Điểm danh những cú chốt lời nhiều tỷ đồng khi chứng khoán có sóng tăng

Điểm danh những cú chốt lời nhiều tỷ đồng khi chứng khoán có sóng tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tận dụng sự hưng phấn của thị trường trong một vài tuần trở lại đây, hàng loạt các lãnh đạo và người thân đăng ký bán cổ phiếu, doanh nghiệp bán cổ phiếu quỹ và quỹ đầu tư giảm sở hữu tại nhiều doanh nghiệp, điều này trái ngược lại hoàn toàn với giai đoạn cuối tháng 3 tới tháng 5/2020 khi lãnh đạo và doanh nghiệp mua vào đỡ giá chứng khoán.

Chốt lời hay hiện thực hóa khoảng đầu tư bằng cách bán cổ phiếu ra là hoạt động bình thường trên thị trường, nhưng lãnh đạo và cổ đông lớn bán ra, ít nhiều tạo nên sự bất an cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhà đầu tư mới mua vào...

Đầu tiên phải kể tới hoạt động của nhóm quỹ liên quan tới Dragon Capital, nhóm quỹ này có hoạt sôi động trong những tuần trở lại đây khi đồng loạt giảm sở hữu tại nhiều doanh nghiệp, ở chiều ngược lại mua vào không đáng kể.

Cụ thể, nhóm quỹ Dragon Capital vừa bán ra 2,5 triệu cổ phiếu CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) để giảm sở hữu từ 18,16% về còn 17,67% vốn điều lệ tại DXG, giao dịch được thực hiện ngày 17/12.

Trong ngày 17/12, nhóm quỹ Dragon Capital bán ra 1,5 triệu cổ phiếu CTCP Tập đoàn Hoà Phát (HPG) để giảm sở hữu từ 6,01% về còn 5,96% vốn điều lệ tại HPG; đồng thời bán ra 580.000 cổ phiếu CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) để giảm sở hữu từ 5,21% về còn 4,9% vốn điều lệ Vĩnh Hoàn và chính thức không còn là cổ đông lớn tại doanh nghiệp.

Kể từ đầu tháng 12 tới 17/12, nhóm Dragon Capital liên tục bán ra cổ phiếu CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) để giảm sở hữu từ 11,03% về còn 3,12% vốn FRT và chính thức không còn là cổ đông lớn tại doanh nghiệp.

Trong tháng 12/2020, nhóm Dragon Capital cũng thoái ra toàn bộ 67,7 triệu cổ phiếu DIC Corp (DIG) để giảm sở hữu từ 22,1% về 0%.

Ngoài nhóm nhóm Dragon Capital, một số giao dịch bán ra của các tổ chức khác như ngày 21/12, CTCP Chứng khoán SSI vừa bán ra hơn 1,1 triệu cổ phiếu CTCP Tập đoàn PAN (PAN) để giảm sở hữu từ 20,44% về 19,9% vốn điều lệ tại PAN.

Trước đó, ngày 8/12, quỹ PYN Elite Fund cũng đã bán ra 1,6 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 5,26% về 4,49% vốn điều lệ PAN và chính thức không còn là cổ đông lớn tại PAN.

Ở chiều ngược lại, nhóm Dragon Capital chỉ mua vào cổ phiếu CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) để nâng sở hữu 4,86% lên 6,45% vốn điều lệ tại Hà Đô Group.

Đặc điểm của nhóm cổ phiếu mà Dragon Capital thoái vốn là tăng mạnh trong thời gian vừa qua.

Quỹ PYN Elite Fund bán ra 6,45 triệu cổ phiếu MWG, giao dịch thực hiện ngày 25/11. Được biết, trong báo cáo mới nhất của quỹ, quỹ PYN Elite Fund cho biết đã bán ra toàn bộ cổ phiếu MWG và hiện không sở hữu cổ phần nào. Ở chiều ngược lại, quỹ chỉ tăng chỉ trọng một số cổ phiếu có thị giá thấp chưa tăng nhiều như Vinhomes (VHM), PV Power (POW), mặc dù vậy giao dịch cụ thể không được công bố.

Nhóm doanh nghiệp đăng ký bán cổ phiếu quỹ

Sau khi chứng kiến đà tăng mạnh của cổ phiếu, các doanh nghiệp cũng tận dụng sóng tăng để bán cổ phiếu quỹ và gia tăng tiền mặt.

Tại DIG, doanh nghiệp vừa bán ra 8,26 triệu cổ phiếu quỹ, thu về 179 tỷ đồng, đây là lượng cổ phiếu quỹ mua vào tháng 4, như vậy sau 8 tháng mua cổ phiếu quỹ, doanh nghiệp bán cao hơn 90 tỷ đồng so với giá mua vào.

Tại các doanh nghiệp như Vinamilk (VNM) đăng ký bán ra toàn bộ 310.000 cổ phiếu quỹ, giá mua bình quân là 38.000 đồng/cổ phiếu. Được biết, tính tới ngày 23/12, cổ phiếu VNM đang giao dịch vùng 110.200 đồng/cổ phiếu, cao hơn 190% giá mua cổ phiếu quỹ.

Tại Fecon (FCN), doanh nghiệp đăng ký bán ra 1,5 triệu cổ phiếu quỹ, giá mua trung bình 9.231 đồng/cổ phiếu, tính tới ngày 23/12, cổ phiếu FCN đang giao dịch 12.650 đồng/cổ phiếu, cao hơn 37% giá mua trung bình, đây là lượng cổ phiếu quỹ mua tháng 5/2020.

