Bộ Công Thương là một trong nhiều đơn vị chậm trễ triển khai tái cơ cấu DNNN

Bộ Công Thương là một trong nhiều đơn vị chậm trễ triển khai tái cơ cấu DNNN

Điểm mặt các bộ ngành, địa phương chây ỳ cổ phần hóa

(ĐTCK) Tái cơ cấu DNNN - cốt lõi là cổ phần hóa, được Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, chỉ đạo quyết liệt trong các năm 2014 và 2015.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều bộ, ngành, địa phương bị điểm danh là chậm trễ, chây ỳ trong thực hiện và mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc nhở những trường hợp này.

Theo Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, những bộ, ngành, địa phương bị nhắc nhở do chỉ đạo triển khai nhưng kết quả thấp hoặc chưa đạt so với kế hoạch đề ra. Đó là các Bộ: Văn hóa Thể thao và Du lịch, Y tế, Công Thương; các tỉnh, thành: TP. HCM, Hải Phòng, Bình Định, Nghệ An, Quảng Ninh, Tây Ninh.

Cụ thể, tại Bộ Công Thương có 16 DN CPH, đã phê duyệt phương án CPH của 2 DN, 6 DN đã thành lập Ban chỉ đạo, nhưng chưa tiến hành xác định giá trị DN, 8 DN chưa triển khai. Bản thân bộ này khi báo giới liên hệ với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và các cấp lãnh đạo khác đề nghị cho biết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, biện pháp xử lý khắc phục để thực hiện có kết quả những tháng cuối năm 2014, cũng rất chậm trễ và không trả lời.

Tại  Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có 15 DN cổ phần hóa, 14 DN đã thành lập Ban chỉ đạp và đang xác định giá trị DN, mới công bố giá trị 3 DN và phê duyệt phương án của 1 DN.

Bộ Y tế có 7 DN cổ phần hóa,  mới có 3 DN thành lập Ban chỉ đạo và đang tiến hành xác định giá trị, chưa phê duyệt phương án CPH của DN nào.

TP. HCM có 30 DN CPH, 29 DN thành lập Ban chỉ đạo và đang xác định giá trị DN, mới phê duyệt giá trị của 4 DN  và phương án của 3 DN.

Hải Phòng có 14/15 DN đã thành lập Ban chỉ đạo và đang xác định giá trị DN, chưa có DN nào được phê duyệt giá trị và phương án CPH.

Nghệ An có 6/6 DN đã thành lập Ban chỉ đạo CPH, 5 DN đang xác định giá trị DN, chưa có DN nào được phê duyệt giá trị và phương án CPH.

Bình Định có 6 DN cổ phần hóa, 6/6 DN đã thành lập Ban chỉ đạo và  đang xác định giá trị DN, chưa có DN nào được phê duyệt giá trị và phương án CPH.

Quảng Ninh có 6 DN CPH, 6/6 DN thành lập Ban chỉ đạo, 1 DN đang xác định giá trị DN, chưa có DN nào được phê duyệt giá trị và phương án CPH.

Tây Ninh có 5 DN CPH, 1 DN được phê duyệt phương án CPH, 4 DN chưa triển khai.

Còn 84 DN chưa thành lập Ban chỉ đạo CPH, thực chất chưa làm gì. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước có 2 DN, còn lại thuộc các tỉnh Kon Tum, Bà Rịa -Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bến Tre, Thanh Hóa, Bình Phước, Bình Dương, Gia Lai.

101 DN đã thành lập Ban chỉ đạo CPH nhưng chưa tiến hành xác định giá trị DN và các bước tiếp theo, thuộc các tỉnh: An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Thuận, Thái Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh… Đáng chú ý, Hà Nội có tới 20 DN thuộc diện chậm trễ này.

Trong chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN. Bộ trưởng các bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ.

Một trong những giải pháp để đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu DNNN, theo giới chuyên gia, cần đẩy mạnh truyền thông để có sự giám sát các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong sắp xếp, tái cơ cấu DN. Tuy nhiên, sự chia sẻ thông tin từ các chủ thể trên thực tế rất hạn chế. Đơn cử, Bộ Giao thông Vận tải được đánh giá là đơn vị “mạnh tay” và đạt nhiều kết quả, song công văn đề nghị chia sẻ kinh nghiệm và những bài học trong triển khai được báo giới chuyển tới người đứng đầu Bộ này cả tháng trời vẫn chưa được xử lý. Cũng cần lưu ý rằng, Bộ Giao thông Vận tải là đơn vị đứng đầu trong bảng xếp hạng các bộ, ngành có điểm số cải cách thủ tục hành chính cao nhất.

Từ những diễn biến như trên, cũng không khó hiểu khi tại sao có nhiều bộ, ngành, địa phương bị nêu tên về việc chậm trễ, chây ỳ trong thực hiện cổ phần hóa DNNN nói riêng và tái cơ cấu DNNN nói chung.

Tin bài liên quan