Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông là một dự án điển hình về chậm tiến độ. Ảnh: Đ.T
Dự án “đen”
Tính đến thời điểm này, Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng Bắc Bộ (WB6) do Ban Quản lý dự án đường thủy (Bộ Giao thông - Vận tải) quản lý đang đứng đầu danh sách các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi chậm tiến độ.
Cụ thể, kể từ khi danh sách được Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi lần đầu công bố vào năm 2013, dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) có tổng mức đầu tư 200 triệu USD này đã có tới 3 lần bị điểm tên.
Ông Lê Huy Thăng, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường thủy cho biết, chủ đầu tư đang dồn toàn lực phối hợp với các nhà thầu để hoàn thành toàn bộ công tác thi công và nghiệm thu toàn bộ các hợp đồng xây lắp trước khi Hiệp định vay vốn kết thúc khoảng 2 tháng để có thể giải ngân toàn bộ phần vốn vay ODA. Nếu không xong trước thời điểm này, rất nhiều hệ lụy xấu sẽ ập đến, đặc biệt là khả năng một số lệnh thanh toán trị giá hàng triệu USD sẽ không kịp giải ngân cho nhà thầu.
Chính thức được cơ quan chủ quản và nhà tài trợ phát lệnh triển khai từ tháng 2/2009, chủ đầu tư Dự án WB6 sẽ phải hoàn tất mọi công việc trước khi Hiệp định vay vốn kết thúc vào ngày 31/12/2015. Đây là một thách thức rất lớn, bởi đến ngày 31/12/2014, Dự án mới giải ngân được 50 triệu USD/200 triệu USD tổng mức đầu tư đã được điều chỉnh.
Cũng vấp phải những khó khăn như Dự án WB6, song Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long (tổng mức đầu tư 274,5 triệu USD) lại đang phải làm việc với nhà tài trợ là WB để gia hạn Hiệp định vay vốn đến ngày 31/5/2016, thay vì ngày 31/12/2015.
Cần phải nói thêm rằng, các dự án của Bộ GTVT tuy nằm trong danh sách đen, nhưng ít ra còn thấy được đích đến trong vài tháng tới, trong khi tình hình triển khai một số dự án do các bộ, ngành, địa phương làm chủ đầu tư thậm chí bị đánh giá là rất quan ngại.
Ví dụ điển hình nhất là Dự án Đại học kiểu mới (Đại học Việt Đức), có tổng mức đầu tư lên tới 200,6 triệu USD do Bộ Giáo dục và Đào tạo làm chủ đầu tư tại Bình Dương. Mặc dù Hiệp định vay vốn có hiệu lực từ cuối năm 2010, nhưng đến tận tháng 6/2015, chủ đầu tư và nhà tài trợ mới đạt được sự thống nhất về phương án lựa chọn nhà thầu. Vướng mắc này khiến việc lập kế hoạch tiến độ thực hiện những năm còn lại của Dự án trở nên rất bị động.
Siết chất lượng chuẩn bị dự án
Được đánh giá là có nhiều cải thiện, Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội do UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng khu đề-pô và đoạn trên cao; các gói thầu đã ký hợp đồng xây dựng đều đang tích cực triển khai theo tiến độ. Đáng tiếc là, đây chỉ là một trong số rất ít dự án đường sắt đô thị được triển khai tại Hà Nội và TP.HCM thoát khỏi tình trạng ì ạch.
Thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, ngoài tuyến đường sắt đô thị nhiều tai tiếng Cát Linh - Hà Đông, tuyến metro số 2 TP.HCM (Bến Thành - Tham Lương), một loạt công trình metro khác đang bị “lụt nặng” về tiến độ, như đường sắt đô thị 1 Hà Nội, tuyến số 2 TP. Hà Nội đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
“Những dự án ODA này thay vì trở thành đầu tàu lại đang trở thành lực cản giải ngân vốn”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận xét.
Đáng lưu ý là, đã xuất hiện hiện tượng khan vốn đối ứng tại một số dự án hạ tầng do các địa phương làm chủ quản đầu tư. Trong số này, thiếu vốn đối ứng nặng nhất là Dự án giao thông đô thị Hải Phòng do UBND TP. Hải Phòng làm chủ đầu tư (cần 1.208 tỷ đồng từ nay đến 2016). Tại dự án này, ngân sách địa phương không kham được và đang phải đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.
Để tránh tình trạng các đơn vị cam kết với nhà tài trợ trong khi không đủ khả năng bố trí vốn đối ứng, đẩy ngân sách trung ương vào thế bí, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa yêu cầu các chủ đầu tư, đặc biệt là các địa phương, căn cứ vào nguồn vốn đối ứng trong nước hàng năm để tính toán nguồn vốn vay nước ngoài nhằm đảm bảo thực hiện đúng tiến độ dự án.
“Cần phải thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách, trong trường hợp thiếu vốn đối ứng, các bộ, ngành, địa phương tự chịu trách nhiệm bố trí vốn đối ứng”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất.
Theo Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, các dự án bị chậm tiến độ nói trên đều có nguyên nhân sâu xa là chất lượng chuẩn bị không tốt, nên khi triển khai gặp nhiều lúng túng. Đối với công việc khó khăn như “chữa áo” này, các cơ quan chức năng cần phải sâu sát hơn để tháo gỡ kịp thời vướng mắc cho các chủ đầu tư.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề giải phóng mặt bằng là khâu then chốt, đột phá cần được tập trung tháo gỡ để thúc đẩy tiến độ thực hiện các chương trình, dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính để xử lý các vướng mắc về cơ chế, chính sách; các cơ quan chủ quản chủ động nghiên cứu, đưa ra các sáng kiến để rút ngắn thời gian, đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng.