Đi kèm với việc nêu danh tính của các doanh nghiệp nợ thuế, Cục thuế Hà Nội cho biết sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn như phong tỏa tài khoản, hóa đơn hoặc chuyển cơ quan công an điều tra khởi tố tội hình sự.
Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Cục thuế Hà Nội) cho biết, Cục thuế Hà Nội đã triển khai nhóm giải pháp về công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Theo đó, kiến nghị các cấp có thẩm quyền tạo cơ chế, chính sách để doanh nghiệp có nguồn vốn phát triển sản xuất - kinh doanh, qua đó tăng thu nhập, đồng thời có nguồn tài chính để nộp tiền nợ thuế.
Bên cạnh đó, phân loại chính xác tình hình nợ thuế; phân tích rõ nguyên nhân nợ thuế của từng đối tượng nợ thuế, để có giải pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả, như động viên, thuyết phục doanh nghiệp có kế hoạch phân chia nguồn tiền để đảm bảo vừa duy trì, phát triển sản xuất - kinh doanh, vừa có tiền nộp nợ thuế.
Đối với các dự án còn nợ tiền sử dụng đất, Cục thuế đã chỉ đạo các Chi cục Thuế tăng cường rà soát, phân tích nợ của từng dự án, tìm hiểu nguyên nhân nợ, nắm chắc tình hình thực hiện dự án, tình hình sản xuất – kinh doanh, tình hình tài chính... để có biện pháp phù hợp: trực tiếp làm việc với chủ đầu tư để đôn đốc, yêu cầu báo cáo và cam kết tiến độ nộp; phối hợp với chính quyền địa phương, liên ngành địa phương tiếp tục đôn đốc thu tiền sử dụng đất.
“Điểm nóng” doanh nghiệp xây dựng, bất động sản
Mặc dù các cấp, các ngành đã vào cuộc cùng ngành thuế triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng những doanh nghiệp này vẫn nợ thuế, thậm chí nợ kéo dài. Trong số các doanh nghiệp bị “bêu” tên, có những đơn vị nợ thuế rất lớn. Đứng đầu là hệ thống các doanh nghiệp “họ” Cavico, đơn cử CTCP Cavico xây dựng cầu hầm nợ 80,4 tỷ đồng; Cavico xây dựng thủy điện nợ 54,8 tỷ đồng, Cavico điện lực và tài nguyên nợ 29,2 tỷ đồng.
Hệ thống Viglacera những tưởng đã qua giai đoạn khó khăn nhưng vẫn có những thành viên nợ thuế lớn, như CTCP Đầu tư hạ tầng và đô thị Viglacera - chi nhánh Tổng công ty Viglacera nợ xấp xỉ 40 tỷ đồng, CTCP Cơ khí và xây dựng Viglacera nợ 50 tỷ đồng, Viglacera Hà Nội nợ 88 tỷ đồng.
Trong số 73 doanh nghiệp bị nêu tên đợt 1 có CTCP Sông Đà Thăng Long nợ lớn nhất, với 375 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp “họ” Coma, họ Sông Đà cũng là những “con nợ” lớn của ngành thuế.
Trong số các doanh nghiệp và dự án bất động sản bị bêu tên, có nhiều dự án nợ tiền sử dụng đất hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử, CTCP Đầu tư xây dựng Trung Việt với Khu đô thị mới Phú Lương (Hà Đông) nợ 193 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội với dự án 108 Nguyễn Trãi nợ 151 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen) với dự án tổ hợp nhà ở tại Trung Văn (Từ Liêm) nợ 79,5 tỷ đồng; CTCP Đồng Tháp với dự án 129 Trương Định nợ 96 tỷ đồng; Tổng công ty Thành An với dự án tổ hợp Thành An nợ 142 tỷ đồng; CTCP Đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội với dự án C1 Khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính nợ 115 tỷ đồng; CTCP Sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu với dự án tại phường Hoàng Liệt nợ 322 tỷ đồng.
Cưỡng chế thuế bằng biện pháp mạnh
Cục thuế Hà Nội cho biết, với những trường hợp chủ đầu tư các dự án thực hiện bán nhà đã thu tiền nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai nộp thuế, cơ quan thuế sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra, xác định hành vi vi phạm và phối hợp với cơ quan công an TP. Hà Nội để thực hiện điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Sau khi công khai danh tính các doanh nghiệp nợ thuế, cơ quan thuế Hà Nội sẽ chờ đợi phản ứng tích cực từ phía doanh nghiệp. Đối với trường hợp tiếp tục chây ỳ không nộp, ngành thuế sẽ tính tới các biện pháp mạnh như phong tỏa tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc cưỡng chế hóa đơn.
Cán bộ Cục thuế Hà Nội cho biết, nếu doanh nghiệp để tình huống xấu nhất là cưỡng chế hóa đơn xảy ra, sẽ rất khó có thể duy trì hoạt động trở lại, bởi muốn giải tỏa biện pháp xử lý này, doanh nghiệp không những phải nộp thuế đủ, mà còn phải thanh toán các khoản nợ cho các đối tác khác.