Hiện trường đối tượng D.V.M đốt xe giả vụ tai nạn giao thông. Ảnh: Báo Người Lao Động.

Hiện trường đối tượng D.V.M đốt xe giả vụ tai nạn giao thông. Ảnh: Báo Người Lao Động.

Điểm lại những vụ việc trục lợi bảo hiểm gây xôn xao dư luận

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong những năm gần đây, số vụ việc trục lợi bảo hiểm gây rúng động dư luận liên tiếp được ghi nhận với thủ đoạn ngày càng tinh vi và táo tợn. Hành vi trục lợi bảo hiểm không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm chân chính, mà còn tạo ra nhiều vấn nạn xã hội.

Giết người thế mạng để trục lợi bảo hiểm

Giữa năm 2020, dư luận rúng động vì vụ việc một bí thư xã ở Lâm Đồng giết người thân, đốt xác hòng trục lợi bảo hiểm nhân thọ.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, từ năm 2016 đến đầu năm 2020, Đỗ Văn M. vay mượn tiền và nhận tiền của nhiều người để chuyển nhượng đất với tổng số hơn 23,7 tỷ đồng.

Nhằm chiếm đoạt số tiền đang nợ và để vợ con được hưởng tiền bảo hiểm lên tới 18 tỷ đồng, Đỗ Văn M. đã lên kế hoạch đào mộ lấy thi thể để tạo hiện trường giả nhằm trục lợi số tiền bảo hiểm.

Khi thực hiện kế hoạch trộm mộ bất thành, bị cáo M. đã ra tay sát hại anh V (cháu họ bên vợ) rồi dựng hiện trường giả vụ tai nạn giao thông và phóng hỏa. Trước khi châm lửa đốt xe và bỏ trốn, M. tháo đồng hồ đeo tay và lấy chùm chìa khóa của mình rồi bỏ lại trên xe để mọi người lầm tưởng rằng bản thân đã chết cháy.

Đỗ Văn M. dự tính công ty bảo hiểm sẽ tin đối tượng gặp nạn ngoài ý muốn và cứ vậy sẽ bồi thường quyền lợi theo hợp đồng. Tuy nhiên vụ việc đã nhanh chóng bị phanh phui, công an vào cuộc điều tra và phát hiện ra kế hoạch độc ác của Đỗ Văn M.

Tại phiên tòa phúc thẩm mới đây, HĐXX TAND cấp cao tại TP.HCM đã bác các luận cứ bào chữa của luật sư, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, đồng thời tuyên giữ nguyên án tử hình của cấp sơ thẩm đối với Đỗ Văn M. với các tội danh “Giết người”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Huỷ hoại tài sản” và “Xâm phạm mồ mả”.

Kết thúc vụ án, Đỗ Văn M. đã phải nhận hình phạt thích đáng và vẫn phải thực hiện trách nhiệm chi trả các khoản nợ nần trước đó. Đồng thời, do thực hiện hành vi trục lợi bảo hiểm nên đối tượng này cũng không nhận bất cứ quyền lợi bảo hiểm nào từ các hợp đồng bảo hiểm đã tham gia.

Bị cáo Đỗ Văn M. nghe toà tuyên án. Ảnh: Báo Công An Nhân Dân.
Bị cáo Đỗ Văn M. nghe toà tuyên án. Ảnh: Báo Công An Nhân Dân.

Thuê người chặt tay, chân để đòi bảo hiểm

Nhiều người có lẽ vẫn chưa quên vụ một phụ nữ 30 tuổi tại Phúc Thọ, Hà Nội đã thuê người chặt chân tay mình rồi vứt ở đường ray xe lửa, nhằm tạo dựng hiện trường giả một vụ tai nạn tàu hỏa nhằm trục lợi bảo hiểm.

Do mắc vào nợ nần, Lý Thị N. (SN 1986, ngụ xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã thuê Doãn Văn D. (SN 1995, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) với giá 50 triệu đồng chặt 1/3 bàn chân và 1/3 bàn tay bên trái của mình rồi tạo hiện trường giả một vụ tai nạn tàu hỏa để lấy tiền bảo hiểm.

Hiện trường xảy ra vụ việc. (Báo Công an Nhân dân).
Hiện trường xảy ra vụ việc. (Báo Công an Nhân dân).

Qua điều tra, Công an phát hiện nhiều dấu hiệu nghi vấn. Theo kết luận giám định thương tật, N. bị tổn hại 79% sức khỏe. Tuy nhiên, thương tích ở tay và chân do vật sắc nhọn gây ra. Nhân viên y tế tham gia điều trị cho N. cũng nhận định, vết thương không giống do tai nạn tàu hỏa gây ra.

Đặc biệt, cơ quan điều tra phát hiện, trước đó hơn 1 tháng, N. mua liên tiếp 3 gói bảo hiểm thân thể của 2 công ty bảo hiểm nhân thọ. Theo hợp đồng, nếu bị thương tật vĩnh viễn do tai nạn giao thông, cô ta có thể được thanh toán tổng số tiền khoảng 3,5 tỷ đồng.

