Điều này được dẫn chứng qua việc cổ phiếu VCF của Vinacafe Biên Hòa từng tăng trần nhiều phiên liên tiếp trước khi Masan Cousumer, một thành viên của Masan (MSN) thông báo chào mua công khai 50% vốn điều lệ của VCF với giá 80.000 đồng/CP. Trước đó, chỉ trong vòng 2 tháng từ 7/2011 đến tháng 9/2011 cổ phiếu VCF đã âm thầm tăng từ 6x lên 10x khiến cho mọi nỗ lực chống thâu tóm của HĐQT thất bại hoàn toàn.
Không những vậy, VCF vẫn còn tiếp tục tăng giá ở vài tháng sau đó. Hiện nay, VCF đạt 127.000 đồng/CP, mức giá cao nhất mà cổ phiếu này từng đạt được từ trước đến nay.
Thương vụ thu gom cổ phiếu của nhóm cổ đông lớn nhằm giành quyền chi phối tại Sacombank (STB) cũng khiến giá cổ phiếu STB tăng mạnh trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán năm 2012. Có lúc giá STB lên hơn 26.000 đồng/CP, giúp những người sở hữu cổ phiếu này đạt được mức lợi nhuận đáng kể trước khi thông tin chính thức về vụ thâu tóm được xác nhận bởi các bên liên quan.
Ngoài ra, cổ phiếu HBB và SHB cũng có những đợt sóng mạnh với giao dịch hàng chục triệu đơn vị mỗi phiên đều xoay quanh tin đồn hai ngân hàng này sáp nhập với nhau.
Trong bối cảnh thị trường ảm đạm của tháng 5, một vài cổ phiếu bật tăng trần nhiều phiên liên tiếp với lực cầu áp đảo mà khó ai có thể giải thích được.
Tiêu biểu nhất là TAC, sau khi phục hồi mạnh từ mức giá 2x lên 4x trong tháng 3 và 4 theo xu hướng chung của thị trường, TAC còn tiếp tục bứt phá mạnh với liên tiếp nhiều phiên tăng trần ở tháng 5 và đạt mức giá cao nhất 62.000 đồng/CP vào ngày 25/5, tức đã tăng gần 70% so với đầu tháng. Thông tin hỗ trợ duy nhất xuất hiện là việc Masan tham gia thâu tóm công ty này, mặc dù cuối tháng 4 tại Đại hội cổ đông thường niên của TAC, lãnh đạo cho biết chưa có dấu hiệu cho thấy Masan, cũng như các đơn viên liên quan đến công ty này tiến hành thu gom cổ phiếu TAC.
Tuy nhiên, trên thị trường, thông tin đồn thổi về vụ thâu tóm vẫn tiếp diễn. Thậm chí, giới thạo tin còn cho biết, MSN có hẳn một bộ phận chuyên đi "rỉ tai" các nhà đầu tư, các quỹ và công ty chứng khoán theo kiểu "thông tin này chỉ nói cậu nghe nhé" với ý đồ lôi kéo người khác nhảy vô mua nhằm hỗ trợ giá cho TAC.
Gần đây nhất, cổ phiếu VPK đã tăng trần 3 phiên liên tục với lực mua áp đảo. Thị trường xuất hiện tin đồn MSN và cả Vinamilk (VNM) đang tranh giành quyền chi phối công ty này, bởi VPK là một trong những đơn vị cung cấp bao bì và thùng carton chính cho cả VNM lẫn TAC.
Bên cạnh đó, VNM còn là cổ đông sáng lập và đang nắm giữ hơn 17% cổ phần của VPK. Còn MSN, nhiều thông tin cho biết đã hoàn tất thương vụ thâu tóm TAC nên muốn tiếp tục giành quyền chi phối VPK nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của TAC.
Dù tất cả chỉ mới là tin đồn trên thị trường, nhưng thực tế những sự vụ diễn ra trước đó, các thông tin liên quan đến hoạt động thâu tóm VCF, Sacombank, sáp nhập HBB và SHB đều xuất phát từ các thông tin rò rì trong khi các bên liên quan đều lên tiếng phủ nhận hoặc từ chối bình luận. Nhưng cuối cùng mọi việc đều diễn ra đúng như những thông tin truyền miệng trước đó.
Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng tư vấn và phân tích CTCP Chứng khoán Kim Eng (KEVS) cho biết, những thương vụ về M&A lớn thông thường đã hoàn tất các bước về thương lượng giá cả rồi mới có hiện tượng rò rỉ. Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp do mua thỏa thuận ngoài sàn chưa đủ nên họ lên sàn để mua phần còn lại, đồng thời "hỗ trợ" giá cho cổ phiếu. Nhưng các giao dịch thường được thực hiện với nhiều tài khoản khác nhau để tránh thực hiện nghĩa vụ báo cáo của cổ đông lớn.
Hiện nay, với TAC và VPK nhiều nhà đầu tư thà tin là có còn hơn không, vì hầu hết những thông tin dạng này giúp họ gia tăng lợi nhuận trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ông Khánh cho biết, giá của TAC sau thời gian tăng mạnh thì hiện nay đã không còn phù hợp để kinh doanh ngắn hạn hay lướt sóng nữa, trừ khi nhà đầu tư muốn đầu tư dài hạn để ăn cổ tức chẳng hạn, bởi nhìn chung tiềm năng phát triển của TAC trong thời gian tới là khá lớn.
Chi sẻ thêm về chiêu đẩy giá mới này, ông Khánh cho rằng, về lâu dài đây là một điều nguy hiểm, nó cho thấy thị trường Việt Nam có những nhóm lợi ích mới được hưởng lợi khi tung ra những thông tin dạng này, còn lại đa số nhà đầu tư đều bị thiệt. Do vậy, nhà đầu tư cần cảnh giác phân loại thông tin và những nhà quản lý cũng cần vào cuộc để kịp thời ngăn chặn những hành vi lũng đoạn, thao túng thị trường từ đó làm trong sạch và bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ.