Thông tư này quy định, các công ty đại chúng hình thành trước ngày 1/1/2016 nếu không niêm yết trên HNX hoặc HOSE thì phải đăng ký giao dịch trên UPCoM trong thời gian 1 năm; đối với các công ty hình thành sau ngày 1/1/2016, phải giao dịch trên UPCoM ngay sau ngày chào bán chứng khoán ra công chúng, hoặc hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng.
Thông tư 180 sẽ là một “liều doping” mới cho sàn UPCoM, bởi hiện còn hơn 1.000 công ty đại chúng chưa lên sàn này. Khi Thông tư 180 có hiệu lực, hàng hóa trên sàn UPCoM sẽ phong phú và thị trường sẽ sôi động hơn.
Trong năm qua, nhiều NĐT đã kiếm bộn trên thị trường UPCoM với mức sinh lời 400 - 500%, vượt trội so với các kênh đầu tư khác
Đó là câu chuyện của năm 2016. Còn năm 2015, hàng nhiều hơn nhưng thanh khoản trên thị trường UPCoM vẫn èo uột. Nhà đầu tư chỉ chú ý đến các cổ phiếu trên hai sàn niêm yết. Trên UPCoM, thỉnh thoảng mới có một vài cổ phiếu “sao sáng” được nhà đầu tư quan tâm như NT2 của Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (đã chuyển sang sàn HOSE), hay SDI của CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng.
Mặc dù vậy, trong năm qua, nhiều NĐT đã kiếm bộn trên thị trường UPCoM với mức sinh lời 400 - 500%, vượt trội so với các kênh đầu tư khác. Biên độ giao dịch trên sàn UPCoM được điều chỉnh từ 10% lên 15% trong phiên, nên biên độ dao động giá cổ phiếu ngày càng được kéo dài. Tuy nhiên, do thanh khoản của thị trường quá thấp, dẫn đến NĐT chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng/phiên cũng có thể kéo vốn hóa công ty tăng đến vài tỷ đồng.
KCE - CTCP Bê tông Ly tâm Điện lực Khánh Hòa: giá tăng 504% 1 năm
Giá cổ phiếu KCE đầu năm chỉ ở mức 2.300 đồng/CP và hiện nay cổ phiếu này đang giao dịch tại mức giá 13.900 đồng/CP (gấp 6 lần), có thời điểm KCE chạm ngưỡng 17.000 đồng/CP.
Hơn nửa đầu năm, KCE gần như không có giao dịch, giá trị giao dịch bình quân 10 phiên của cổ phiếu này chỉ đạt 320 cổ phiếu/phiên.
Không có nhiều thông tin về tình hình tài chính của Công ty được công bố, dữ liệu mới nhất mới đến hết năm 2014. Mặc dù vậy, cổ phiếu KCE vẫn có lúc tăng trần gần 15%/phiên, giao dịch 900 cổ phiếu với giá trị 13 triệu đồng.
VKD - CTCP Nước khoáng Khánh Hòa: giá tăng 492,59% 1 năm
Đại hội đồng cổ đông VKD đã thông qua việc cho CTCP FIT Consumer được sở hữu lên đến 65% cổ phần của CTCP Nước khoáng Khánh Hòa, thông tin này công bố vào cuối tháng 11/2015. Tuy nhiên, giá cổ phiếu VKD đã tăng vọt từ tháng 9/2015 khi tăng từ 5.000 đồng/CP lên cao nhất 34.000 đồng/CP. Giá VKD tăng vọt nhờ thông tin SCIC đăng ký bán thỏa thuận cổ phiếu VKD với giá khởi điểm 126.000 đồng/CP.
VKD chỉ vỏn vẹn có 21,6 triệu cổ phần, trước đó SCIC nắm giữ 51,54% vốn điều lệ của VKD, nhưng sau 2 lần thoái vốn trong năm 2015, SCIC đã bán toàn bộ vốn tại công ty này. Sau khi SCIC thoái vốn, thanh khoản của VKD cũng chỉ quanh 1.280 cổ phiếu/phiên.
Năm 2014, VKD đạt gần 140 tỷ đồng doanh thu thuần và 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, EPS đạt 4.615 đồng. Năm 2015, Công ty đặt kế hoạch 150 tỷ đồng doanh thu (chưa VAT) và 13 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
CT3 - CTCP Đầu tư và xây dựng Công trình 3: giá tăng 302%
Đầu năm, giá cổ phiếu CT3 chỉ ở mức 3.800 đồng/CP, đã có thời điểm trong tháng 9/2015 chạm ngưỡng hơn 16.000 đồng/CP (gấp hơn 4 lần).
Cổ phiếu CT3 tăng dựng ngược vào thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015 sau nghị quyết HĐQT thông qua việc sẽ tăng vốn điều lệ từ 61 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng, nhưng đà tăng này không phải đà tăng của số đông, mà bởi thanh khoản của cổ phiếu này rất thấp. Trong quý III, CT3 được triển khai gói thầu 11 đường sắt Yên Viên - Phả Lại, gói thầu Vincom - An Giang.
Trên sàn UPCoM, có nhiều trường hợp như KCE, VKD, CT3. Một số công ty có kết quả kinh doanh khả quan, nhưng khi đề cập đến việc có bỏ tiền vào các cổ phiếu trên sàn UPCoM hay không thì đa phần các nhà đầu tư đều… lắc đầu.
Lý do là thanh khoản quá thấp như hiện nay, nhà đầu tư có mua vào cổ phiếu, cổ phiếu có tăng giá gấp 5 cũng không biết bán cho ai, việc hiện thực hóa lợi nhuận là quá khó.