Do mục đích trục lợi bảo hiểm chưa hoàn thành, phía bảo hiểm chưa bồi thường nên người phụ nữ trong vụ việc không bị khởi tố. Tuy nhiên, những thương tật trọn đời hẳn đã là cái giá quá đắt cho hành vi liều lĩnh, bất chấp tính mạng để tìm cách trục lợi của người phụ nữ này.

Phẫu thuật nối không thành công, N phải dùng tay giả. (Báo Công an Nhân dân).
Phẫu thuật nối không thành công, N phải dùng tay giả. (Báo Công an Nhân dân).

Mua 19 hợp đồng bảo hiểm sau khi bị ung thư

Hồi cuối năm 2021, cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến vụ "1 khách hàng mua 19 hợp đồng bảo hiểm".

Theo đơn tố cáo, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi biết mình bị bệnh ung thư, từ cuối tháng 9/2019 đến đầu tháng 11/2019, một cá nhân đã có 25 yêu cầu bảo hiểm tại 15 công ty bảo hiểm và đã mua được 19 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, bằng cách che giấu thông tin mình đã bị bệnh, che giấu hoặc cung cấp thông tin không chính xác việc mình đã có nhiều yêu cầu mua bảo hiểm và đã mua được hợp đồng bảo hiểm tại các doanh nghiệp bảo hiểm khác.

Sau khi hết thời gian chờ theo quy định của hợp đồng bảo hiểm, cá nhân này đã hợp pháp hóa hồ sơ bệnh án bằng cách đi khám và điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội và nộp hồ sơ yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm.

Cho đến thời điểm phát hiện vụ việc, cá nhân này đã được 5 công ty bảo hiểm chi trả số tiền ban đầu khoảng 4 tỉ đồng. Nếu không kịp thời điều tra làm rõ, số tiền các công ty bảo hiểm sẽ phải tiếp tục chi trả có thể lên tới trên 20 tỉ đồng.

Hiện nay, vụ việc đang tiếp tục được cơ quan công an điều tra làm rõ.

Bác sĩ, điều dưỡng gian lận bảo hiểm y tế

Ngày 25/5, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án gian lận bảo hiểm y tế xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam vào năm 2020.

Các bị cáo liên quan vụ việc gồm: Nguyễn Tấn B (SN 1972, bác sĩ Khoa Nội tim mạch), Lương Thanh Tr (SN 1986, điều dưỡng), Nguyễn Văn S (SN 1991, điều dưỡng), Phạm Thị Bích Tr (SN 1970, chuyên viên giám định bảo hiểm y tế) và Nguyễn Thị Hồng H (SN 1967, nguyên Phó trưởng phòng Giám định bảo hiểm y tế của bệnh viện).

Theo cáo trạng, với chức vụ Trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Nguyễn Tấn B trong quá trình khám, điều trị bệnh biết rõ 22 bệnh nhân bị hẹp động mạch vành nhẹ, không cần phải dùng thủ thuật đặt stent.

Tuy nhiên, vì mục đích cá nhân, Nguyễn Tấn B đã chỉ đạo các bị can Lương Thanh Tr và Nguyễn Văn S lập khống hồ sơ các bệnh nhân này có thực hiện thủ thuật đặt stent nong động mạch vành nhằm mục đích chiếm đoạt 22 stent và vật tư thiết bị kèm theo, sau đó chuyển hồ sơ đã lập khống cho bệnh viện để tổng hợp và thanh toán bảo hiểm y tế với Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam.

Hành vi của các bị can đã gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm y tế hơn 829 triệu đồng, gây thiệt hại cho Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam hơn 162 triệu đồng.

Các bị can Nguyễn Thị Hồng H và Phạm Thị Bích Tr được xác định đã thiếu trách nhiệm trong quá trình giám định các hồ sơ bệnh án thanh toán bảo hiểm, gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm y tế hơn 200 triệu đồng.

Cơ quan Công an tống đạt các quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam các đối tượng liên quan đến vụ việc. Ảnh: BHXHVN.
Cơ quan Công an tống đạt các quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam các đối tượng liên quan đến vụ việc. Ảnh: BHXHVN.

Sau khi xem xét các tình tiết, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tấn B 2 năm tù cho hưởng án treo, bị cáo Lương Thanh Tr và Nguyễn Văn S cùng bị tuyên phạt 1 năm tù cho hưởng án treo về tội gian lận bảo hiểm y tế.

Bị cáo Nguyễn Thị Hồng H bị xử phạt 30 triệu đồng, bị cáo Phạm Thị Bích Tr bị xử phạt 40 triệu đồng do thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hai bị cáo này bị cấm làm nhiệm vụ bảo hiểm y tế trong thời hạn 1 năm kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm tại Điều 213, Bộ luật Hình sự sửa đổi ghi rõ:

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật có quy định khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: Có tổ chức; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tin bài liên quan