Điểm nghẽn thể chế từ những mối lo của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Lo ngại về những dự thảo quy định không thể thực hiện được, bất hợp lý và lãng phí không cần thiết của doanh nghiệp, cho thấy áp lực trong tháo gỡ điểm nghẽn thể chế.
Doanh nghiệp lo ngại việc cơ quan quản lý ra nhiều quy định không cần thiết, làm phát sinh thêm chi phí tuân thủ

Doanh nghiệp lo ngại việc cơ quan quản lý ra nhiều quy định không cần thiết, làm phát sinh thêm chi phí tuân thủ

Doanh nghiệp xuất khẩu lo lãng phí

Trước ngày 15/12, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) có thể sẽ nhận được giải trình từ Bộ Khoa học và Công nghệ về 9 nhóm công việc mà các doanh nghiệp cho rằng “có tính chất thủ tục hành chính, tăng thời gian, chi phí không đáng có” trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Thời hạn này do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong văn bản do ông Ngô Hải Phan, Phó chủ tịch Hội đồng, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính ký gửi Bộ Khoa học và Công nghệ vào cuối tháng 11/2024, sau khi nhận được kiến nghị của 2 hiệp hội trên, cũng là 2 thành viên của Hội đồng.

Vấn đề mà các doanh nghiệp đặt ra là Dự thảo bổ sung nhiều quy định áp dụng toàn bộ trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu hàng hóa để lưu thông trong nước lên các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, nhưng họ lại không được thấy báo cáo đánh giá tác động về mức độ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu khi phải đồng thời thỏa mãn 2 hệ thống quản lý chất lượng, một của nước sản xuất (ở đây là Việt Nam) và hai là nước nhập khẩu, thay vì chỉ một quy định của nước nhập khẩu như hiện tại.

Trong khi đó, những tính toán chưa đầy đủ mà các doanh nghiệp gửi tới Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, chi phí tuân thủ không hề nhỏ và tính rủi ro khá lớn nếu quy định của Việt Nam mâu thuẫn/không phù hợp với quy định của nước nhập khẩu.

Ví dụ, Canon Việt Nam đã tính có thể phải chi tới 6,3 tỷ đồng/năm, do vừa phải tuân thủ các quy định mà các nước nhập khẩu không quan tâm, vừa phải dán nhãn theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Hay quy định về lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp ở Việt Nam để đánh giá sự phù hợp của các sản phẩm xuất khẩu theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam cũng tốn của doanh nghiệp hàng tỷ đồng chi phí, khi thời gian cho 1 mẫu có thể lên tới vài tháng, với chi phí hàng chục, hàng trăm triệu đồng 1 mẫu. Chưa kể, doanh nghiệp phải nuôi thêm bộ máy quản lý và thực hiện các thủ tục để quản lý chất lượng theo Dự thảo.

“Điều này là không thể thực hiện được, bất hợp lý và lãng phí không cần thiết”, VASEP đặt vấn đề khi đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ yêu cầu trên.

Câu hỏi về mục tiêu

Trong tờ trình, cơ quan soạn thảo đã ghi lý do của các quy định trên là để phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận, làm giả xuất xứ, dán nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trung chuyển hàng hóa trái phép và để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, ý kiến từ các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, nước nhập khẩu, cả Chính phủ và người tiêu dùng, không quan tâm những sản phẩm của Việt Nam được nhập khẩu có đạt được các tiêu chuẩn của Việt Nam và được công bố đầy đủ các số hiệu tiêu chuẩn trên nhãn mác, bao bì sản phẩm hay chưa.

“Họ chỉ quan tâm đã đạt được điều kiện về chất lượng để được lưu thông trên thị trường nước họ hay chưa”, VASEP bình luận trong văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ và một số cơ quan liên quan.

Chính vì vậy, việc áp dụng máy móc các quy định kiểm soát chất lượng đối với hàng tiêu thụ trong nước cho cả hàng xuất khẩu không chỉ làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh ở các nước khác.

Thậm chí, các doanh nghiệp thẳng thắn, không thấy quốc gia nào cố tình tạo ra nhiều rào cản kỹ thuật đối với hàng xuất khẩu bằng hàng loạt quy định nêu trên như trong Dự thảo. Trên thực tế, các quốc gia thường tạo ra các rào cản kỹ thuật áp dụng đối với hàng nhập khẩu vào nước mình để bảo vệ hàng tiêu dùng sản xuất trong nước, cho dù điều này cũng không được khuyến khích trong các cam kết quốc tế.

Có thể thấy được phần nào nỗi bức xúc của doanh nghiệp khi nhìn vào những quy trình, thủ tục họ sẽ phải tuân thủ, như mất khoảng 1 tháng để xin được công bố chất lượng sản phẩm, có thể phải thiết kế lại mẫu mã sản phẩm hoặc bổ sung nhãn hàng hóa để thực hiện yêu cầu thể hiện các thông tin về chất lượng trên hàng hóa, bao bì, tài liệu kèm theo hàng hóa vì nhãn hàng hóa đang được dán theo yêu cầu nước nhập khẩu...

Tác động mà các doanh nghiệp hình dung rất khác với mục tiêu mà cơ quan soạn thảo đưa ra. Trong văn bản gửi Ban Soạn thảo và một số cơ quan liên quan, VASEP cho rằng, doanh nghiệp sẽ mất chi phí gấp đôi để nuôi bộ máy quản lý và thực hiện các thủ tục nhằm quản lý chất lượng theo Dự thảo luật, mất rất nhiều chi phí để thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận, sử dụng dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, dán nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn áp dụng, thực hiện đăng ký mã số mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc...

Điều này dẫn đến tăng chi phí giá thành cho sản phẩm, mất cơ hội kinh doanh, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh ở các nước khác, ảnh hưởng tới khối lượng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận, công ăn việc làm của không chỉ doanh nghiệp, mà cả chuỗi cung ứng.

Tư duy làm luật để quản đã hết thời

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) không lạ lẫm với các nội dung Dự thảo. Nhiều năm trước, khi việc sửa đổi một số nghị định hướng dẫn Luật này được thảo luận, các nội dung tương tự đã được đặt ra.

Đáng nói là, những quy định khó thực thi, gây lãng phí không đáng có như trên không phải quá hiếm.

“Với tư duy luật lệ ban hành ra để quản lý, giám sát, cơ quan quản lý sẽ ban hành nhiều quy định, quy trình, buộc doanh nghiệp tuân thủ. Đây cũng sẽ là cơ sở để thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát. Các loại điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh cũng như cơ chế xin - cho là con đẻ của tư duy này”, ông Cung phân tích.

Nhưng điều ông cảm thấy nuối tiếc, đó là khi hàng hóa của Việt Nam ra được thị trường thế giới, lên được kệ hàng, nghĩa là đã vượt qua rất nhiều hàng rào của bên đặt hàng cũng như các yêu cầu của quốc gia nhập khẩu. Nếu được sự khuyến khích, thúc đẩy của thể chế, các doanh nghiệp có thể đi xa hơn, chuyển dịch nhanh hơn, từ chỗ gia công hàng xuất khẩu dần đi tới việc xuất khẩu hàng hóa với thương hiệu của chính mình.

“Dù đi rất sớm, rất mạnh ra thị trường nước ngoài, nhưng hầu như chưa có doanh nghiệp chế biến thủy sản nào của Việt Nam có được hệ thống phân phối sản phẩm ở nước ngoài. Lúc này, tình hình thị trường đang thuận lợi hơn, doanh nghiệp rất cần các luật pháp về kinh doanh chỉ tập trung và khuyến khích, thúc đẩy phát triển”, ông Cung trăn trở.

Chia sẻ quan điểm này, GS-TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhắc đến yêu cầu đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực; từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; các quy định của luật phải ổn định, phổ quát, lâu dài, chỉ quy định những vấn đề khung, mang tính nguyên tắc... trong Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Theo ông Cường, cách làm việc mới sẽ không còn chỗ cho câu nói “tôi đã làm đúng quy trình, quy định”, thay vào đó là “đã đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu của người dân, doanh nghiệp” trong đánh giá cán bộ, công chức. Như vậy, chính cán bộ thực thi sẽ đòi hỏi sự thay đổi của hệ thống văn bản pháp luật theo hướng đạt được hiệu quả đầu ra của công việc cao nhất, cũng có nghĩa là thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Có thể nhiều dự thảo văn bản pháp luật đang xây dựng sẽ phải thay đổi cách tiếp cận.

Tin bài liên quan