Nghiệp vụ truyền thống vẫn chiếm 70% tổng doanh thu
Cho đến nay, khoảng 2.650 sản phẩm thuộc các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ và nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe đã được các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai, đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu của thị trường cũng như các phân khúc khách hàng.
Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm sức khỏe chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu (gần 23.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33,2%), tiếp theo là bảo hiểm xe cơ giới (gần 18.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26,8%), bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (7.800 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11,5%), bảo hiểm cháy nổ (gần 9.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14%), bảo hiểm hàng hóa vận chuyển (3.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,6%)... Những nghiệp vụ này đóng góp hơn 88% tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường.
Các nghiệp vụ còn lại đóng góp khoảng 12% tổng doanh thu gồm bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu, bảo hiểm trách nhiệm (bao gồm bảo hiểm trách nhiệm trong khám chữa bệnh, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp đầu tư tư vấn xây dựng, bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường), bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính, bảo hiểm thiệt hại kinh doanh, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm bảo lãnh. Doanh thu phí của các nghiệp vụ bảo hiểm này còn rất khiêm tốn, ngay cả các sản phẩm được quy định bắt buộc phải mua cũng rất ít doanh nghiệp quan tâm.
Được biết, để tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định, minh bạch, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba trong hoạt động đầu tư xây dựng; tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, góp phần huy động nguồn lực từ thị trường bảo hiểm để bảo vệ cho bên thứ ba trong quá trình thi công xây dựng…, năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/201 /NĐ-CP quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Cũng trong năm qua, Bộ Tài chính còn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Cụ thể, đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp gồm: Cây trồng (lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê), vật nuôi (trâu, bò, lợn), nuôi trồng thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra). Thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp từ ngày 24/6/2022 đến hết ngày 31/12/2025…
Dù các cơ quan chức năng nỗ lực tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp cũng như người mua bảo hiểm, nhưng ngoài yếu tố cung cầu, với những nghiệp vụ ẩn chứa nhiều rủi ro, càng bán càng lỗ thì các doanh nghiệp bảo hiểm buộc phải cân nhắc việc mở rộng thị trường và quy mô, chẳng hạn nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản… hay các nghiệp vụ bảo hiểm được xếp vào nhóm CAT 3-4 (rủi ro cao, khó tái bảo hiểm)…
“Doanh thu chính vẫn đến từ các nghiệp vụ truyền thống như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới (chiếm 60% tổng doanh thu) khiến áp lực cạnh tranh thị phần từ những nghiệp vụ rủi ro cao này vô cùng căng thẳng. Thị trường luôn có những doanh nghiệp sẵn sàng cạnh tranh phi kỹ thuật để có được doanh thu”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm thuộc tốp đầu cho hay.
Nhiều lý do “chưa thể lớn”
Nhiều nghiệp vụ bảo hiểm ghi nhận mức doanh thu rất thấp, thậm chí tỷ trọng gần như bằng không như bảo hiểm tư vấn trong khám chữa bệnh, bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc trong tư vấn nghề đầu tư xây dựng, bảo hiểm nông nghiệp…
Bên cạnh các nghiệp vụ truyền thống, nhiều nghiệp vụ bảo hiểm khác đang được triển khai, nhưng mức doanh thu rất thấp, thậm chí tỷ trọng gần như bằng không như bảo hiểm tư vấn trong khám chữa bệnh, bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc trong tư vấn nghề đầu tư xây dựng, bảo hiểm nông nghiệp…
Mỗi dòng sản phẩm đều có lý do riêng cho việc doanh thu “chưa thể lớn” hoặc doanh thu thường xuyên tăng trưởng âm, song đa phần là do khách hàng cũng như doanh nghiệp bảo hiểm chưa mặn mà, kể cả các sản phẩm bắt buộc phải mua, mà bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới là minh chứng. Theo thống kê của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 90% chủ xe ô tô, trên 30% chủ xe mô tô, xe máy tham gia thực hiện, chính sách bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
Đứng ở góc độ khách hàng, mặc dù nhiều sản phẩm quy định bắt buộc phải mua nếu không sẽ bị xử phạt, nhưng nhiều trường hợp cá nhân, doanh nghiệp tìm cách né tránh hoặc không hiểu được mức độ cần thiết của sản phẩm để tham gia.
Chị Thùy Vân, bác sỹ chuyên khoa II tại một bệnh viện trung ương chia sẻ, mặc dù quyền lợi của của gói sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm trong thăm khám, chữa bệnh nghe qua có vẻ rất hữu ích, nhưng trên thực tế triển khai không hề đơn giản. Để xác định được mức trách nhiệm khi có sự việc cần một thời gian khá lâu, thủ tục rườm rà, trong khi sức ép tới từ người nhà bệnh nhân rất lớn, nên bệnh viện và bác sỹ thường chủ động xử lý hơn là chờ đợi động thái từ doanh nghiệp bảo hiểm.
Bởi vậy, các cơ sở khám chữa bệnh thường không mua hoặc chỉ mua một số quyền lợi nhất định để đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, chứ không thật sự quan tâm đến sản phẩm này. Hiện nay, khách hàng chủ yếu của sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm thăm khám, chữa bệnh là các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện có nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài do họ đã quen với loại sản phẩm bảo hiểm tương tự ở nước sở tại. Tương tự lý do trên, các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp khác cũng không được nhiều khách hàng đón nhận. Vấn đề cốt lõi ở đây là các thủ tục yêu cầu bồi thường chưa được đơn giản hóa, nên dù là sản phẩm bắt buộc thì vẫn không được quan tâm. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp còn phải cắt giảm nhiều loại chi phí, nên để các nghiệp vụ bảo hiểm này có thể khởi sắc là rất khó khăn.
Trong khi đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng không mấy mặn mà với các dòng sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm này. Mặc dù, xét về tính hiệu quả, đây là những dòng sản phẩm đem lại hiệu quả khá cao so với các dòng sản phẩm chính. Nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ phí bảo hiểm của các dòng này rất thấp, trong khi doanh nghiệp mất nhiều công sức, nhân lực mới có thể chốt được một hợp đồng. Chính vì vậy, rất ít doanh nghiệp thành lập bộ phận chuyên biệt để phát triển, mà thường “tiện tay dắt bò” bán kèm sản phẩm khi đi giới thiệu các sản phẩm chính, có nguồn doanh thu cao như bảo hiểm con người, bảo hiểm xe cơ giới...
Thực tế là không thể phủ nhận mức độ cần thiết của các dòng sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm, nhưng để đi vào đời sống thì cần có sự đầu tư thực chất từ doanh nghiệp bảo hiểm cũng như khách hàng.