Btỷ giáà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS)

Btỷ giáà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS)

Điểm hài hoà lãi suất - tỷ giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), chênh lệch giữa lãi suất USD và VND trên thị trường liên ngân hàng đã thúc đẩy các tổ chức tín dụng đầu tư tích trữ ngoại tệ, đồng thời đẩy mạnh hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất, càng tạo yếu tố kích thích lên tỷ giá.

Tỷ giá đã tăng vượt mức 24.000 đồng/USD và nguyên nhân được chỉ ra là do lãi suất VND giảm trong điều kiện chỉ số USD-Index tăng cao. Ngoài nguyên nhân này thì còn lý do nào khác không?

Tỷ giá USD/VND bắt đầu đà tăng từ đầu tháng 7 và căng thẳng hơn trong những ngày gần đây. Tính đến ngày 14/9/2023, tỷ giá trung tâm vượt qua mức 24.000 đồng, trong khi đó, tỷ giá liên ngân hàng đạt mức cao nhất kể từ đầu năm là 24.230 đồng, tăng khoảng 2,5% so với đầu năm và tăng khoảng 3,4% kể từ mức thấp nhất của năm nay.

Đồng USD mạnh lên là nguyên nhân chủ yếu lý giải cho đà tăng của tỷ giá trong thời gian vừa qua. Các nhà đầu tư đang lo ngại sự phân cực ngày càng lớn giữa chính sách tiền tệ của Mỹ và ngân hàng trung ương các nước khu vực châu Á, mà đại diện là Trung Quốc, Nhật Bản…, nên chuyển sự chú ý sang đồng USD, khiến chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY) vượt mốc 105 điểm.

Những nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phần nào mang lại kết quả khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ giảm kể từ đầu năm nay, song bất ngờ tăng nhẹ vào tháng 7 và tháng 8 vừa qua dưới áp lực tăng của giá dầu và giá lương thực. Điều này dẫn đến nhiều dự báo nghiêng về xác suất Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25% vào tháng 11 tới và xu hướng thắt chặt nhiều khả năng sẽ kéo dài đến nửa đầu năm 2024.

Ở diễn biến ngược lại, Trung Quốc trong thời gian qua liên tục giảm lãi suất điều hành, nới lỏng các điều kiện tín dụng, nhằm kích thích tăng trưởng cũng như tìm cách cứu thị trường bất động sản trong nước. Điều này đã đẩy đồng Nhân dân tệ mất giá gần 6% so với USD kể từ đầu năm đến nay. Tương tự, Việt Nam đồng và một loạt đồng tiền châu Á có chính sách tiền tệ trái chiều khác đều yếu đi đáng kể như yên Nhật giảm 12,5%, baht Thái giảm 3,3%, ringgit Malaysia giảm 6%…

Bên cạnh đó, chênh lệch giữa lãi suất USD và VND trên thị trường liên ngân hàng đã thúc đẩy các tổ chức tín dụng đầu tư tích trữ ngoại tệ, đồng thời đẩy mạnh hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất, càng tạo yếu tố kích thích lên tỷ giá.

Tỷ giá liên ngân hàng hiện đạt mức cao nhất kể từ đầu năm là 24.230 đồng, tăng khoảng 2,5%. Ảnh: Dũng Minh

Tỷ giá liên ngân hàng hiện đạt mức cao nhất kể từ đầu năm là 24.230 đồng, tăng khoảng 2,5%. Ảnh: Dũng Minh

Dường như việc tiếp tục hạ lãi suất sẽ là thách thức trong yêu cầu hài hòa lãi suất - tỷ giá như chỉ đạo của Chính phủ, thưa bà?

Một số yếu tố tích cực như dòng vốn FDI giải ngân quay trở lại mạnh mẽ trong tháng 8 (tăng 24% so với cùng kỳ), lũy kế 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 13 tỷ USD (tăng 1,3% so với cùng kỳ); thặng dư thương mại 8 tháng ước đạt 20,1 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Những yếu tố này hỗ trợ “trung hòa” áp lực tăng giá của chỉ số DXY. Tôi ước tính, tỷ giá có thể đạt mốc 24.500 đồng trong những tháng cuối năm, với giả định Fed tăng lãi suất thêm 0,25% trong tháng 11.

Lưu ý, ở thời điểm hiện tại, đà tăng tỷ giá ngoài việc ảnh hưởng đến các nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD của khu vực công lẫn khu vực tư nhân còn tác động đến lạm phát. Mặc dù vẫn trong tầm kiểm soát, song lạm phát có xu hướng nhích lên trong tháng 8, dưới tác động của giá gạo và giá nhiên liệu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 8/2023 tăng 0,88% so với tháng 7 và tăng 2,96% và so với cùng kỳ, tương đương mức tăng của tháng 8/2022 (2,89%). Bình quân 8 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ; lạm phát cơ bản là 4,57%.