Tại GTNfooods (GTN), doanh nghiệp dự kiến bán ra 1 triệu cổ phiếu quỹ, giá mua trung bình 14.360 đồng/cổ phiếu, giá hiện tại là 27.500 đồng/cổ phiếu, tức cao hơn gần 92% so với giá mua, đây là lượng cổ phiếu quỹ mua đầu năm.

Bên cạnh đó, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cũng tận dụng sóng tăng để bán ra cổ phiếu như tại HDC, FCN, Thế giới Di Động (MWG), Chứng khoán SSI …

Tại Chứng khoán SSI, ông Nguyễn Hồng Nam, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc, em ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI đăng ký bán ra 924.000 cổ phiếu SSI, nếu giao dịch thành công sẽ giảm sở hữu từ 0,4% về 0,25% vốn điều lệ SSI, giao dịch thực từ 29/12/2020 đến 26/01/2021.

Tại MWG, bà Phan Thị Thu Hiền, vợ ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG vừa bán ra 500.000 cổ phiếu MWG, giao dịch từ 09-10/12. Trước đó, ông Trần Huy Thanh Tùng, Trưởng ban kiểm toán nội bộ bán ra 3 triệu cổ phiếu MWG, giao dịch ngày 11/11. Ông Đặng Minh Lượm, Giám đốc nhân sự bán ra 100.000 cổ phiếu MWG, giao dịch ngày 02/12. Bà Lý Trần Kim ngân, Kế toán trưởng bán ra 30.000 cổ phiếu MWG, giao dịch ngày 26/10 …

Tại FCN, ngày 18/11 ông Hà Thế Phong, Phó Chủ tịch HĐQT bán ra 250.000 cổ phiếu FCN.

Tại Biwase (BWE), ông Nguyễn Văn trí, Thành viên HĐQT đã bán 500.000 cổ phiếu, giao dịch thực hiện ngày 18/12. Ông Ngô Văn Lui, Phó Tổng giám đốc đã bán 100.000 cổ phiếu BWE ngày 18/12. Ông Tạ Trọng Huấn, anh ông Tạ Trọng Hiệp, Thành viên HĐQT độc lập đăng ký bán 500.000 cổ phiếu BWE, giao dịch dự kiến thực hiện từ 08/12/2020 đến 06/01/2021.

Tại Phát triển Nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (HDC), Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam đăng ký bán toàn bộ 2,8 triệu cổ phiếu, giao dịch dự kiến từ 28/12/2020 đến 27/01/2021. Ông Đoàn Hữu Hải, em ông Đoàn Hữu Thuận, Chủ tịch HĐQT đăng ký bán 200.000 cổ phiếu HDC, giao dịch thực hiện từ 24/12/2020 đến 22/01/2021. Bà Bùi Thị Việt, em bà Bùi Thị Thịnh, Kế toán trưởng đăng ký bán ra 50.000 cổ phiếu HDC, giao dịch thực hiện từ 23/12/2020 đến 21/01/2021.

Tại Hoa Sen (HSG), Công ty TNHH Tập Đoàn Đầu Tư Hoa Sen, công ty liên quan tới ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen liên tục bán ra giảm sở hữu. Ngày 09/06, tổ chức này bán ra 15 triệu cổ phiếu HSG, ngày 17/06 bán ra 20 triệu cổ phiếu HSG, ngày 01/12 bán ra 30 triệu cổ phiếu HSG và hiện tại đang đăng ký bán ra toàn bộ 43,1 triệu cổ phiếu HSG từ 04/12/2020 đến 02/01/2021.

Và còn nhiều doanh nghiệp đều có hiện tượng tương tự khi cổ phiếu tăng cao và lãnh đạo và người thân đăng ký bán ra cổ phiếu.

Có thể thấy trong ngắn hạn khi thanh khoản thị trường tăng cao, việc cổ đông nội bộ, cổ đông lớn và lãnh đạo bán ra chưa ảnh hưởng nhiều tới dòng tiền, tuy nhiên về trung và dài hạn đây sẽ là một lượng tiền lớn sớm bị rút khỏi thị trường và gây áp lực ngược lại nhà đầu tư hiện hữu.

Bối cảnh bán khi thị trường tăng cao

Bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục phá đỉnh và hiện tại đã vượt đỉnh lịch sử từ năm 2018 tới nay, chỉ số VN-Index đã vượt vùng 1.026-1.035 điểm và hiện giao dịch vùng 1.066 điểm.

Tương tự như chỉ số, các cổ phiếu đều giao dịch vùng giá cao và đặc biệt kể từ đầu tháng 12 tới nay, thị trường trải qua chuỗi bùng nổ cả về điểm số và thanh khoản.

Hoạt động chốt lời khi thị trường tăng nóng cũng là xu hướng tất yếu, nhưng các lãnh đạo doanh nghiệp cũng mang tính chỉ báo cho thị trường và đôi khi chỉ báo này cũng có độ trễ. Do đó trái ngược với hoạt động mua vào trong giai đoạn tháng 3- 5/2020 thì trong giai đoạn này, điều đó thể hiện thị trường đang ở vùng giá cao và nhà đầu tư vẫn nên thận trọng ở vùng hiện tại.

Tin bài liên quan