Việc hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn với các DN sản xuất hàng xuất khẩu là một hướng đi chủ động và tích cực

Việc hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn với các DN sản xuất hàng xuất khẩu là một hướng đi chủ động và tích cực

Điểm lựa chọn

(ĐTCK-online) Hiện tượng "đóng cửa đi chơi" của một số DN không chỉ là mục tiêu của giới báo chí, mà thực sự là đối tượng được giới phân tích kinh tế coi là một trong những vấn đề đặc biệt nổi trội trong bối cảnh hiện nay. Điều đáng nói là phần lớn ý kiến nhận định về hiện tượng này đều không coi đó là một dấu hiệu đáng lo ngại.

Trao đổi với ĐTCK, khá nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, khó khăn lớn trong hoạt động của các DN ngày càng lộ rõ. Chỉ cần nhìn số lượng báo cáo tài chính quý II, lũy kế 6 tháng đầu năm 2008 với mức lợi nhuận sụt giảm của các DN niêm yết, một phần bức tranh trong hoạt động kinh doanh chung đã có thể được nhận diện. Hơn thế, nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng, một trong những ngành được coi là tâm điểm phát triển của các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, tác động đa chiều của các biến động thị trường đã được phản ánh vào từng hoạt động cụ thể.

Trong 6 tháng đầu năm, với sự tăng giá đến chóng mặt của nhóm hàng vật liệu xây dựng, sự khó khăn của thị trường bất động sản, khả năng tiếp cận các nguồn tín dụng của DN nói chung và ngành xây dựng nói riêng, khu vực này có mức tăng trưởng chưa đến 1%. Những khó khăn tiếp tục được dự báo là kéo dài hết năm nay và có thể chỉ đổi chiều vào giữa năm sau.

Tuy nhiên, hiện tượng "đóng cửa đi chơi" không được cho là hành động phản ứng của một số DN với tình hình kinh tế hiện tại. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nhận định, không thể cho rằng các DN này thiếu trách nhiệm với các hoạt động kinh doanh, với người lao động của mình. "Trong thời điểm khó khăn, việc xem xét, cân nhắc lại mục tiêu, chiến lược kinh doanh là điều hết sức cần thiết. Với một số DN gặp khó khăn, họ có thể buộc phải tính tới khả năng chuyển hướng kinh doanh, lựa chọn những đối sách mới. Và việc các DN tạm dừng hoạt động cũng có thể là một điểm dừng hợp lý để cân nhắc cho hoạt động sắp tới của họ", bà Chi Lan nói.

Không những thế, việc phê phán một số lãnh đạo DN đi du lịch nước ngoài như một hiện tượng của sự lãng phí cũng được cho là không đáng đề cập. Bởi lẽ, hơn bất cứ một khu vực DN nào, khu vực DN tư nhân luôn có những cân nhắc hết sức hợp lý cho các hoạt động chi tiêu. Cũng phải nói rằng, trong nền kinh tế "liên thông" hiện nay, bất cứ một sự chuyển hướng kinh doanh hay một kế hoạch kinh doanh mới nào cũng không thể bó hẹp trong một phạm vi nào đó, nhất là đối với các DN hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Một thời gian tạm ngừng để đi ra bên ngoài, để trực tiếp nghe ngóng, xem xét và quyết định các cơ hội mới phù hợp với thay đổi mới là điều hết sức quan trọng. "Lo ngại nhất là các DN không làm gì, thụ động với biến động của thời cuộc", bà Chi Lan nói.

Tuy vậy, cũng không thể không thừa nhận những khó khăn của khá nhiều DN đang khiến các kế hoạch tái cơ cấu, chuyển đổi mục tiêu kinh doanh… trở nên "lực bất tòng tâm". Ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, cần phải có những nghiên cứu và lựa chọn các giải pháp hỗ trợ để những DN đang gặp khó khăn nhưng có năng lực phát triển vượt qua. "Đây là một sự lựa chọn không hề dễ dàng, vì việc xác định năng lực tiềm tàng của các DN, nhất là DN có quy mô nhỏ không đơn giản. Tuy nhiên, bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997 cho thấy, nếu thiếu bàn tay hỗ trợ của Chính phủ, nhiều DN có khả năng phát triển bị chết oan", ông Thành lo ngại và cho rằng, những nghiên cứu hỗ trợ DN cần phải cụ thể vào từng ngành, tùng nhóm DN để có những giải pháp phù hợp.

Động thái của Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước về hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn với các DN hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu được cho là một hướng đi chủ động và tích cực, cần phải nhân rộng. Tuy nhiên, để tránh hỗ trợ sai địa chỉ, những phân tích sâu về tác động của biến động kinh tế tới các khu vực DN khác nhau, tầm quan trọng của các khu vực DN đó tới nền kinh tế, đánh giá vị trí của các khu vực DN như là tác nhân tới lạm phát… được khuyến nghị là cơ sở để các cơ quan của Chính phủ đề xuất cơ chế tiếp sức hợp lý, quan trọng nhất là đúng đối tượng.