Nhìn về những tháng cuối năm thì những yếu tố hỗ trợ lạm phát ở mức thấp như giá dầu thấp hay giá lương thực bình ổn không còn. Giá gạo trong nước tăng cao theo giá gạo xuất khẩu do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga, UAE, xung đột chính trị và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến thị trường gạo toàn cầu diễn biến phức tạp. Còn giá dầu cho đến nay đã tăng hơn 25% so với mức đáy vào tháng 6 và dự kiến sẽ duy trì ở mức trên 90 USD/thùng vào cuối năm.

Với những giả định trên, tôi cho rằng, tỷ lệ lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm, bình quân cả năm ở mức 3,4%. Kết hợp cả hai yếu tố lạm phát và tỷ giá tăng, chính sách tiền tệ sẽ không còn nhiều dư địa để nới lỏng trong thời gian tới.

Chính sách tiền tệ và tài khóa đã được thực thi nhiều và hiệu quả đã phát huy ở mức tích cực, nhưng cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị nhiều hơn thế với các chính sách khác như đất đai... Theo bà, Việt Nam có thể thực hiện một chính sách đột phá nào để tạo sự không khí kinh doanh sôi động, tạo niềm tin cho giới doanh nhân?

Nếu lạm phát và tỷ giá tăng thì chính sách tiền tệ sẽ không còn nhiều dư địa để nới lỏng trong thời gian tới.

Việt Nam đã chuyển chính sách tiền tệ từ trạng thái kiểm soát chặt chẽ ở những thời điểm trước đó sang trạng thái linh hoạt, nới lỏng hơn từ quý I năm nay. Tôi cho rằng, việc điều chỉnh này là rất kịp thời, đáp ứng yêu cầu cấp thiết và phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ khó khăn về thanh khoản, tín dụng, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất - kinh doanh. Sau 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động hiện giảm khoảng 1,5 - 2,0%/năm so với đầu năm. Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước hầu hết đã giảm xuống dưới 6%/năm, gần bằng thời điểm dịch Covid-19.

Tuy nhiên, đà giảm của lãi suất cho vay hiện nay vẫn có độ trễ so với lãi suất huy động, một phần do các ngân hàng chưa tất toán được các khoản huy động với lãi suất cao trên 10%/năm từ cuối năm ngoái. Mặt bằng lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao, cộng với việc các doanh nghiệp chưa mặn mà với việc vay vốn do triển vọng kinh tế vĩ mô toàn cầu và Việt Nam chưa thực sự khởi sắc, do đó nhu cầu tín dụng tính đến thời điểm này vẫn yếu.

Tính đến cuối tháng 8/2023, dư nợ tín dụng toàn hệ thống mới chỉ tăng 5,56% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với con số tăng trưởng 9,62% cùng kỳ năm ngoái, cũng như còn cách khá xa so với mục tiêu tăng 14 - 15% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho cả năm. Nếu so với thời điểm cuối tháng 6 (lần cắt giảm lãi suất điều hành thứ 4) thì tín dụng chỉ tăng thêm 0,86%, thậm chí tăng trưởng âm trong tháng 7.

Điều này cho thấy, khi năng lực hấp thụ của nền kinh tế còn hạn chế, doanh nghiệp, người dân vẫn chưa sẵn sàng về năng lực sử dụng vốn, thì chính sách tiền tệ khó phát huy hiệu quả và chuyển hóa thành tăng trưởng bền vững. Vì vậy, trong giai đoạn tới, tôi cho rằng, ngoài việc trông chờ vào xuất khẩu phục hồi trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, cũng như chờ lãi suất cho vay giảm đồng tốc với lãi suất đầu vào, thì cần phát huy vai trò của các công cụ điều hành khác.

Thứ nhất, thúc đẩy tổng cầu trong nước bằng tác động vào đầu tư công. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt hơn 352.000 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, song so với kế hoạch năm thì vẫn còn chậm, mới hoàn thành 49,4%. Nếu có thể đẩy thêm vào nền kinh tế hơn 300.000 tỷ đồng từ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2023 thì sẽ tạo cú huých đáng kể đối với tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, tăng tốc gỡ rối cho các dự án bất động sản, đặc biệt là nhóm dự án nhà ở bình dân, nhà ở xã hội, phân khúc vẫn có nhu cầu khá lớn. Hiện cơ quan quản lý đang tập trung giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến pháp lý của các dự án ở TP.HCM và Hà Nội, song tiến độ vẫn chậm. Theo báo cáo tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP diễn ra ngày 3/8/2023, TP.HCM đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37% số lượng dự án ban đầu), Hà Nội đã chỉ đạo, giải quyết được 419 dự án (tương đương 59% số lượng dự án ban đầu).

Ngoài ra, tôi kỳ vọng, Quốc hội sẽ thông qua 3 dự án luật quan trọng liên quan đến bất động sản là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vào tháng 10 tới, tạo hành lang pháp lý bền vững cho việc tháo gỡ các khó khăn của các dự án bất động sản hiện tại. Việc kích thích dòng vốn quay trở lại thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc bất động sản có nhu cầu thật sẽ phát huy hơn nữa hiệu quả của các chính sách tiền tệ đã ban hành.

Tin bài liên quan