Theo công bố của Bộ Công thương tại Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 19/10/2016 về việc bảo vệ môi trường trong toàn ngành công thương, các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc 7 tập đoàn và tổng công ty, như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)…
Việc giám sát chặt các dự án có nguy cơ cao về gây ô nhiễm là nỗ lực của Bộ Công thương, tiếp sau cuộc họp của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh với đại diện các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ diễn ra đầu tháng 10/2016.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, sẽ kiên quyết đóng cửa những nhà máy, dự án có kết luận gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
Trong số các tập đoàn, tổng công ty, EVN và PVN có số lượng lớn dự án thuộc diện giám sát đặc biệt về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, EVN có 8 dự án, gồm: các nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng; Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh.
"Dự án Formosa cần được coi là bài học để các tập đoàn, tổng công ty thận trọng rà soát một lần nữa các dự án, nhà máy của mình. Bảo vệ môi trường sống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là tiêu chí hàng đầu cho phát triển bền vững"
- Bộ trưởng Bộ Công thương
Trần Tuấn Anh.
Ít hơn EVN, nhưng PVN cũng góp mặt tới 6 dự án, đó là Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 - Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Xử lý khí Cà Mau.
Vinacomin cũng đóng góp một loạt dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao, như Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắc Nông), Công ty Nhôm Lâm Đồng, Mỏ sắt Thạch Khê và Dự án Khai thác và Chế biến đồng Sin Quyền.
Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) có các dự án: Công ty DAP số 1, Công ty DAP số 2, Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, các nhà máy sản xuất phốt pho và hóa chất thuộc Khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai) và Công ty Phân đạm Ninh Bình.
Trong khi đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng góp mặt 2 dự án: Khu công nghiệp dệt may Phố Nối Vinatex, Tổng công ty May Việt Thắng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Dự án Formosa cần được coi là bài học để các tập đoàn, tổng công ty thận trọng rà soát một lần nữa các dự án, nhà máy của mình. Bảo vệ môi trường sống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là tiêu chí hàng đầu cho phát triển bền vững.
Không phải ngẫu nhiên mà 27 dự án, doanh nghiệp bị “điểm mặt, chỉ tên”. Chẳng hạn, trung tuần tháng 7/2016, Bộ Công thương đã tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh, với kết quả kiểm tra cho thấy, nhiệt độ nước làm mát tại cửa xả có thời điểm lên đến 46 độ C, vượt ngưỡng cho phép tại QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.
Trong khi đó, Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối Vinatex (Hưng Yên) bị “soi” bởi dự án này đã từng để xảy ra sự cố xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường từ cuối năm 2014.
Mặc dù tại thời điểm này, Trung tâm xử lý nước thải đang vận hành theo quy trình để phục vụ các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, nhưng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp này mới đạt tiêu chuẩn cột B, trong khi theo QCVN 40:2011/BTNMT, các khu công nghiệp buộc phải có hệ thống xử lý nước thải đạt cột A.
Liên quan đến xử lý khí thải, sản xuất thép, khoáng sản là lĩnh vực gây ảnh hưởng môi trường lớn. Kết quả rà soát và kiểm tra trực tiếp tại 29 cơ sở của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) cho thấy, tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO), mặc dù đã được lắp hệ thống kiểm soát bụi, khí thải, song do nhà máy đã cũ, công nghệ lạc hậu, nên bụi vẫn không được kiểm soát triệt để.
Dù các đơn vị đều đã thuê đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại, nhưng hầu hết đều mắc lỗi, như thu gom và phân loại chất thải nguy hại chưa triệt để, xây kho lưu giữ chất thải nguy hại không đúng quy định...
Chính vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo, các tập đoàn, tổng công ty phải tăng cường công tác quản lý chất thải nguy hại, kiểm soát chặt chẽ nước thải, khí thải trước khi xả thải ra môi trường, không để diễn ra tình trạng xả thải không qua xử lý như tại Khu công nghiệp Vinatex Phố Nối.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nhận định, việc giám sát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là rất cần thiết và đáng ra cần được thực hiện từ lâu để tránh những hậu quả lớn về ô nhiễm môi trường do các dự án gây ra.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu Tổng cục Năng lượng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, EVN tổ chức rà soát, đánh giá tổng thể tác động môi trường toàn bộ Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải trong năm 2017 và triển khai rà soát tiếp với các trung tâm điện lực lớn (có từ 2 nhà máy điện trở lên).
Trong khi đó, các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp được yêu cầu phải kiên quyết từ chối đầu tư các dự án sử dụng công nghệ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời từng bước đổi mới, cải tiến công nghệ đối với các nhà máy hiện có để giảm phát thải, cải thiện môi trường.