Nhiều doanh nghiệp thua lỗ 2 năm liên tiếp (2012 - 2013) như SHI, PTL, NVN, PVX, PNC, STT…

Nhiều doanh nghiệp thua lỗ 2 năm liên tiếp (2012 - 2013) như SHI, PTL, NVN, PVX, PNC, STT…

Điểm mặt những doanh nghiệp có nguy cơ bị hủy niêm yết

(ĐTCK) Năm 2014, một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh với mức lỗ vượt vốn điều lệ thực góp, thời gian tới sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc khi có báo cáo tài chính kiểm toán năm. Không ít doanh nghiệp khác thua lỗ trong 2 năm trước đó, cổ đông đang hồi hộp chờ công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2014.

Nghị định số 58/2012/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc khi kết quả sản xuất - kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét…

Theo đó, CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA) đã rơi vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc khi Công ty vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán cho năm tài chính kết thúc vào ngày 30/9/2014, với mức lỗ lũy kế gần gấp đôi vốn điều lệ thực góp. Cụ thể, niên độ tài chính 2014, HLA đạt doanh thu 1.876 tỷ đồng, nhưng giá vốn ở mức 2.173 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Công ty lỗ gộp hơn 296 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 475,6 tỷ đồng, dẫn đến lỗ lũy kế 2 năm liên tiếp 656,4 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ thực góp là 344,6 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cuối niên độ âm 167,3 tỷ đồng.

HLA không tránh khỏi “án” hủy niêm yết, dù trong kỳ, Công ty nỗ lực giải quyết các vấn đề nội tại là tồn kho cao và lãi vay “ăn mòn” lợi nhuận. Tính đến 30/9/2014, hạng mục hàng tồn kho của HLA là 176 tỷ đồng, giảm 80% so với con số cuối niên độ tài chính 2013 là 855 tỷ đồng; vay và nợ ngắn hạn giảm 35%, còn 743,8 tỷ đồng.

Cổ đông CTCP Vật tư tổng hợp và Phân bón Hóa sinh (HSI) đang chờ HSI công bố kết quả kinh doanh quý IV/2014 để xem Công ty có thuộc diện bị hủy niêm yết bắt buộc hay không. 9 tháng đầu năm 2014, HSI ghi nhận lợi nhuận âm 30 tỷ đồng. Tính đến 30/9/2014, HSI lỗ lũy kế 108 tỷ đồng, vượt số vốn điều lệ thực góp 100 tỷ đồng. Trước đó, HSI thua lỗ 2 năm liên tiếp, năm 2012 lỗ 2 tỷ đồng, năm 2013 lỗ 76 tỷ đồng. Để không bị hủy niêm yết, lợi nhuận cả năm 2014 của HSI bắt buộc phải là con số dương, nghĩa là phải lãi hơn 30 tỷ đồng trong quý IV/2014. Liệu SHI có lội ngược dòng ngoạn mục như vậy?

Nhiều công ty khác cũng thua lỗ trong 2 năm 2012 - 2013 như: VOS, PTL, NVN, PVX, PNC, STT, KDH… Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có sự cải thiện trong hoạt động kinh doanh năm 2014. CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS) công bố, hoạt động kinh doanh năm 2014 của Công ty có lãi, hoàn thành kế hoạch doanh thu, sản lượng đề ra.

Một doanh nghiệp khác là CTCP Licogi 16 (LCG), 9 tháng đầu năm 2014 lãi ròng gần 21 tỷ đồng, trong khi năm 2013 lỗ hơn 306 tỷ đồng (năm 2012 lỗ 36,7 tỷ đồng). Tính đến 30/9/2014, tiền và tương đương tiền của LCG là 46,5 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cuối năm 2013. Nợ vay dài hạn giảm hơn một nửa, từ 166 tỷ đồng xuống 75 tỷ đồng, nhưng nợ vay ngắn hạn tăng 14% lên 430 tỷ đồng. Trong năm 2014, LCG trúng thầu một số hợp đồng mới như Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 38 - đoạn Bắc Ninh - Hải Dương và các gói thầu lắp đặt vật tư thiết bị ở những công trình khác. Mới đây, LCG hoàn thành sớm tiến độ Dự án xây lắp Trạm biến áp 220kV Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 và các nhánh đầu mối. Đây là dự án do EVNNPT làm chủ đầu tư, khối lượng thi công của LCG tại dự án chiếm gần 70%, giá trị hợp đồng mà Công ty thực hiện là 117 tỷ đồng.

Thị trường bất động sản khởi sắc trong năm 2014 đã giúp CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) cải thiện mạnh hoạt động kinh doanh. 9 tháng đầu năm 2014, KDH đạt 71 tỷ đồng doanh thu thuần, bằng 71% kế hoạch năm. Công ty đã điều chỉnh tăng kế hoạch kinh doanh năm 2014 với doanh thu 550 tỷ đồng và lãi ròng 100 tỷ đồng, khá ấn tượng so với kết quả lỗ 2 năm trước đó. KDH nhờ vậy thoát án hủy niêm yết và có cơ hội bứt phá theo đà khởi sắc của thị trường bất động sản.      

Ngày 5/1, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) thông báo, sẽ thực hiện thủ tục hủy niêm yết bắt buộc đối với chứng khoán HLA. Trước đó, ngày 31/12/2014, HOSE có thông báo về việc hủy niêm yết tự nguyện đối với cổ phiếu ALP của CTCP Đầu tư Alphanam. Đây là công ty thua lỗ liên tiếp trong năm 2012 và 2013, lần lượt âm 144,8 tỷ đồng và âm 206 tỷ đồng lợi nhuận.

Tin bài liên quan