan